Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 2 tháng 3, 2017

Chuyện cầu cống (phần 2)

Nhân kể chuyện cầu Nhị Thiên Đường ở Sài Gòn - Chợ Lớn do người Pháp làm, vừa bền vừa đẹp, dùng cả gần trăm năm mà bê tông vẫn chắc nình nịch, sực nhớ lan man một thứ siêu phẩm cầu cống khác của Pháp gắn bó với tuổi thơ tôi.

Quê tôi huyện Kiến Thụy, đất Hải Phòng. Cứ nói đến Kiến Thụy là nhớ tới con sông Đa Độ. Đây là một nhánh của sông Văn Úc, chảy qua huyện, xuôi về Bàng La qua cống Cổ Tiểu rồi ra bể. Hình như chưa có con sông nào nước trong xanh đến thế (đấy là tôi nhớ lại hồi xưa), sau này có dịp ghé đất thần kinh Huế thì nghĩ sông Hương đoạn ngang chùa Thiên Mụ có thể sánh với sông Đa Độ quê mình. Bơi ra vài chục mét, lặn sâu xuống nhìn rõ tận đáy. Nhà tôi ở cách sông khoảng 3 cây số nhưng tuần nào đám trẻ trâu làng cũng rủ nhau lên tắm sông huyện ít nhất 1 lần. Hồi học lớp 10, máy bay Mỹ đánh rát quá, đi lại khó khăn vất vả, cần tập trung cho kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, tôi khăn gói lên huyện trọ học, ở nhà bác Mẳn phố Thọ Xuân, chiều chiều mấy đứa con trai bác, thằng Hùng thằng Cường rủ đi tắm sông. Đỡ phải múc nước giếng, lại mát, tập bơi. Hùng, Cường vừa tắm vừa ra cống câu cá bống. Sao mà lắm cá bống thế, chiều nào chúng nó cũng giật được lưng giỏ, cả mấy chục con, nhiều con to bằng cổ tay. Có hôm còn câu được rùa, có con hơn 2 ký.

Cùng học lớp 10 với tôi có thằng Hoàng Trung Khuông, bố nó làm ở Viện kiểm sát huyện nên nó được tá túc ngay khu tập thể của cơ quan bố, sát bờ sông. Có lần tôi nghe nó rủ bọn thằng Ngọ, thằng Vinh người phố huyện đến nhà nó, đợi ban đêm nhìn ra chỗ bậc thềm đá ven sông ngắm mấy chị khu liên cơ (ủy ban, huyện đoàn, bưu điện, bách hóa…) ra tắm, thích lắm. Công nhận các bố ấy gớm thật.

Huyện lỵ Kiến Thụy ngự ngay bên sông, soi bóng xuống dòng gương trong đó. Hồi đầu thế kỷ chỗ này là phủ Kiến Thụy, sau đó phủ lỵ chuyển về làng Trà Phương quê tôi, huyện chỉ là thị trấn. Năm 1945 cách mạng vô sản cướp chính quyền là cướp phủ ngay quê tôi. Phủ bị xóa bỏ trong thời kháng chiến chống Pháp, nay chỉ còn dấu tích vệt đất thành phủ người ta làm nhà lên trên, sót lại mấy căn nhà xưa, hai cây trẩu đại thụ ven bờ đầm. Làng tôi bị xơ xác đi xuống từ khi ấy.

Lại nói, để giao thông thuận tiện, người Pháp đã lấp ngang một đoạn sông, chỉ chừa một khoảng làm cống Đối, nối đường tỉnh từ Hải Phòng về huyện. Gọi là cống nhưng nó thật bề thế, hoành tráng, chắc và đẹp. Cống có 2 cửa song song, mái vòm, lan can xi măng cốt thép với những trụ được thiết kế cầu kỳ, mỗi đường cong hoặc mép cống đều trang trí đường cấp tinh xảo, giống như bây giờ người ta thường làm bằng thạch cao trên trần nhà vậy (tôi dân ngoại đạo xây dựng nên chả biết gọi nó là cái gì). Hai bên có lối lên xuống bậc thang cho người múc nước, rửa chân tay. Những khối bê tông màu nâu nhạt chắc chắn chả khác gì thứ bê tông ở các lô cốt quân sự mà người Pháp hay xây đặt dọc đường 14 (đường nội đô Hải Phòng đi Đồ Sơn bây giờ) hoặc trên đường số 10 Hải Phòng đi Thái Bình. Thấy bảo những năm 1980 để mở rộng đường, với mỗi cái lô cốt ấy, người ta phải mất vài tuần mới phá xong.

Công Đối đẹp đến nỗi bất cứ người nào đã đi qua nó một lần, chỉ một lần thôi, cũng lưu giữ hình ảnh ấn tượng về nó. Người Pháp thật lạ. Làm cái cống mà tỉ mỉ, kỹ lưỡng hơn cả vẽ bức tranh. Hồi đầu thập niên 1990, nhà nước phá cống Đối đi xây lại, thay bằng chiếc cầu xi măng thô kệch, giống như bất cứ cái cầu nào mà chúng ta thường gặp thời nay, cứ ngay đuồn đuỗn, trông chẳng khác gì đứa con gái vô duyên.

Tôi lại nhớ, hồi năm 1966 hoặc 1967 gì đó, một hôm tổ trồng cây của các cụ phụ lão nghỉ trưa ở nhà tôi. Nói thêm chút về cái tổ này. Khi khu nghĩa địa mả Đò bị bên quân sự lấy làm trận địa tên lửa, xã bèn thành lập tổ phụ lão chuyên trồng cây, chăm sóc cây ngụy trang cho trận địa. Hai loại cây chính là phi lao và chuối. Thu hoạch chuối chín, ngoài phần tặng các chú bộ đội, các cụ đem bán cho xã viên HTX, tiền bán được nộp ủy ban. Chả ai tơ hào đồng nào bởi các cụ làm việc hằng ngày đã ăn công điểm. Tôi biết chuyện ấy bởi các cụ thường họp ở nhà tôi. Ngày ấy sự liêm khiết, lòng tự trọng như một thứ máu sẵn trong người. Không có tham nhũng vặt.

Gọi là cụ, phụ lão nhưng thực ra cũng chỉ ngoài 50, hoặc dưới 60 là cùng. Cỡ tuổi thày tôi (khi ấy 56 tuổi). Sao hồi đó mới chỉ ngoại ngũ thập mà trông các vị tiền bối già thế. Có lẽ do vất vả, làm lụng, ăn ít. Hầu như cụ nào cũng để râu, như râu bác Hồ. Tôi còn nhớ trong tổ phụ lão làng Trà Phương có cụ Thấn, cụ Mưu, cụ Toán, cụ Thạch, cụ Hách, cụ Khể, cụ Đạm, cụ Ỷ, cụ Điện, cụ Thám, cụ Xe, cụ Đúng, cụ Rêu, cụ Vình, cụ Ngạch, cụ Thê, cụ Thầm…, và đương nhiên có thày tôi. Tinh những bậc trưởng thượng, làm ăn đâu ra đấy. Một hôm, máy bay Mỹ cứ lượn qua lượn lại cửa sông Văn Úc, bộ đội báo động liên tục, bảo các cụ tạm nghỉ, cả tổ liền về hội quân ở nhà tôi. Chuyện trên giời dưới bể, tự dưng có cụ nào nhắc đến cái cống Đối. Cụ Mưu (bố của chú Mẹo, làm công an ngoài Phòng) bảo, các cụ ạ, tôi đi nhiều nơi rồi, tôi chả thấy cái cầu cái cống nào ở đâu to và đẹp như cái cống Đối huyện mình.

Tôi lúc ấy hơn 10 tuổi, chả đi đâu xa bao giờ, lên đến huyện là cùng, mắt cũng chỉ dòm đến cống Đối, liền công nhận cụ Mưu nói đúng. Sau có dịp đi đây đó, nghĩ chắc cụ Mưu đi loanh quanh trong huyện thôi, chứ nếu đã ra Phòng thăm chú Mẹo thì phải biết cầu Niệm, cầu Rào chứ.

Thế mới hiểu cái tình quê, niềm hãnh diện về quê hương nó bám rễ, ăn sâu vào trong mỗi con người chắc đến thế nào, càng đi xa càng bền chặt. (còn tiếp)

Nguyễn Thông



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét