Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2013

Dành cho K17 văn khoa: Cây nhà lá vườn kỷ yếu


Gần giờ nghỉ trưa, đang nhấp nhổm loay hoay tìm chiếc chìa khóa xe máy bỏ lạc chỗ nào thì nghe điện thoại của em Hồng Vân văn phòng "anh ơi, có bưu phẩm của nhà xuất bản Kim Đồng, anh xuống lấy ngay nhé". Mình biết ngay nghĩ ngay đến kẻ thủ phạm đáng yêu gây ra vụ này: Lê Thanh Nga. Chả là y thị được Ban tuyên giáo K17 giao cho nhiệm sự phải tống đạt cuốn kỷ yếu đến các đương sự ở xa (như mình chẳng hạn) đang ngóng cổ chờ. Và hay, chỉ trước đó mươi phút, Thu Thủy gọi tê lê phôn hỏi Thông ơi đã nhận được sách Nga gửi chưa, mình bảo chưa, lòng thầm khấn thị Nga có linh thiêng thì sai khiến bọn bưu điện chuyển mau mau cho em, ai ngờ uy lực của thị ghê thật, có liền. Mình nhờ Thủy nếu điện thoại cho Nga tức thời thì nhớ cho mình ăn theo cám ơn một tiếng. Mà nghĩ Nga cũng chẳng cần ơn huệ bởi xưa nay y thị chỉ chuyên làm điều tốt, đó là chuyện quá đỗi thường tình, với đứa nào cũng thế, đối xử chỉ có tốt trở lên. Không giận ai bao giờ, nói xấu ai bao giờ, tuyền lo toan tháo cởi những bất hòa (mà K17 lại sẵn). Người thế xưa nay hiếm.

Nghe rằng sau khi ra trường, Nga về công tác tại một đơn vị thuộc Trung ương Đoàn đôi năm chi đó, sau chuyển hẳn về Nhà xuất bản Kim Đồng cho đến lúc hưu năm rồi. K17 mình có ba đứa làm xuất bản nổi danh: Nguyễn Thu Hà ngự lên chức Phó giám đốc nhà Phụ Nữ (mà giám đốc là cái Mai Quỳnh Giao khóa 18), Nguyễn Thị Bé một trưởng phòng có uy tín phụ trách mảng sách văn của nhà Giáo Dục, còn Lê Thanh Nga đứa con gái xứ Bần Yên Nhân (cái tên gọi dễ thương nhất trong đám địa danh miền Bắc) mà mình đang nhắc đây đóng đô vững chắc ở Kim Đồng, không biết có làm vương tướng gì nhưng sách nó biên tập, làm bà đỡ thì nhiều lắm. Lại nhớ dạo mấy năm trước, hồi mình và bọ Lập (từng nhiều năm biên tập ở Kim Đồng) trò chuyện với nhau trên Facebook và blog, nghe mình nhắc đến Lê Thanh Nga Kim Đồng, bọ hỏi ông cũng quen Nga à, được học cùng Nga à, gớm nhỉ. Mình hiểu đó là một kiểu khen khi lấy tiêu chuẩn cao ra đặt bên cạnh. Lại chả gớm, bởi được đồng môn với người không chỉ cụ Nguyễn Thắng Vu giám đốc quý mến mà đồng nghiệp cũng thương yêu. Nhớ những lần nhà Kim Đồng đưa sách vào Sài Gòn dự hội chợ sách hằng năm, mình đến chơi gặp các chị Lê Phương Liên, Nguyễn Sông Thao, Tô Hà, Nguyễn Thị Châu Giang, anh Trần Đình Nam... họ nhắc đến Nga với tình mến thương thực sự. Có lần thấy mình mon men thân Sông Thao (con cụ Tô Hoài), Nga đùa dọa cậu là của chung K17 nhớ chửa, không phải của riêng ai, cứ liều liệu cái thần hồn. Kể ra có cảnh báo cũng chả thừa bởi đã mắc vào lưới Sông Thao thì có mà chạy đằng giời (Thao nhỉ, hi hi). Trong đám K17, Nga là số ít những đứa trang bị được cho mình tấm thẻ hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ dạo người ta còn kết nạp khá khắt khe, tuyển lựa kỹ càng chứ không nhôm nhoam tùy tiện như sau này. Số ấy mình đếm trên đầu ngón tay, hình như K17 có Xuân Ba, Nguyễn Sĩ Đại, anh Đỗ Xuân Thanh (đã mất), anh Nguyễn Huy Cờ...

Trước hết phải cám ơn những người đã vác tù và hàng tổng nhận lĩnh trách nhiệm thai nghén và nuôi dưỡng cuốn kỷ yếu, xin kể ra đây: Vũ Lệnh Năng, Lê Tài Thuận, Lê Thanh Nga, Nguyễn Thị Bé, Trần Thị Sánh, Nguyễn Sĩ Đại. Công lớn nhất thuộc về thị Bé và thị Nga. Đã bỏ công mất sức còn chịu nhời ra tiếng vào. Nhưng thôi, xưa nay những người làm từ thiện đều là những vị tâm tính hải hà, chấp nhặt chi điều cỏn con lặt vặt. Của tin gọi một chút này làm ghi, cái "chút này" dày dặn đẹp đẽ tình cảm thế đáng được nâng niu trân trọng lắm lắm.

Suốt trưa nay mình mất cả buổi nghỉ để thưởng thức sơ bộ kỷ yếu. Nhìn chung là thích, quý, thấy xứng đáng với sự công phu của người làm sách, sự chờ đợi của bạn bè. Nhưng với kinh nghiệm của kẻ xưa nay vốn chặt chẽ khó tính trong lĩnh vực chữ nghĩa, mình thấy tiếc khi còn khá nhiều lỗi, mà nếu biên tập kỹ hơn thì tránh được ngay. Ví dụ như tên của các bạn chưa nhất quán (Trần Quốc Vượng-Nguyễn Quốc Vượng, Nguyễn Văn Xuân-Nguyễn Ngọc Xuân, Phạm Xuân Hùng-Nguyễn Xuân Hùng mà thực ra là Phạm Sóng Hùng, Lê Xuân Sang-Nguyễn Xuân Sang...) chỗ thế này chỗ thế khác, hoặc quá trình công tác của Lương Ngọc Bính lại từ 1996 đến 1912 (hồi cu Bính chưa là hạt bụi)... Mà thôi, bỏ qua tất, cái công cái tình mới đáng kể ra, các bạn nhỉ.

4.1.2013
Nguyễn Thông

 Mình được các bạn thương cho 3 bài, đây là trang đăng bài "Cô Thơ"

Còn trang này bài "Thoáng Huế"

15 nhận xét:

  1. Thông ơi ngày hôm kia, Nguyễn Xuân Diện ( Tễu) gọi điện cho tao nói là cuốn kỷ yếu hơi bị hoành đấy.
    Chả biết y khen hay có ý gì?

    Trả lờiXóa

  2. Cảm ơn bạn đã vì quá yêu mà khen mình.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sao ảnh của bạn Ninh các ông bà lại không cho vào kỷ yếu, thiếu trách nhiệm và thiếu lương tâm quá.

      Xóa
  3. Gàn 60 người mà chỉ viết được thế là kém đấy, kỷ yếu mỏng quá, còn thiếu nhiều mảng của K17. Tôi nghe nói có được kỷ yếu là công sức và thời gian của nhiều người chứ không phải chỉ có hai người đâu.

    Trả lờiXóa
  4. Bà Nga không làm chức tước gì ở Kim Đồng, cũng không như ông Thông khen đâu, văn vẻ trẻ con, nông cạn. Tôi biết bà Nga hơn ông Thông đấy.

    Trả lờiXóa
  5. Biết bà Nga hơn ông Thông? Phỏng đoán thôi nhé, có thể là người cùng cơ quan chăng? Nếu là đồng nghiệp, nếu là đàn ông thì có lẽ cũng nên bớt đi sự ti tiện soi chiếu đố kỵ này khác với một người phụ nữ tứng 30 năm ở NXB Kim Đồng và đã về hưu!
    Cái viên đạn nào là trẻ con nào là nông cạn thoắt bật lại kẻ nặc danh 11:15!

    Trả lờiXóa
  6. Cứ như lời ông Thông khen thì bà Nga phải lên lãnh đạo từ lâu rồi, nhưng hơn 30 năm vẫn chỉ là nhân viên quèn, hay bà Nga có phốt gì nhỉ. Tôi không ti tiện, đố kỵ nhưng vì ông Thông khen quá lời nên đành phải nói ra chứ không như ông Vũ Phong viết đâu.
    Nông văn Dền - Kim Đồng

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lấy vị trí xem có là "LÃNH ĐẠO" hay không, để đánh giá con người? Cách nghĩ và cách nhìn thiển cận ấy đã đủ nói về bạn..."KHI LÀM CÂY MÁC CÂY CHÔNG/KHI THÀNH BIỂN CẢ KHI KHÔNG LÀ GÌ"...Đó là THƯỜNG DÂN đấy, bạn ạ!

      Xóa
  7. Tôi không biết ông cũng như bà Nga. Nhưng cách nhận xét về một con người của ông sao giống như "xu thế thời đại" này quá. Sao không chịu nghĩ rằng người giỏi có chút liêm sĩ không muốn làm quan thì sao? hoặc họ không có đủ cái màu đo đỏ trong túi áo (vì không muốn vào) thì họ đâu có được bổ nhiệm gì. Điều đó đâu nói lên rằng họ không làm lãnh đạo là kém. Ông Nông Văn Dề - Kim Đồng ạ

    Trả lờiXóa
  8. lethanhnga_kd@yahoo.com.vnlúc 21:22 6 tháng 1, 2013


    Tôi, Lê Thanh Nga, về Kim Đồng làm việc cho đến khi nghỉ hưu là 33 năm và chỉ là một biên tập viên nhưng không đến nỗi là một "biên tập viên quèn". Khi tôi có mặt trong cuộc đời này thì anh Nông Văn Dền đã hi sinh rồi. Vậy Vũ Phong và Thông quý quý mến, cảm ơn hai bạn và không cần tranh cãi với người đã chết,hai bạn ạ. Tôi tự coi mình như một cây nến, và, dù gì chăng nữa, nó cũng đã cháy sáng đến giọt cuối cùng và cũng góp được chút ít ánh sáng! Tôi yêu công việc của mình và tự hào về nó.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn Nga không cần phải nói thêm làm gì, thế giới mạng cơ mà, người yêu kẻ ghét-đố kị khó tránh khỏi. Thôi, cứ quẳng gánh âu lo giận hờn đi mà vui sống.

      Xóa
  9. Mình đang đọc kỷ yếu của K17, cảm động lắm, nhất là những bài viết về những bạn đã mất. Cảm ơn các bạn Sánh, Bé, Nga và những người đã chung tay, chung lòng làm nên kỷ yếu Một thời và mãi mãi và Hội lớp vừa qua.
    K17 ha ha ha

    Trả lờiXóa
  10. Hôm hội lớp K17 vừa rồi cô không đi được cứ tiếc mãi. Mong được đọc kỷ yếu K17 mà hôm Tết Dương lịch cái Huệ đến chơi lại quên không mang cho cô. Con bé này đoảng thế không biết. Trong cuộc đời dạy học 40 năm lẻ 1 của cô, K17 là một khóa để lại trong cô những tình cảm chân tình và sâu sắc nhất. Cô vẫn dõi theo mọi hoạt động của các em. Chúc tình yêu K17 thắm đượm 40 năm và mãi mãi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chúng em cám ơn cô. Cô mãi mãi là cô giáo kính mến yêu quý của chúng em.

      Xóa


  11. Bao giờ về lại thăm Mái trường xưa ?
    ===============



    Bao giờ về lại thăm Mái trường xưa ?

    Gần Nửa Thế kỷ chưa về thăm trường cũ !

    Gần Năm Thập kỷ xa ngôi trường xưa !

    Gần Năm mươi năm rồi bao niềm nhớ nhung

    Gần Nửa đời người xa cách ngàn trùng

    Xuân nay lại về trong khứu giác Hương Mai Đào

    Nhớ ngôi trường cũ giờ ra sao ?

    Nhớ mái trường xưa nhớ cô thầy bạn bè

    Người xưa có còn nơi chốn cũ ? ...

    Sân trường thuở ấy còn hàng Phượng vỹ

    Mầu đỏ hồng như đôi môi em ngày ấy …

    Tà áo dài trắng trinh nguyên vẫn còn tung bay

    Dù Thời gian trôi mau trong Cơn gió bụi Việt Sử

    Gần Nửa Thế kỷ Quê Hương bao cơn địa chấn

    Gần Năm Thập kỷ chinh chiến ly phân

    Gần Năm mươi năm bao nhiêu dâu bể

    Gần Nửa đời người ngàn trùng xa cách chưa về

    Bao giờ về lại thăm Mái trường xưa ?

    Gần Nửa Thế kỷ chưa về thăm trường cũ !

    Gần Năm Thập kỷ xa ngôi trường xưa !

    Gần Năm mươi năm rồi bao niềm nhớ nhung

    Gần Nửa đời người xa cách ngàn trùng ...



    TRIỆU DÂN LÀNH

    Trả lờiXóa