Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2015

Chuyện rơm rạ (kỳ 2)

Khi gặt lúa, các bà các chị quẹt cái liềm sắc vào ngang cây lúa, lấy đoạn dài khoảng nửa mét, cột lại thành từng lượm. Phần này sau khi đập lấy thóc, sau có máy suốt thì nhàn hơn, gọi là rơm. Cũng có khi đồng khô ráo thì cắt tận gốc ngay, sau đó có người đi xén giữa, lấy phần ngọn bó gánh về. Phần còn lại của cây lúa ở còn trên đồng gọi là rạ. Trong tiếng Việt có từ rơm và rạ là vậy. Đừng tưởng rạ thì bỏ nhé. Thu hoạch lúa xong lại đi cắt rạ. Cắt lúa cũng như cắt rạ, ở đồng khô còn đỡ, chứ đồng nước, trên đầm (quê tôi hồi ấy có đầm Trợ, đầm Phương Đôi, đầm cánh Bến-Mả Đò, thày tôi bảo rằng có chỗ là đoạn sông cụt của sông Văn Úc, có chỗ do ngày xưa người ta đào lấy đất đắp thành phủ Kiến Thụy) nhất là vào mùa đông, vất vả vô chừng. Rét cắt da cắt thịt, ngụp xuống đầm thò liềm xuống sát gốc lúa, lại xoẹt một cái không được bỏ phí tí nào. Mà vẫn chưa hết. Đám gốc rễ nằm dưới đất, sau khi cày ải phơi nỏ, đập nương xong còn thu gom tất tật, phơi khô đem về đun. Bây giờ nhớ lại, không có rơm rạ, chắc chỉ còn nước ăn gạo sống.
Mỗi lần phơi rơm, bu tôi cẩn thận lắm. Sân dành để phơi thóc nên rơm phơi ngoài đường. Mỗi nhà cát cứ một đoạn ngay trước nhà mình. Bu tôi rải rơm sang hai ven đường chừa lối giữa cho người qua lại dễ dàng, nhất là người đi xe đạp. Có người chạy xe đạp tay lái yếu gặp đoạn phủ đầy rơm lúng túng ngã chổng kềnh trên đám rơm khô. Có hôm tôi đang câu cá ở cừ (kênh) ven đường thấy cô Khi chở cô Loan, 2 cô giáo người thôn Quế Lâm dạy lớp 2 bị rơm quấn vào xe đạp ngã lăn chiêng, khuy áo xống tung cả ra, tôi vội che mặt, chả dám chạy lại giúp. Hai cô đẹp trắng lắm, còn mình hồi ấy học lớp 4, đã biết ngượng ngùng.
Hôm trời nắng phải canh nắng, đến giữa buổi thì lấy cái nạng lật rơm lên cho khô đều, khoảng 2 nắng là được. Thấy có bóng mây thì canh mưa gom chạy cho kịp. Rơm chưa khô mà bị sũng nước mưa, gặp mấy ngày không nắng lại, chỉ vài hôm là thối. Đến nước ấy chỉ còn cách vứt ra vườn đắp vào gốc mía gốc chanh chứ chả đun nổi, trâu bò cũng không thèm ăn.

Đánh đống rơm là cả một nghệ thuật. Có một thời ở miền Bắc, gia đình khá giả vùng nông thôn được đánh giá qua 3 tiêu chuẩn: nhà ngói, cây mít, đống rơm to. Nhà ngói hiếm lắm, đi từ đầu làng cuối xóm họa hoằn mới có nhà mái ngói. Nhiều nhà cố hết sức cũng chỉ vươn tới được cái mái ngói chứ tường vẫn tường đất. Dạo ấy, các cán bộ tuyên huấn mỗi lần nói chuyện trước dân chúng khi ca ngợi công ơn của cách mạng thường so sánh hiện tại với trước năm 1945, rằng thì xã ta, huyện ta, tỉnh ta, cả nước ta đã có bao nhiêu nhà ngói, tỷ lệ nhà ngói đạt mấy phần trăm. Nhà ngói được xem như hình ảnh đặc sắc nhất của chế độ mới. Nhà thơ Xuân Diệu qua cái thời viết về tình yêu liền vồ vập ngay vào những thứ mới mẻ này, nhưng khổ nỗi gượng gạo, có khi thơ ngang như cua. Nhưng ý đảng là ý trời, người ta vẫn lấy thơ cua thơ ngang đó đưa vào sách giáo khoa cho bọn trẻ học. Đến lớp 10, tức là lớp cuối cấp 3, tương đương 12 bây giờ, đám thanh niên 16-17 tuổi sắp thi tú tài vẫn ê a “Trên những nẻo đường náo nức tôi đi/Tôi đã nghe xao xuyến thầm thì/Ngói mới/Trên những đường tôi dạo tôi qua/Tôi đã nghe nhiều những khúc ca/Ngói mới” trong bài thơ Ngói mới của Xuân Diệu. Không hay cũng phải học, phải thuộc. Không thuộc, nhỡ đề thi tốt nghiệp nó phết cho yêu cầu phân tích bài thơ Ngói mới thì toi đời.
Phải mất mấy chục năm sau, nông thôn vùng lên tiếp làm cuộc cách mạng nữa sau cuộc cách mạng ngói hóa của những năm 60. Đó là cách mạng mái bằng những năm 80. Những hình ảnh thân thuộc của nông thôn mất dần, nhất là mái rơm; rồi ngay cả mái ngói cũng bị mái bằng xô sập. Lúc đầu cũng háo hức lắm. Làng này ganh đua với làng kia về số lượng mái bằng. Không mái bằng thì không phải hiện đại hóa, công nghiệp hóa. Nhiều căn nhà mái bằng đổ bê tông chắc chắn nhưng bên trong chả có gì. Nhà trên mái bằng, nhà dưới mái bằng, bếp cũng mái bằng. Tôi còn nhớ ông Trác anh họ tôi chưa làm được cái mái bằng nhà trên nhà dưới thì tạm làm cái mái bằng nhà bếp đã. Có cả cầu thang nho nhỏ để leo lên. Một buổi tối mùa hè, cơm nước xong xuôi tôi lẻn đi chơi cho mát. Xuống nhà bác ấy chả thấy người nhớn đâu, hỏi bọn trẻ thầy bu chúng mày đi đâu cả rồi, chúng khoe thầy bu cháu đang ngồi chơi trên mái bếp. Hóa ra các vị ấy lên đó hóng mát.
Nhưng có lẽ mái bằng chẳng hợp với nông thôn, cũng chả khác ở thành phố một dạo chỗ nào cũng mọc lên nhà lắp ghép theo công nghệ Triều Tiên, Trung Quốc. Nhìn rất chướng. Lại nhớ bài thơ của nhà báo, nhà thơ Trần Ngọc Thụ công tác ở Đài tiếng nói Việt Nam. Sinh thời, ông đi nhiều, chả vùng nông thôn nào ở miền Bắc ông không tới. Ông chán ngán thở than: “Mái bằng. mái bằng.Lại mái bằng/Tôi đi như cá lạc trong đăng/Ba mươi năm về thăm quê cũ/Cả làng là một khối xi măng”.
Đăng là cái dụng cụ bằng tre, đan quây tròn để bắt cá. Người ở nông thôn cũng không khác gì cá, đến chết ngộp với cái đăng làm bằng đống xi măng vô hồn kia.
(còn tiếp)
Nguyễn Thông

2 nhận xét:

  1. va bay gio nhin nong thon "nua que nua tinh"rat nhom nhoam,khong con hon que ngay xua nua.Tiec.

    Trả lờiXóa
  2. mái bằng cộng với con đường bằng bê tông,bờ rào táp lô xám xịt đó là linh hồn của nông thôn mới đấy.

    Trả lờiXóa