Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 19 tháng 6, 2017

Nguyễn Duy lên đồng giữa chợ âm phủ

Tối qua 18.6, thi sĩ Nguyễn Duy có buổi gặp bạn đọc hoành tráng và thân tình ngay tại Hà thành, nơi kinh kỳ, đất văn chương. Dự sự kiện ấy, nhà báo Xuân Ba gửi cho tôi bài này, đèo theo chút kỷ niệm về Nguyễn Duy và Nguyễn Khải. Đầu tuần, xin hầu đọc các anh các chị.


NGUYỄN DUY LÊN ĐỒNG GIỮA CHỢ ÂM PHỦ
Xuân Ba
Trước khi bập vào chuyện Nguyễn Duy giao lưu và đọc thơ ở Phố Sách Hà thành xin dài dòng một tẹo.
Cái năm xa ấy tôi được bám theo hai đấng họ Nguyễn là Nguyễn Khải và Nguyễn Duy đi xứ Thanh. Đến địa phận Hà Trung phủ Tống Sơn xưa ghé vào đình Gia Miêu Ngoại trang. Đình Gia Miêu xưa kia nằm trong quần thể Miếu Triệu Tường thờ nơi phát tích nhà Nguyễn trong đó có cụ triệu tổ Nguyễn Kim. Triệu Tường hoành tráng hiện còn lưu lại tấm không ảnh chụp năm 1936 ngó rất kinh. Cụ Hồ tháng 2 năm 1947 nhân chuyến đi thăm Thanh Hóa đã bí mật ghé Đình Gia Miêu khấn khứa những gì chả biết? Thế mà chả bom chả đạn giặc giã gì mà hồi cải cách và những năm đầu 1960, tổng cộng hai đợt người mình đã phá gần như bằng địa!
Nhưng may mà sót lại cái đình. Năm ấy đình chưa sụp nhưng rệu rã lở lói chỉ cơn bão vừa vừa thôi là ụp. Trưa ấy nóng, Nguyễn Duy mặc cho cụ Nguyễn Khải hỏi chuyện ông lão chăn mấy con bò mé ruộng đình, cứ đánh trần khểnh trên chiếc chiếu rách của ông lão chăn bò trừng trừng ngó lên mái đình thông thống toang hoác những khoảng ngói trống. Ông lão chăn bò trưa ấy ngạc nhiên tròn mắt thấy Nguyễn Duy đang trần trùng trục bỗng lồm cồm bò dậy áo sống chỉnh tể tay giơ quá đầu lớn giọng khấn khứa… Đại để lạy Liệt tổ liệt Thánh, tỉnh chúng con dân làng chúng con sẽ sửa sang lại ngôi đình này. Nhà văn Nguyễn Khải chẳng nói gì cứ tủm tỉm…
Tưởng cho vui. Nhưng chuyến đi Thanh ấy, còn nhớ Nguyễn Duy với chất giọng thống thiết từng bàn với ông Chủ tịch tỉnh Phạm Minh Đoan việc phục dựng ngôi đình cổ Gia Miêu ra sao. Chất giọng ấy hình như sau này cũng có dịp ghé bên tai ông Nguyễn Khoa Điềm (hình như là hậu duệ của cụ Nguyễn Khoa Chiêm vốn là người tâm phúc có công với các chúa Nguyễn) khi ấy là Bộ trưởng Bộ Văn hóa. Nói chung là nhiều thứ tác động, giúp đỡ khác nữa trong đó có sự ra tay của dòng họ Nguyễn Phước tộc. Thế mà sau đó đã có tiền cho việc phục dựng ngôi đình Gia Miêu xiêu vẹo khang trang như hiện nay!
Tiết Thanh Minh vừa rồi nhân có nhóm bạn Xứ Thanh mời Nguyễn Duy bay ra để can dự vào một việc vui, tôi vội điện vô. Từ tít Sài Gòn, chất giọng cố hữu vốn trầm ấm và có chút ma mỵ bỗng chợt khàn khàn báo ra rằng bà vợ lão trở bệnh đang phải nhập viện. Mà chính lão cũng phải vô Viện vì lớ quớ sao đó dẫm phải cái đinh. Tưởng sơ sơ, đùng phát nhiễm trùng! Một gã trong nhóm bạn meo cho lão một khúc. Nội dung như sau.
Thành phố Hồ Chí Minh
Ngó xa thấy lung linh
Thảm hoa mời gọi đấy
Thế mà bác dẫm đinh
Chợt nhớ ngày ở Đình
Gia Miêu Tổ bác Khải
Bác Duy ngất ngưỡng, phải
Mau sửa Đình! Bớ bay.
Khang trang Gia Miêu nay
Cố nhân một cụ khuất
Một cụ vướng Đinh Liệt
(dẫm phải đinh)
Xứ Thanh mờ cơn say
(Nhân cơn buồn xứ Thanh chợt nghe Nguyễn Duy dẫm đinh, rùng mình cảm tác).

Bẵng đi một hồi chả thấy điện đóm nhắn nhe gì. Một bữa thấy chình ình một meo thế này.
K/g các bác & các bạn.
Tớ vừa ra viện thì đi ngay một vòng từ Huế, qua Lào, vượt Mekong sang Thái - ngược lên Vientian, Luang Prabang, xuống Cánh Đồng Chum rồi đổ về Thanh Hóa, xuôi Nghệ-Tĩnh, Bình-Trị-Thiên và tạm dừng tại Huế, vì hết tiền lẫn hết sức. Ghi hình đọc thơ cho một trường thiên tư liệu "Nguyễn Duy với núi sông Đông Dương", chưa biết để làm gì, do một nhóm bạn thiết kế và tài trợ trọn gói. Tôi đã đọc thuộc lòng hầu hết những bài thơ đáng nhớ của mình với Trường Sơn, Mekong (thác Khon) và sông Mã, sông Gianh, sông Hiền Lương, sông Hương, với cát trắng miền Trung cùng một số địa điểm nổi tiếng về lịch sử, văn hoá khác. Sẽ còn phải ra sông Hồng, lên Lạng Sơn, Điên Biên, về Cửu Long và kết thúc bằng Đá Ơi tại Angkor. Nói dài dòng vòng vèo vậy để thông báo một cuộc chơi chưa ai làm và cũng để cảnh báo các bác và các bạn là tôi có thể xin tiền quí vị cho phần việc còn lại của cuộc chơi thơ không phải vì tôi này đấy.

Chao ôi hoành tráng lẫn nhiêu khê các đợt chơi cuộc chơi của ông thi sĩ họ Nguyễn này!
Đất Hà Thành này còn lưu lắm cuộc chơi trong đó có một triển lãm thơ Nguyễn Duy trên nơm, dậm, đó, trúm… năm ấy ở phố Hàng Bài. Đợt triển lãm lạ và độc ấy, theo yêu cầu người coi kéo có hơn tuần. Nhớ trưa ấy ghé triển lãm, phòng thưa người. Một mái đầu bạc thấp thoáng gian bên. Lại gần thì ra ông Sáu Dân Võ Văn Kiệt. Ông hỏi Nguyễn Duy đâu? Cả bọn ớ ra không rõ… Ông Sáu cười khoát ta chỗ góc phòng, cái điếu cày còn để đây chắc chưa đi xa đâu!
Và bữa nay chất giọng trầm khàn ma mỵ ấy lại đang nhấn nhá ở chợ sách Hà Thành!
"Nguyễn Duy làm cuộc giao lưu phát hành 3 cuốn sách 19 giờ chủ nhật 18-6 tại Nhà sách Phương Nam Phố sách 19-12 Hà Nội. Thân mời bạn già tham dự".
Theo tin nhắn ấy của nhà thơ Nguyễn Duy, tôi mò đến phố sách. Phố Sách ngày trước là cái chợ có tên 19-12 nhưng dân Hà thành quen gọi là chợ âm phủ. Con phố ngắn nối thông đường Hai Bà Trưng và Lý Thường Kiệt thời Tây có tên Rue Simoni mang tên ông Thống sứ Bắc Kỳ Simoni giai đoạn 1909-1912. Thời cụ Trần Văn Lai làm thị trưởng dưới trào Trần Trọng Kim đổi Rue Simoni là Lê Chân.
Năm 1946, 1947 nơi đây thành khu mộ tập thể của các nạn nhân chết trong cuộc Toàn quốc kháng chiến. Hàng trăm dân và tự vệ thành hy sinh ở khu vực 36 phố phường và ở các nơi xảy ra chiến sự đã được chôn cất vội vàng tại đây. Nghe nói trên con phố chi chít mộ này xây dựng công trình kiểu gì cũng không được nên cho làm chợ chỉ chuyên bán thịt chó đuổi ma tà sau này được gọi là chợ 19-12. Nhưng mãi sau này dân cứ quen là chợ Âm phủ. Quả là chợ ấy nổi danh thịt chó. Thời ấy chưa rầm rộ mở ra Liên hiệp các doanh nghiệp thịt chó trên Nhật Tân, Quảng Bá nên thịt chó Mã Mây, nhất là chợ Âm phủ khá hút khách. Hơn chục hàng chó chặt hầu hết dân Vân Đình mạn Hà Đông ngồi chợ đã hằng bao năm. Thứ chó thui bằng rơm nếp thơm lừng dần vắng bởi để nhanh và tiện họ phết bột màu véc ni cho vàng ươm bắt mắt. Quãng năm 85, 86 thế kỷ trước Hà Nội thực hiện dự án cải tạo chợ Âm phủ thành một trung tâm thương mại hay mở đường sá gì đó, trực tiếp chứng kiến kíp thợ tiến hành tìm kiếm, cất bốc hài cốt dưới nền chợ "Âm phủ" thì mới thấy rợn thấy hãi. Trong mấy tháng trời, đội Cải táng của nghĩa trang Văn Điển kết hợp với Ban quản lý dự án công trình giao thông (Sở Giao thông Vận tải) đào sâu 3,5m trên nền cũ của chợ "Âm phủ". Họ đã cất bốc được hàng trăm tiểu đựng hài cốt. Những hài cốt này lại được thu gom, đem đến an táng trong nấm mồ chung tại nghĩa trang Yên Kỳ. Thế mà lâu nay bao lần cứ cữ cuối tháng mấy thằng lại rủ nhau góp tiền mò đến cái chợ âm phủ điềm nhiên ngự trên bùn và dưới là… hài cốt mà bốc bãi đánh chén!
Thế rồi dự án biến chợ Âm phủ thành Trung tâm thương mại không thành. Hà Nội không vội mà nhẩn nha biến nền chợ thành con lộ lát đá xứ Thanh đem ra cỡ nhỏ như bên Tây. Và trồng hoa trông cũng khá bắt mắt. Sau đó hình như không ưng lại biến thành phố sách chợ sách như hiện nay. Hàng chục nhà xuất bản đều kịp xoay xỏa có kiosque của mình ở phố sách.
Phố sách ưu ái nhường vị trí ngay giữa phố cho cuộc giao lưu. Nhà sách Phương Nam cẩn thận giăng một cái lọng khổng lồ trùm lên sự kiện phòng trời đổ mưa. Nhưng may mắn từ chiều trời hây hấy khô ráo mát mẻ. Từ chặp chiều chĩnh chiện trước sân khấu nơi diễn ra cuộc giao lưu "Làng ta ở giữa làng ta" là dãy bàn thấp ngay ngắn những chồng sách của nhà Phương Nam in trong năm 2017 ba tác phẩm của Nguyễn Duy. Tuyển tập thơ lục bát; Quê nhà ở phía ngôi sao; Ghi và Nhớ.
Chưa đến bảy giờ tối khách đã kín mít các hàng ghế nhựa hơn trăm chiếc và đa phần phải đứng. San sát những mặt quen và đa phần lạ. Khách gần có Phạm Xuân Nguyên, Đinh Hoàng Thắng, Chu Văn Sơn, Nguyễn Thụy Kha, Hữu Ước… Thấp thoáng những gương mặt từ Sài gềnh mới bay ra hồi chiều Trương Duy Nhất, Huy Đức, Dương Minh Long… Và anh con trai của nhà thơ tên Sơn tòn ten chiếc máy ảnh trên cổ. Trên sân khấu ông bố Nguyễn Duy đang đọc bài "Đánh thức tiềm lực" viết tặng anh Sáu Dân đi làm kinh tế có nói thêm thằng con trai tên Sơn hồi ấy mới tí xíu…
Ngắm ngó nhà thơ Nguyễn Duy đọc thơ ở phố sách Hà thành. Mà ngày trước là chợ Âm phủ. Mà dưới cái nền kia từng lèn chặt xếp dãy hài cốt thú thực cứ thấy là lạ lẫn rờn rợn thế nào?
Nhưng chất giọng trầm ấm của nhà thơ đã cất lên. Tự tin thanh thản chững chạc như mọi bận xuất hiện trước công chúng trước những đám đông. Bữa nay cứ như Nguyễn Duy đang lên đồng hay ít nhiều truyền cái cảm giác mê hoặc cho những người xung quanh? Chả biết nữa. Có cảm giác Nguyễn Duy cứng vía phết! Nếu như trên nền chợ âm phủ này còn sót lại các vong nào đó cũng khó mà ám được Nguyễn Duy? 


Những tràng vỗ tay tán thưởng như vô tình kéo thêm khách ghé phố sách quây tụ chỗ Nguyễn Duy đọc thơ. Khi biết được diễn giả chính là Nguyễn Duy thì cơ man nào là các smarphone giơ lên tua tủa. Ngồi tít phía góc dưới chỗ đám nhà báo để dụng cụ máy móc tôi để ý có một cô áo vàng bụng chửa vượt mặt luôn chăm chú cái nhìn lên sân khấu. Câu chuyện lúc đứt nối của anh bạn báo với cô áo vàng khiến người ngồi cạnh tò mò. Cô nói cô tên Thanh, quê ở Vĩnh Phúc vẫn thường lang thang ở Hà Nội để mưu sinh. Không biết cô làm nghề gì? Nhưng nói lần này xuống Hà Nội đi tiếp tế cho người yêu đang ở tù. Cô nói không biết Nguyễn Duy là ai nhưng chặp tối ghé qua phố sách thấy người ngươi xúm đông xúm đỏ quanh một bác đọc thơ. Tò mò cô len vào. Đứng một lúc nghe câu được đâu chăng nhưng cô thấy ông đọc thơ hay quá. Hay như thế nào? Cô không cười mặt hơi bị nghiêm đáp luôn rằng ông này làm thơ về người nghèo hơi bị lạ!
May mà có những diễn giả khác như nhà giáo Chu Văn Sơn và mấy người nữa gánh hộ cho Nguyễn Duy cho đỡ vất, nhọc thời lượng đọc thơ lẫn giao lưu. Gần 9 giờ rưỡi đêm cô nhà sách Phương Nam rỉ tai một anh trong Ban tổ chức chương trình mới chuyển sang phần tác giả ký tặng sách. Nhà thơ Nguyễn Duy mặt đầm đìa mồ hôi nhưng giãn nở, thơ thới… Nghe thoáng qua anh con trai, đâu như ngày mai đi Quảng Ninh. Mốt lại quay về Thanh. Quên chưa kịp hỏi đi như thế là chơi hay có giao lưu, đọc thơ không chưa rõ?
Chao ôi cha con nhà này, cứ như thể bị trời hành.
Tối 18.6.2017
Xuân Ba

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét