Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2016

Tâm phục khẩu phục ông Kim Quốc Hoa

BÁ TÂN (nhà báo)

Tôi khai bút năm 2017 bằng bài viết về ông Kim Quốc Hoa.

Nói đúng hơn, trước đó tôi nhịn thèm để dành bài viết này cho việc khai bút đầu năm.

Khai bút phải là chuyện tâm đắc. Vấn đề diễn giải trong bài viết này xứng đáng để “xông đất” năm 2017.

Tôi và những người như tôi ở báo Đại Đoàn Kết thực sự và mãi mãi tâm phục, khẩu phục nhà báo can trường, tổng biên tập danh tiếng Kim Quốc Hoa.

Ông và tờ báo do ông đứng đầu có công lớn trong việc rửa vết bẩn, làm sạch báo Đại Đoàn Kết cách đây chưa lâu.

Đinh Đức Lập, nguyên Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết, khai gian nhận giải thưởng của Hội Nhà báo Việt Nam. Những người chân chính ở báo Đại Đoàn Kết lôi vụ việc ra ánh sáng. Hội Nhà báo Việt Nam nhận được khiếu nại nhưng vẫn lừng khừng, định xuề xòa cho qua. Đúng lúc đó, báo Người cao tuổi, do ông Kim Quốc Hoa cầm lái, liên tục “nổ súng” bằng những bài viết đanh thép, đầy ắp chứng cứ.

Từ bê bối của PVN, nhớ lại số phận bi thảm của một kỹ sư trường kỳ chống tham nhũng

QUỐC PHONG (nhà báo, cựu Phó tổng biên tập báo Thanh Niên)

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa chủ trì phiên họp thứ 11 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng hôm 28.12 và chỉ đạo phải đẩy nhanh tiến độ điều tra vụ Hà Văn Thắm cùng giai đoạn 2 của các vụ án Phạm Công Danh, Huỳnh Thị Huyền Như, Vũ Quốc Hảo... Đây không phải là tín hiệu mới nhưng xem như là một động thái hối thúc các cơ quan pháp luật phải khẩn trương hơn trong công cuộc chống tham nhũng.

Nó phần nào thể hiện thái độ kiên quyết của Đảng, sẽ không dung tha các hành vi tham nhũng của những người có chức có quyền trong xã hội ta.

Trong số các vụ nổi cộm đó, đáng lưu ý có vụ Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Ngân hàng Oceanbank hợp tác với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) bằng cách góp vốn rồi cùng nhau (cá nhân) hưởng chênh lệch lãi suất cũng như cho vay trái nguyên tắc khiến nhiều chục người "dính đòn".

Từ câu chuyện bị vỡ lở này cùng với vụ Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí (PVC) thuộc PVN, do việc đi xe biển xanh trái quy định mà từ đó bung bét ra quá nhiều những tệ hại không mấy ai hình dung nổi trong ngành dầu khí suốt nhiều năm qua, tôi bất giác nhớ lại một nhân vật mà tôi đã từng nhiều lần tiếp xúc. Nay nghĩ đến chuyện cũ mà có phần xấu hổ và thầm cảm phục anh. Đó là kỹ sư xây dựng Đỗ Văn Hải, người suốt nhiều năm đi kiện PVN để rồi có lúc bị mất việc làm, thậm chí còn bị bắt tạm giam...

Chính bản thân tôi cũng thấy ngượng với kỹ sư Đỗ Văn Hải nếu nay mà có dịp gặp lại anh, bởi tôi cũng đã từng là một trong những người rất quý anh, giúp đỡ anh nhưng đến lúc cần lại né tránh, xa lánh anh, thậm chí xem anh như một anh chàng "lẩn thẩn" vì quanh năm suốt tháng cứ đeo đẳng gửi đơn đi kiện khắp nơi để rồi gặp biết bao điều cay đắng, ngang trái, khổ ải cũng vì nó.

Thương Đoàn Tử Huyến

NGUYỄN HUY HOÀNG (nhà thơ, cựu sinh viên K17)

Lần nào về Hà Nội, tôi cũng đều ghé thăm Đoàn Tử Huyến.

Hai tháng trước, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, nhà thơ Tuyết Nga và tôi mời cơm Đoàn Tử Huyến. Con trai anh chở bố ra bằng xe máy. Đoàn Tử Huyến cao lêu nghêu ngồi sau xe, con anh thấp đậm ngồi trước, trông như minh họa “bút thép” và “bóng nhựa” trên báo Thiếu niên tiền phong trước đây.

Đoàn Tử Huyến ăn uống bình thường, tự gắp cho mình, chọn thức ăn hợp với khẩu vị. Thậm chí Nguyễn Trọng Tạo còn cho phép Huyến uống phần nửa lon bia.

Trong những câu chuyện không đuôi đầu, Đoàn Tử Huyến diễn đạt không mạch lạc, nhớ gì kể nấy. Huyến không gọi được tên tôi, không gọi được Nguyễn Trọng Tạo và những người quen biết.
Ngồi suốt bốn tiếng, chia tay. Tôi để Đoàn Tử Huyến đi trước, tôi theo sau canh chừng, để xem Huyến có biết đường về không. Huyến đi bộ, lê loẹt quẹt đôi dép cao su men theo lề đường, biết tự về đúng nhà, ngoài dự đoán của tôi.

Tuần trước, tôi và đạo diễn điện ảnh Quốc Trọng đến tận nhà riêng thăm Đoàn Tử Huyến. Huyến kể lại các câu chuyện, các hồi ức trôi chảy, chúng tôi như đang xem một cuốn phim miên man hình ảnh. Huyến tâm sự cho tôi và Quốc Trọng những câu chuyện đầy bí mật riêng tư, điều này chỉ có những ai có đầu óc minh mẫn mới nhớ và nói ra được. Huyến bảo rằng “tôi nhớ hết nhưng không nói ra được. Ví dụ, tôi nhớ ông, tôi biết ông mới về, nhưng tên ông tôi không gọi ra thành tên được”.

Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2016

Quanh co nguồn gốc tiền tỉ

BÁ TÂN (nhà báo)

Vụ án mạng làm chết 2 vị quan đầu tỉnh tại Yên Bái, xảy ra ngày 18.8.2016, đến tận những ngày cuối năm mới được công an địa phương này loan báo kết quả điều tra. Cả 3 tử nạn (kể cả thủ phạm) đều là những cán bộ cấp cao của địa phương, thậm chí ngôi số 1 và số 2.

Tình tiết vụ án, đã được phương tiện truyền thông cũng như dư luận xã hội phản ánh rất kịp thời và khá chuẩn xác.

Đến giờ, sau 5 tháng xảy ra vụ án, cơ quan điều tra mới đưa ra thông tin kết luận là quá chậm. Thông tin trở thành gạo mốc, cơm thiu.

Cả 3 nấm mồ cỏ đã xanh. Người thân của họ đã nguôi dần nỗi đau. Tuy nhiên vụ trọng án này là vết thương tê tái khó lành của bộ máy cầm quyền đương thời.

Có một tình tiết, dù chủ nhân của nó đã chết, sẽ không bao giờ chết và trở thành câu hỏi bí hiểm.

Trong phòng làm việc của ông Ngô Ngọc Tuấn, Chủ tịch HĐND tỉnh kiêm Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Yên Bái, có chiếc két sắt trong đó cất giấu 100.000 USD và 1,5 tỉ đồng cùng với 4 chiếc nhẫn "kim loại màu vàng".

Sao mà lắm tiền thế. Két của quan chức chính trị mà lắm tiền như là két thủ quỹ của doanh nghiệp lớn.

Nguồn gốc số tiền khủng ấy từ đâu mà có? Ai cũng biết ông này không phải là chủ doanh nghiệp, không hoạt động trên thương trường. Ông Ngô Ngọc Tuấn, chủ nhân của cái két sắt chứa đầy tiền bạc và vàng, là Chủ tịch HĐND tỉnh kiêm Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy. Hai cái chức quan trọng ấy trong tay một người, đó là mảnh đất màu mỡ tạo ra “mùa vàng bội thu” cho quan chức. Dù cơ quan công an bảo rằng đó là tiền riêng, tài sản riêng của gia đình ông Tuấn nhưng dư luận thì nghi ngờ tiền ấy khó mà sạch. Những lúc như thế này càng ngộ ra sự thâm thúy của dân ta khi gán tiền với bạc (tiền bạc), tiền và tệ ( tiền tệ).

Nơi khỉ ho cò gáy mà quan chức còn có hàng tỉ đồng cất giấu trong két sắt ngay tại nơi làm việc. Từ đó suy ra những nơi tiền như nước, ngồi trên tiền thì quan chức phải xây nhà kho may ra mới cất hết tiền. Két sắt chắc chỉ để chứa số lẻ.

Nói cho công bằng, quan chức bội tiền như ông Tuấn không phải cá biệt. Nhưng cái gì cũng có giá của nó. Ông cha ta nói đâu có sai.

Bá Tân



Vàng nhưng không phải vàng, mà lại là vàng

Vụ mấy cái nhẫn nặng vài chỉ "màu vàng" ở Yên Bái làm tôi sực nhớ đến chuyện cũ.

Thời đánh tư sản, cải tạo công thương nghiệp sau năm 1975 ở miền Nam, cũng như trong một số vụ án có liên quan đến vàng, sau khi bắt và thu được vàng của đương sự, cơ quan công an bao giờ cũng lập biên bản và ghi rõ là thu được (bao nhiêu) kim loại màu vàng, chứ không ghi là vàng. Có những vụ cả mấy chục ký, nhất là với những tư sản bự như Hoàng Kim Quy, Lý Long Thân, Mã Hỷ, Trương Dĩ Nhiên... thu "kim loại vàng" rất nhiều rồi chả biết nó có chân chạy đi đâu mất.

Đầu năm 1977 tôi có mặt ở Sài Gòn, không khí đánh tư sản vẫn còn hừng hực bốc cao, rồi đến nửa cuối năm 1978 người Hoa vượt biên, vụ "nạn kiều", vàng bị tịch thu rất nhiều, hầu như báo chí ngày nào cũng cũng có thông tin về việc tịch thu và lập biên bản thu bao nhiêu "kim loại màu vàng".

Trong vụ đại tá Nguyễn Hữu Giộc (Mười Giộc) giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai thu của người vượt biên hơn 10.000 lương vàng (hồi ấy nghe nói thế, cần biết thêm căn nhà mặt tiền đường Ngô Gia Tự, quận 10 chỉ khoảng 10-12 cây vàng), nghe nói sau khi mở niêm phong kiểm đếm số vàng tịch thu của Giộc người ta phát hiện có cả "kim loại màu vàng", đồn rằng do bọn ma lanh nào đó lấy kim loại mạ vàng để lừa Giộc. Có người bảo Giộc nó chả lừa ai thì thôi chứ ai lừa được nó. Đây lại chắc có đứa tuồn "kim loại màu vàng" vào tang vật rồi. Sau khi tòa kết án, Mười Giộc bị xử bắn, hết đường cãi và đòi lại của.

Về mặt nghiệp vụ, chưa xác định được ngay nó là cái gì thì ghi thế có vẻ hợp lý, khó bắt bẻ, thậm chí luật còn cho phép, nhưng đó cũng chính là lỗ hổng chết người tạo ra sự gian dối, thâm lạm, tư túi. Không ít vụ, tang vật vàng (thật) khi thu đã biến thành vàng giả khi mở niêm phong (lão Maddox bảo niêm phong là cái đéo gì), kim loại màu vàng thì vẫn là kim loại màu vàng, còn đủ cả đấy, chả ai làm gì được nhau.

Thực ra cách chặn đứng những kẽ hở rất dễ. Nếu không mời ngay được thợ kim hoàn đến để thử, xác minh có phải vàng hay không, tuổi vàng bao nhiêu... thì ngay chính cơ quan công an cũng chả thiếu gì phương tiện để làm việc đó. Chỉ có điều họ có muốn thực hiện hay không thôi. 

Cuối cùng thì cho đến nay người ta vẫn thu được "kim loại màu vàng", chả có thay đổi gì về nghiệp vụ.

Nguyễn Thông

Cả nước thi đua

Đà Nẵng quyết đào hầm "từ thuở tóc còn xanh"
Thành ủy đã quyết rồi, chuyện này không cãi nữa
Sài Gòn bác sáp nhập quận tư (4), lãnh đạo không muốn thế
Cứ phải rườm rà thì trên dưới mới có ăn

Xe buýt nhanh, nhưng chẳng thể nào nhanh
Dân Hà Nội vốn nghiêm, nay được phen hỉ hả
Cục sắt rỉ nhạc nước Hải Phòng khiến bao chàng té ngã
Phải tháo thôi, sông Tam Bạc ơi, tao xin vĩnh biệt mày

Yên Bái đã liệu xong vụ bắn quan đầu tỉnh
Có quái gì đâu, tinh chuyện vặt ấy mà
Tây Nam Bộ em ơi chọn nhân tài hơi vội
Rút kinh nghiệm chút thôi, con ông với cháu cha

Hải Dương bánh đậu xanh rộn cờ đèn kèn trống
Vừa đón rước huân chương cho bác cựu Quyến to nhà.

Nguyễn Thông

Thứ Năm, 29 tháng 12, 2016

Bình thường hay phi thường

Theo dõi vụ án Hàn Đức Long, ông Long vừa trở về (ngày 20.12.2016) sau 11 năm tù oan, tôi đặc biệt chú ý tới chi tiết “giám định pháp y tâm thần” ông Long. Kết luận pháp y ông Long là bình thường. Không, ngàn lần không, tôi không tin ông Long là người bình thường. Xem video thấy ông Long khi được về nhà trả lời rành rọt các câu hỏi của nhà báo, thì đối với tôi, ông Long không bình thường mà là... phi thường!

Tôi nhớ một bài báo thời bao cấp ở Hà Nội, kể về một anh kỹ sư nghèo quá phải ở nhờ nhà vợ, ở chung thì phát sinh mâu thuẫn giữa anh ta và anh chị em bên gia đình vợ, anh phải chịu nhẫn nhục chịu đựng, bao nhiêu tiền anh ta đều dành dụm chỉ để mua nhà, một thời gian sau anh ta mua được một căn nhà nhỏ. Hôm dọn qua nhà mới của “riêng mình”, anh ta như người bị tâm thần. Từ nét mặt, hành vi khiêng đồ đạc, cách nói chuyện với mọi người thì anh ta là người không bình thường! Dễ hiểu thôi. So sánh trạng thái của anh chàng kỹ sư ngoài đời kia khi chỉ mua được một ngôi nhà nhỏ mà còn bị "tâm thần" khi về ngôi nhà “độc lập tự do” của mình với sự tự do của ông Long khi đựợc thả ra khỏi tù thì đúng là so sánh con muỗi với con voi.

Hồi học cấp 3, khi học về phân tích một tác phẩm văn học nào, phân tích một nhân vật nào thì thầy dạy văn đều nhắc phải phân tích “phát triển tâm lý nhân vật”. Tôi không phải nhà tâm lý học gì sất, tôi chỉ suy nghĩ thế này: từ một người bình thường, côi cút làm ăn, ông ta (Long) bị triệu tập, bắt giam, bị đánh (tôi tin rằng ông Long nói thật), chúng nó xúm vào đánh, đánh xong chúng nó đi uống rượu. Nó kẹp bút bi vào ngón tay, đánh, dùng dùi cui đánh vào “chỗ kín”…, ông Long biết nếu không nhận tội thì ông phải “xuống mồ”, rồi nó soạn sẵn lời khai, thư nhận tội… bắt phải ký vào… Không ký chỉ có chết. Vậy phải ký, không còn đường sống nào khác.

Thứ Tư, 28 tháng 12, 2016

Nhân việc ông Kim Quốc Hoa được miễn trách nhiệm hình sự

XUÂN BA (nhà báo)

Tin các báo
Ngày 22.12, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vừa ra quyết định đình chỉ điều tra đối với ông Kim Quốc Hoa, nguyên Tổng biên tập báo Người cao tuổi. Viện KSND tối cao đã mời ông Kim Quốc Hoa đến để trao quyết định đình chỉ điều tra (Quyết định số 01/QĐ-VKSTC-V1 đình chỉ điều tra vụ án đối với bị can Kim Quốc Hoa bị khởi tố theo điều 258 Bộ luật Hình sự, do ông Nguyễn Tố Toàn, Vụ trưởng Vụ 1 thừa ủy quyền Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ký ngày 21.12).

Theo nội dung quyết định này, cơ quan tố tụng quyết định miễn trách nhiệm hình sự đối với nguyên Tổng biên tập Báo Người cao tuổi.

Quyết định nêu rõ, đình chỉ điều tra vụ án là do xét thấy ông Kim Quốc Hoa đã nhận rõ được một số sai phạm, trong quá trình công tác được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương, được tặng bằng khen của của Chính phủ và nhiều danh hiệu khác.

Trước đó, đầu tháng 5.2015, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã tống đạt lệnh khởi tố bị can đối với ông Kim Quốc Hoa để điều tra về tội "lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân".

Nhân sự kiện này, tôi lẩn mẩn nhớ đến 2 việc. Tạm gọi là sự kiện về ông vị nguyên Tổng biên tập Báo Người cao tuổi này.

Nhớ cũng là để gẫm, để thấm thêm cái câu của Nguyễn Trãi họa phúc hữu môi phi nhất nhật (ý là cái họa cái phúc, cái hay điều dở không phải đến ngay một lúc một buổi mà nó có nguyên nhân sâu xa trước đó).

Một cuộc họp báo bất thành

Có lẽ, qua nhiều phương tiện thông tin đại chúng, nhiều người đã tường về ông Tổng biên tập Báo Người cao tuổi Kim Quốc Hoa. Ông từng là Tổng biên tập của 6 tờ báo. Hơn hai chục năm nay, ông được coi là khắc tinh của bọn sâu mọt, nhũng lạm. Chả thiếu những vô số đe nẹt dọa dẫm. Điện thoại của ông luôn có những cuộc dọa giết, dọa đặt mìn...

Thứ Hai, 26 tháng 12, 2016

Khai quật

Nhân có phong trào biết ơn người có công với dân với nước, tôi cũng xin khảo cổ, khai quật lại một con người mà tôi biết rất rõ chứ không phải u ơ khen bừa; mà hiện cụ ấy còn sống dù tuổi đã gần đất xa trời, để các ông các bà phụ trách chế độ này nắm được, may ra còn kịp làm cái việc chiêu tuyết cho người bị hàm oan, nhất là người có công, người đã góp phần tạo dựng chính chế độ này.

Ông cụ không sáng tác được bài hát, vở kịch, bài vè, câu hò nào, cũng không để đời tác phẩm văn nghệ gì, chả có hội đoàn nào ghi nhớ biết ơn ông, nhưng… ông đã góp một phần cực kỳ quan trọng vào việc cứu người nông dân nói riêng, và người dân nước này nói chung, ra khỏi nạn đói. Từ năm 1967, ông đã “đầu têu” xé rào hợp tác xã nông nghiệp đang bế tắc, tổ chức khoán hộ cho nông dân, là người đầu tiên mở đường khoán hộ ở đất Hải Phòng, chỉ sau ông Kim Ngọc trên Vĩnh Phúc (sau là Vĩnh Phú) có 1 năm (năm 1966), trước phong trào khoán hộ ở xã Đoàn Xá (huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) cả gần chục năm trời.

Nhờ có những người dũng cảm mở lối, dám làm dám chịu, đi tiên phong như ông mà sau này đảng và nhà nước mới nhìn ra thực tế cấp bách cần giải quyết trong nông nghiệp để ban hành Nghị quyết 10, còn gọi là Khoán 10, cứu nền nông nghiệp đang trên bờ vực thẳm, cứu cả một xã hội với mấy chục triệu người đang trước hiểm họa chết đói, chả khác gì năm 1945. Ông là một trong số ít những con người như thế.

Người ấy là ông Nguyễn Văn Sơn, hiện đã 89 tuổi ta, sống tại thôn Trà Phương, xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, TP.Hải Phòng. Sở dĩ tôi biết rõ ông bởi chỗ đó là quê tôi, bản thân tôi biết ông từ hồi còn bé, tận mắt chứng kiến, tận tai nghe những điều ông làm, ông nói. Có điều gì đơn sai, tôi không bằng con kiến, không phải là người.

Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2016

Hiện tượng lặng lẽ

Thú thực, tôi rất bất ngờ khi thấy hầu hết các báo, kể từ báo Nhân Dân chúa trùm cho đến đám tép riu lắt nhắt (thôi, chả kể tên ra đây kẻo chạm tự ái) và hầu như không sót báo điện tử, trang tin điện tử nào, viết bài ca ngợi một nhân vật văn nghệ có tên là Trương Minh Phương. Hội Nhạc sĩ, Hội Nhà văn, Hội Sân khấu, Hội Văn hóa dân gian... của quốc gia cũng đều tranh giành tên ông để vinh dự cho mình. Rất lạ.

Từ bé đến giờ, là người rất quan tâm đến đời sống văn nghệ, tôi chưa một lần nghe đến tên bác Phương, cả văn, cả nhạc, cả văn hóa dân gian, cả sân khấu, tức là tất cả. Tôi hỏi lão Maddox, lão cũng lắc đầu, tôi hỏi mấy người có tên tuổi nữa, họ cũng lắc đầu, không biết. Một người nổi tiếng mà không ai biết. Thật lạ.

Đọc kỹ những lời ca ngợi mới thấy đây là hiện tượng lạ:
GS Hoàng Chương: ""Tôi nói đặc biệt bởi chúng ta hầu hết chưa biết nhiều về nhạc sĩ, nhà viết kịch Trương Minh Phương - một cán bộ văn hóa khiêm nhường - một nghệ sĩ đa tài nhưng lặng lẽ" (chính GS cũng phải thừa nhận hầu hết chưa biết)

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân ca ngợi mới khiếp: "Trương Minh Phương không chỉ là một một nhạc sĩ, nhà viết kịch như chúng ta đã biết mà hơn nữa ông còn là một nhà tuyên truyền văn hóa mới, nhà ngoại giao nhân dân thông qua hoạt động âm nhạc với những tác phẩm của mình. Ông đã để lại cho đời một di sản nghệ thuật to lớn phong phú và đa dạng. Ông xứng đáng là một trong những nghệ sĩ xuất sắc, tiêu biểu cho nền văn học nghệ thuật cách mạng Việt Nam nửa sau thế kỉ 20 và đầu thế kỉ 21…" (tôi chả biết ông nhạc sĩ Quân có thuộc bài hát nào của nhạc sĩ xuất sắc này).

Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha nhận xét: "Ông khước từ sự nổi tiếng bằng truyền thông, bằng tung hô ồn ào mà đi sâu vào đời sống" (bác Kha rất khéo mồm).

Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2016

Có thực đổi mới?

Cứ như báo chí đã nhiều năm, và nhất là gần đây nhắc lại, kể lại thì ngay từ trước năm 1975 ở miền Bắc đã có rất nhiều nhà lãnh đạo, kể cả chóp bu, của đảng và nhà nước; nhiều trí thức, nhà kinh tế... nhận thấy và chỉ ra những bất cập, sai trái, phi thực tế, dở hơi, ngược quy luật phát triển của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp theo mô hình xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Nhưng cuối cùng, mô hình ấy vẫn bị áp đặt tàn bạo vào miền Nam hơn chục năm trời, phá nát nền kinh tế cả nước.

Vẫn biết rằng, ở chừng mực nào đó, khi chỉ có một đảng lãnh đạo, mà cái đảng ấy lại độc quyền chân lý thì mọi ý kiến trái chiều không có nghĩa lý gì, thậm chí người có quan điểm khác biệt còn bị bắt bớ, tù tội, nhưng khổ nỗi trong xã hội này lực lượng cai trị lại luôn luôn tuyên truyền rằng họ đề cao trí thức, coi trọng người tài, lắng nghe mọi phản biện. Nói vậy mà không phải vậy.

Rốt cục những cái đầu thông minh cũng chả có tí ti ích lợi gì trong một xã hội mà kẻ cầm quyền, thực quyền cai trị là bọn ngu dốt, kiêu ngạo. Nếu không dốt, miền Nam sau 1975 đâu đến nỗi như ta đã biết.

Mà cũng chưa chắc có nhà lãnh đạo nào "tỉnh táo" như vậy, bởi phần lớn họ cùng một duộc cả, chỉ do hậu sinh của họ muốn tô vẽ thêm thắt vào để làm đẹp cả người chết lẫn người sống thôi. Cái gọi là công cuộc đổi mới, giờ đây ai cũng biết, chỉ là cuộc sửa sai chính những sai lầm do họ gây ra, khi tình thế bị dồn vào bước đường cùng. Cũng chả tốt đẹp gì. 

Nếu có chút ít sự thực như vậy (tức là có người tỉnh táo), có lẽ cũng tương tự như lúc này họ đang lên án những người mà họ kết tội "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" (thực chất là không chấp nhận đường lối bảo thủ của họ). Hy vọng sau này lịch sử sẽ được viết lại sẽ khách quan, đúng sự thực hơn.

Nguyễn Thông

Chuyện hầm chuyện cầu chứ không phải hầm cầu

Tôi chân tình khuyên các vị đang cầm đầu bộ máy cai trị Đà Nẵng (trong đó có cả người tôi quen biết) đừng làm hầm chui qua sông Hàn. Nghe thì có vẻ thích thật đấy, cũng có hầm chui lặn tịt dưới sông sánh vai với Sài Gòn, nhưng tôi nói thật, làm hầm chui không chỉ tốn tiền gấp bội mà việc duy trì cho nó hoạt động cũng tốn kém hơn rất nhiều so với xây cầu trên sông. 

Ai từng đi qua hầm chui sông Sài Gòn đều thấy lượng điện (tôi chỉ nói điện thôi nhé) dùng cho hầm chui 24/24 để chiếu sáng, thông khí, bảo vệ, chạy máy, nuôi bộ máy điều hành... kinh khủng tốn kém đến thế nào; trong khi cây cầu gần như suốt ngày không tốn tí điện nào, chỉ về đêm mới chiếu sáng. 1 năm tốn bao nhiêu điện, 10 năm tốn bao nhiêu, 50 năm thì bao nhiêu, kinh quá.

Cũng phải nói ngay, bảo vệ an ninh cho cái hầm chui, nhất là hầm chui dưới nước cực kỳ phức tạp, tốn kém; và nếu có thảm họa thì vô cùng kinh khủng. Với một xã hội nhiều "thế lực thù địch" như bây giờ, chả nói trước được điều gì. Mỗi lần có việc phải đi qua hầm chui, bao giờ tôi cũng gợn cảm giác bất an nhiều hơn khi qua cầu.

Thôi thì biết thế nào nói thế ấy, còn nghe hay không thì tùy.

Nguyễn Thông

Thứ Năm, 22 tháng 12, 2016

Chuyện ông bạn định mua ô tô

Tôi có ông bạn, đồng tuế đồng môn, dành dụm cả đời, lại được 2 đứa con hỗ trợ, định thực hiện phương thức "cha (nhà nước) và con (nhân dân) cùng làm", mua cái ô tô cũ để chạy cuối đời cho nó sướng. Lão bảo đội nắng đội mưa mãi rồi, nhìn "chúng nó" vênh vang xế hộp, tức lắm. Được cái may là bà vợ cũng đồng ý, có vẻ mụ cũng mót xe. Còn sống được mấy nữa, bọn giặc ung thư chúng đang hoành hành chả chừa ai, sống chậm thì biết đến bao giờ mới được đặt đít lên ô tô nhà mình, dù xe cũ.

Tôi đến chơi, lão khoe, hỏi có rảnh hôm nào đi coi mua ô tô. Cứ nghiêm trọng như đi xem chương trình Duyên Dáng VN không bằng. Bà vợ lão nướng cho hai thằng mấy con mực khô, vừa nhâm nhi bia, vừa trò chuyện.

Tôi nhắc lại chuyện mua xe máy. Thế là lão hồ hởi kể đầu những năm 90 xe máy quá hiếm, chủ yếu chỉ có hàng secondhand của bọn VOSCO đem từ Nhật về. Một con xe có khi lên tới 5-7 cây vàng. Chính lão năm 1997 mua chiếc Đờ rem Vĩnh Phú lắp ráp nội địa mới ra lò những 2.100 đô, tình giá vàng lúc đó là hơn 6 cây. Kinh. Với số tiền ấy, mua được miếng đất kha khá. Nhưng cứ chơi xe máy cho oách. Bây giờ, sau gần 20 năm, cũng con xe Đờ rem Vĩnh Phú chỉ có 17 triệu, quy thành vàng chưa được 5 chỉ. Lão than ối giời ôi, rẻ gấp mười mấy lần.

Tôi cười, dại chửa, nhưng thôi, đến cái xe máy mà không có đi thì cũng không được, nhưng giờ sao không ráng nín nhịn tí nữa, lại mót ô tô làm gì. Bài học xe máy còn sờ sờ ra đó, đừng dại.

Thứ Hai, 19 tháng 12, 2016

Lan man chuyện địa chủ, nông dân

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong buổi hội nghị Xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp Việt Nam ngày 18.12 tại TP.HCM đã nói nhiều về vấn đề tích tụ ruộng đất. Theo ông, đây là hướng phát triển cơ bản của nông nghiệp nước ta trong những năm tới. Nếu cứ manh mún hộ cá thể sở hữu ruộng đất nhỏ lẻ, nông nghiệp VN không thể nào làm ăn lớn, tạo sản phẩm có giá trị tham gia thị trường quốc tế một cách sâu rộng, vững bền.

Tất nhiên điều ông Phúc nói là đúng, chỉ có điều cái đúng này (tích tụ ruộng đất) giờ mới được phát hiện, được chỉ ra, được yêu cầu thực hiện sau gần một thế kỷ làm sai, kể từ cái thời tiền nhân của ông Phúc giương cao khẩu hiệu “Trí phú địa hào, đào tận gốc, trốc tận rể”. Đánh đổ địa chủ, coi là một trong 4 kẻ thù chính của cách mạng dân chủ, những người cách mạng vô sản có lý riêng của họ. Để lôi cuốn nông dân, mà họ gọi là chủ lực quân của cách mạng, chả gì tốt hơn là hô to khẩu hiệu (lại khẩu hiệu, người cách mạng vô sản rất giỏi khẩu hiệu, là chúa trùm về khẩu hiệu) “ruộng đất về cho dân cày”. Với nông dân, chả có thứ gì quý hơn, cần hơn là ruộng đất. Ruộng đất là mục đích, mơ ước, lẽ sống, bầu sữa nuôi sống họ. Cách mạng thấy ngay điều ấy nên cũng thấy ngay rằng phải giành đoạt cướp lại ruộng đất của địa chủ trao cho nông dân, đặc biệt cho bần cố nông. Biết lợi dụng sức mạnh vĩ đại của nông dân ở một nước nông nghiệp, một xã hội đến hơn 90% là nông dân, nên người cách mạng đã thành công trong cuộc đấu tranh của mình.

Và có lẽ, rất giáo điều, họ đã quy tất cả địa chủ - người nhiều ruộng đất - vào làm một loại kẻ thù. Cuộc cải cách ruộng đất theo mô hình, bài bản của Trung Quốc được họ áp dụng cực kỳ “chuẩn” không sai một li so với đàn anh từ những ngày kháng chiến chống Pháp, năm 1953, đã thành trận cuồng phong cuốn cả xã hội vào vực sâu đen tối. Người ta hay nhắc đến bà Nguyễn Thị Năm, một địa chủ có công với kháng chiến, bị xử bắn đầu tiên, để giúp các thế hệ sau hình dung được sự tàn khốc của cuộc cải cách (thực chất là cách mạng) ruộng đất. Dù có cái gọi là “sửa sai”, khóc lóc đi chăng nữa thì cuộc cải cách ruộng đất long trời lở đất ấy đã đi vào lịch sử VN hiện đại như một chương đậm bi kịch, buồn thảm nhất.

Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2016

Nếu giáo sư Nguyễn Lân còn sống

ĐỖ NGỌC THỐNG (PGS, tiến sĩ văn học)

Ba bốn năm gần đây, dư luận rất chú ý tới những bài viết của Hoàng Tuấn Công. Ở đó Công chỉ ra những ngô nghê, nhảm nhí trong trong việc sử dụng chữ Hán và hành vi đạo văn của một cây bút chuyên viết và chỉ viết được về thơ Hồ Chí Minh; phân tích sự cẩu thả, thiếu chính xác trong chữ nghĩa của một GS cao niên chuyên sản xuất câu đối; và hàng loạt bài phê bình, đối thoại, chú giải về những sai sót khi giải nghĩa từ ngữ tiếng Việt của nhiều người, trong đó có GS Nguyễn Lân. Gần đây Công tập hợp thành một cuốn lấy tên là “Từ điển tiếng Việt của Nguyễn Lân - Phê bình và khảo cứu”

Bản thảo xong lâu rồi, rất nhiều người mến mộ, giới thiệu với dăm ba nhà xuất bản. Nhà nào ban đầu cũng hăm hở nhận lời, nhưng rồi cuối cùng lại từ chối, sách vẫn chưa ra được. Vừa rồi gặp tôi, Công bảo “không hiểu sao sắp ký hợp đồng rồi họ lại bảo thôi, thầy ạ”.

Nhiều người nói, lý do chính là các NXB ngại “va chạm” với tên tuổi GS Nguyễn Lân. Một bậc thầy đáng kính, một tên tuổi không thể không nhắc tới của khoa học giáo dục nước nhà. Lại nữa, thầy đã vào cõi thiên thu… 

Do dự, ngại ngùng về điều này cũng thường tình, dễ cảm thông. Nhưng rồi tôi chợt nghĩ: nếu GS Nguyễn Lân còn sống, ông sẽ phản ứng thế nào khi đọc sách này? Liệu thầy có buồn và nổi nóng với kẻ hậu sinh? Không, tôi chắc thầy chẳng bao giờ xử sự thế, mà trái lại sẽ rất trân trọng những người như Công - người đã bỏ ra hàng năm trời chăm chú đọc kỹ những cuốn từ điển của thầy; tỉ mỉ ghi chép, đối chiếu, khảo cứu từng con chữ trong đó để chú giải, đính chính những gì chưa ổn, chưa đúng, đặng mang đến cho bạn đọc một cách hiểu vẹn toàn, chính xác. 

Kho tàng tri thức, chữ nghĩa của ông cha để lại là vô tận, bao la; ai mà có thể ôm hết và hiểu đúng mọi điều. Sai sót trong việc hiểu và giải thích kho tàng chữ nghĩa ấy là chuyện bình thường; góp ý để chỉnh sửa lại cho đúng là chuyện rất nên khích lệ và ủng hộ, biểu dương… Người thường như tôi còn nghĩ thế, huống chi là GS Nguyễn Lân, một người thầy, một nhà khoa học luôn có tấm lòng rộng mở, bao dung. Tôi cứ nghĩ nếu GS Nguyễn Lân còn sống, khi gặp Công, thầy sẽ nở một nụ cười hiền và bảo: Cậu khá lắm, giỏi lắm! Tôi cũng nghĩ thầy sẽ rất mừng và tự hào về đám con cháu “hậu sinh khả úy”, chứ không buồn nản vì một đám sĩ tử, nhân danh trí thức, nhân danh đạo lý khiêm cung để chỉ biết cúi đầu cung cúc nghe theo, chép lại, nói lại y nguyên như sách của thầy, kể cả cái sai, điều sót.

Trong bối cảnh tiếng Việt đang bị mai một, bóp méo, hiểu sai, sử dụng cẩu thả… thì cuốn sách của Hoàng Tuấn Công là một đóng góp có ý nghĩa; một nỗ lực cá nhân đáng trân trọng trong việc giữ gìn tiếng nói của cha ông, góp phần làm cho nó ngày càng giàu có, tinh tế, chuẩn mực và sáng trong hơn.

Với bản thảo một cuốn sách như thế, tôi càng tin vào điều đã nghĩ: nếu GS Nguyễn Lân còn sống, hẳn thầy cũng chẳng bận lòng, phật ý, cho dù tác giả bàn về những sai sót của thầy. Nghĩ vậy nên càng không hiểu vì sao người ta lại từ chối một bản thảo thế này.

Đỗ Ngọc Thống 
(Theo Facebook Đỗ Ngọc Thống, https://www.facebook.com/thongdongoc/posts/10211539291827252)

Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2016

Thủy điện có oan?

Phải nói ngay rằng “không oan”, trong đợt lũ lụt nghiêm trọng ở miền Trung kéo dài mấy tuần nay, và đang chưa biết khi nào mới chấm dứt. 14 nhà máy thủy điện đồng loạt xả lũ thì dân có mà chạy đằng trời.

Có những người bảo vệ cho thủy điện, cãi rằng khi xưa, chưa có nhà máy thủy điện, đập thủy điện, thì miền Trung cũng như nhiều nơi khác trên đất nước ta vẫn từng xảy ra lũ lụt. Hồ thủy điện là cái hồ chứa nước, đã không ghi công cho nó thì thôi, lại còn kể tội nó, v.v..

Xét về lý sự, họ nói thế cũng có ý đúng. Lũ lụt không phải là sản phẩm của thời này, của thủy điện. Nó có từ hồi xửa hồi xưa. Tôi đọc sách Đại Việt sử ký toàn thư, thấy các nhà chép sử ghi lại rất nhiều trận lụt lớn vào các thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn..., dân tình khốn đốn, khổ sở trăm bề. Hồi ấy chưa có thủy điện, dù có thể đã có lợi ích nhóm.

Nhưng bảo hồ chứa thủy điện, công trình thủy điện vô can với lũ lụt thì sai. Cứ tạm hiểu, nó giống cái thùng chứa, chỉ chứa thôi, chứ không có tác dụng ngậm nước, giữ lại nước, khi nhiều nước quá thì tràn ra ngoài; khi sợ vỡ đập thì xả bớt ra. Nó không giữ nước, tích nước theo kiểu rừng giữ nước từ ngàn đời nay.

Những cánh rừng mênh mông là những thảm thực vật, khi trời mưa lớn có tác dụng như những tấm thảm dày hút nước, giữ nước. Nhiều rừng nguyên sinh ở khắp nơi, ở dãy Trường Sơn, ở miền Trung... giữ lượng nước cực kỳ lớn sau những trận mưa, rồi từ từ xả ra suối, sông. Khi xưa, người ta có thể dễ dàng bắt gặp những dòng suối chảy róc rách quanh năm, những con sông chảy mãi chảy mãi tưởng chừng không bao giờ cạn, những thác nước hùng vĩ tung bọt ngày này qua ngày khác. Nước của nó chính là nước từ rừng, được thải ra dần dần, rừng làm nhiệm vụ phân phối, điều tiết, cấp côta nước cho sông suối theo chừng mực. Chỉ khi nào mưa quá nhiều, quá dài, quá lớn, hết sức chịu đựng của rừng thì mới sinh ra lũ lụt. Khi xưa, hiếm có lũ quét, một thứ tai họa khủng khiếp với người ở vùng núi cao.

Hóa ra chẳng cần tổng biên tập

BÁ TÂN (nhà báo)

Báo chí quốc doanh hiện có hàng trăm tổng biên tập. Cấp phó còn nhiều hơn, lên đến hàng ngàn. Vượt trội về số lượng nhưng phó tổng biên tập chỉ là người giúp việc cho tổng biên tập.

Có thể khuyết phó tổng biên tập nhưng không thể thiếu tổng biên tập. Không có tổng biên tập thì khác nào con tàu viễn dương không người cầm lái. Có nhà báo lão thành, trọn đời cầm bút phục vụ sự nghiệp của đảng, khẳng định như đinh đóng cột: không có tổng biên tập, tờ báo sẽ sụp đổ.

Cả đời làm báo tôi cũng nghĩ theo kiểu”hiền lành” như vậy. Nhưng mới đây, từ thực tế của báo Lao Động, tôi ngộ ra vấn đề mà trước đó cho dù nằm mơ cả tháng cũng không gặp.

Thực tế ở báo Lao Động cho thấy: hóa ra chẳng cần tổng biên tập.

Không có tổng biên tập, báo vẫn hoạt động tốt. Phát hành đúng định kỳ, nhật báo. Nội dung vẫn sinh động, cập nhật đầy đủ những thông tin cần thiết cho bạn đọc. Số lượng phát hành không giảm… Đó là thực tế của báo Lao Động trong thời gian không có tổng biên tập.

Thứ Năm, 15 tháng 12, 2016

Chuyện đổi tiền (4)

Tháng 4.1978. Tôi vào Sài Gòn đã tròn 1 năm. Một năm ròng với biết bao đổi thay khi chính thức bước vào đời. Hồi còn sinh viên, mọi thứ thật đơn giản, trong trẻo, ngay cả sự vất vả, đói khổ, thiếu thốn cũng được nhìn nhận rất nhẹ nhõm. Giờ thì thay đổi tận gốc. Chả khác gì cuộc vật lộn, bãi bể nương dâu. Lúc này sống được đã khó, chống chọi lại đủ thứ tai ách bủa vây lại càng khó hơn.

Đến khi tôi gõ những chữ này, thời gian đã trôi qua gần 40 năm rồi, nên trí nhớ về ngày tháng cứ chập chờn, nhớ nhớ quên quên. Người ta bảo “cái gì không biết thì tra gu gồ”, nhưng tôi nhớ được đến đâu kể đến đấy, kệ gu gồ. Láng máng là cuối tháng 4.1978, một buổi tối, chú Dương Cao Thăng, Chủ tịch Công đoàn Trường dự bị đại học Tiền Giang (91 Nguyễn Chí Thanh, P.9, Q.5, TP.HCM) gọi đám anh em giáo viên trẻ miền Bắc chúng tôi lại, bảo rằng sáng mai có mặt để theo sự phân công của nhà trường. Cũng đoán được phần nào cái gì rồi bởi tin đồn đổi tiền đã rộ lên từ mấy hôm. Phường tôi ở là trọng điểm người Hoa tại Sài Gòn, họ đang chộn rộn, hoang mang lắm. Suốt mấy tối liền, tivi ra rả lên tiếng tin đổi tiền là đồn nhảm, là bọn phản động chống phá cách mạng, là bọn bành trướng Bắc Kinh xúi giục, là đừng có tin... Hết lãnh đạo phường đến quận đến thành phố lên tivi trấn an người dân, hãy tin chính quyền, đừng mắc mưu kẻ địch. Đám công chức, giáo viên chúng tôi thực ra chả quan tâm lắm bởi làm gì có tiền mà đổi. Lương 64 đồng, tính theo tỷ giá tiền bắc tiền nam 10 đồng ăn 8 đồng nên chỉ còn hơn 51 đồng/tháng. Đúng thời điểm đói, ăn độn, thiếu thực phẩm, đói vàng cả mắt nên có đồng nào chén sạch đồng ấy, lấy đâu tiền dành dụm mà đổi. Tuy vậy, cả đêm khó ngủ, chờ đến sáng hôm sau.

Mới sáng sớm, loa phường đã oang oang thông báo lệnh đổi tiền. Đổi ở đâu, mỗi người được đổi bao nhiêu, tiền quy đổi như thế nào... Số cán bộ giáo viên trường tôi được đổi tại trụ sở ủy ban phường trên đường Nguyễn Tri Phương, đối diện trường cấp 3 Trần Khai Nguyên. Chú Thăng dặn dò, mỗi người được đổi 100 đồng, một hộ gia đình được đổi tối đa 500 đồng, nếu có nhiều hơn phải làm bản khai cụ thể, khai tiền đó ở đâu ra, sẽ được gửi vào ngân hàng nhà nước, sau này xác minh nếu là tiền chính đáng thì được rút ra dần, còn không rõ ràng thì bị tịch thu.

Đạo Gia Tô

Còn hơn tuần nữa nữa là đến lễ Noel mùa Giáng Sinh năm nay. Đã từ lâu, ngày Chúa ra đời của đạo Thiên Chúa không chỉ là của riêng những người theo đạo này nữa mà gần như thành thứ di sản tinh thần chung của cộng đồng. Để giúp những ai chưa có sự hiểu biết cơ bản về đạo Thiên Chúa, tôi xin trích ra đây chương 11 trong cuốn sách tư liệu quý Việt Nam Phong Tục của học giả Phan Kế Bính, viết về "Đạo Gia Tô". Có một số từ cổ, tôi xin mạn phép chú giải ở cuối bài. Theo tôi, các bạn nên dành mươi phút đọc bài này để bổ sung kiến thức cho mình.

Đạo Gia Tô

Đạo Gia Tô gốc ở Do Thái mà ra. Nguyên dân Do Thái (Juifs) ở về phía tây Tiểu Á Tế Á, xưa nay vẫn sùng phụng một vị thần Jehovah. Dân tin rằng thần Jehovah sáng lập nên trời đất và tạo thành ra muôn vật, sau lại tạo ra người theo như hình dung của thần, đàn ông thì gọi là Adam, đàn bà thì gọi là Eva, cho ở vườn cực lạc để cai quản các giống thú vật và được ăn các thứ quả, chỉ trừ ra không được ăn quả cây táo của thần cấm mà thôi. Đến sau, quỷ thấy người được sung sướng, mới xúi Eve ăn quả cây táo và đem cho chồng ăn nữa. Khi ăn rồi mới biết mình trần truồng là xấu xa. Đến lúc thần lại thăm vườn thì người ấy chạy đi trốn. Thần giận bèn đuổi người xuống phàm trần, để cho chịu những điều cực khổ, nhưng lại hứa rằng sau sẽ sai người xuống chuộc tội cho.

Ấy là những sự tôn tín của dân Do Thái. Dân Do Thái bị dân Ai Cập (Egypte) áp chế bắt đi làm nô lệ, chịu nhiều điều cực khổ. Mãi về sau mới có một ngưòi tên là Moise đem dân về xứ Gia Lộ Tát Lĩnh (Jérusalem) làm đền thờ thần Jehovah mà theo giữ lời thập giới. Có một đảng thầy tu giữ đền và cai quản dân. Trong bọn thầy tu thường có những người tiên tri gọi là Prophète, bảo dân Do Thái rằng: thần Jehovah sắp sai người xuống chuộc tội cho dân và cho dân được vinh hiển hơn dân khác.

Sau các thầy tu gọi là bọn Pharisiens cứ vin tiếng thần ra để làm điều bậy bạ và ăn hiếp dân, bấy giờ mới có Đức Gia Tô (Jésus) ra đời, cải lương đạo khác, gọi là đạo Thiên Chúa.

Cứ theo sách của bác sĩ Âu châu thì Đức Gia Tô sinh tại thành Nã Tát Lặc (Nazaretb) là một tỉnh nhỏ ở xứ Gia Lị Lị (Galliée) ở đông Thổ Nhĩ Kỳ (tức là Tiểu Á Tế Á) vào chừng năm Nguyên thủy đời vua Hiếu Bình nhà Hán. Lịch tây kỷ nguyên, bắt đầu ngày tháng từ năm ấy.

Thứ Ba, 13 tháng 12, 2016

Chuyện đổi tiền (3)

Sau khi ăn tết Đinh Tỵ 1977, tháng 3 tôi lên Hà Nội nhận quyết định phân công công tác. Sau bao phen vất vả nhờ cậy, đã được ông Kim Toàn tổng biên tập báo Hải Phòng đồng ý nhận về, ai ngờ miền Nam đang thiếu giáo viên, tôi tới trụ sở Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp trên đường Đại Cồ Việt thì Vụ Tổ chức phát cho tờ quyết định vào Nam dạy học, tại Trường dự bị đại học TP.HCM (lúc ấy còn mang tên Trường dự bị đại học Tiền Giang, bởi tiếp quản từ Viện đại học cộng đồng Tiền Giang, gần TP.Mỹ Tho). Thế là tắt hy vọng được về Phòng gần gũi thày bu và gia đình. Vị cán bộ của Bộ dặn đi dặn lại rằng cần thu xếp đi ngay, nếu chống lệnh sẽ không bao giờ được phân công lại. Thấy tôi buồn bã thần mặt ra, bác ấy thương tình, động viên, thôi ráng vào vài ba năm rồi xin chuyển chắc được. Tôi ra đến cửa, bác còn dặn với nhớ coi kỹ tờ hướng dẫn, nhớ đổi tiền thì vào đó mới có tiền mà tiêu.

Theo quy định lúc bấy giờ, những ai nhận công việc trong Nam sẽ được đổi 100 đồng tiền Bắc lấy 90 đồng tiền Nam. Thì ra sau ngày đất nước thống nhất, miền Nam đã 1 lần đổi tiền, bỏ tiền Việt Nam cộng hòa, đang lưu hành tiền mới của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam. Tiền miền Nam giá trị cao hơn tiền Việt Nam dân chủ cộng hòa, đại loại 1 đồng tiền Bắc chỉ ăn 9 hào tiền Nam. Thày bu tôi cho hơn 100 đồng, các anh chị, họ hàng người mươi đồng, người dăm bảy đồng, tôi gom lại được gần hai trăm. Số tiền này có thể mua được chiếc xe đạp Phượng Hoàng chưa cũ lắm. Tôi ra bến tàu thủy Chùa Vẽ xếp hàng từ 2 giờ sáng tới 2 giờ chiều mới mua được cái vé hạng nhì hết 90 đồng (rất khó mua vé hạng bét 60 đồng rẻ nhất bởi phòng vé tuồn cho con phe hết, còn vé hạng nhất những 120 đồng thì dân buôn đường dài Bắc Nam chiếm cả, dù tuy đắt một tí nhưng có phòng để đồ, chứa hàng hóa). Số còn lại đem đi đổi ra tiền miền Nam.

Lần đầu tiên trong đời tôi vào nhà ngân hàng. Nhớ láng máng Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hải Phòng nằm trên con phố chạy ra bến Bính, trông ra sông Tam Bạc. Tòa nhà xây ghép bằng đá xanh từ thời Pháp, nghe nói cuối thế kỷ 19, cao to sừng sững, tuyệt đẹp. Ông Giá anh họ tôi bảo nhà băng này tuổi còn hơn cả nhà hát thành phố. Thằng Pháp nó làm cái gì cũng đẹp cũng bền, chắc chắn, gần trăm năm vẫn còn y nguyên, ông anh tôi nhận xét. Mà công nhận đẹp thật, đá xanh chắc khừ, chả rêu riếc gì. Nền gạch bông mát rượi. Nhưng chẳng hiểu sao đứng trước nó cứ thấy sờ sợ.

Thứ Hai, 12 tháng 12, 2016

Chuyện đổi tiền (2)

Lại nói chuyện nguồn ngân thu ngân sách của trẻ con. Dẫu có chơi đánh đáo, bật tường hoặc đánh tam cúc mấy chăng nữa thì cũng chỉ quanh đi quẩn lại vài đồng xu teng, đứa này “bóc lột” của đứa kia chứ có bao nhiêu đâu. Khoản thu ngân sách riêng ra tấm ra món nhất chính là tiền mừng tuổi (miền Nam gọi theo cách của người Hoa là lì xì) dịp Tết Nguyên đán. Ngoài chuyện được ăn ngon (lần ăn duy nhất trong năm có giò lụa) thì một trong những lý do khiến tụi trẻ con nông thôn miền Bắc những năm 60-70 mong đến tết là được mừng tuổi. Mấy ngày tết, có người nhớn đến nhà chúc tết, hoặc theo thày bu đi chúc tết nhà ai, thế nào cũng được mừng tuổi. Cuối năm, tôi để ý thấy thày bu tôi thường giữ lại những đồng tiền mệnh giá nhỏ, loại 1 hào, 2 hào, sau này là 5 hào, còn mới, để dịp tết mừng tuổi cho con cái, tiền lớn hơn một chút thì mừng tuổi chúc tết ông bà. Ông bà nội tôi mất sớm, tôi không biết mặt, nhưng khi còn nhỏ năm nào cũng theo bu tôi lên chúc tết ông bà ngoại trên xóm núi (thôn Trà Phương. xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng). Đi bộ mỏi chân một chút nhưng thế nào cũng được ông bà ngoại mừng tuổi lại cho mấy hào.

Người nhà quê không có nhiều tiền nên tiền mừng tuổi cũng phải chăng, nếu không nói là ít. Đến khoảng mùng 4 tết, bọn trẻ đã hăm hở tính đếm, cộng lại coi mình được bao nhiêu. Những tờ tiền mới tinh sột soạt sao mà đáng yêu thế. Đếm mãi không chán, cứ giở ra giở vào suốt. Có tết, tính cả tiền 5 xu cộng lại, tôi được gần 3 đồng, một số tiền kha khá lúc bấy giờ (như đã nói, học phí học cấp 1 chỉ có 3 đồng 6 hào/năm). Lấy mảnh giấy báo cũ gói ghém kỹ lưỡng, khi đi ngủ cũng ôm “cục tiền”, chập chờn nghĩ đến những thứ mình sẽ mua, chẳng hạn đôi dép nhựa tái sinh, chiếc xanh tuya (thắt lưng) xanh, cái mấy ngòi bút, mấy quyển truyện Buổi sáng trong rừng dịch của Liên Xô, Người lão bộc của vua Quang Trung... Bao nhiêu là thứ, thứ nào cũng cần nên phải cân nhắc kỹ. Tiền mừng tuổi thường để dùng cho cả năm, không thể hoang phí được. Ôm tiền vào giấc ngủ sao mà ấm áp thế, quên cả rét mướt mưa phùn.

Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2016

Chuyện đổi tiền

Mấy hôm nay, đầu tháng 12, tháng cuối cùng của năm 2016, thiên hạ rộ lên tin đồn đổi tiền. Chính ngài thủ tướng, rồi lãnh đạo ngân hàng nhà nước đã chính thức đứng ra bác bỏ. Bản thân tôi cũng cho rằng chả có lý do gì phải đổi tiền. Trong bối cảnh kinh tế và nhất là xã hội như thế này, chỉ có điên mới đổi tiền. Làm như thế không khác gì tự sát.

Nhưng nhân sự lộn xộn vớ vẩn, lại sực nhớ những chuyện liên quan đến đổi tiền mà đời mình đã trải qua. Nó như cuốn phim quay chậm lại, có cả thời trẻ thơ, cả khi bước vào đời, cả những lúc lăn lộn với cuộc mưu sinh vất vả.

Mà cũng phải “bố cáo” ngay, chuyện đổi tiền tôi kể ra đây không phải vụ nào cũng do nhà nước cầm càng, kẻo ai đó lại quy rằng “thế lực thù địch” xúi bẩy.

Đám trẻ con lớn lên ở nông thôn miền Bắc những năm 60-70 thế kỷ trước (nói thế kỷ có vẻ cổ điển xa xôi quá, chứ thực ra cũng chỉ mới trôi qua hơn 50 năm) chả đứa nào có tiền riêng bao giờ. Thày bu làm ruộng vất vả, bán được hột thóc, củ khoai, con gà con lợn... được chút tiền thì cả trăm khoản cần chi trông vào, hầu như không có chuyện cho con cái tiền. Bọn tôi chỉ được cầm tiền trong tay khi nhà trường thúc học phí, 3 đồng 6 hào cho một năm học. Nhà nào có 3 đứa đi học trở lên thì chỉ phải đóng 2 đứa, đứa còn lại được miễn. Thế mà cũng chạy vạy khổ sở, cũng nợ xấu nợ đọng, cũng năn nỉ xin xỏ nhà trường đến khổ, kiểu như “thầy đợi nhà em bán con lợn rồi em đóng sau”, mà lợn còn bé tí. Sướng nhất là nhà ông Trác anh họ tôi, anh chị sinh những 10 đứa con, đámquân thường trực đi học lúc nào cũng 4-5 đứa, chỉ đóng học phí diện bắt buộc 2 đứa, còn lại miễn tất. Cũng may cả thôn chỉ vài nhà như thế, chứ nhà nào cũng vậy thì trường sập, nhà nước hết tiền tan chứ chả chơi.

Thứ Năm, 8 tháng 12, 2016

Tự diễn biến, tự chuyển hóa

Hồi xưa mình đi học, nhất là khi bị học môn Mác-Lênin, luôn chịu sự nhồi sọ rằng tổng thống Mỹ dù là "đứa nào" chăng nữa thì cũng chỉ đại diện và bảo vệ quyền lợi cho bọn tư bản cá mập, chứ nó không có quyền hành gì, mà quyền là ở bọn cá mập kia. Bọn mình tin sái cổ. Mỹ nói chung là xấu, đểu, lừa đảo. Cán bộ nói mà không tin thì tin ai, tin con trâu chắc.

Sáng nay đọc báo thấy ông D.Trump kiên quyết không chấp nhận mua cái máy bay Không lực 1 cho chính ông ta, bởi quá đắt, mình đâm ra nghĩ ngợi.

-Một người cả đời làm ăn, tính toán chi li từng xu một mới giàu được tỉ phú, không bao giờ có chuyện ném tiền qua cửa sổ.

-Mua máy bay cho chính mình mà vẫn dứt khoát "nói không với đắt đỏ, lãng phí", thì còn liêm hơn hơn cả mấy ông cán bộ nhà mình lúc nào cũng ra rả về liêm chính.

-Hãng Boeing là trùm tư bản cá mập, ông Trump vẫn đá vào đít Boeing chả sợ gì, chả như anh cán bộ tuyên truyền lâu nay.

-Đã đến lúc cần rà soát lại những luận điệu tuyên truyền của cán bộ mà mình đã bị áp đặt, đời mình thôi thì cũng xong, nhưng phải nói ra cho con cháu nó biết, kẻo cứ bị mắc lừa mãi.

Ký tên: Thông.

Thứ Ba, 6 tháng 12, 2016

Chuyện muối rang

Có một món ăn bây giờ chỉ còn trong ký ức. Nó không khi nào xuất hiện nữa, mặc dù từng tồn tại cả chục năm. Đó là muối rang.

Một thời, có những món dân dã, đậm chất nông thôn, như ngọn khoai lang luộc, mắm cáy, khoai khô bung, canh rau tập tàng (nhiều loại rau hoang dã) vốn là món chính trong bữa ăn của nông dân, đến khi cuộc sống phát triển, khá giả hơn thì người ta bỏ, quên nó đi. Rồi một ngày nào đó, bất chợt mấy anh nhà giàu no xôi chán chè, chán ngán thịt cá giò chả bỗng thòm thèm tuổi thơ, thì nó hiện về các bàn ăn sang trọng, thành món đặc sản. Tôi từng thấy những món như vậy ngay trong cả khách sạn 5 sao, thậm chí đĩa rau muống xào tỏi, ngọn bí luộc, bát canh hoa bí giá đến cả chục đô. Người ta ăn, người ta nhấm nháp quá khứ, tấm tắc khen ngon. Tôi thầm nghĩ, có cho ông cũng thèm vào, còn ngán đến tận cổ đây này, bởi đã ăn quá nhiều, suốt cả tuổi hoa niên nghèo khó.

Nhưng món muối rang thì chả ai nhớ, chả ai thèm. Nó gợi một thời khủng khiếp, thiếu thốn, đói kém, thèm thịt thèm cá, cái bụng lúc nào cũng lép kèm kẹp. Cơm đã chả đủ no, tuổi thiếu niên thanh niên “nam thực như hổ” vậy mà cơm độn chỉ chưa đầy 3 lưng bát, thức ăn nhì nhằng rau cỏ trong vườn, con tép con tôm đánh dậm được ngoài đồng. Ở nhà với thày bu thì còn có chút đỉnh linh tinh vậy, chứ đi học trọ xa nhà, khẩu phần kém hẳn, cơm cũng ít đi, còn thức ăn chủ yếu chỉ 2 món: cá khô và muối rang.

Anh Uy anh trai tôi suốt 3 năm học cấp 3 (1966 – 1969), trường huyện Kiến Thụy (cả huyện chỉ có một trường cấp 3, riêng huyện Thủy Nguyên chả hiểu sao ngoài trường Thủy Nguyên có thêm trường Thủy Sơn nữa), máy bay Mỹ đánh rát quá, sơ tán về xã Tân Phong gần biển. Lão ở trọ trên đó, mỗi tuần một lần đạp xe thiếu nhi Liên Xô về nhà lấy gạo và cá khô. Chục con cá khô, mỗi con bằng 2 ngón tay ăn cả tuần, chả bõ bèn gì. Anh tôi bèn chế món muối rang. Mà chả riêng ông Uy, ông nào cũng biết làm món này, chẳng ai giữ bản quyền. Nguyên liệu gồm 3 thứ: muối (đương nhiên), hành, và mỡ. Hiếm nhất là mỡ. Hồi ấy chưa có dầu thực vật, chất béo chỉ trông vào con lợn. Nếu HTX mua bán giết lợn, chen mua được ký mỡ không khác gì hoàn thành kế hoạch nửa năm. Rán tất lên thành mỡ nước ăn dần. Mùa hè nóng nên mỡ lỏng, đổ vào chai, mùa đông lạnh thì nó đông trắng như tuyết trong cạp lồng. Mỗi lần nấu, chỉ nhón ra chút ít, gọi là chạy qua hàng mỡ, cốt sao bát canh nổi lên vài cái váng cho hấp dẫn, món xào có tí mỡ trông bóng bẩy bắt mắt. Muối thì chỉ có loại muối cục, trông như tinh thể kim cương, to bằng hạt đỗ xanh, màu hơi vàng, rất ít khi có muối trắng.

Thứ Hai, 5 tháng 12, 2016

Năm đau buồn của báo Đại Đoàn Kết

2016 được coi là năm đau buồn của báo Đại Đoàn Kết.

Trong một năm, cách nhau 6 tháng, báo này có 2 người từ giã cõi trần gian về với đất mẹ.

Cả hai người chưa đến tuổi nghỉ hưu. Nghĩa là, vô cùng đau xót, hai đồng nghiệp của tôi qua đời khi tuổi còn trẻ.

Tháng 6.2016, phóng viên ảnh Hoàng Long về cõi vĩnh hằng khi chưa chạm mốc tuổi 50.

Tuổi còn trẻ nhưng Hoàng Long là phóng viên ảnh có tay nghề khá nhất của báo Đại Đoàn Kết từ trước đến nay.

Trong hội họp, Hoàng Long ít tham gia ý kiến. Ngoài đời, với những người thân thích, Hoàng Long hay tâm sự.

Vóc dáng cao lớn, to nặng nhất cơ quan, nhưng Hoàng Long bao giờ cũng nói nhỏ nhẹ, từ tốn.

Trước ngày mất, Hoàng Long vẫn hoạt động nghiệp vụ bình thường, không có biểu hiện đau ốm.

Cả cơ quan bang hoàng khi nghe tin Hoàng Long qua đời.

Cho đến bây giờ, hơn 5 tháng Hoàng Long qua đời, mỗi lần đến báo Đại Đoàn Kết, trong tôi vẫn thấy hình bóng Hoàng Long thấp thoáng đâu đó.

Sáng 4.12, tin dữ đến với báo Đại Đoàn Kết: Lý Tiến Dũng, nguyên Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết qua đời.

Lý Tiến Dũng

HUY ĐỨC (nhà báo)

"Tôi có nhận được văn bản số 46-BC/BTGTW của Ban Tuyên giáo Trung ương do Phó ban Hồng Vinh ký. Văn bản này đóng dấu 'Mật', nêu một số vấn đề về báo Đại Đoàn Kết, và nhận xét về Ban biên tập báo. Một văn bản với những lời lẽ ngây ngô về chính trị, lại rất hách dịch chụp mũ (kiểu thường thấy ở những người có kiến thức rất hạn chế, nhưng lại thích thể hiện quyền lực) che giấu một động cơ thiếu minh bạch".

Thật khó để tin người có những lời lẽ đanh thép trên đây là Tổng biên tập của một tờ "lề phải": báo Đại Đoàn Kết. Làng báo từng ghi danh những Tổng biên tập cương trực như Tô Hòa, Võ Như Lanh, Vũ Kim Hạnh, Nguyễn Thế Thanh, Tâm Chánh, Nguyễn Công Khế... những người luôn đối diện với những vấn đề nóng bỏng của đất nước và sẵn sàng tranh luận với các Ban Tuyên giáo, từ Trung ương tới Thành ủy, nhưng vỗ vào mặt một phó ban tuyên giáo đương nhiệm như vậy thì chỉ có Lý Tiến Dũng.

Vậy mà anh đã ra đi chiều qua, 17:42, ngày 4.12 (1959 - 2016).

Biết bệnh từ 26 Tết năm ngoái mà Dũng và gia đình giấu. Vợ anh, Nông Thanh Vân nói, "Anh ấy luôn sợ phiền bạn bè". Anh trai Dũng, nhà báo Lý Chánh Dũng cho biết, khi phát hiện Dũng bị ung thư thận, bác sỹ khuyên anh, nếu mổ cắt một quả thận thì có khả năng sẽ sống thêm được 20 năm nhưng Dũng không cho Tây y can thiệp.

Lý Tiến Dũng đúng là người luôn tự mình quyết định cuộc đời mình, ghế cũng thế mà chết cũng thế.

Năm 2007, nếu Tổng biên tập Lý Tiến Dũng không có bức thư phản pháo Ban Tuyên giáo có thể Dũng đã không mất chức. Năm 1992, nếu đại úy Lý Tiến Dũng không có những lời vỗ mặt khi một đại tướng xúc phạm đến gia đình anh (anh là con trai cụ Lý Chánh Trung) có thể anh đã lên tướng...

Dũng làm báo sau tôi nhưng chúng tôi, tuy có nhiều điểm khác nhau, nhanh chóng trở thành đồng nghiệp cùng "xông pha lửa đạn" với nhau. Cái cách Dũng vung bút cũng tới tận cùng như cái cách anh ôm cây đàn ghi-ta để hát Trần Trụi 87, Chiếc Vòng Cầu Hôn hay Giấc Mơ Chapi...

58 tuổi là già hay trẻ. 58 năm là ngắn hay dài. Cuộc đời của của một con người chưa hẳn kết thúc khi họ ra đi bởi có những người sẽ còn sống rất lâu trong lòng bạn bè, đồng nghiệp.

Tâm có. Trí có. Dũng có. Lý Tiến Dũng sẽ là một tên tuổi còn được nhắc nhiều trong làng báo. Thanh thản mà đi nhé, Dũng ơi.

Huy Đức
(theo Facebook Trương Huy San)

Đón năm mới với bộ máy liêm chính, trong sạch

Nói gì thì nói, dù còn những ý kiến, đánh giá khác nhau (bao giờ chẳng thế), sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về chuyện biếu xén, chúc tết đã gây những chấn động, ấn tượng mạnh trong cộng đồng, dư luận. Hầu hết đều tán đồng với người đứng đầu chính phủ.

Điều đáng lưu ý, Thủ tướng Phúc phát ngôn vấn đề thời sự này không phải với tư cách cá nhân, không phải trong cuộc trò chuyện thường tình nào đó, mà là cương vị người đứng đầu bộ máy hành pháp của quốc gia, trong cuộc họp thường kỳ chính chức của Chính phủ (ngày 30.11) với sự tham gia đầy đủ các vị đứng đầu các bộ ban ngành trung ương. Vậy thì đó không phải là ý kiến chỉ đạo mang tính cá nhân nữa, mà là thông điệp, là mệnh lệnh của quốc gia.

Thủ tướng dứt khoát: “Ngay trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, tôi đề nghị tất cả hệ thống hành chính không chúc tết lãnh đạo, không biếu xén, không phong bao, phong bì. Tôi yêu cầu không chúc tết Thủ tướng, lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ ngành. Yêu cầu lãnh đạo các tỉnh không về Hà Nội chúc tết. Ở các địa phương cũng vậy. Cần thực hiện nghiêm việc này. Chính phủ cần làm gương, từng thành viên chính phủ thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng”.

Dư luận đánh giá “thông điệp” của Thủ tướng được đưa ra rất kịp thời, đúng lúc. Hầu như ai cũng biết tầm thời gian này cả bộ máy xã hội từ trên xuống dưới đang rốt ráo chuẩn bị tết. Và đương nhiên không thể quên chuyện lập danh sách sẽ chúc tết ai, biếu xén cái gì. Lâu nay tục lệ như thế rồi, cả công khai lẫn ngấm ngầm, đố dám coi thường.

Thứ Sáu, 2 tháng 12, 2016

Nhớ K17

Nhớ K17 hơn cả thuốc lào.

Nhớ ai như nhớ thuốc lào,

Đã chôn điếu xuống, lại đào điếu lên.

Nhớ thuốc lào, qua câu thơ trên đây, trở thành “kinh điển” của nỗi nhớ.

Với tôi cũng như nhiều đồng môn, nỗi nhớ dành cho K17 còn hơn cả nhớ thuốc lào.

K17 chúng tôi vừa tề tựu ở Hà Nội kỷ niệm 40 năm ra trường và 60 năm thành lập khoa Ngữ văn, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội.


Hôm đó, ngày 17.11.2016, trời thật đẹp. Không nắng, không lạnh. K17 chúng tôi ăn ở tử tế nên được trời thương.

Các thầy bước qua tuổi 80 nhưng nhiều thầy đã từng dạy chúng tôi vẫn khỏe mạnh và đến dự ngày vui của đám học trò cũ hiện thời đã thành ông, thành bà. Các thầy, các cô, trong lời phát biểu ấm nồng với học trò cũ, không chỉ chia vui mà còn ân cần chỉ bảo cho chúng tôi những bài học làm người cho đến khi về cõi vĩnh hằng.

Quang Lý vội đi để lại khoảng trống buồn

Sáng 1.12. Ngày đầu tiên của tháng cuối cùng năm 2016. Đang giờ làm việc, theo thói quen tôi rà rà con chuột vào các kênh tin tức xem có gì hay gì mới không. Bàn tay chợt khựng lại, như không tin vào mắt mình. Dường như có luồng khí lạnh toát chạy dọc sống lưng. Đập vào mắt là cái tít trên một tờ báo điện tử báo tin ca sĩ Quang Lý đột ngột qua đời.

Hỡi dòng thông tin lạnh lùng kia, lẽ nào đó là sự thực? Không muốn cũng chả được: Ca sĩ Quang Lý qua đời do nhồi máu cơ tim lúc 9 giờ sáng nay (1.12) sau khi đi tập thể dục về. Người đàn ông mạnh khỏe mới… 65 tuổi tây ấy hôm qua còn tràn đầy sinh lực, chỉ một cơn gió tai nghiệt sáng đầu đông vùng đất phương nam vốn đầy nắng ấm đã quật ngã anh rồi. Tôi sực nhớ đến thầy tôi hồi đại học, thầy Phan Cự Đệ, cũng đang rất khỏe, tưởng như còn phải viết thêm vài chục công trình nghiên cứu nữa mới chịu chấp nhận quy luật sinh tử, vậy mà chỉ cơn gió lạnh tiết trọng thu 2007 lúc thầy mở toang cửa ngắm phố phường đã ập vào kéo thầy đi.

Tôi ít gặp anh Quang Lý bởi mỗi người mỗi việc, chỉ biết nhau thôi. Anh lớn hơn tôi, lại là “người của công chúng”, danh tiếng, đẹp trai, hào hoa phong nhã… nên tôi thường “kính nhi viễn chi”. Tôi vẫn ngầm hãnh diện là đồng hương đất Phòng (Hải Phòng) với anh, cái chất sóng gió mặn mọi xứ biển đã ngấm vào lời ăn tiếng nói. Có lần tôi nửa đùa nửa thật nói bọn tôi coi anh là thần tượng, anh cười bảo “vớ vẩn”.

Quang Lý vốn gốc gác người đâu xứ mình, tôi chưa kịp hỏi, chỉ biết anh là con gia đình Việt kiều bên Thái Lan. Dạo ấy, rất nhiều Việt kiều từ Thái Lan, Pháp, Tân đảo (Tân Caledonia, thuộc Pháp) nghe theo lời chính phủ bỏ lại tất cả nhà cửa, tài sản, ruộng vườn, công ăn việc làm ổn định… để về miền Bắc xây dựng đất nước. Nếu chúng ta thường nói đến Việt kiều yêu nước, thì đó có lẽ đây là thế hệ Việt kiều yêu nước đầu tiên trở về. Hồi ấy là những năm cuối thập niên 50, đầu thập niên 60 thế kỷ trước. Gia đình anh Quang Lý về định cư ở nội thành Hải Phòng. Ngay làng Lái (xã Thanh Sơn, huyện Kiến Thụy) sát làng tôi cũng có một gia đình Tân đảo về định cư. Ông chủ nhà tên Cam, bọn trẻ con chẳng biết nghe ai cứ gọi là Cam “sũng”. Người dân địa phương nhìn họ với con mắt kính phục, ghen tị bởi cách ăn nói, đi đứng, hiểu biết họ đều có gì đó hơn hẳn mình một bậc. Đương nhiên tài sản thì không bì được. Nhà bác Cam cùng lúc có 2 chiếc xe đạp Peugeot, điều không dễ gì những nhà giàu thời ấy đạt được, nói kiểu bây giờ ví như đại gia có 2 xe Toyota Lexus cũng chưa chắc đã bằng. Nhưng như nhiều gia đình Việt kiều Tân đảo khác, chẳng biết nhà anh Quang Lý có vậy không, họ cứ nghèo dần nghèo dần, 2 chiếc xe đạp Peugeot lần lượt ra đi, thời chiến tranh phá hoại mỗi lần đi ngang qua căn nhà xanh rêu của gia đình bác Cam “sũng” chúng tôi cứ thấy ngậm ngùi, thương thương.