Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 22 tháng 11, 2016

Cống sinh không phải tên riêng

Có lần tôi đọc một bài trên báo Thanh Niên, viết về thành nhà Hồ ở Thanh Hóa. Trong bài có từ Hán Việt mà tôi cho rằng người viết dù viết ra vậy nhưng không hiểu rõ nghĩa.

Tôi có ý thức cẩn trọng khi dùng những từ loại này một phần chịu ảnh hưởng của bậc cao nhân mà tôi luôn coi là thầy mặc dù chưa được học thầy một buổi nào. Đó là Giáo sư Phan Ngọc. Tôi sẽ viết rõ hơn về nhân vật này để bạn đọc hiểu chúng ta có một nhà trí thức yêu tiếng Việt, nặng tình với tiếng Việt như thế nào.

Bài báo nói trên kể về một huyền tích xây thành nhà Hồ, đề cập chuyện quan đốc xây thành là Cống Sinh (tác giả (hoặc biên tập viên) viết hoa cả hai chữ Cống Sinh) bị chôn sống do thành xây chậm. Mặc dù bài cũng có nhắc tên đầy đủ của ông là Trần Công Sỹ nhưng cách viết hoa như vậy vẫn làm cho bạn đọc hiểu rằng Cống Sinh là một tên khác của ông.

Thực ra cống sinh là người đi thi đã đỗ hương cống. Sinh tức là học trò, sĩ tử. Người đỗ trong kỳ thi hương (kỳ thi này được tổ chức cho một vùng nhất định gồm vài tỉnh, là kỳ thi đầu trong 3 kỳ thi: hương, hội, đình) thì được gọi là hương cống. Gọi như vậy bởi vì người thi đỗ hạng cao trong kỳ thi hương được dâng lên, cống lên cho triều đình để nhà vua bổ làm quan. Chính vì vậy, họ được gọi là cống sinh, tức người học trò được tiến cống lên vua. Từ thời nhà Lê về trước đều dùng từ này, đến thời nhà Nguyễn thì bị đổi thành cử nhân, có nghĩa là người được đề cử làm quan.

Nhà thơ Tú Xương cuối thế kỷ 19 đã nói khá rõ về thi cử thời ông: "Nào có ra gì cái chữ nho/Ông nghè ông cống cũng nằm co/Ước gì đi học làm thày phán/Tối rượu sâm banh sáng sữa bò". Ông nghè tức là ông tiến sĩ, cao hơn ông cống (hương cống, cử nhân).

Ngày xưa, học hành để đi thi, đi thi chỉ để đỗ đạt, mong được làm quan. Nếu đỗ hạng cống sinh, cử nhân thì sẽ do triều đình phân bổ, sắp đặt làm quan chức cấp huyện trở lên, còn đỗ tú tài thì phải thi lại, hoặc về quê tham gia vào bộ máy hương lý ở nông thôn cấp xã tổng, như chánh tổng, lý trưởng chẳng hạn.

Nói theo cách bây giờ, từ "hương cống" chỉ là tên gọi của một học vị, và cống sinh là người đạt được học vị ấy. Nó không phải học hàm, không phải chức danh, nó chỉ là danh từ chung, cũng như chúng ta viết tú tài, cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ… vậy, nên không cần viết hoa. Ta chỉ viết hoa những học hàm (giáo sư, phó giáo sư) do nhà nước phong bởi đó vừa là học hàm, vừa là chức danh gắn với một ai đó, ví dụ Giáo sư Trần Văn Giàu, Giáo sư Ngô Bảo Châu; cũng như ngày xưa những tiến sĩ trong lần thi đình đỗ thứ hạng đầu thì được nhà vua phong “học hàm” là trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa, chẳng hạn Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Thám hoa Vũ Phạm Hàm, Bảng nhãn Lê Quý Đôn.

Trở lại bài báo trên, "cống sinh" chỉ viết bình thường chứ không phải là cái tên riêng của nhân vật.

Nguyễn Thông

1 nhận xét:

  1. Chủ đề này anh Thông đã đề cập rồi, vào ngày 06-5-2016, "Mỗi tuần một từ Hán-Việt".
    Thi Hương gồm các lĩnh vực kiến thức:
    -Ngữ nghĩa từ vựng.
    -Thẩm thấu và xây dựng văn bản.
    -Thơ phú.
    -Viết sách.
    Chỉ đạt 1,2 thì hỏng.
    Đạt 1,2,3 thì đỗ sinh đồ(tú tài).
    Đạt 1,2,3,4 thì đỗ hương cống(cử nhân).
    Cống sinh là người đi thi đỗ hương cống. Cống sinh không phải là một học hàm.

    Trả lờiXóa