Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 31 tháng 5, 2017

Đèn Hoa Kỳ

Hôm qua báo chí đăng tin Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi thăm Mỹ theo lời mời của ông tổng thống Đônan Trăm. Dư luận ì xèo về cách tiếp đón ở sân bay thành phố Nữu Ước, tôi chẳng quan tâm, nhưng tôi để ý tới món quà mà thủ tướng đem theo: một chiếc đèn dầu, còn gọi là đèn Hoa Kỳ.

Thực lòng, tôi đánh giá cao việc chọn món quà này. Quà mà nguyên thủ hay quan chức nhà nước cấp cao tặng nhau không cần phải là thứ có giá trị tiền bạc lớn mà quan trọng ở giá trị tinh thần, ý nghĩa sâu sắc. Có tặng tiền tỉ cho đại diện nước Mỹ cũng không làm người ta sướng bởi luật nước này đã quy định tất cả quà cáp quan chức thu nhận đều phải khai báo với cơ quan kiểm soát, chỉ được giữ lại những món nào trị giá tiền bạc dưới 200 USD. Vị nào gian dối, nếu bị phát hiện là toi đời, sự nghiệp chính trị sẽ về mo, không bao giờ có thể ngóc đầu được nữa. Người Mỹ rất ghét sự gian dối. Tôi đã đi Mỹ lần nào đâu mà biết, nhưng nghe rất nhiều bạn tôi bẩu thế. Con gái tôi còn bổ sung, ai vào lãnh sự quán hoặc đại sứ quán Mỹ để phỏng vấn xin visa, nó phát hiện nói dối một lần thôi, dù nói dối về bất cứ thứ gì, ngày tháng năm sinh chẳng hạn, thì đừng hòng hy vọng được vào nơi đó lần thứ 2 chứ đừng nói qua Mỹ.

Đang nói chuyện quà tặng, tự dưng chệch sang chuyện Mỹ. Khen Mỹ có mà khen cả ngày. Ở xứ ta á, quan chức sống chủ yếu bằng quà tặng các kiểu, được gọi khéo léo thành lộc. Lộc quan là thứ hấp dẫn người ta đua tranh vào hoạn lộ. Vừa rồi có vị đại biểu quốc hội sổ toẹt ra rằng thu nhập của hầu hết bộ trưởng xứ này cao gấp nghìn lần lương. Lão Maddox hàng xóm nhà tôi cằn nhằn rằng sống bằng lương thế đéo nào được. Tôi bảo ông chả đang sống bằng lương hưu đó sao. Lão quát, nhưng tao không ngày nào cũng tiệc tùng, xe cộ, biệt thự, em út, mát xa mát gần…

Lại chệch, cần quay về chuyện đèn điếc thôi kẻo làm mệt người đọc. Tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng dụng ý của ông thủ tướng Phúc là hai nước chúng ta sẽ cùng thắp sáng hiện tại và tương lai. Có đèn mà để quan hệ tăm tối thì coi sao được. Ông nào cố ý phùng mang trợn mặt thổi tắt phụt ngọn lửa đèn thì xóa mẹ nó quan hệ đi còn hơn. Sực nhớ câu thơ của thi sĩ quá cố Phạm Tiến Duật “Ôi ngọn lửa đèn/Có nửa cuộc đời ta trong ấy/Giặc muốn cướp đi/Giặc muốn cướp lửa tim ta đấy”. Giá tay trợ lý, tham mưu nào mách cho ông Phúc đọc câu này kể cũng hay hay, chứ lần nào cũng Kiều, chán bỏ mẹ.

Thứ Ba, 30 tháng 5, 2017

Có một Đoan ngọ máu ở xứ Thanh

Cách nay đúng 45 năm, Tết Đoan ngọ năm Nhâm Tý 1972 xảy ra vụ thảm sát kinh hoàng ở Thanh Hóa bởi bom Mỹ. Nhà báo Xuân Ba vừa về tận nơi hiểu lại vụ này và mới meo gửi cho tôi. Tôi đưa lên đây để mọi người cùng biết về một bi kịch thời đã qua, và nhất là để những ai có trách nhiệm giải quyết chế độ chính sách xã hội, cụ thể là ông bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung quan tâm, xem xét về chính sách cho hàng trăm người đã khuất. Đừng để bi kịch kéo dài mãi như thế.

XUÂN BA (nhà báo)

Tết Đoan Ngọ, Tết giết sâu bọ. Xứ Thanh quê tôi coi trọng cái tiết, tết ấy chỉ sau tết Nguyên đán mà thôi. Bâng khuâng nhớ những năm xa đói kém, nhà túng đói quá phải cháo loãng cầm hơi thì chả nói làm gì. Nhưng nhiều nhà khá hơn cũng cố biện chút xôi gà, thửa nồi bánh lá răng bừa, tráng chút bánh cuốn cúng kiếng. Đơn giản hơn, chỉ chút cơm rượu nếp ủ men, mấy quả mận quả muỗm chua lè cho lũ trẻ ngốn rau ráu từ tinh mơ gọi là để giết… sâu bọ!

Nhưng cũng đúng cái tiết tết Đoan Ngọ ấy năm Nhâm Tý năm 1972, cụ thể là 8 giờ sáng ngày 14-6-1972 tại Hàm Rồng đã xảy ra trận thảm sát rùng rợn.

Số người bị chết là 130, bị thương 140. Trường Y, Trường sư phạm 10+2 chết nhiều nhất. Những cô gái, chàng trai đang ở độ 18, đôi mươi….

Tôi đã gặp nhà văn Kiều Vượng (Giải thưởng Văn học Mê Kông năm 2012) nhân chứng trận thảm sát ấy. Nhà văn khi đó đang làm việc ở ngành GTVT vận tải Thanh Hóa.

Và đây là chuyện của Kiều Vượng:

Thứ Bảy, 27 tháng 5, 2017

Chuyện vặt thời đã qua: Chuyện ăn độn (tiếp)

Nhiều khi cơm độn cũng chả đủ cho nhà đông miệng ăn, không ít gia đình phải dùng đến cách độn gián tiếp là ăn thật nhiều rau củ. Nhà tôi sau khi đã vào hợp tác xã cũng thiếu gạo như những hộ xã viên khác, cơm bữa chỉ 2 lưng bát mỗi người nên rau thành món độn chủ lực. Có những bữa, rửa rau muống cả rổ sề, chỉ luộc chấm mắm cáy thôi, thế mà cũng ăn hết. Rau thay cơm. Mùa nào thức ấy, canh rau cải, rau tập tàng (gồm những loại rau dại như rau sam, rau dền, rau muối… nấu chung với nhau), mướp, rau ngót, ngọn khoai lang, ngọn bí, đọt bầu, mùng tơi… chiếm lĩnh mâm cơm, cứ xanh ngăn ngắt. May mà ăn rau nhiều không chán, lại sẵn nữa, không thì chết đói.

Lại nhớ sau khi nhạc sĩ Vũ Trọng Hối có bài hát Bước chân trên dải Trường Sơn, được ít lâu thì có bài chế theo. Lời nguyên của nó là “Ta vượt trên triền núi cao Trường Sơn/đá mòn mà đôi dép không mòn/Ta đi nhằm phương xa/gió ngàn đưa chân/ta về quê hương/quân về trong gió đang dâng triều lên” được chế thành “Ta lại đi và nấu cơm nồi nhôm/rế mòn mà cái đít không mòn/Ta bắc nồi cơm lên/sắn nhiều hơn ngô/ngô nhiều hơn khoai/khoai nhiều hơn cơm/trông nồi cơm đó thấy sao mà ngán”, đứa nào cũng thuộc, ngồi dăm ba đứa lại hát inh ỏi cho vui và đỡ đói.

Như đã nói ở phần trước, tôi vừa sinh ra đã chịu cảnh ăn độn, thì như mọi đứa mới sinh cũng được bú mẹ nhưng mẹ chỉ tinh ăn độn khoai củ, rau thay cơm, ít sữa nên suốt tuổi thơ tôi lúc nào cũng còi cọc đèo đẹn. Tuy nhiên, thời ăn độn ghê nhất lại là lúc bắt đầu đi làm, năm 1977, trở về sau.

Thứ Sáu, 26 tháng 5, 2017

Khen

Một số vị quan chức, cựu quan chức vừa lên tiếng khen đảng và nhà nước đã mạnh mẽ hơn, có bước đột phá trong việc kỷ luật, khởi tố mấy ông nguyên quan chức đã về hưu từ tám hoánh, chẳng hạn Vũ Huy Hoàng, Phí Thái Bình. Các vị khen hồ hởi bảo rằng điều đó cho thấy đảng làm rất quyết liệt, không có vùng cấm, ai đã tham nhũng, mắc vi phạm thì dù nghỉ rồi cũng không thoát, v.v..

Theo tôi, các bố cũng chỉ khen vớ khen vẩn. Ở một xứ mà lợi ích nhóm trùm lên cả đảng, luôn lấy sự bao che cho nhau làm trọng, ném chuột sợ vỡ bình... thì mấy cái trò đó chỉ lừa được người nhẹ dạ cả tin hoặc ngây thơ cụ.

Nếu có giỏi, thì làm như các xứ Hàn Quốc, Brazil kia kìa, đương kim tổng thống cũng bị lôi tuột xuống, còng tay, ra tòa, vào tù. Đó mới là không có vùng cấm, nhé. Nhưng xứ người ta thế cũng chỉ là chuyện bình thường, không cần phải bố nào mở miệng khen nức nở.

Thực ra, tôi cũng thừa hiểu thâm ý của đảng và của các bố khen (có mục đích), chẳng qua định dọn đường cho chuyện gì đó, gọi là đánh tiếng, chuẩn bị dư luận trước, "để đồng bào trong nước, đồng chí trong đảng khỏi cảm thấy đột ngột", làm gì cũng đúng quy trình. Nhưng cái kiểu vừa đéo vừa run ấy chỉ làm cho dân chúng bật cười. Đợi khi các vị khép lại quy trình thì thằng vi phạm nó đã sống lâu bằng ông bành tổ rồi còn đếch gì.

Ký tên: Thông cào rảnh rỗi sinh nông nỗi.

Thứ Tư, 24 tháng 5, 2017

Người hiếm trong làng báo chí xứ Việt

BÁ TÂN (nhà báo)

Cái để đời của nhà báo là bài viết cùng với nhân cách được bạn đọc ghi nhận và lưu giữ trong tâm khảm.

Đời làm báo là cuộc đua marathon. Hết chặng này, đến chặng khác. Không ngừng nghỉ, kể cả sau khi đã về hưu.

Đại loại, phổ quát là như vậy. Tuy nhiên, trong làng báo chí, vẫn còn bộ phận thiểu số (không phải là bộ phận không nhỏ) viết lách lôm côm, tư cách rách nát, nhưng lại “máu mê” quyền lực, chạy chức bằng mọi giá.

Hầu hết các tờ báo đều có những phần tử như thế. Đó là một thứ bệnh hoạn. Thậm chí, tại một số cơ quan báo chí, thứ bệnh này trở nên nghiêm trọng.

Ở báo Đại Đoàn Kết có trường hợp hoàn toàn ngược lại. Nhân vật đặc biệt này là nhà báo Hữu Nguyên. Bằng việc làm khẳng khái của mình, Hữu Nguyên thực sự trở thành “của hiếm” trong làng báo chí.

Ngày 22.5.2017, Hữu Nguyên có văn bản gửi lãnh đạo cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam – cơ quan chủ quản của báo Đại Đoàn Kết – từ chối việc tái bổ nhiệm chức danh Phó ban đại diện báo Đại Đoàn Kết khu vực phía nam.

Hồ sơ tái bổ nhiệm của Hữu Nguyên hiện nằm trên bàn các vị lãnh đạo cơ quan chủ quản báo Đại Đoàn Kết. Theo kế hoạch, sẽ có quyết định và công bố trong thời gian tới.

Không chờ ngày công bố, nhà báo Hữu Nguyên chủ động có văn bản từ chối chức danh sẽ được tái bổ nhiệm.

Thứ Hai, 22 tháng 5, 2017

Đối thoại

Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương đảng, Trưởng ban Tuyên giáo trung ương, vừa nói rằng đảng đang nghiên cứu việc có thể đối thoại với những người không cùng quan điểm, không chung đường lối. Bây giờ mới nghĩ (nghĩ chứ chưa thực hiện) là quá muộn rồi, ông Thưởng ạ. Đối thoại, đó là biểu hiện rõ nhất của dân chủ và tôn trọng sự khác biệt về tư tưởng, quan điểm. Còn rụt rè, chần chừ gì nữa mà không làm ngay đi. 

Những kẻ cùng đinh như tôi, ban tổ chức sẽ cho rớt ngay từ vòng gửi xe nên cũng chẳng ham đối thoại. Ghế ấy để dành cho những đấng bậc hào kiệt, trượng phu, thông tỏ sự đời. Tuy nhiên, từ bãi xe, tôi đề nghị các ông phe ông Thưởng trả lời giùm cho tôi câu hỏi:

Trong những nước giàu có, dân hạnh phúc sung sướng, có nước nào theo chủ nghĩa xã hội không; trong những nước theo chủ nghĩa xã hội, có nước nào sớm thoát khỏi nghèo đói, nội chiến không? Bây giờ thế giới có gần 200 quốc gia, còn mấy nước bám vào thứ chủ nghĩa này?

Ông giả nhời được một cách thuyết phục tức là đối thoại đã thành công.

Nguyễn Thông

Chủ Nhật, 21 tháng 5, 2017

Chuyện vặt thời đã qua: Chuyện ăn độn

Mới chỉ vài chục năm thôi nhưng chuyện này đã xưa như cổ tích. Bọn trẻ bây giờ, ngay cả những đứa sống ở vùng nông thôn nghèo cũng chả biết ăn độn là gì. Chúng không hình dung ăn mà lại độn, đâm ra thắc mắc độn thế nào, độn cái gì, sao lại phải độn… Tôi có đứa cháu họ học lớp lá, có lần nó xin ông trẻ ơi cho cháu ăn độn với, thì ra nghe người nhớn nói, nó tưởng độn là món ngon, kiểu như gà quay, khoai tây chiên, pizza chẳng hạn. Cũng như có lần nó đòi về hưu, nó bảo ông bà về hưu sao không cho cháu theo, cháu thích về hưu lắm, thích hơn ở thành phố. Trẻ con ngây thơ thật dễ thương.

Miền Bắc ăn độn trường kỳ, suốt từ sau năm 1954 cho mãi tới đầu thập niên 90, còn dân miền Nam trước năm 1975 theo như ông bạn đồng nghiệp tôi người TP.Mỹ Tho (Tiền Giang) kể thì không phải ăn độn, lúa gạo ê hề, độn điếc gì, chỉ từ sau 1975 mới được nếm món đặc sản vĩ đại ấy.

Bu tôi sinh tôi sau chiến thắng Điện Biên Phủ gần 1 năm. Sau này tôi nhớn rồi, thỉnh thoảng bu tôi ôn nghèo kể khổ, bảo “chỉ ông Thông là khổ nhất, chả biết thịt sữa là gì, tinh dững ăn độn”. Bu tôi kể lúc tôi còn bú nhưng bu chả có sữa, bởi ăn toàn những khoai, sắn, củ rau muống thì lấy đâu ra sữa. Tôi còi cọc đèo đẹn, nuôi mãi mới lớn cũng một phần do tôi là sản phẩm của thời đại thiếu thốn “dọn tí phân rơi nhặt từng ngọn lá/mỗi hòn than mẩu sắt cân ngô”, học đến lớp 10 mà chỉ loắt choắt như đứa lớp 7-8 hệ 12 bây giờ.

Thứ Bảy, 20 tháng 5, 2017

Say chiến thắng

TRẦN QUỐC QUÂN (nhà văn)

Ngay từ thời đỉnh cao của chế độ bao cấp, bằng các phương pháp phân tích thống kê, tôi đã phát hiện ra điều gì đó sai sai

Sau khi kết thúc chiến tranh chống Mỹ, cả nước ta sôi lên trong cơn lên đồng tập thể "Đánh Mỹ được thì chả điều gì ta không làm được". Tôi còn nhớ, năm 1976, trước Đại hội đảng lần thứ 4, trợ lí của Bí thư thứ nhất Lê Duẩn (lúc đó chưa có chức danh tổng bí thư) đến nói chuyện tại hội trường trường đại học Kinh tế Quốc dân. Cả hội trường hầm hập hơi người càng trở nên nóng hơn bởi những lời có lửa của ông ấy, rằng trữ lượng dầu của nước ta lớn đến mức, dầu của ta lớn như con voi thì dầu Trung Đông bé như con tem dán lên lưng con voi, rằng chỉ trong vòng 20 năm nữa kinh tế Việt Nam sẽ vượt Pháp, nước có dân số tương đương...

Người hăng hái nhất đẩy đất nước vào cơn lên đồng điên loạn là Tố Hữu với những vần thơ lạc quan cách mạng đầy hoang tưởng. Có lẽ say quyền lực nên những vần thơ của ông vốn đã ít chất lãng mạn, ngày càng mang hơi hướng xã luận chỉ đạo hơn. Tôi còn nhớ bài xã luận của ông chiếm hết 2 trang giữa báo Nhân dân có tít "Nhân rộng điển hình Định Công ra cả nước" đầy những lí lẽ giáo điều kêu gọi đưa phong trào hợp tác hóa nông nghiệp của nước ta lên tầm cao mới với cách thức, chẳng cần đầu tư, làm mẹ gì, chỉ cần sáp nhập nhiều HTX bậc thấp là thành 1 HTX bậc cao. Ấu trĩ nhỉ!

Thứ Năm, 18 tháng 5, 2017

Thơ nịnh

Chả giấu gì, tôi là một trong khá nhiều người từng thích nhà thơ Chế Lan Viên và thơ của ông. Cứ thấy có giọng điệu lạ thì thích thôi. Mà nói của đáng tội, ông Chế có khá nhiều câu đọc được.

Nhưng ông và ông Xuân Diệu là hai nhà thơ nịnh thượng hạng, siêu nịnh. Nhiều câu nhiều bài chối không chịu được. Bài "Ngói mới" của Xuân Diệu là một ví dụ. Chế cũng chả kém. Khi nông dân bị ép vào hợp tác xã làm ăn ba chập ba cháo, đói vàng cả mắt thì ông viết "Ruộng đoàn tụ nên người thôi chia cắt/Đêm no ấm giọng chèo khuya khoan nhặt/Lúa thêm mùa khi lúa chín về ta/Đều lộng hương thơm những cánh đồng hợp tác/Chim cu gần, chim cu gáy xa xa"... Đại loại nịnh thối vậy.
Thời ấy, nịnh thì sống. Đến cá tính, thẳng thắn như cụ Nguyễn Tuân cũng có lúc phải chua chát thừa nhận "tôi sống được đến lúc này cũng bởi im mồm". Toàn đảng toàn dân đồng thanh nịnh thì thơ dở cũng thành thơ hay.

Hồi xưa, mấy anh em tôi khi đọc trong sách giáo khoa lớp 10 bài "Người đi tìm hình của nước" của đại thi sĩ nịnh Chế Lan Viên đã rất thắc mắc về câu mở đầu "Đất nước đẹp vô cùng nhưng Bác phải ra đi". Ai cũng tấm tắc khen câu thơ hay, khen thi sĩ tài hoa trổ bút thần, khen hình tượng con người bỏ nước đi tìm đường cứu nước, mà không hề thắc mắc tại sao đất nước đã đẹp đến thế, đẹp vô cùng, còn bỏ đi làm gì.

Hồi xưa có những trường hợp con nhà địa chủ, giàu có, gia thế, sống rất sung sướng nhưng quyết chí bỏ nhà ra đi làm cách mạng bởi nhiều nhà khác còn đói nghèo, bị áp bức (như ông Trường Chinh chẳng hạn). Bỏ nhà mình giàu có với mục đích mọi nhà cùng giàu có.

Nếu cụ bỏ nước đẹp vô cùng đi với mục đích cứu cả thế giới lầm than, làm cách mạng quốc tế toàn địa cầu thì bỏ nước còn có lý, nước mình đẹp nhưng nhiều nước khác vẫn đen tối, u ám, xấu xa, mình hy sinh, từ bỏ cái đẹp để đi cứu người ta, sẽ dễ chấp nhận. Đằng này nước mình đã đẹp rồi, lại còn bỏ đi. 

Nếu nước lầm than dưới ách cai trị của thực dân phong kiến mà khen là đẹp thì phải xem lại nhà thơ Chế Lan Viên. Nói theo kiểu cô Tạ Bích Loan, viết như thế nhằm mục đích gì.

Nguyễn Thông

Thứ Ba, 16 tháng 5, 2017

Án văn (tiếp)

Hôm trước trong bài Án văn phần 1, nhân nhắc lại vụ án văn nghệ kinh thiên động địa Nhân văn giai phẩm, tôi lục tìm đống sách nhà mình tòi ra mấy cuốn đáng giá, giấy đã ố vàng theo thời gian, quý nhất là cuốn Phấn đấu vì một nền văn nghệ xã hội chủ nghĩa của ông Tố Hữu. Quý ở chỗ muốn nói thì phải có sách, mách có chứng, kẻo ai đó lại bảo mình phịa. Lẩn mẩn giở đọc mấy bài, cứ giật thon thót. Giời ạ, làm sao mà ngày xưa người ta lại có thể tung hô bốc lên tận may xanh được cái giọng điệu đao phủ, phát xít, côn đồ như vậy. Rồi tặc lưỡi, với ông trùm - chánh mật thám phòng nhì nhà đoan kiểm duyệt văn nghệ Tố Hữu ấy, không tung không hô thì chỉ có nước đi tù.

Lạ ở chỗ, khá nhiều vụ án văn nghệ có dính dáng, liên quan tới ông Lành (Tố Hữu) nhưng về sau người ta cố gắng chiêu tuyết cho ổng, thậm chí bảo ông không có lỗi, không can dự gì vào những số phận bị vùi dập, chẳng hạn với Phùng Quán (cháu họ ông, gọi ông bằng cậu), Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Nguyễn Hữu Đang (nhóm Nhân văn giai phẩm), Hoàng Cát (vụ Cây táo ông Lành), Phạm Tiến Duật (vụ Vòng trắng), Việt Phương (vụ Cửa mở)… Người ta biện hộ, nếu muốn quy trách nhiệm cho ông Tố Hữu thì phải có chứng cứ, văn bản, lệnh của ông. Có những bài bênh ông còn viết rằng ông rất quý Phùng Quán, ông tình cảm với Hoàng Cát, ông khen Việt Phương…, thế mà cứ đổ vấy cho ông, v.v..

Xin nhớ rằng, trong bộ máy cai trị này, chả riêng trong lĩnh vực văn nghệ, lệnh miệng nhiều khi còn ghê hơn lệnh giấy. Không vừa ý cái gì, người ra lệnh chỉ nói vài ba câu, cấp dưới cứ thế mà quắn đít thực hiện. Cấm cãi. Bố đứa nào dám cãi. Ông Phạm Tuyên viết nhạc, công lao với cách mạng ít ai bằng, nhưng mấy lần xét giải thưởng Hồ Chí Minh đều trượt, chẳng hạn “ngài to to” nào đó thủng thẳng buông một câu “ông ta là con Phạm Quỳnh, cần phải thận trọng, xem xét cho kỹ” thì danh sách đóng lại cái rụp. Xứ này, biết bao người, trong đó có văn nghệ sĩ, chết bởi những câu vu vơ kiểu vậy.

Thứ Hai, 15 tháng 5, 2017

Chủ nghĩa tư bản thân hữu

TS NGUYỄN SĨ DŨNG (nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội)

Chủ nghĩa tư bản thân hữu là thuật ngữ được dùng để mô tả một nền kinh tế mà trong đó thành quả kinh doanh phụ thuộc vào các mối quan hệ thân thiết giữa các doanh nhân và các quan chức chính quyền. Nó được biểu hiện bằng cách cư xử thiên vị của chính quyền cho các doanh nghiệp thân hữu trong việc cung cấp tài chính, giấy phép, các khoản miễn giảm thuế và các hình thức can thiệp khác.

Thế thì tình hình của chủ nghĩa tư bản thân hữu ở Việt Nam chúng ta như thế nào? Dưới đây, không phải là sự khám phá ra Châu Mỹ, mà chỉ là những biểu hiện cụ thể ai ai cũng biết.

Trước hết, xây dựng mối quan hệ với các quan chức là rất quan trọng để có thể làm ăn dễ dàng. Rất nhiều doanh nghiệp coi đây không chỉ là một sự cần thiết, mà còn là một cách đầu tư sinh lợi dễ dàng và hiệu quả. Dự án đầu tư vào các quan chức bắt đầu từ việc tài trợ cho chuyện chạy chức, chạy quyền. Theo dư luận, một số doanh nghiệp thậm chí còn trực tiếp đứng ra vận động và mua phiếu cho không ít các quan chức. Đây là mối quan hệ hai chiều: các doanh nghiệp có thể xin phép được tài trợ, mà các quan chức cũng có thể kêu gọi tài trợ. Nói thẳng ra hay không nói thẳng ra thì cả hai bên đều hiểu cam kết bất thành văn ở đây: “Bọn em giúp anh lên thì sau này anh hỗ trợ cho bọn em”; “Các chú giúp anh lên, thì sau này anh tạo điều kiện cho các chú”. Nhiều nơi sự việc nghiêm trọng đến mức nếu không được các doanh nghiệp ủng hộ thì ít ai có thể chiến thắng được các đối thủ cạnh tranh. Đây, có lẽ, đang là cách phổ biến nhất hình thành lên hệ thống các doanh nghiệp sân sau, doanh nghiệp thân hữu.

Chủ Nhật, 14 tháng 5, 2017

Chuyện vặt thời đã qua: Chuyện rửa chân đi ngủ

Thời hoa niên của những đứa trẻ nghèo trôi qua trong nghèo đói và chiến tranh thường đầy những chuyện buồn. Có những lúc muốn rứt phắt ra, không nhớ nữa, không cho nó nằm trong đầu nữa mà chả được. Có lẽ chúng đã ăn vào từng tế bào não mất rồi. Nhiều bận nông nổi nghĩ, phải chi có thứ chất tẩy rửa cực mạnh, hơn cả bột giặt Tide hoặc Omo, nhét vào đầu một cục to tướng, cho nó ăn mòn đi, nhạt đi, chỉ còn những chuyện vui, hoặc thế vào đó là niềm hồ hởi hướng tới tương lai thì hay biết mấy. May thay, ý nghĩ dại khờ đó không thành sự thật.

Trong những kỳ trước, tôi đã kể về mấy chuyện vặt vãnh mà tụi trẻ con nông thôn miền Bắc thập niên 60 - 70 vẫn thực hiện hằng ngày như rút rơm từ cây rơm vào bếp, lau bóng đèn và châm dầu, chơi đánh trận giả… Cái vui xen lẫn cái buồn, giờ nhiều đứa trong đám ấy tóc muối tiêu hoặc ngả bạc mỗi khi nhắc lại vẫn bâng khuâng. Có ối thứ việc chả ra việc nhưng vẫn cứ nhớ, kể cả “việc” đi rửa chân trước khi ngủ, soi muỗi trong mùng, rửa rau lợn, canh ruộng dưa…

Sau này, có lần tôi bảo tụi nhỏ nhà tôi, rằng mấy đứa bay lãng phí, giày dép đế còn dày nguyên, quai chắc nình nịch thế kia mà bỏ, phí quá đi mất. Chúng cười, bố chỉ được cái nết trùm sò, cứ như bố thì người ta làm ra bán cho ai. Nào chúng có biết bố chúng suốt cả tuổi thơ chỉ ao ước xỏ một đôi dép nhựa tái sinh lành lặn, bởi thường đi chân không suốt ngày, ngay cả mùa đông rét mướt.

Thứ Bảy, 13 tháng 5, 2017

Dành cho K17: Bá Tân chia sẻ cùng Xuân Ba về bài báo bị cắt xén

BÁ TÂN
Chỉ một lần “quan hệ” với Nguyễn Trần Bạt, thế mà Xuân Ba có đến hai… đứa con tinh thần.

Một đứa do người khác đẻ ra.

Một đứa do Xuân Ba sinh hạ.

Đứa con đích thực của Xuân Ba trình làng trên blog Nguyễn Thông.

Cái đứa (bài báo đã bị cắt xén thô bạo) do người khác đẻ ra đi đứng xiêu vẹo, tập tễnh ở nơi, tờ báo mà Xuân Ba được coi là công thần.

Tếu táo cùng cháu cụ Nam Cao

Ấy là tôi cứ hơi bị nhiễm cái thói thấy người sang bắt quàng làm họ nên lôi cả cụ cha đẻ của anh Chí Phèo vào. Nhưng không phải không có lý do. Người mà tôi đang định nói tới đây chính là Trần Quốc Quân, bạn tôi. Y là con giai một người khá nổi tiếng, nguyên mẫu của cụ giáo San trong cuốn truyện Sống mòn chả mấy người không đọc, và đương nhiên cụ tác giả Nam Cao Trần Hữu Tri là nguyên mẫu cho anh giáo Thứ. Hai ông giáo sống mòn đi, rỉ đi, mục ra, không có lối thoát trong một xã hội bế tắc. Cả hai họ Trần, là anh em họ. Vậy nên nói ông bạn tôi, Trần Quốc Quân, là cháu cụ Nam Cao cũng đúng rồi.

Y từ Ba Lan về nước lần này do dính nợ… văn chương. Đang là doanh nhân thành đạt, làm ăn thuận lợi, bỗng một ngày nổi máu trội gien văn chương của ông bác họ, cứ thế cắm cúi viết. Bê trễ nhãng cả kinh doanh, nghe nói vợ nó mắng cho. Vậy nhưng vẫn không chừa. Hì hục viết. Đăng trên Phây búc, nhiều người đọc khen hay. Có đứa xui thế thì làm văn chương đi, tội gì bỏ uổng. Lại cắm cúi viết, chỉnh sửa cho ra dáng đứa con tinh thần. Vợ nó lại cằn nhằn. Trên đời này, vợ nào mà chẳng cằn nhằn, mắng mỏ chồng. Phớt tất. Cuốn tiểu thuyết Tuyết hoang ra đời trong cái bọc sinh nở như vậy.

Quay lại chuyện lần này, y đẻ cu con thứ hai trong đời văn chương. Kỳ sinh sau, con rạ nên dễ dàng hơn so với con so Tuyết hoang. Quân quẩy gánh văn về, cuốn tiểu thuyết hoạt kê Bóng làng, Nhà xuất bản Trẻ in và xuất bản như đợt đẻ đầu. Nghe y nói, buổi giới thiệu ở Hà thành cuối tháng 4 vừa rồi, tại phòng lễ của Thư viện Hà Nội trang trọng lắm, đích thân lão Phạm Xuân Nguyên đầu bạc giới thiệu. Sách bán chạy, đến nỗi có đứa bạn tôi ở thủ đô nghe lào xào về cuốn Bóng làng, chạy vội ra phố sách Đinh Lễ gần hồ Gươm tìm mua, mỏi mắt mỏi chân không thấy bèn nhắn tôi nếu Sài Gòn sẵn thì mua hộ thị một cuốn. Không thấy nói gửi tiền, hì hì.

Thứ Sáu, 12 tháng 5, 2017

Cứu

Cứu dưa, cứu vải, cứu tôm
Cứu gà cứu lợn, cứu chôm cứu xoài
Cứu cá tra, cứu muôn loài
Cứu Sơn Trà, cứu biển dài, cứu quan
Cứu tình hữu nghị anh em
Cứu nền kinh tế kèm thêm thị trường
Hố sâu cứu kẻ đi đường
Ghế lung lay cứu những phường hại dân.

Nguyễn Thông

Thứ Ba, 9 tháng 5, 2017

Chống lãng phí: Chỉ thị một đằng, thực hành một nẻo

Giữa bao nhiêu sự kiện thời sự nóng hổi diễn ra trong nước và trên thế giới, thì dư luận cũng rất quan tâm, bức xúc trước tình trạng lãng phí, xa hoa, chuộng hình thức xảy ra nhan nhản ở đất nước này. Đủ cả ngoài Bắc trong Nam, vùng núi đồng bằng, vùng sâu vùng xa, đô thị trung tâm lẫn tỉnh lẻ. Hình như lãng phí xa hoa đã thành dịch, thành thứ bệnh khó chữa.

Trước khi bàn về chuyện này, có lẽ cần nhắc lại bản chỉ thị chưa phải lâu lắc gì mà Đảng đã ban hành. Đó là chỉ thị của Ban Bí thư về tiết kiệm, chống lãng phí do ông Lê Hồng Anh – Thường trực Ban Bí thư ký ngày 21.12.2012. Không phải ngẫu nhiên mà tới thời điểm đó đảng đặt ra vấn đề chống lãng phí bởi như trong bản chỉ thị có viết “Thời gian gần đây, tình hình lãng phí vẫn còn xảy ra nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội, nhất là trong bối cảnh kinh tế đất nước và đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn”. Bản chỉ thị nhấn mạnh “Cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc, đoàn thể nhân dân và cán bộ, đảng viên cần xác định thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ hằng ngày và nội dung sinh hoạt hằng tháng của chi bộ, cơ quan, tổ chức; cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu đúng và thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, “tổ chức các ngày kỷ niệm theo hướng tiếp tục tiết giảm quy mô, thời gian tổ chức, bảo đảm thiết thực, thật sự tiết kiệm và có ý nghĩa giáo dục cao”...

Không chỉ tổ chức đảng mà Quốc hội, Chính phủ cũng luôn đặt ra vấn đề tiết kiệm, chống lãng phí, yêu cầu toàn thể cán bộ, nhân dân, các cấp các ngành, từ trung ương tới địa phương phải triệt để thực hiện. Quốc hội đã có hẳn Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thủ tướng Chính phủ tháng 2.2016 đã ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nói một cách ngắn gọn, tiết kiệm và chống lãng phí là quốc sách, không phải nghi ngờ gì nữa.

Điều đáng lo ngại, pháp luật, chỉ thị, chương trình là vậy nhưng việc thực hiện, thi hành trên thực tế ở mọi lúc mọi nơi lại rất tùy tiện, trớ trêu, lôm côm, thậm chí cố ý làm ngược lại.

Thứ Hai, 8 tháng 5, 2017

Cùng chuyên gia Nguyễn Trần Bạt lan man chuyện tỉ phú Việt

Ông bạn Xuân Ba vừa nhoáy vội mấy dòng cho tôi. Rằng:
"Gửi Nguyễn Thông. Tao gửi mày nội dung trò chuyện với chuyên gia Nguyễn Trần Bạt về tỉ phú Việt. Tiếc hùi hụi cùng xót xa khi một vấn đề được triển khai công phu và hơi bị thú vị đã bị khuôn và gò lại trong một bài viết ngắn (còn 1/3) rất chi là phải chăng để đăng trên tờ báo giấy. Còn đây mới là toàn bộ nội dung cuộc trao đổi, mày ạ. Xuân Ba". 

Tôi xin giới thiệu toàn bộ bài viết thú vị của lão bạn

Cùng chuyên gia Nguyễn Trần Bạt lan man chuyện tỉ phú Việt
XUÂN BA

Tạp chí Forbes (Mỹ) vừa công bố danh sách tỉ phú thế giới năm 2017. Theo đó, Việt Nam lần đầu có 2 tỉ phú góp mặt. Đó là ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn VinGroup. Ông Vượng xếp thứ 867 với tổng tài sản 2,4 tỉ USD. Thứ hai là bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO VietJet Air( sở hữu khối tài sản trị giá 1,2 tỉ USD, xếp thứ 1.678 trên thế giới) Bà Thảo từng giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Phát triển TP.HCM (HDBank).

Sau 42 năm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước và 30 năm Đổi Mới, việc phát lộ 2 nhân vật lần đầu góp mặt trong đội hình tỉ phú thế giới đã thu hút sự quan tâm rộng rãi của công luận.

Chữ của người giàu

Xuân Ba: Hôm nay tôi muốn trao đổi với anh về hiện tượng mà xã hội đang quan tâm là sự xuất hiện của các tỉ phú. Nhưng điều đầu tiên gây cho tôi ấn tượng hôm nay là quanh chỗ làm việc của anh cơ man nào là sách. Tỷ phú sách Nguyễn Trần Bạt làm thế nào và thời gian đâu để đọc? Bí quyết gì để tiêu hóa khối lượng tri thức mà anh nạp vào thông qua kênh đọc như thế?

Nguyễn Trần Bạt: Bí quyết của tôi là tôi đọc sách từ tấm bé, do số phận đưa đẩy. Tôi đọc đến mức thuộc nhiều tác phẩm văn học Pháp mà giới trí thức đưa vào Việt Nam từ năm 1936-1939. Ví dụ tác phẩm của Chateaubriand một tác giả theo trường phái tự nhiên chủ nghĩa rất nổi tiếng, hay tác phẩm của André Gide một người mà Nguyễn Tuân rất thích. Tôi đọc những quyển sách ấy từ năm lên tám, thông qua bố tôi. May mắn là tôi có một ông bố rất quan tâm đến việc đọc sách. Tiếng Pháp đối với bố tôi giống như quốc ngữ. Trong nhà tôi, đến mẹ tôi là bà nội trợ mà cũng võ vẽ tiếng Pháp. Năm tôi khoảng sáu tuổi, bố tôi thuê một cô giáo đã tốt nghiệp tú tài bán phần làm gia sư cho chúng tôi. Ở trong nhà, cô ấy là người quan trọng hàng thứ ba sau bố mẹ tôi, có quyền trừng mắt với chúng tôi. Sau này tôi cũng cho những đứa con của mình học tiếng Anh và chơi piano từ năm sáu tuổi.

Ông Nguyễn Trần Bạt

Tôi quan niệm con người là một thực thể thông tin. Kiến thức và thông tin mà không trở thành một bộ phận ở trong mình thì mọi sự đọc là vô ích. Tôi biết nhiều người muốn tìm cách nào đó để biến một số kiến thức chung chung thành thứ có thể trôi ra, trôi vào một cách quen biết trong đầu mình, nhưng không làm được. Người tinh nhìn là biết ngay. Con người có thể có những đặc điểm nhận dạng văn hóa khác nhau, có người trông quê quê, có người trông có vẻ đô thị, có người mang phong cách kiểu Tây, có người mang phong cách truyền thống. Nếu thích thì người ta có thể tạo cho mình những dáng vẻ như vậy, nhưng cái duyên dáng của một người đọc thật thì không ai bịa ra được.

Chủ Nhật, 7 tháng 5, 2017

Án văn

Nhân chuyện bác Việt Phương, tác giả tập thơ nổi tiếng Cửa mở rời cõi nhân sinh hôm qua (6.5.2017), sực nhớ đến những vụ án văn ở xứ này.

Án văn, nói nôm na là những vụ án liên quan đến văn chương, văn nghệ, nhà thơ nhà văn, văn nghệ sĩ. Có khi nạn nhân chết chỉ do 1 chữ chứ không cần cả bài, cả tập. Chết mà không biết mình vì sao bị chết.

Phải công nhận xứ ta nhiều án văn, có những án kinh hoàng, thê thảm, đại bi kịch. Triều Lê Thái Tôn thế kỷ 15, con người bậc nhất của thời đại là Nguyễn Trãi đã chết bởi sự ganh ghét, đố kỵ của đám tiểu nhân đắc chí, trong đó có một phần từ án văn. Kẻ hoạn quan Lương Đăng được vua tin dùng vốn sẵn từ lâu ghét Nguyễn Trãi nên tìm mọi cớ vùi dập ông. Mỗi điều Nguyễn viết ra đều được Lương săm soi vạch vòi, Nguyễn có né cách mấy cũng bị quy thành tội. Lời tâu của cụ Nguyễn Ức Trai về nhã nhạc là ví dụ, chẳng những không được vua lắng nghe mà còn bị vua xem thường, bỏ qua bởi Lương Đăng đã xúc xiểm, cho rằng Nguyễn Trãi lên mặt dạy vua, coi thường bậc minh quân, bôi xấu thời đại dưới sự cai trị của đấng thiên tử chí tôn… Một khi vua đã loại ai đó ra khỏi mắt khỏi óc thì người đó chỉ còn cách chết. Vì vậy, thời điểm Nguyễn Trãi và 3 họ lên đoạn đầu đài cũng là lúc báo hiệu triều đại nhà Lê bắt đầu lung lay mục ruỗng, chỉ còn chờ ngày sụp đổ. Khi Lê Tư Thành lên ngôi, hiệu Lê Thánh Tông, ông ta đã cố hết sức giữ vững cơ nghiệp ông cha, trong đó có việc chiêu tuyết, giải oan cho Nguyễn Trãi nhưng dù gì đi chăng nữa thì án oan Nguyễn Trãi đã thành vết nhơ cực kỳ tệ hại trong lịch sử dân tộc, trong triều đại nhà Lê có nhiều chiến công hiển hách chống ngoại xâm, giải phóng dân tộc.

Thứ Sáu, 5 tháng 5, 2017

Biên tập

Chiều qua 4.5, Văn phòng Chính phủ họp báo, có nhắc lại vụ xảy ra ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Ông Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chủ trì như thường lệ.

Ngứa nghề, tôi phải biên tập lại lời "đồng chí" Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. "Đồng chí" nói: "Nếu chúng ta sai, thì chúng ta sẽ nhận lỗi trước dân. Nếu dân sai, thì dân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật".

Ông Dũng à, ông nói vậy khó nghe quá, chả có tí dũng nào, phí cái tên các cụ đặt cho. Các bố làm sai mà chỉ nhận lỗi thì hài hước quá. Kiểu này thì nhận lỗi cả ngày được. Thế các bố đứng ngoài, đứng trên pháp luật à, pháp luật không có tị ti giá trị gì à. Pháp luật chỉ dành cho dân à... Xưa nay xin lỗi nhiều rồi, nhảm rồi mà không biết chán sao.

Mà sao lại "chúng ta"? Phải nói rõ là bộ máy cầm quyền, là cán bộ của đảng và nhà nước, chứ "chúng ta" ảo bỏ mẹ. Tất cả, dù cán bộ hay dân, đều bình đẳng trước pháp luật, chứ không có chúng ta chúng tiếc nhé. Nhưng cũng phải nhìn nhận một điều, ông Dũng đã sổ toẹt ra cái thực chất lâu nay bộ máy cai trị hoàn toàn là thực thể riêng biệt, là "chúng ta" như ông Dũng nói, tách rời khỏi hẳn nhân dân, thậm chí đối lập với dân.

Phải công nhận giới lãnh đạo càng ngày càng ăn nói linh tinh, nhố nhăng. Chán bỏ cụ.

Nguyễn Thông

Thứ Năm, 4 tháng 5, 2017

San bằng con người

VƯƠNG TRÍ NHÀN (nhà văn)

Trên đường Sài Gòn, một lần, tôi được nghe một người lái xe ôm kể rằng ông ta vừa về hưu, so với tuổi là hơi sớm. Có hai điểm làm cho ông chán:

Giám đốc là người quá dốt, không hiểu công việc. Trong xưởng, người chăm với người lười cũng như nhau, cuối năm ai cũng tiên tiến hết.

Tôi đoán chính ra ông là một người thợ giỏi. 

Tiếp tục câu chuyện về nỗi đau của con người thời nay, tôi nghĩ rằng cái đau của ông thợ nói trên là ở chỗ phải sống trong một xưởng máy mà chăm lười như nhau, vàng thau lẫn lộn.

Nhiều cuốn sách tôi mua là tập hợp hỗ lốn những bài báo hay lẫn với những bài dở, mỗi bài một kiểu, đến mức có lần mua về tôi phải xé hết những bài nhảm nhí thì mới yên tâm đọc tiếp các bài giá trị trong tập sách.

Trong nghề văn chương, các tuyển tập thường sắp xếp một cách vô cảm, nghĩa là theo abc tên tác giả. Và nếu nhìn vào chất lượng thì người ta thấy nhiều bài chỉ được chọn là do vai vế tác giả của nó thế nọ, thế kia chứ không phải do chất lượng.

Từ hồi đi học, tôi đã cảm thấy, người học giỏi thì hay bị làm phiền.

Các lớp tiểu học bây giờ có lối đưa cả những học sinh cá biệt vào, cá biệt theo nghĩa học kém, vì thế làm hỏng tiến bộ chung của cả lớp.

Một khía cạnh khác của việc san bằng con người đang được kéo dài là thù ghét những phần tử ưu tú.
Xã hội chỉ có thể đi lên nếu những người ưu tú có vị trí xứng đáng làm mũi nhọn kéo cả cộng đồng đi theo. Nhưng ở Việt Nam nhiều khi có tình trạng ngược lại.

Cái tội của cải cách ruộng đất không phải chỉ là khuyến khích người ta tố điêu, làm bậy. Mà cái chính là khích động sự căm ghét những người giàu có, cho rằng những người giàu có là những người hư hỏng, gian ác, đáng bị tuyệt diệt. 

Thật ra thì trừ một số cá biệt, những người giàu có này, chính là những người biết tính toán công việc và giỏi sử dụng nhân công dưới quyền.

Còn chiến tranh thì lại làm công việc san bằng con người giống như một cái máy gạt khổng lồ. Sẵn lòng tự trọng, những người ưu tú thường xuất hiện ở hàng đầu và đã chết. Tới ngày chiến thắng, chỉ còn lại những người kế theo tiếp nhận chiến công của đám ưu tú vừa bị hy sinh, tận hưởng vinh quang và lợi lộc.

Thứ mất mát thường bị người ta lờ đi này, thật ra không gì bù đắp nổi. 

Sau những cuộc chiến tranh kéo dài quá sức chịu đựng của con người, các xã hội hậu chiến thường lụn bại một thời gian, một phần lý do là vậy. Nơi ngắn nơi dài tùy mức độ của cuộc chiến.

Vương Trí Nhàn