Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 4 tháng 11, 2017

Nói và làm

Vài chục năm trước, người ta hay truyền nhau câu nói của ông Nguyễn Văn Linh khi ông yêu cầu "những việc cần làm ngay", ông bảo "nói và làm", hai thứ phải đi đôi với nhau. Viết báo cho mục "Những việc cần làm ngay", ông ký tên NVL, bà con ta đọc là en nờ vê e lờ, cũng là dạng viết tắt của nói và làm.

Ấy, thời ông Linh là vậy. Ông này tuy cũng cải lương, không làm thứ gì đến đầu đến đũa giống như bất kỳ anh cộng sản nào nhưng cũng "lừa" dân được một thời gian. Thời đó, ông Trọng còn là anh tép riu, chưa nên cơm cháo gì.

Dù gì đi chăng nữa, ông Linh đúng ở chỗ, nói phải đi đôi với làm. Người bình thường mà đàng hoàng tử tế còn phải thế, huống hồ làm lãnh đạo. 

Nhưng tôi thấy những năm qua, xứ này nhan nhản chuyện "nói một đằng, làm một nẻo", hoặc nói không đi đôi với làm, nói mà không làm, nói ngược với làm. Kể ra vài thứ để các cụ dân thấy, chứ cán bộ chúng chả thèm nghe đâu:

-Có một dạo, vài năm trước, để dẹp bệnh hình thức, tránh tốn kém phiền phức, hoa hòe hoa sói, ông Trọng tổng bí thư yêu cầu trong những cuộc đi thăm và làm việc của ông, nơi ông đến, nơi ông làm việc không được căng băng rôn khẩu hiệu, không đón rước cờ quạt, không hoa hoét. Ông cũng đề nghị các đồng chí của ông làm như vậy. Sự gương mẫu của ông tổng diễn ra được một thời gian ngắn, rồi hình như chính ông cũng chán, cũng quên, mà cũng chẳng thấy đồng chí nào ủng hộ, làm theo. Hôm qua tôi coi tivi thấy ông Trọng tiếp chuyện tay bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, vẫn trên giời dưới hoa, khiếp. Đừng bảo nghi lễ quốc gia, quan hệ quốc tế, sự mến khách, v.v.. nó phải vậy. Nước người ta có tiếp tổng thống cũng chỉ hai cái ghế ngồi trò chuyện với nhau thôi, chả có món hoa hòe hoa sói đâu, nhá.

Nhiều năm trước, các ông chủ trương lập 2 khu đại học quốc gia ở Hà Nội và Sài Gòn, chuyển hết các trường đại học nội đô ra đó cho hoành tráng, vừa lấy đất và cơ sở vật chất nhà cửa cũ dùng vào việc quốc kế dân sinh khác, vừa giảm bớt ùn tắc giao thông, vừa có cơ sở đại học hiện đại quy mô sánh ngang các cường quốc 5 châu. Năm qua tháng lại, tới giờ hai cái đại học quốc gia thì ông dở ông thằng dở thằng, nhôm nhà nhôm nhoam, chả giống ai, còn các trường vẫn cố thủ ở nội đô, càng cấm càng xây, to đẹp hoành tráng hơn mười ngày nay như ý cụ Hồ, không có trường nào trả đất trả nhà cho phúc lợi dân sinh.

Vừa rồi các ông lấy biết bao nhiêu đất của thủ đô mở rộng xây dựng mới trụ sở các bộ ngành để chuyển ra ngoài. Tốn kém không biết bao nhiêu mà kể. Giờ thì gần như đã xây xong cả rồi, vẫn chưa có cu bộ nào nhúc nhích di dời, cứ một tấc không đi, một li không dời, xem làm gì được nhau. Nói đâu xa, bộ Ngoại giao có trụ sở mới rất to, hoành tráng bậc nhất, nhưng thiên hạ bảo nó quyết không nhả cái nhà trăm mái gần nhà quốc hội đâu. Tội gì nhả, đi họp chỉ quẹt chân đi bộ vài bước cũng cũng qua, trả nhà cho thằng khác sướng, họa có mà điên.

Đại loại kiểu cộng sản nói một đằng làm một nẻo nhiều lắm, kể ra có mà bã bọt mép.

Cụ nào đọc cái bài ngắn này, nhà cháu chỉ đề nghị đừng nhắc lại câu của ông tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, bởi nhắc đi nhắc lại mãi rồi.

Nguyễn Thông

1 nhận xét:

  1. Mưa, lũ, bão. Rảo mạng. Thưởng trà. Gõ chữ cho vui. Ai đó nói: Đàn ông yêu bằng mắt. Đàn bà yêu bằng tai. Tui thấy khá nhiều đàn ông Việt, có chữ, U60-70, phần số hao hao nhau, bàng hoàng hụt hẫng cuối đời, nghiệm ra, do khờ khạo, bắt chước đàn bà, yêu bằng tai nên bị mấy ông CSVN chúng lừa. Trong số đi lừa ấy, thật công bằng, lắm ông cũng là nạn nhân, ngậm bồ hòn mà không dám kêu ca đắng quá, đắng quá. Lần nữa, thật công bằng, khoa nói của mấy ổng quá giỏi. Để lừa được số lượng lớn người có chữ như vậy thì nội dung, phương pháp, chuyên môn của nhóm khởi động, phát động, chủ xướng này phải xếp vào hạng siêu. Thôi, ngu thì ráng chịu. Không than trách, đổ thừa thêm nhu, nhục. Ngâm cái câu này nghe được nè:
    "Tưởng giếng sâu, em nối sợi gàu dài,
    Ai ngờ giếng cạn, tiếc hoài cái sợi dây!"
    Riêng các câu mà ông Hồ, ông Thiệu nói, tui nghĩ, chúng ta không nên tiếp tục cổ xúy sự ngộ nhận. Thí dụ:
    Một nhà nho đời Tống tên Phạm Trọng Yêm dạy:"Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu. Hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc"(Buồn lo trước cái buồn lo của chúng dân. Vui sướng sau cái vui sướng của chúng dân). Ông Hồ đã học, đã hiểu và truyền đạt ý nghĩa của câu nói ấy vào ngữ cảnh, trường hợp vận dụng. Tương tự:
    Cách ngôn của Pháp có câu:"Fais ce que je dis. Pas ce que je fais"(Hãy làm cái anh nói. Đừng làm cái anh làm). Nói dễ nên chuyện nói hay nói đẹp là chuyện dĩ nhiên. Làm khó nên chuyện ì ạch, sai khuyết thường tình. Ông Thiệu theo thiên chúa giáo, tú tài toàn phần, khá giỏi và rành ngôn ngữ văn minh Pháp nên vận dụng ý tưởng của câu cách ngôn đã học vào trong thông điệp ứng khẩu của mình. Bản chất vấn đề là, quá nhiều vụ việc lời nói và việc làm của CSVN nó trật đường rây với nhau, nên ý tưởng ông Thiệu thốt ra, thấy chính xác và thú vị. Thêm nữa, diễn dịch như tui gây rắc rối, phiền hà và không có lợi cho mỗi nguyên thủ của...mình.

    Trả lờiXóa