Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012

Quanh co chuyện chùa

Giới chức Hà Nội, nhất là mấy vị phụ trách về văn hóa, di sản đang biện bạch quanh co về vụ phá chùa Trăm Gian. Đáng nhẽ cứ nhận lỗi đi cho chóng ngoan thì lại cả vú lấp miệng dư luận bằng lý sự khuôn viên chùa rộng những 3 hecta, có hàng chục hạng mục, hiện mới chỉ 3 hạng mục nhà tổ, gác khánh và bậc đá bị xâm hại (phá bỏ thay mới) thế thì chưa chi mà đã cuống lên. Đã phá toàn bộ đâu mà rộn. Những chỗ bị phá đã cũ quá rồi, để rất nguy hiểm. Chỗ bị phá làm lại mấy hồi, cần thì phục dựng lại chứ có gì đâu. Họ còn trách báo chí vội vàng, cảnh báo giả, làm dư luận hiểu sai...

Thưa các ông lý sự kính mến, một quần thể chùa ngoài tam bảo thờ phật (nơi quan trọng nhất) thì nhà tổ, gác khánh, gác chuông là bộ mặt nhà chùa đấy ạ. Chùa này có tên Trăm Gian, nhà tổ đã phá sạch rồi mà các vị vẫn cứ quanh co thì em xin các vị cứ cho chụp ảnh công bố trước bàn dân thiên hạ rằng phần chính "trăm gian" chùa cũ ấy vẫn còn nguyên, không hề suy suyển thì sẽ yên dân ngay. Phần đã bị phá, tiếc thì tiếc thật nhưng sự đã rồi. Còn bây giờ thì người ta phải tin các nhà báo, trong đó có nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, người con của xứ Đoài, người đầu tiên lên tiếng về vụ phá chùa.

Một người bạn tôi than thở giá mà chúng nó không xóa sổ Hà Tây văn vật, cái nôi của văn hóa sông Hồng thì đâu đến nỗi này.

Dân đen chúng em chờ các ngài công bố ảnh để giải tỏa ấm ức. Nhanh nhanh lên nhé.

1.9.2012
Nguyễn Thông

Tháng trước sông Hương

Cuối tháng trước, mình lần đầu được khỏa chân trên dòng biếc Hương giang. Vèo một cái đã hết tháng 8. Vèo vài cái nữa là hết năm. Vèo vài chặng nữa một đời người. Đúng thật "thân như điện ảnh hữu hoàn vô".

Nhớ sông Hương, đưa lên tấm ảnh này do mình chụp (tất nhiên là bằng cái máy Sony mà thằng khỉ Xuân Ba gọi là đồ chơi du lịch). Quả thật Hương giang trải bao biến thiên vẫn như thuở Cao Bá Quát buổi sáng nào đó dạo ngắm thẫn thờ " Vạn chướng như bôn nhiễu lục điền/Trường giang như kiếm lập thanh thiên" (Ruộng biếc núi vòng lụa chạy quanh/Sông dài kiếm dựng giữa trời xanh).

Không có sông Hương, Huế chẳng còn là Huế nữa.


31.8.2012
Nguyễn Thông

Singapore - Lý Hiển Long - Facebook

Hôm 26.8 vừa rồi là ngày quốc khánh Singapore. Theo báo cáo của tổ chức quốc tế Knight Frank, thu nhập bình quân đầu người/năm của nước này hiện ở mức 56.532 USD, cao nhất thế giới, có nghĩa là người dân quốc đảo sướng nhất thế giới. Thôi, không khen Singapore nữa, khen phò mã tốt áo làm chi.

Có chuyện ni. Bữa kỷ niệm quốc khánh ấy, ông thủ tướng Lý Hiển Long phát biểu trước công chúng. Ông ta không ca ngợi ơn đảng và chính phủ, không đổ lỗi cho khách quan, không dọa nạt cảnh báo dân bị thế lực thù địch lợi dụng, không tuôn ra những lời sáo rỗng giáo điều kiểu tăng trưởng kinh tế, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, nuôi con gì trồng cây gì... Vậy trong hơn nửa giờ đồng hồ, ông ấy nói cái chi chi? Nhiều thứ lắm, toàn điều thiết thực, mình thích nhất là tiên sinh Lý Hiển Long bảo "20 năm trước, internet chưa đến Singapore. Lúc đó có ai tưởng tượng Facebook hoặc YouTube cùng những tác động nơi xã hội và con người là gì đâu. Thế nhưng, ngày nay chúng ta là một trong những đất nước nối mạng tốt nhất thế giới" (Prime Minister Lee Hsien Loong's National Day message 2012, bản dịch của Danh Đức).

Cái nhà ông Lý rõ là... Chả biết xứ ông có tự do báo chí không, có hơn 700 cơ quan báo chí không, chỉ biết đích thân ngài thủ tướng đề cao Facebook, YouTube cũng như các loại mạng xã hội thì đủ hiểu vì sao xã hội dân sự Singapore, đời sống người dân Singapore tuyệt vời đến thế. Thật may cho những nước có vị thủ tướng kiểu Lý Hiển Long.

Nghĩ đến xứ mình dân chúng vẫn đang leo trèo đổ mồ hôi, mải miết hì hục vượt tường lửa chặn Facebook mà buồn.

Rằm tháng 7 cúng cô hồn
Nguyễn Thông


Những bài hát của một thời (48): Bông hồng cài áo

Bữa nay rằm. Rằm tháng bảy. Những người theo đạo Phật cúng lễ Vu lan. Những đứa con cũng nhớ về mẹ, dù còn sống hay đã khuất.

Mẹ mình năm nay 96 tuổi, đang ở quê nhà. Cụ ăn ở phúc đức nên trời phật ban tuổi thọ và sức khỏe. Cầu cho mẹ khỏe vui cùng con cháu. Mình đang đặt mua cái vé Jetstar để cuối năm lại về thăm mẹ. Nhiều lúc bừng tỉnh, thấy cuộc mưu sinh ồn ào mê mải làm mình quên cả mẹ, lòng hối hận biết chừng nào.

Tặng bài hát này cho tất cả những đứa con thương mẹ, luôn nhớ về mẹ, không chỉ dịp Vu lan mà quanh năm suốt tháng.

Bông hồng cài áo là ca khúc nổi tiếng, nhạc của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, lời của thiền sư Thích Nhất Hạnh, qua giọng hát tuyệt vời Khánh Ly.

Mùa Vu lan, rằm tháng bảy Nhâm Thìn 2012
Nguyễn Thông



Một bông hồng cho anh
Một bông hồng cho em
Và một bông hồng cho những ai
Cho những ai đang còn mẹ
Đang còn mẹ để lòng vui sướng hơn
Lỡ mai này mẹ hiền có mất đi
Như đóa hoa không mặt trời
Như trẻ thơ không nụ cười
Ngỡ đời mình không lớn khôn thêm
Như bầu trời thiếu ánh sao đêm

Thứ Năm, 30 tháng 8, 2012

Bài nữa cho K17: Nhớ mãi một chuyến đi

MA DUY GIANG - TRẦN THỊ SÁNH


Như sinh viên các khóa học trước, sau khi học xong năm thứ nhất, tháng 10.1973, lớp Văn K17 Đại học Tổng hợp Hà Nội được khoa Văn tổ chức cho đi thực tế, sưu tầm văn học dân gian ở các tỉnh Tây Bắc, Việt Bắc. Chúng tôi cùng 15 bạn được cử lên Lạng Sơn sưu tầm văn học dân gian của đồng bào dân tộc Nùng. Mặc dù lúc đó trời chưa rét, song để chống chọi với mùa đông giá lạnh của miền sơn cước này, mỗi người phải mang theo một chiếc chăn bông. Xuống tàu ở ga Chi Lăng, 5 anh em gồm Lê Tài Thuận, Bùi Trọng Cường, Ma Duy Giang, Trần Thị Sánh, Hồ Thu Hiền vai đeo ba lô, tay ôm chiếc chăn to tướng đi bộ dọc theo đường tàu hỏi thăm về xã Chi Lăng, xóm làng Vặc, số còn lại đi tiếp đến huyện Cao Lộc. Chi Lăng là một trong những địa danh nổi tiếng với các di tích lịch sử như ải Chi Lăng, núi Yên Ngựa và cũng là nơi sinh sống của đồng bào Tày, Nùng, cách thị xã Lạng Sơn khoảng gần 30 km.

Bài dành cho K17: Lá thư từ khúc ruột miền Trung

NGUYỄN ĐĂNG THÀNH

Các bạn K17 Văn yêu quý.

Bây giờ là 1 giờ sáng, chắc các bạn đang ngon giấc. Mình rất xúc động khi đặt bút viết những dòng này, bởi lẽ đời mình đã trải qua nhiều lớp, nhiều trường, lúc nhỏ học ở miền Nam, cuối năm 1967 ra miền Bắc tiếp tục học tập. Những năm qua, hầu hết các bạn đã trưởng thành, trong đó khá nhiều người đang giữ những trọng trách quan trọng của Đảng và Nhà nước, nhưng mình chưa thấy lớp nào, khóa nào lại có tình cảm sâu nặng và nghĩa tình như lớp của chúng ta…

Rất tiếc là cuối đời công tác mình lại bị tai nạn. Có thể nói sống được như hôm nay là một sự may mắn hiếm có, trong đó đã nhận được sự quan tâm rất đặc biệt của các bạn K17 Văn. Đó là niềm an ủi, động viên mình vượt qua khó khăn, bệnh tật để sống vui, sống khỏe khi tuổi đã xế chiều.

Không nên chờ Trung cộng làm xong rồi loay hoay đối phó

Các cụ ơi, đừng quá chăm chú vào chuyện bầu Kiên, ngân hàng, xử Vinashin, nội bộ rối ren... mà quên rằng bàn chân thằng sói Tàu đã thò vào nhà mình rồi nhé. Mấy hôm nay dân tình xứ ta cứ nháo nhác chuyện nhà mà quên tiệt Trung Quốc nó đang làm gì. Hãy đọc bài của bác Trần Kinh Nghị đây này:


Tranh chấp biển Đông: không nên chờ Trung Quốc làm gì rồi đối phó
TRẦN KINH NGHỊ


Xâu chuỗi toàn bộ quá trình lấn chiếm biển Đông của Trung Quốc, đặc biệt  trong mấy năm trở lại đây, ta thấy, đến nay Bắc Kinh đã cơ bản hoàn thành trò ảo thuật  "biến không thành có". Từ một vùng biển chung của Đông Nam Á với chằng chịt những tuyến đường hàng hải quốc tế giờ đây bổng nằm gọn trong cái gọi là "thành phố Tam Sa" của riêng người Trung Quốc. Đó là "sự đã rồi" mà Bắc Kinh đã dầy công tạo ra bằng sức mạnh và những thủ đoạn dối trá. Đầu tiên họ tung ra một đường ranh giới mơ hồ gồm 9 đoạn đứt khúc không dựa vào bất cứ cơ sở pháp lý nào để khoanh trọn 80% diện tích của biển Đông và gọi đó là "lợi ích cốt lõi " của TQ. Sau đó để thực hiện âm mưu này, Bắc Kinh đã lần lượt chiếm quần đảo Hoàng Sa, rồi một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam; chiếm đảo Mischief và bãi cạn Scarborough của Philippines. Tàu hải quân và tàu dân binh TQ hàng ngày xâm phạm lãnh hải và liên tục quấy phá các hoạt động kinh tế cuả Việt Nam, Philippines và một vài nước khác trong khu vực. Tuy vậy, Bắc Kinh luôn bác bỏ đàm phán đa phương với ASEAN hoặc bất cứ bên thứ ba nào.

Tôi không tin

Theo kết luận của cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, anh Nguyễn Công Nhựt (Bình Dương) chết tại trụ sở công an là do anh tự treo cổ bằng sợi dây điện thoại (dạo trước báo chí thông tin rõ là dây cục sạc máy điện thoại di động) cột vào khung cửa sổ phòng nhốt anh.

Ông bạn tôi bảo nói thế chó nó nghe. Láo. Láo toét.

Còn tôi, dứt khoát không tin có chuyện thần thoại như thế trong thời buổi này.

Chỉ biết anh Nguyễn Công Nhựt đã chết. Nếu có linh hồn và sự quả báo như người ta nghĩ, hồn anh Nhựt sẽ biết phải làm gì, với ai.

30.8.2012
Nguyễn Thông

Thứ Tư, 29 tháng 8, 2012

Bác Huân và báo Văn nghệ

Dù ít quan tâm đến Hội nhà văn Việt Nam dưới triều đại Hữu Thỉnh, nhất là vừa rồi họ lại đứng ra tổ chức những cuộc hội thảo tâng bốc rất vô bổ, một chiều, phản khoa học với sự tham gia của nhiều nhà xu nịnh nhưng, nói của đáng tội, nhà cháu vẫn đọc báo Văn nghệ (trung ương) đều đặn. Thế mới chết, lý ra phải "rằng yêu thì bảo là yêu/không yêu thì nói một điều cho xong", vậy mà nhùng nhằng mãi. Cũng tại mình còn tí men văn nghệ trong người. Nhớ hồi tết xa ngái, lúc còn bé học cấp 1, bu mình giao cho trông nồi luộc bánh chưng tết, mình mê đọc tờ báo văn nghệ quá quên châm thêm nước, cháy mất cái nồi đồng điếu, năm ấy cả nhà ăn tết kém ngon.

Còn mê tờ Văn nghệ, có nhẽ một phần nó đang do bác Nguyễn Trí Huân cầm trịch. Bác này hiền, chỉ chuyên chú chuyện văn chương, dường như không thích chường mặt ra những chốn ồn ào khoe mẽ phô trương như bác Thỉnh, chú Thiều. Nhớ hồi nẳm, Xuân Ba rủ mình đến văn phòng đại diện báo Văn nghệ tại Sài Gòn chơi. Bác Nguyễn Duy thì mình biết rõ, đồng môn, ở đất này anh em thỉnh thoảng gặp nhau, nói chuyện với bác Duy khoái củ tỉ, nhiều thứ hay ơi là hay. Người chủ nhà Duy đang bận rộn tiếp khách, điểm mặt thấy có GS Tương Lai, nhà báo Thế Thanh, Thúy Nga, mấy chị bên Fahasa, và một bác cứng tuổi. Thằng Ba hỏi mày có biết ai đây không, mình thẹn ếch ngồi đáy giếng có mấy khi được giao du với các nhân

Thôi thôi, cho em xin

Báo Lao Động bữa ni có bài cực to về sự kiện nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn công bố tư liệu Địa dư đồ khảo của Trung Quốc (xem ở đây), trong đó bản đồ thể hiện cương vực nước Tàu về phía nam chỉ đến đảo Hải Nam. Rất nhiều báo cũng đưa tin, bài về event này.

Mình không bàn chuyện công bố những dạng tư liệu kiểu thế (mà là bản sao, chép lại chứ không phải bản gốc) có tác dụng gì, chỉ xin lưu ý một điều: đấu tranh với thằng Tàu, nhất là về mặt lập luận, cần phải cẩn thận, ngó trước trông sau, phải chặt chẽ, đừng cố nói lấy được, vạch được nó lại hở sườn mình, sau này nó bắt bẻ rất khó cãi. Cái đó người ta gọi là "gậy ông lại đập lưng ông". Thì xem này, cách lập luận trong phần sa-pô (chapeau) trong bài của báo Lao Động, ngay trang nhất: "Ngày nay tại Hải Nam (Trung Quốc), vẫn còn nhiều tảng đá lớn ghi rõ đó là “chân trời góc bể” của TQ, cuốn “Địa dư đồ khảo”, một tư liệu cổ của nước này cho biết. Cuốn sách được Giáo hội Phật giáo VN công bố ngày 28.8, xác nhận Quỳnh Châu (tức đảo Hải Nam) là biên giới cuối cùng của lục địa TQ". (hết trích).

Thế bọn Trung Quốc nó chịu câm mồm chăng. Hay là nó ngâm nga thơ Tố Hữu: "Ta đi tới không thể gì chia cắt/Từ Mục Nam Quan đến mũi Cà Mau", thơ Xuân Diệu "Tổ quốc tôi như một con tàu/Mũi thuyền ta đó. Mũi Cà Mau". Nó sẽ bảo: vậy đảo Phú Quốc, Thổ Chu... chúng mày vứt đi à, thôi cho thằng Khơ Me nhé. Thơ chúng mày làm ra, cho học trò chúng mày học bao năm nay, là sai à...?

Nhiều dẫn chứng nó có thể lôi ra quật mình lắm, nhỏ cũng có, nhớn cũng có (mình chả dại gì lạy ông tôi ở bụi này, khai ra đồng chí đang trốn trong đống rơm, nếu thằng Tàu ngu chưa biết), cho nên ăn nói phải cẩn thận, đừng phát ngôn lấy được, lợi bất cập hại. Mong các nhà tuyên truyền, báo chí truyền thông lưu ý. Đa tạ.

29.8.2012
Nguyễn Thông

Thứ Ba, 28 tháng 8, 2012

Đề nghị "khen thưởng" trưởng CA P.12

Sau vụ băng côn đồ Nguyễn Kim Của suốt 3 năm tròng rã hoành hành trấn lột, ngang nhiên bắt bớ, đánh người, quậy phá bệnh viện lao Phạm Ngọc Thạch, không coi pháp luật là cái đinh gì, đã bị PC45 Công an TP.HCM bắt giữ, người dân rất mừng. Xin cám ơn công an thành phố đã ra tay, chứ nếu cứ để công an Q.5 hành sự, chả biết bao giờ dân mới hết khổ.

Đọc loạt bài trên báo Thanh Niên phản ánh vụ việc, không thể hiểu nổi tại sao trong một xã hội luôn đặt vấn đề "an sinh xã hội" cho dân lên hàng đầu mà lại xảy ra như thế (xem ở đây đây, và đây). Điều đó chứng tỏ chính quyền địa phương, công an địa phương đã bất lực, quá yếu kém, một lũ xôi thịt, sống bằng đồng tiền dân đóng thuế nuôi mà không biết ngượng.

Thế thì còn chờ gì nữa mà không chỉnh đốn đám nha lại ấy khi đảng đang ráo riết thực hiện cuộc chỉnh đốn để cho bộ máy trong sạch. Không ai có thể làm mất lòng tin của dân hơn đám này. Hãy nghe trung tá Nguyễn Văn Hải - Trưởng công an P.12, Q.5 trả lời phóng viên xem họ đã tận tụy vì dân, vì cuộc sống như thế nào:
 

"Băng nhóm của Của lộng hành 3 năm nay nhưng nói "không biết" thì trách nhiệm của CA ở đâu?

CA phường có hồ sơ theo dõi băng nhóm Của nhưng không phát hiện hoạt động của chúng. Kể từ đó đến giờ phường chưa xử lý hành chính, hình sự vụ nào đối với băng nhóm của Của vì không tiếp nhận bất cứ phản ánh nào. Nói chung về việc nắm băng nhóm của Của còn hơi dở, về mặt ANTT là chưa đạt. Nhưng CA phường đã làm hết trách nhiệm.

Băng nhóm của Của thu tiền bảo kê diễn ra hằng ngày, CA phường không phát hiện mà ông nói đã làm hết trách nhiệm?

CA phường đã làm hết trách nhiệm, còn đạt yêu cầu hay không là chuyện khác. Tuy nhiên khi để vụ việc xảy ra thì phải chịu trách nhiệm. Riêng tôi và anh Trung phải chịu trách nhiệm. Những người liên quan đến trách nhiệm này đang làm bản tường trình báo cáo cho CA quận xem xét xử lý". (hết trích).

Người đứng đầu lực lượng thực thi công quyền ở một địa phương "hết trách nhiệm" như thế, thảo nào PC45 phải ra tay. Thôi cứ khen thưởng ngay cho ông ấy và cấp dưới, theo kiểu mà sinh thời bác nhà thơ Thợ Rèn đã viết trên báo Nhân Dân:

Những phường mưu mẹo lọc lừa
Nói mãi không chừa tòa sẽ ưu tiên.

28.8.2012
Nguyễn Thông




Thứ Hai, 27 tháng 8, 2012

Nhà giàu xứ ta

Trước hết cần xác định: Giàu không phải là xấu. Thậm chí còn tốt, rất tốt nữa đằng khác. Một xã hội không thể coi là hạnh phúc, tiến bộ nếu chỉ nhan nhản sự nghèo. Suốt bao năm, dân tộc này chìm đắm trong cái nghèo. Nghèo đến thảm hại, tả tơi. Nghèo đến mức cái nghèo mặc nhiên thành thứ căn bản, cốt lõi của những thứ cùng cực khác: nghèo khổ, nghèo đói, nghèo hèn, nghèo túng, nghèo nàn, nghèo khó... Trăm thứ nghèo, chỉ nhân dân gánh chịu. Đã có thời, nhất là ở miền Bắc, các cán bộ quán triệt dân rằng nghèo mới trong sạch, còn giàu sang tất nhiên có vấn đề. Giàu đồng nghĩa với bóc lột, cần phải lên án, nhẹ thì chê bai, nặng thì tịch thu tài sản, đem đương sự ra tòa.

Đã là người, ai cũng có nhu cầu hạnh phúc. Sự nghèo đói không thể đem lại hạnh phúc thực sự. Thời thế thay đổi, con người nhận ra rằng phải giàu có, dân giàu thì nước mới mạnh. Sau bao nhiêu thập niên trói buộc con người trong những chủ thuyết ngoại lai cứng nhắc, nhốt con người trong sự nghèo hèn, nhà cầm quyền sực tỉnh, vội vàng cởi trói. Cũng chả phải do thương gì dân nghèo, mà không cởi, nó chết mình cũng chết, thậm chí mình còn có thể chết trước nó, hoặc nó làm cho mình chết. Trạng chết chúa cũng băng hà. Nhờ đó mà cuộc sống được khởi sắc, sinh sắc. Họ gọi đó là đổi mới và nhận công lao về mình. Rồi lịch sử sẽ xét lại công của ai, của họ hay của dân. Chỉ biết những sợi dây trói thì không phải do dân bện, dân thắt. Dân chỉ làm nhiệm vụ phá tung xiềng xích như xưa nay dân vẫn làm thôi.

Đất nước thống nhất. Miền Nam nhận họ, miền Bắc nhận hàng. Thực tế ngay sau 1975 cho thấy nền kinh tế miền Bắc què quặt, bao cấp nặng nề, mang đặc trưng nghèo đói bao nhiêu thì nền kinh tế miền Nam phát triển, hàng hóa dồi dào, đáp ứng cuộc sống sung túc bấy nhiêu. Cứ nhớ lại hình ảnh anh bộ đội miền Bắc hớn hở trở về quê nhà với con búp bê nhựa hoặc chiếc khung xe đạp mà lại thương trào nước mắt.

Chủ Nhật, 26 tháng 8, 2012

Đoàn kết, hòa hợp dân tộc trước những mâu thuẫn xã hội

BÙI CÔNG TỰ
(gửi cho blog Nguyễn Thông)

Trong bài bút ký “Tương lai đang thúc giục chúng ta viết nên những trang sử mới” đăng trên nhật báo SGGP số ra ngày 23/8/2012, ông Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch nước đã gửi đến nhân dân cả nước nhiều thông điệp. Một trong những thông điệp đó là: Làm sao để chính trị xã hội ổn định?

Đặt ra câu hỏi đó tức là ông Chủ tịch nước đã thừa nhận rằng hiện trạng chính trị xã hội của đất nước ta đang không được ổn định.

Giá như có bức ảnh...

...Thì hơn vạn lời nói.

Nhân dịp đại tướng Võ Nguyên Giáp đạt 102 tuổi trời (25.8), xin kính chúc cụ tiếp tục trường thọ.

Nhiều tờ báo đã thông tin về tình hình của đại tướng. Lẽ ra chỉ cần cho biết nhiều đoàn, nhiều người đã đến bệnh viện chúc thọ, mừng tuổi vị tướng già là được, nhưng một số cơ quan báo chí truyền thông hơi bị quá đà, dùng những từ "minh mẫn, mạnh khỏe", ông mong thế này, ông nói thế kia, ông ký vào thiệp cảm ơn... Ví dụ VnExpress (xem đầy đủ ở đây) viết "Theo những người thư ký thân cận của Đại tướng, bước sang tuổi 102 ông vẫn minh mẫn. Đích thân ông đã ký để in lên những tấm thiệp tặng các đoàn khách đến thăm, chúc thọ. Trao đổi với VnExpress, trung tá Lê Văn Hải (Văn phòng Đại tướng) cho biết, để cảm ơn những đoàn khách tới nhân dịp sinh nhật của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Văn phòng đã chuẩn bị sẵn các tấm thiệp để cảm ơn, trong đó có in hình chữ ký mới nhất của Đại tướng. Đây là bút tích của Đại tướng cách đây ít ngày. "Dù tay run, nét không còn sắc như xưa song mọi người vẫn nhận ra đó là chữ ký của Đại tướng", trung tá Hải nói. Cũng theo người thư ký của Đại tướng, nhờ sự chăm sóc của êkip y bác sĩ ở viện Quân y 108, sức khỏe ông vẫn ổn định, tinh thần minh mẫn. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội vào thăm, ông đều nhận ra. Tuần trước, nhân hội thảo khoa học quốc gia về dạy và học lịch sử ở trường phổ thông (Đại tướng là Chủ tịch danh dự của Hội khoa học Lịch sử Việt Nam) tổ chức ở Đà Nẵng, đích thân ông đã duyệt bức điện ngắn gửi tới hội thảo...". (hết trích).
Bức họa này được mượn từ trang của bác Trần Nhương (trannhuong.com)

Cũng như nhiều người, tôi luôn mong mỏi cụ Võ Nguyên Giáp khỏe mạnh, sống cùng đất nước, nhân dân, gia đình. Giá như các nhà báo, nhà nhiếp ảnh hiểu được nỗi khao khát ấy, chỉ cần chụp vài tấm ảnh lúc đại tướng đang ký tên, đang trò chuyện, chỉ vài khoảng khắc thôi, rồi công bố cho dân chúng biết, có phải giá trị biết bao nhiêu không. Một bức hình hơn vạn lời nói, chả cần phải từ ngữ này nọ. Dù đại tướng có thể dung nhan tiều tụy nhưng không vì thế mà người xem ảnh giảm đi niềm yêu kính. 

Báo chí truyền thông vẫn cứ loa loa theo lối cũ, áp đặt, chả cần biết bạn đọc nghĩ gì, thảo nào ngày càng tóp lại như miếng da lừa.

26.8.2012
Nguyễn Thông


Thứ Bảy, 25 tháng 8, 2012

Bản nhạc tặng bạn ngày chủ nhật (2): Vì miền Nam

Trong kỳ trước, mình đã tặng các bạn tác phẩm có cái tên na ná kỳ này; trước là Nhớ về nam (hay còn gọi Lý hoài nam) của Nguyễn Văn Thương, qua tiếng sáo trúc Đinh Thìn; nay là Vì miền nam của nhạc sĩ Huy Thục, qua tiếng đàn bầu nghệ sĩ Thanh Tâm. Sáo và đàn bầu, hai nhạc cụ tiêu biểu của âm nhạc dân tộc có lẽ sẽ đem lại cho các bạn cảm giác thanh khiết, yên bình sau một tuần mệt nhọc, căng thẳng.

Tác giả Vì miền nam, nhạc sĩ Huy Thục, mình đã có dịp đề cập khi giới thiệu tác phẩm Tiếng hát trên đường quê hương (mục Những bài hát của một thời, xem, nghe ở đây), nay không nhắc lại nữa. Nghệ sĩ Thanh Tâm là tay đàn bầu nổi tiếng của âm nhạc miền Bắc những năm chiến tranh, chị và nghệ sĩ Mạnh Thắng là hai đỉnh cao chót vót thể hiện loại nhạc cụ độc đáo này. Hồi chiến tranh, trong đêm thanh vắng, dù ở chiến trường hay miền quê nông thôn, nghe tiếng đàn Thanh Tâm trên làn sóng đài Tiếng nói Việt Nam càng cảm thấy yêu đất nước bội phần.

Ngày mai chủ nhật 26.8, tôi không chỉ tặng bạn yêu nhạc nói chung mà xin kính tặng bản nhạc này cho 42 vị nhân sĩ trí thức Sài Gòn - miền Nam.

Xin cám ơn nhà sưu tầm Zanhanoi.

25.8.2012
Nguyễn Thông

Đừng viết thế, phải tội

Viết blog, giống như viết nhật ký, người ta có quyền được thể hiện tất tần tật những điều mình suy nghĩ. Chân thật. Không ép buộc, áp đặt cái của mình cho bất cứ ai. Và cũng đừng ai có ý định áp đặt người viết.

Tuy nhiên, đây không phải nhật ký gối đầu giường. Tôi tự đặt cho mình nguyên tắc: có thể bàn mọi vấn đề xã hội nhưng riêng đối với cụ Hồ Chí Minh, một lãnh tụ của cách mạng vô sản, dứt khoát không hạ thấp, mạt sát, dè bỉu, nói những điều xúc phạm, nói bằng kiểu xúc phạm. Con người và sự nghiệp của cụ được lịch sử đánh giá chứ không phải do những cá nhân. Cần tôn trọng cụ Hồ.

Chính vì vậy, tôi hết hồn khi đọc những dòng sau đây trong một blog: "Phim giả tưởng, kể về công cuộc  săn tìm và tiêu diệt Ma Lai của hai vị cha già dân tộc Hồ Chí Minh và Lê Duẩn. Trong phim, Ma Lai không còn  lẩn khuất ở cùng núi  Tây Bắc mà tràn ngập từ Thủ đô tới Sài gòn. Lấy một bó lá ngải làm vũ khí, Hai Kụ đã vào tận hang ổ để giết trùm Ma Lai Nguyễn Văn Thiệu, giải phóng đất nước". (hết trích).

Tôi thực lòng nghĩ thế nào bày tỏ thế ấy, hoàn toàn không có ý muốn chê bai, khuyên bảo ai.

Tôi chỉ muốn nói nho nhỏ với chị ấy rằng không nên thế. Viết thế phải tội.

25.8.2012
Nguyễn Thông

Cần tôn trọng bạn đọc mạng

BÙI VĂN BỒNG

Mạng internet là sự tiến bộ vượt bậc của khoa học kỹ thuật, tạo dựng phát triển và là điều kiện tiên quyết mở ra thời đại bùng nổ thông tin toàn cầu, đáp ứng nhanh, nhạy, kịp thời, đầy đủ quyền được thông tin của con người. Đó là nhờ thành công của nghiên cứu và ứng dụng công nghệ từ lý thuyết bức xạ điện từ (hay sóng điện từ) có cơ sở khoa học tạo nền từ cuối thế kỷ 19 do các công trình nghiên cứu chuyên sâu về điện và từ của nhà toán học người Scotland (J.C Maxwell) dựa trên lý thuyết căn bản của M.Faraday.

Những tính toán của ông chứng tỏ rằng sóng điện từ có thể truyền với vận tốc ánh sáng và điều này khiến cho ông đưa ra những dữ liệu minh chứng ánh sáng cũng là một loại sóng điện từ. Năm 1888, H. Hertz đã dùng điện phát ra các sóng có tính chất giống như ánh sáng và do đó đã xác nhận những ý tưởng tuyệt vời của Faraday và Maxwell. Khi lan truyền, sóng điện từ mang theo năng lượng, động lượng và thông tin, một dạng điện động lực học của ngành điện từ học…, được tính toán theo phương trình Maxwell. Chúng ta được hưởng thụ những thành công sáng chế nhiều loại hình sóng điện từ, thông tin điện tử, vi mạch dẫn, mạng Internet là nhờ các nhà khoa học tài năng ấy.

Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2012

Chấm dứt sự nhùng nhằng

Sau một hồi dài nhùng nhằng cân nhắc bắt hay không bắt, công bố hay không công bố, giờ thì các báo ào ạt đưa tin. Đây là tin của báo Thanh Niên, một trong vài tờ báo thông tin sớm nhất (chỉ có điều báo TN cũng như các báo khác đều cùng 1 bản của TTXVN, hì hì):

Bắt tạm giam nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu

Cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã có văn bản thông báo cho biết, lúc 18 giờ 30 ngày 23.8.2012, Cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã thực hiện lệnh bắt, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với Lý Xuân Hải, sinh năm 1965; nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo điều 165 - Bộ Luật hình sự.

Thời hạn tạm giam 04 tháng kể từ ngày 23.8.2012.
Bị can Lý Xuân Hải đã được dẫn giải về Trại tạm giam Bộ Công an để điều tra làm rõ vụ án.

----
Mình không thích chuyện bắt bớ nhưng thú thật thấy các nhà chức việc cứ nhẩn nha mãi, tự dưng lại nghĩ hay là có kịch bản Dương Chí Dũng thứ 2. Thôi, cũng xong.

Hôm qua, nhiều ông bà làm to, nhất là mấy vị ở ACB cứ quanh co rằng ông Hải bận việc cá nhân, xin từ nhiệm, không có chuyện bắt bớ, nay đùng một cái ông Hải bị bắt. Các vị cứ nói lấy được, bây giờ các vị có khuyên dân bình tĩnh, đừng nên rút tiền, liệu ai dám tin. Một lần quanh co, trăm điều tai hại.

Hồi nãy, mấy đứa em gọi điện cho mình, hỏi anh có biết gì không, mình bảo tao không biết, nó hét ông ngủ mơ đấy à, nếu có tiền gửi ở ACB thì đến mà rút, người ta đang kéo đến ACB đông như quân Nguyên kia kìa. Mình cười khớ khớ, đáp nhời nó, rằng trước hết tao không có tiền gửi tiết kiệm nên không quan tâm đến ABCDEF gì cả, thứ nữa là nhà nước đã hứa đổ tiền để cứu ngân hàng ACB, nhà báo Nguyên Hằng đã viết là cần "bình tĩnh", vậy trước sau thì cũng có, bà con đừng lo nhé.

Sáng nay thấy vàng đã vọt lên hơn 45 triệu đồng. Phải công nhận cái tay trùm Kiên ghê gớm thật, chỉ mình hắn mà làm chao đảo bao nhiêu lĩnh vực suốt mấy hôm... Chả biết kéo dài đến bao giờ.

24.8.2012
Nguyễn Thông


Thứ Năm, 23 tháng 8, 2012

Hoan hô chị nghị Nga

Cứ tưởng không còn bác Thuyết, bác Cuông (Nguyễn Minh Thuyết, Lê Văn Cuông)... thì nghị trường bình yên, dễ ngủ lắm. Ai ngờ vẫn le lói ý dân, vẫn còn người được dân mến dân tin. Mà lại là một phụ nữ, chị Lê Thị Nga (đại biểu Thanh Hóa), đương kim Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.

Hôm 22.8, sau khi nghe các vị đại diện Thanh tra chính phủ, Bộ Công an giả nhời lòng và lòng vòng về chuyện để cá lớn Dương Chí Dũng sai phạm tè le nhưng vẫn được bổ nhiệm chức vụ cao hơn, và lọt lưới êm thấm (đến giờ này vẫn chưa biết chàng trốn trong đống rơm nào), nữ dân biểu Lê Thị Nga đã cáu tiết vặc một phát, ngắn gọn nhưng hết sức đầy đủ:

"Thanh tra cứ thanh tra, bổ nhiệm cứ bổ nhiệm, điều tra cứ điều tra, và cuối cùng thì ông Dũng vẫn cứ trốn thoát".

Mình mà là mấy ông kia chắc ngượng đỏ mặt, phải tìm cái lỗ nẻ nào để trốn. Có cãi đằng trời.

Thay mặt cho dân chúng... gia đình em, cám ơn chị Nga ạ.

24.8.2012
Nguyễn Thông

Đúng thực lỗi của thư ký

Bữa ni, mình đã bỏ kha khá thời gian để đọc bài viết được giới thiệu là quan trọng của chủ tịch nước Trương Tấn Sang (xem ở đây). Nói chung không có gì mới. Phần tình cảm nhiều hơn phần lý trí, suy nghĩ.

Chỉ có điều, cái phần mở đầu làm mình khó chịu, câu chữ loáng thoáng chập chờn giọng văn kiểu trong bài tập đọc "Tôi đi học" của nhà thơ Thanh Tịnh hồi nảo hồi nào. Vậy nì:

"Ngày Quốc khánh bao giờ cũng đem lại cho mỗi người chúng ta những cảm xúc thật đặc biệt.
Tôi nhớ lại cảm xúc của mình vào những ngày kỷ niệm này trong nhiều năm đã qua, cho dù lúc đó tôi đang ở thành phố hay nông thôn, vào buổi trưa hay vào lúc nửa đêm khi vạn vật đã chìm vào giấc ngủ. Tràn ngập trong tâm khảm tôi lúc đó là cảm xúc thiêng liêng và lắng đọng về ý nghĩa vĩ đại của Ngày Độc lập với non sông và dân tộc Việt Nam ta.
Một câu hỏi da diết xuất hiện trong những khoảnh khắc ấy: những gương mặt mà ta đã gặp, những ngôi nhà, góc phố, hàng cây, mỗi ngôi làng hay thậm chí một tiếng chuông chùa trong đêm sẽ như thế nào, sẽ ra sao, nếu như không có Ngày Độc lập ấy?
Đã có rất nhiều cuốn sách, những bài diễn văn của các học giả, các nhà lãnh đạo trong và ngoài nước trong suốt 67 năm qua đề cập từng khía cạnh, thậm chí nhỏ nhất về ý nghĩa vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, không chỉ với đất nước và nhân dân Việt Nam, mà với sự tiến bộ của nhân loại nói chung. Trong thời đại thông tin ngày nay, việc kiếm tìm những thông tin như vậy trở nên thật dễ dàng..." (hết trích, đảm bảo nguyên xi, không sai 1 dấu phảy).

Vẫn biết những bài kiểu thế này thường do các ông bà trợ lý, thư ký của lãnh đạo chấp bút, còn các vị ấy chỉ đọc duyệt, thêm ý này, thắt ý nọ, bỏ ý kia, sau đó ký tên vào thôi (thông cảm, các vị ấy bận bịu đủ thứ việc, thì giờ đâu mà viết). Nhưng mở đầu một bài viết quan trọng tầm quốc gia, cho hàng chục triệu người đọc mà lại lả lướt, trữ tình ngoại đề như thế thì quả không nên. Rất khó nghe. Không ai cấm chủ tịch nước được quyền bày tỏ nỗi lòng, tâm tư của mình nhưng phải trong hoàn cảnh, văn cảnh thích hợp, trong những dịp khác cơ. Ví dụ bên bàn nhậu, bác cứ nói thoải mái, thậm chí càng trữ tình càng tốt. Còn ở chỗ này, dịp này, phải lập nghiêm, bác ạ.

Ấy, em là em cứ khó tính, xét nét như thế, không phải để chê bác chủ tịch, mà em chỉ muốn mắng mấy chú giúp việc cho bác mà thôi. Đã ăn lộc nhà chúa, xơi oản của chùa thì phải hết công hết sức, tỏ hết tài trí để phụng sự chúa, cúng chùa. Chỉ cốt làm cho xong thì nên về với mẹ đĩ rửa bát quét nhà còn có ích hơn.

23.8.2012
Nguyễn Thông

Thứ Tư, 22 tháng 8, 2012

Hãy trả tự do cho Đoàn Văn Vươn !

Tôi viết những dòng này khi đang rất tỉnh táo nhưng cũng đầy bức xúc.

Kể từ khi xảy ra vụ cưỡng chế đầm Vươn - cống Rộc (ngày 5.1) đến nay đã 7 tháng 18 ngày; từ khi Đoàn Văn Vươn bị bắt tạm giam vào đề lao Trần Phú, sau đó là Đoàn Văn Quý cùng 2 người khác vào theo thì kém một ngày. Một ngày tù nghìn thu ở ngoài, anh em Vươn - Quý đã trải mấy trăm nghìn năm ngục thất mà không được mở miệng khao khát tự do.

Họ bị giam giữ vì lẽ gì. Pháp luật nhà nước thì khép họ vào tội giết người, tàng trữ và sử dụng vũ khí trái phép, chống người thi hành công vụ... Toàn những tội có thể khép án tử. Đông đảo người dân, ít nhất là nhân dân xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng thì bảo tội duy nhất của họ là thực hiện quy luật có áp bức có đấu tranh, phản kháng lại những kẻ phá nhà cướp đất, tước đoạt quyền sống của mình. Giữa chính quyền và dân, cán cân công lý chưa biết nghiêng về bên nào, nhưng anh em Đoàn Văn Vươn trước hết đã phải gánh chịu. Sự thiệt thòi lớn nhất là họ bị mất quyền tự do tối thiểu của con người. Đã 7 tháng 17 ngày "tù nhân ngửa mặt ngắm trời tự do" (Hồ Chí Minh).

Đừng nên vu vơ, không căn cứ

Thời điểm này, bất kỳ ai "đụng" vào Quan Làm Báo đều rất dễ bị chửi, bị ném đá, không tơi bời thì cũng sứt đầu mẻ trán.

Tôi biết vậy nhưng vẫn cứ phải có đôi lời thưa với thiên hạ để dư luận tỏ tường. Tôi không thù ghét gì "tờ báo" Quan ấy, tuy nhiên nó có vài thông tin liên quan đến tờ báo mà tôi đang phục vụ, tôi biết chắc không phải như thế, nên đành "đụng" vào Quan. Cũng chả phải theo thói xưa nay "ăn cây nào rào cây ấy" nhắm mắt nhắm mũi phát ngôn xì xằng, mà nói với thái độ trách nhiệm trước công luận, tôn trọng sự thật khách quan.

Chả là "tờ" Quan Làm Báo vào lúc 22h50 tối qua (21.8) có post lên bài Vụ án bố già Kiên: Báo chí ăn tiền đâm toạc tờ giấy, trong đó người viết chả biết căn cứ vào đâu mà khẳng định báo Thanh Niên ăn 500 triệu (năm trăm triệu) đồng để đánh bóng cho bố già Kiên. Quan còn quả quyết "Thanh Niên bị việt vị thấy rõ khi mới đăng bài phỏng vấn để lăng xê cho bố già Kiên lúc 03 giờ chiều thì đến tối hắn đã bị bắt. Bài phỏng vấn của Thanh Niên chỉ là 1 trong đợt PR dự kiến sẽ "đánh tổng lực" trên toàn bộ hệ thống truyền thông Việt Nam nhằm to son, trát phấn cho hắn. Dự kiến 10 tờ báo tham gia, mỗi báo sẽ được trả công khai 500 triệu, còn cái phần "mềm" đưa riêng Tổng biên tập thì chưa rõ bao nhiêu. Trong đó Thanh Niên và VNEconomy nhanh nhảu nhất vì "đã quen làm" vụ Trầm Bê rồi!" (hết trích).

Ai chưa biết chuyện nhưng lại đang háo hức với tin tức nóng sốt xung quanh vụ bắt ông Nguyễn Đức Kiên sẽ dễ tin đó là sự thực. Tôi làm báo, gắn với tờ báo (Thanh Niên) này gần hai chục năm, hiểu phần nào công việc của tờ báo, biết phần nào thái độ và ý thức của những người cầm trịch, có thể nói mà không sợ ngượng miệng rằng báo Thanh Niên không dại dột gì làm chuyện tào lao ấy, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Đồng tiền lớn thật, mạnh thật nhưng đồng tiền không thể mua hết mọi thứ. Mọi người dễ dàng kiểm chứng điều tôi nêu bởi trên báo in giấy ra hằng ngày là kênh thông tin chính của Thanh Niên, không hề có bài phỏng vấn nào liên quan đến bầu Kiên chứ đừng nói về Nguyễn Đức Kiên. Trên kênh TN onlines cũng chỉ có những thông tin về giải V-League 2012 vừa kết thúc, tất nhiên có đề cập đến đội bóng CLB Hà Nội của bầu Kiên chứ hoàn toàn chả có bài phỏng vấn lăng xê đánh bóng nào. Chính tôi tối qua trong phiên làm việc của mình còn trực tiếp nghe Tổng biên tập trao đổi cấp dưới: "tôi đã đọc kỹ rồi nhưng vẫn hỏi cho chắc, báo mình có bài nào phỏng vấn về Nguyễn Đức Kiên không mà sao QLB lại nói như thế".

Trong lúc Quan Làm Báo đang nóng thu hút hàng mấy trăm nghìn lượt người xem mỗi ngày thì việc đưa ra thông tin không chính xác về một tờ báo đàng hoàng quả thật đáng tiếc. Rất đáng tiếc.

22.8.2012
Nguyễn Thông

Thứ Ba, 21 tháng 8, 2012

Điểm tin 21.8

Bão Kai Tăk vừa im ngọn gió
Đường thủ đô sụt lở đùng đùng
Công trình kỷ niệm ngàn năm
Mới đi được mấy bước chân, hỏng rồi.

Báo giáo dục cãi chày cãi cối
Chằm chặp bênh vô lối thi thần
Khen hay Yên Tử thi vân
Chửi ra rả luật sư Tâm nói càn.

Sư ông Mẫn đang gần về đích
Bỗng quỷ ma vác kích chặn đường
Nhất bộ nhất bái phi thường
Nào hay đầy kẻ ác tâm cõi đời.

Quần chúng làm việc nghĩa: xây dựng đảng

BÁ TÂN

Xây dựng đảng là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống đảng cũng như của từng đảng viên. Nhiệm vụ xây dựng đảng phải được thực hiện bằng những việc làm cụ thể và thiết thực. Nhìn vào năng lực và phẩm chất của đảng là biết được chất lượng công tác xây dựng đảng.

Nếu là người đảng viên thực sự thì đương nhiên không thể đứng ngoài hoặc đứng trên công việc xây dựng đảng. Chỉ có phần tử lợi dụng đảng và phá đảng mới chối bỏ, thậm chí đi ngược lại nhiệm vụ xây dựng đảng. Kết quả xây dựng đảng được đo đếm bằng việc làm hữu ích cụ thể, chứ không đếm số lần phát biểu về công tác này. Thiếu gì những kẻ nói một đường làm một nẻo. Trong hội nghị, trên vô tuyến cứ thấy xuất hiện là lớn tiếng đề cao đảng. Nghĩ trong đầu và làm trên tay luôn ngược nhau, họ trở thành thứ vi rút ác hiểm đang từng bước hủy hoại cơ thể sống của đảng.

Xin thông tin từ các chú công an

Sáng nay làng báo nhộn nhịp hẳn lên với tin nóng ông Nguyễn Đức Kiên (còn gọi là bố già Kiên, bầu Kiên) bị bắt. Dư luận ồn ào, nhiều ý kiến trái chiều. Theo thông tin do công an xì ra cho các báo thì ông Kiên được nhà chức trách "hỏi thăm" do có những "sai phạm về kinh tế". Lãnh đạo các cơ quan báo chí truyền thông đang rốt ráo chỉ đạo, tung phóng viên đi tìm cơ quan điều tra xin thông tin mới liên quan đến vụ việc. Lâu lâu lại có thứ nóng sốt thế này, không khai thác tối đa để tăng tia-ra, để câu bạn đọc, để báo khác nó giành mất, có mà ngu.

Lúc sớm, theo thói quen sau khi ngủ dậy, tôi vào mạng điểm tâm thời sự thì đã thấy vụ việc, tất nhiên là không phải từ báo chính thống, quốc doanh. Đến cơ quan, một người bạn tôi, anh Hiếu Dũng thư ký tòa soạn phàn nàn báo TN online nhà mình bây giờ mới post bài lên, sau "thằng" Tuổi Trẻ gần cả tiếng đồng hồ. Tôi hiểu một người có trách nhiệm như anh Dũng không thể chấp nhận sự chậm trễ ấy. Hơn nhau từng phút từng giờ nhiều khi quyết định giá trị của tờ báo. Lại nhớ hồi vụ Mỹ bị bin Laden tấn công 11.9, báo Thanh Niên chỉ hơn các báo khác có vài giờ mà tạo được chấn động lẫy lừng, đến nay vẫn còn ăn theo ánh hồi quang ngày ấy.

Tuy nhiên, nhìn vào tổng thể, sẽ thấy ngay báo chí quốc doanh xứ mình chả mấy khi đóng được vai trò phát hiện, tìm tòi, chủ động lật ra những mặt trái xã hội. Hầu hết tờ báo, với hầu hết vụ việc, chỉ là ăn theo.

Thứ Hai, 20 tháng 8, 2012

Phục lăn

Tặng bạn K17 của tôi: Xuân Ba.

Mày ạ, đã lâu tao cứ nghe nói tập Về Kinh Bắc của Hoàng Cầm thi sĩ, nghe thôi chứ chưa biết nó thế nào (mặc dù đã xuất bản năm 1994, được giải cao của Hội Nhà văn). Giờ coi bản gốc do nhà thơ Hoàng Hưng công bố, chính thủ bút Hoàng Cầm, tao phục lăn. Nói chung rất khiếp, thơ thế mới là thơ, người thế mới là người. Trước những người như thế, tao tự thấy mình chả là cái đếch gì, mày ạ.

Bản viết tay, chữ viết tuyệt đẹp (chúng mày xem ở đây). Có những câu thơ đọc lên nghe rợn người, ví dụ:
"Không gặp người quen
hờ
ngõ cũ" (trang 6).

Mẹ kiếp, một tập thơ như thế mà 2 người phải đi tù Hỏa Lò thì kể cũng lạ cho cái gọi là an ninh văn nghệ xứ này.
Xin phép thi sĩ Hoàng Hưng và chủ trang Bauxite Việt Nam cho tôi được sử dụng chút tư liệu quý này.
20.8.2012
Nguyễn Thông



Tội nghiệp

Coi sê ri ảnh những người đẹp nhất của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam do báo Tiền Phong tổ chức, phần thi áo tắm diễn ra sáng nay 20.8 (xem ở đây), mình (một lão già) chỉ biết thốt lên "tội nghiệp các cô gái". Nói tội nghiệp bởi họ không tự lượng sức, theo đuổi ảo vọng, dễ bị biến thành trò vui cho thiên hạ. Xét một cách công bằng, nếu với sắc đẹp, vóc dáng như thế, họ sẽ rất dễ lấy chồng, được bạn bè trầm trồ khen ngợi, nhưng để đứng vào đội ngũ thi thố trong cuộc thi sắc đẹp mang tầm quốc gia thì e chừng vênh lắm. Giá như họ đừng ghi tên vào danh sách.
 Ảnh của báo Vietnamnet

Mình cũng chả hiểu với những người đã được coi là "đẹp nhất" như thế, ban Tổ chức (báo Tiền Phong và TP Đà Nẵng) mần cách chi để chọn ra một cô mang danh Hoa hậu. Tất nhiên họ sẽ chọn 1 cô trong số trên, chả còn cách nào khác. Chán nhỉ.

Xứ này có nhiều thứ đi xuống, phú quý giật lùi, chả nhẽ sắc đẹp cũng tàn phai.

Thời của những cô gái như Bùi Bích Phương, Nguyễn Thị Huyền đã qua rồi chăng?

20.8.2012
Nguyễn Thông

Chủ Nhật, 19 tháng 8, 2012

Triết lý giáo dục cho môn lịch sử, và...

Bữa 17.8, anh Nguyễn Phú Trọng (lớn tuổi hơn, học trước mình thì mình gọi bằng anh, vả lại mình chả phải đảng viên đảng viếc nên không dám gọi là đồng chí) thăm và làm việc với bộ Học (còn gọi là bộ GD-ĐT). Anh ấy nói nhiều lắm, mình nghe ù ù cạc cạc, câu được câu chăng (qua tivi), bởi mình vốn đã chậm hiểu mà anh ấy lại sở trường lý luận hơi nhiều. Anh ấy bảo rằng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế (mấy cụm từ này mình nghe đã hơi bị quen tai) cần hình thành một triết lý về giáo dục của Việt Nam, từ đó có nền tảng để tiến hành đổi mới giáo dục.

Chết thật, thế mà mình nghĩ ở xứ ta xưa nay đã có đổi mới giáo dục rồi, té ra chưa. Bậy thật. Bởi như anh Trọng nói, chúng ta chưa có triết lý giáo dục. Mà chưa có triết lý giáo dục, tức là chưa có nền tảng, chưa có nền tảng thì chưa thể tiến hành đổi mới. Ối giời, những cái mà lâu nay người ta gọi là đổi mới, thực ra là phá, vậy nên giáo dục nước nhà mới nát như tương. Ấy, mình cứ hồ nghi, băn khoăn thế, nhưng chưa dám chắc. Giờ thì thấy bớt lăn tăn sau khi đọc ý kiến của bác chủ xị môn sử nước nhà, bác Phan Huy Lê. Bác ấy rằng: “Lịch sử là môn học bị coi thường nhất trong các trường phổ thông. Minh chứng rõ nét nhất là trong các môn thi tốt nghiệp phổ thông, môn sử bị coi là môn phụ, có năm thi, năm không. Năm nào không thi thì nhà trường cho học dồn để dành thời gian cho các môn khác. Thầy cô dạy sử cũng dễ dàng được thay thế bằng thầy cô các môn khác, có khi là môn thể thao chẳng hiểu gì về lịch sử. Một môn học bị coi nhẹ đến như vậy thì làm sao có thể nhận được sự quan tâm của học sinh” (theo báo Tuổi Trẻ, xem toàn bài ở đây).

Tuy nhiên, vẫn thắc mắc tí chút: thôi thì thời Pháp không nói làm gì, sao dưới thời cụ Hồ, thời các thượng thư bộ Học: Nguyễn Văn Huyên, Tạ Quang Bửu ở miền bắc chả thấy nói gì đến triết lý giáo dục mà nền giáo dục lại vẻ vang, thành tựu thế. Giờ cứ quẩn quanh triết lý, lý luận suông thì chẳng những môn sử như bác Huy Lê than thở mà toàn bộ nền giáo dục cũng sẽ cùng chung số phận thôi.

(Chỗ này mình nói nhỏ thôi nhá: thi đại học, chỉ cần mỗi môn đạt 2,5 điểm cũng có thể trúng tuyển (đương nhiên kèm theo đó là phải nộp tiền). Đại học vơ bèo vạt tép thế thì đủ biết sẽ đào tạo ra người tài thế nào cho nước nhà. Mở cho lắm trường vào, giờ không vơ không vạt, chả nhẽ đóng cửa. Giờ còn ngồi bàn triết lý hóa chẳng u mê lắm ru).

19.8.2012
Nguyễn Thông

Bản nhạc tặng bạn ngày chủ nhật (1): Nhớ về nam

Nhớ về nam là khúc nhạc không lời nhưng chỉ cần nghe những âm điệu cất lên đã có cảm giác tác phẩm đang nói thay tiếng lòng ta đối với quê hương đất nước. Thế hệ chúng tôi từ miền Bắc đã nhớ về nam qua tiếng sáo tha thiết của nghệ sĩ lừng danh Đinh Thìn.

Nhớ về nam còn có tên gọi khác là Lý hoài nam, một điệu dân ca nổi tiếng vùng Bình Trị Thiên và Trung Trung bộ. Bản này do các nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương và Ngọc Phan soạn lại trên cơ sở giai điệu ấy.

Xin cám ơn nhà sưu tầm Zanhanoi.

19.8.2012
Nguyễn Thông

Thứ Bảy, 18 tháng 8, 2012

Tư tưởng lớn gặp nhau

Trên báo An ninh thế giới (phụ bản của báo Công an nhân dân) số ra ngày 17.8.2012 có bài phỏng vấn ông Trần Trương về vụ thơ Yên Tử (xem ở đây). Ông Trương, nay là Phó ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh, cho rằng thơ là thơ, văn là văn, chả có ai đạo của ai cả. Theo ông Trương, "khi chúng tôi có sự đồng điệu trong tâm hồn, lại cùng viết văn làm thơ tả cảnh, thì việc sử dụng ngôn ngữ chung để nói về một điều thì chả có gì lạ! Một bên tôi diễn đạt thành văn, còn một bên, anh Thuận, diễn đạt thành thơ, thì sự trùng lặp sao gọi là “đạo” được?".

Mình cũng khá khen cho sự hồn nhiên của ông Trương. Nhưng xin thưa với bác, bác có thể hỉ xả từ bi với ông Thuận, đó là chuyện riêng của bác với ông ấy, còn chuyện đạo văn hay không đạo chả đơn giản như bác nghĩ, bác phân bua đâu. Bác lập luận thế, thiên hạ người ta cười cho. Em chỉ nêu một ví dụ đơn giản này thôi nhé: không phải một trăm ông cùng ngắm trăng, đồng điệu yêu trăng thì cả trăm ông đều viết về trăng na ná như nhau.

Nhân đây, em cũng can bác đừng lên giọng dạy dỗ luật sư Nguyễn Minh Tâm về tình bạn. Xét theo quan điểm nhà Phật mà cả bác lẫn luật sư Tâm đều rất am hiểu, làm như luật sư Tâm mới là cứu rỗi cho ông Thuận, còn bênh như bác chỉ đẩy ông ấy sâu thêm vào bể khổ bến mê thôi.

Mình cũng buồn cười cái lý sự của Ban thường vụ Hội Nhà văn VN, rằng "Thông tin bước đầu trên báo chí cho thấy: ông Trần Trương, người được cho là bị nhà thơ Hoàng Quang Thuận đạo văn đã trả lời báo chí khẳng định không có việc này". Ừ thì không có, hội với chả hội.

Nói chung, đã ngã đánh uỵch rồi thì đừng lý sự nữa. Cứ im đi là tốt nhất. Ồn ào một chập rồi cũng sẽ qua. Cả nước còn đang lo chống Tàu cộng, chả ai hơi đâu mà bới mãi thùng rác.

19.8.2012 
Nguyễn Thông

Thư ngỏ của nghệ sĩ Makarevich gửi tổng thống Nga Putin

PHẠM NGUYÊN TRƯỜNG dịch


Lời người dịch:
Andrey Vadimovich Makarevich, sinh ngày 11 tháng 12 năm 1953, nhạc sĩ Liên Xô và Nga, ca sĩ, nhà thơ, họa sĩ, người dẫn chương trình truyền hình, trưởng ban nhạc “Cỗ máy thời gian”, từng được phong danh hiệu nghệ sĩ công huân Liên bang Nga (1991) và Nghệ sĩ nhân dân Nga, vừa gửi cho tổng thống Putin bức thư ngỏ (đề ngày 7 tháng 8 năm 2012) nhằm phê phán nạn tham nhũng và sự thối nát của hệ thống tòa án Nga. Sau đây là bản dịch tiếng Việt toàn bộ bức thư ngỏ.


Thưa Vladimir Vladimirovich!

Là một ca sĩ, tôi thường xuyên đi khắp đất nước và gặp gỡ nhiều người khác nhau. Điều tôi sắp nói với ngài, về nguyên tắc chắc chắn là ngài cũng đã biết, nhưng tôi ngờ rằng ngài không tưởng tượng được mức độ của tai họa. Chắc chắn là ngài biết từ “lại quả”. Cách đây 5-6 năm lại quả trung bình trên cả nước là 30%. Người ta đã khóc, nhưng họ vẫn móc hầu bao. Hiện nay là 70%. Tôi biết chắc một trường hợp khi lại quả chiếm tới 95%. Cả nước đều biết chuyện này. Biết nhưng im lặng vì một phần dân chúng được lại quả cho ăn, phần còn lại (lớn hơn nhiều) sợ mất 30% còn lại. Tôi biết ngài sẽ nói – bảo họ đưa ra tòa. Họ không đưa ra tòa, thưa Valadimir Vladimirovich. Vì tòa án của chúng ta hiện nay – đấy hoặc là cỗ máy nhằm trừng phạt những người mà họ không ưa hoặc là cỗ máy moi tiền của bên nguyên.

Nhà báo Nguyễn Mạnh Thắng (Từ Khôi) tố cáo vụ gian lận bằng cấp


Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Độc lập- Tự do- Hạnh phúc

ĐƠN TỐ CÁO
(Khai man và sử dụng bằng cấp không học mà có)

Kính gửi:  - Đảng đoàn Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam
                  - Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam
                  - Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Cơ quan T.Ư MTTQ Việt Nam
                  - Hội Nhà báo Việt Nam
                  - A83
                  - A87
                  - Các cơ quan báo chí
        
Tôi là: Nguyễn Mạnh Thắng – Phó trưởng ban Văn hóa – Nghệ thuật báo Đại Đoàn Kết; Ủy viên BCH Công đoàn báo Đại Đoàn Kết – Phụ trách Thanh tra nhân dân.
Như đã trao đổi với Tổ thanh tra của Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Cơ quan T.Ư MTTQ Việt Nam (viết tắt: Ủy ban Kiểm tra) tại cuộc họp chiều ngày 30/7/2012 về những sự việc phát sinh tại Báo cáo kết quả xác minh số 01/BC-UBKT của Ủy ban Kiểm tra do Chủ nhiệm Bùi Thị Thanh ký ngày 21/6/2012, tôi xin được tố cáo lên các đồng chí hai sai phạm của Nguyễn Thị Cẩm Thúy - Trưởng ban Chuyên đề báo Đại Đoàn Kết như sau:

Thứ Sáu, 17 tháng 8, 2012

Bài mới toe của bọ Lập


Thử hỏi bác sĩ của Đảng là ai?
NGUYỄN QUANG LẬP (tức bọ Lập)

Hi hi không ngờ thứ bảy này có nhiều bài thật hay, các bài viết của Thùy Linh, Người buôn gió (ông Bùi Thanh Hiếu có hai bài lận), Alan Phan, Đào Tuấn (ông này cũng có hai bài), Huỳnh Ngọc Chênh, Trần Kinh Nghị, Bá Tân, Phương Bích, Phạm Thị Hoài đều là những bài viết rất đáng đọc vì thật hay. Cái bài có vẻ không ấn tượng, giống loại bài “bác sĩ của mọi nhà” suýt nữa mình bỏ qua là bài Khi uống thuốc không kịp thời hoặc không đủ liều của bác Trần Kinh Nghị (tại đây) lại làm mình rất phấn khích, tự nhiên muốn viết đôi dòng.

CCCP - Các chú cứ phá

Chả riêng xứ này, ở bất kỳ quốc gia nào trên địa cầu, việc gì chung cho nước cho dân tất xài ngân sách. Tiền ấy từ dân đóng góp chứ chẳng phải lấy ra trong lỗ nẻ nào, tiêu một xu thì mất một xu. Mồ hôi dân cả đấy, đừng xả láng mà phải tội.

Tôi đã từng nhận xét rằng không nơi đâu lắm ngày lễ kỷ niệm như nước này. Đủ các loại: sự kiện, dấu mốc lịch sử, ông to bà nhớn, ngày sinh ngày tử, ngày truyền thống, ngày nhà này nhà khác, chuyện vui chuyện buồn... quanh năm ồn ào như chợ vỡ. Có thời việc tổ chức kỷ niệm lạm phát đến mức trung ương cũng phải giật mình. Chết, chết, làm một xài mười thế thì có tiền như nước biển Đông chả kham nổi. Năm xưa 2010 hơn chục ông lãnh đạo cao nhất của đảng (mà ta quen gọi là bộ chính trị) phải vội ra chỉ thị số 45/CT-TW về việc tổ chức các lễ kỷ niệm. Tinh thần chỉ đạo chung là làm vào những năm chẵn thôi (được hiểu là những năm kỷ niệm có số đuôi 5 và 0, ví dụ 65 năm Cách mạng tháng tám), còn những năm khác cứ bình thường, không tổ chức ồn ào tốn kém. Việc tuyên truyền cũng vừa phải thôi, như cụ Hồ dạy "đừng lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân".

Nhưng nói một đằng làm một nẻo. Từ trung ương xuống địa phương, ban ngành, đoàn thể, báo chí truyền thông nhà nước đều rất thích kỷ niệm. Hình như không kỷ niệm không chịu được, nó cứ bứt rứt thế nào ấy. Có làm thì mới có ăn, đó là chưa kể thích khoa trương, thích ầm ĩ. Nói đâu xa, sự kiện Cách mạng tháng tám và Thành lập lực lượng công an (ngày 19.8.1945) tính đến nay được 67 năm, lẻ ơi là lẻ. Nhưng suốt cả tuần nay, báo chí truyền thông dành "đất", dành thời lượng cho cái sự lẻ ấy hơi bị nhiều; rồi ngành công an cũng hỉ hả hội hè hết sức chộn rộn. Mà đã làm thì phải tốn tiền. Tất nhiên chả ai chịu bỏ tiền túi. Ngân sách do dân đóng góp, tội gì không xài. Để thằng Vinashin xài còn phí hơn.

Những năm 60-70 đánh Mỹ ở miền Bắc có thứ ký hiệu rất quen thuộc với hầu hết mọi người: CCCP. Đó là chữ viết tắt của Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết, ta quen gọi bằng cái tên rút gọn Liên Xô. Hàng hóa, vũ khí, trang bị... của Liên Xô có khắp nơi, chỗ nào cũng nhan nhản CCCP. Dù là hàng viện trợ nhưng đổi lại, chúng ta phải trả bằng máu. Vậy mà không ít kẻ phung phí, xài hoang tàn bạo, đến mức dân gian gọi trại cụm chữ cái CCCP thành "các chú cứ phá", "càng cho càng phá". Các chú chả thèm đếm xỉa đến chỉ thị của đảng, đau xót của dân. Họ chỉ cốt thỏa mãn cái thói ích kỷ, huyênh hoang của mình thôi.

Tôi kiến thức hạn hẹp, ếch ngồi đáy giếng, nhưng dám nghĩ rằng không đâu trọng hình thức, thích kỷ niệm, thích xài hoang như Việt Nam hiện nay. Đề nghị các nhà làm sách kỷ lục Guiness đến điều tra xem tôi nghĩ có đúng không.

17.8.2012
Nguyễn Thông

Thứ Năm, 16 tháng 8, 2012

Những bài hát của một thời (46): Bão nổi lên rồi

Nhạc sĩ Trọng Bằng viết Bão nổi lên rồi năm 1968, cái năm chiến tranh cả hai miền nam bắc như vật vã trong bão. Cũng như mọi tác phẩm văn học nghệ thuật, những điều được ghi nhận trong ca khúc này đến nay có thứ chỉ còn là hồi quang quá khứ, có thứ đã thay đổi không nhận ra. Cờ mặt trận giải phóng đã hoàn thành sứ mạng lịch sử; đế quốc Mỹ nay thành bạn hoặc nếu có nhắc thì cũng dùng cái tên quốc gia cựu thù; phong trào đấu tranh đô thị, xuống đường của học sinh sinh viên đã tắt lịm, bão đã tan.

Hồi ấy mình còn nhỏ, mới tí tuổi (đang học lớp 6/10) nhưng nghe Bão nổi lên rồi cũng thấy bừng bừng ghê lắm. Mỗi lần quản ca bắt nhịp "Bão nổi..." mở đầu buổi học, hát xong mất đứt gần chục phút. Cũng may mà quản ca nó chỉ thuộc chỉ dạy mấy bài ngăn ngắn đó chứ nó lại cầm càng mấy bài như Người Hà Nội, Du kích sông Thao, Bài ca giao thông vận tải... thì hết một tiết chứ chẳng chơi.

Làm theo quy luật

BÁ TÂN

  Toàn đảng, toàn dân đang theo dõi trung ương thực hiện nghị quyết 4. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói như thế tại hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện nghị quyết 4 vừa diễn ra ở Hà Nội. Điều đó quá đúng. Người dân từ chốn thành thị đến các làng quê nghèo cũng đang thường ngày trò chuyện với nhau như thế. Lời ông Trọng là ý của đảng. Khát khao mong muốn của số đông quần chúng là tấm lòng của người dân. Hãy chờ xem, ý của đảng với lòng của dân có gặp nhau hay không.

   Thực hiện nghị quyết 4 dĩ nhiên có nhiều việc phải làm. Tựu trung, nếu làm thật, đảng sẽ trong sạch hơn, uy tín của đảng được khôi phục.

    Uy tín của đảng sa sút nghiêm trọng. Đảng với lòng dân đang như chiếc cầu rệu rão. Không thể khôi phục chiếc cầu ấy bằng tiền, dù hàng tỉ đô. Chẳng cần nhập khẩu thiết bị và công nghệ từ ngoại quốc. Chiếc cầu  ấy chỉ được khôi phục, hoàn trả lại như xưa, bằng cách làm thật, làm tốt nghị quyết trung ương 4. Nên coi đó là một dự án, cho dù cả nước đang bội thực dự án, trong khi hiệu quả ngược lại, thì thực thi dự án này không cần tiền. Chỉ cần bản chất người cộng sản như thời cụ Hồ. Dự án này không có bên A bên B. Không đấu thầu và cũng không chỉ định thầu. Tất cả đảng viên, trước hết là ban chấp hành trung ương, phải tận lực và vô tư như đàn kiến cùng nhau xây tổ.

Thứ Tư, 15 tháng 8, 2012

Trăm thứ khổ đổ đầu dân

PHẠM CHI LAN (chuyên gia kinh kế)

Thôi đừng hỏi nữa dân ơi

Những ngày vui được hưởng 5 lần giảm giá xăng dầu nhỏ giọt đúng là “ngắn chẳng tày gang”. Từ cuối tháng 7, giá xăng dầu đổi chiều. Lần này, ngoài xăng, dầu ma dút…, giá gas cũng tăng mạnh. Túi tiền của người dân bị đánh từ trong bếp ra đến ngoài đường. Cái bụng của người dân lại phải buộc chặt thêm.


Lần này, Cục Quản lý giá còn tuyên bố cho các DN kinh doanh xăng dầu được căn cứ vào mức tăng của giá thế giới mà chủ động điều chỉnh giá với mật độ 10 ngày một lần và mức tăng không quá 7% một lần. Có nghĩa là sau một tháng, người tiêu dùng có thể phải chịu mức giá xăng dầu tăng tổng cộng 22% sau 3 lần điều chỉnh (mỗi lần tăng 7%, lần sau trên cơ sở đã tăng của lần trước mà tính thêm 7% vào). Tốc độ của những cuộc “không hẹn cũng cứ lên” của giá xăng dầu rất có thể sẽ khiến người tiêu dùng chóng mặt!

Các nhà quản lý giá thì thấy ổn bởi lạm phát đang thấp. Mấy ông chuyên gia hay phản biện sẽ không thể kêu ca tăng giá xăng dầu làm tăng lạm phát. Lại còn thực hiện được lộ trình để cho giá cả theo thị trường nữa. Mặt khác, đã trao quyền cho doanh nghiệp rồi nên khi tăng giá, ai thắc mắc thì tìm DN mà hỏi; còn ai hỏi DN thì DN sẽ trả lời “tăng đúng quy định”. Thật là tiện!

Thứ Ba, 14 tháng 8, 2012

Nhận giải

Nhận giải thưởng mà lom khom thế này thì được giải nhưng mất tất. Chán mớ.

Vậy có nhời rằng:

Làm người khó lắm ai ơi
Đừng để con cháu nó cười nó khinh.
14.8.2012
Nguyễn Thông
(ảnh from internet)


Điểm tin


Ngắm thế sự vẫn nhiều ái ố
Ghi vài dòng kẻo lỡ mai quên

Bộ tối cao đã xong kiểm điểm
Kết quả ra sao, chớ tò mò
Dân tình nhao nhác ngẩn ngơ
Thế sao họ nói “kiểm tra, biết, bàn”

Chú đại tá quen làm tình (báo)
Bị thằng Tây tố láo đó mà
Làm gì hai chục triệu đô
Lùm xùm quanh vụ tiền pô ly mè

Tàu Ki lô sắp giao chiếc một
Trung Quốc kia có giật nảy mình
Tiên thiên hạ thủ vi cường
Nó ra tay trước thì tong chuyến hàng

Xăng Dung Quất vừa lùi vừa nghỉ
Chớp thời cơ tăng giá rần rần
Dân nghèo lại dính thêm đòn
Xăng dầu điện nước, tiền trường tiền y…

Giới văn nghệ có chi hay hớm
Mà xôn xao trong xóm ngoài làng
Thơ thần Yên Tử đùng đoàng
Nhã Kỳ lộ vú, Tiền Phong thi…

14.8.2012
Nguyễn Thông

Thứ Hai, 13 tháng 8, 2012

Chuyện con nít

Bên xứ Công Gô châu Phi có hai thằng nhỏ da đen. Hôm đó nắng quá, không... mò cua bắt ốc được, chúng bèn chúi vào gốc cây sưa, trò chuyện.
-Sau lớn lên mày sẽ làm gì?
-Tao làm tổng thống hoặc tổng... thư ký. Làm tổng là có tất, khỏi mò cua bắt ốc. Chỉ hơi bận họp kiểm điểm tí thôi. Họp mà chơi, chơi mà họp, chả đến nỗi vất vả lắm. Còn mày?
-Nhà tao nghèo nên không dám mơ làm tổng. Tao sẽ làm đại tá tình báo CIA.
-Sao không làm đại tướng...
-Làm đại tá tình báo thôi. Tao sẽ tán một em nước ngoài, Việt Nam chẳng hạn. Vừa có tiền, vừa có tình.
-Ừ, sướng nhẩy, tao cũng không làm tổng thống nữa.
(dịch từ nguyên bản tiếng Công Gô cải cách)

Thời chúng ta đang sống

NGUYỄN ĐÌNH THÁI

Thời của chúng ta đáng nói gì đâu
Tiếng Việt đang thì ngoại ngôn xâm thực
Nhạc trẻ đang thì lên ngôi quá mức
Câu dân ca tắc nghẹn góc làng thôn.

Thời chúng ta kẻ dại dạy người khôn
Kẻ thừa văn bán tháo văn cho trọc phú
Kẻ không chữ mua rẻ người nhiều chữ
Trớ trêu thay, người có chữ vốn nghèo.

Thời của chúng ta kẻ đắc chí thì nhiều
Người liêm sỉ nhịn người vô liêm sỉ
Kẻ vô đạo ngự lên đầu kẻ sĩ
Người ưu thời mẫn thế phải làm thinh.

Khen ai khéo vẽ...

Tối qua chủ nhật, quyết rũ sạch chuyện tầm phào để thảnh thơi ngồi coi... tivi. Chả là lâu lắm không được xem chương trình nào ra tấm ra món. Cũng nghe thiên hạ bàn tới bàn lui cái nhà đài của ủy viên trung ương Trần Bình Minh dạo ni tệ lắm mà có biết nó tệ ra răng. Mà chẳng phải chỉ vô tuyến truyền hình trung ương, mấy đài địa phương cũng thế, mạnh anh nào anh nấy tệ. Dân tình nhao nhác cả lên.

Coi một lúc, rà hết các đài, các kênh, các chương trình, cuối cùng văng tục nho nhỏ một câu rồi trả remote cho con gái. Qua rồi cái thời "nghe đài đọc báo của ta/chẳng nghe đài địch bàn ra tán vào" xa lơ xa lắc. Từ cuộc thực tế tivi tối chủ nhật, mình rút ra 2 điều:

-Phim Trung Quốc, thứ nữa là Hàn Quốc, tràn ngập. Mở hầu hết các kênh, cả trung ương lẫn địa phương, nhất là đài Hải Phòng, chỉ thấy phim Trung Quốc. Chiếu riết phim Tàu, dân ta ghiền, không có không chịu được. Cuộc xâm lăng văn hóa rất nhẹ nhàng, được sự tiếp tay của hệ thống tivi nước nhà. Mình tự hỏi, nếu không chiếu phim Tàu, chả biết các vị ấy sẽ làm gì nhỉ.

-Quá nhiều chương trình truyền hình thực tế, gameshow lôi bọn trẻ vào cuộc nhảy nhót chơi bời, cười nói hỉ hả hi ha. Nhìn tầng lớp thanh niên tinh hoa của xã hội lạc vào mê hồn trận quên đời ấy, mình lo lắm. Có người sẽ bảo ông cứ khéo vẽ chuyện, cái nào ra cái ấy chứ, phải cho bọn trẻ vui chơi chứ, nhưng mình vẫn lo. Thật tình mình muốn nói: các em ơi, đất nước, nhân dân đang còn trăm thứ cần các em để tâm hơn nhiều, hãy bớt nhảy nhót làm duyên đi. Chẳng hạn hãy nghĩ đến anh bộ đội nhà giàn 1 tuần mới được tắm một lần; đến hàng chục vạn bạn cùng lứa tuổi ở đồng bằng sông Cửu Long đang hằng ngày bỏ xứ đi kiếm sống tha phương....



Và giận mấy chục cái nhà đài, từ Trần Bình Minh trở xuống, đã chả giúp mình thì thôi, toàn làm hư bọn trẻ.

Chợt nhớ cụ Tam nguyên Nguyễn Khuyến vẽ bức tranh vân cẩu trong bài Hội tây:

Kìa hội thăng bình tiếng pháo reo
Bao nhiêu cờ kéo với đèn treo
Bà quan tênh nghếch xem bơi trải
Thằng bé lom khom nghé hát chèo
Cậy sức cây đu nhiều chị nhún
Tham tiền cột mỡ lắm anh leo
Khen ai khéo vẽ trò vui thế
Vui thế bao nhiêu nhục bấy nhiêu.

Thế thì buồn quá, các ông các bà ạ.

13.8.2012
Nguyễn Thông

Chủ Nhật, 12 tháng 8, 2012

Già làng trưởng bản ơi, bọn dưới xuôi điên rồi

Mất cả sáng nay chạy xe đến mấy cái nhà sách ở Sài Gòn kiếm cuốn thơ thiền nghe nói sắp giật giải Nobel nhưng không ra. Hay là mấy cô bán sách xinh đẹp nhìn cái mặt mình cho rằng trần tục quá, không xứng với thơ siêu thoát. Hay là được hội trung ương, báo trung ương lăng xê rầm rộ quá nên bán hết veo rồi, mình trâu già chậm chân uống nước đục. Hay là thơ quý chỉ in ra ít bản gửi theo thuyền bát nhã về cõi phật nên bến trần gian không có. Hay là...

Nhưng chỉ riêng chuyện, dù mình cũng là người tỉnh táo ra phết, vẫn săm sắn chạy lùng tìm quý thi cũng đủ thấy người ta PR, marketing, quảng cáo thành công thế nào. Chả có tập thơ trong tay, không được đọc cụ thể nên không dám bàn. Hóng hớt nói theo người khác đâu phải lối đàng hoàng. Vậy bao giờ có vật chứng mình sẽ bàn chuyện hay dở của thơ.

Tuy nhiên, từ lâu lắm rồi đã tường chuyện bác trung tướng Hữu Ước dùng tờ báo Công an lăng xê ca ngợi tác giả Nobel tương lai này. Cứ ra tập nào, mà thậm chí khi nhà thơ còn thai nghén, đã sai phóng viên viết bài bốc tận mây xanh. Giáo sư tiến sĩ nhà khoa học nhà thơ (cũng nhiều chức danh như tổng quản báo) nghe các cháu nó khen cứ tưởng thật, lại càng phởn tợn. Rồi lập kỷ lục độc bản thi nặng hơn tạ mốt tạ hai, rồi viết như điên vài phút một bài, rồi bỏ tiền ra cho chúng nó làm hội thảo. Cứ là bị thơ điên quay như chong chóng. Cũng may chỉ có báo công an của trung tướng yêu thơ chứ lôi vào chốn điên thi này cả những đại báo Nhân Dân, Quân đội nhân dân thì lấy ai tuyên truyền chủ trương đường lối chính sách của đảng, lấy ai chống diễn biến hòa bình.

Những bài hát của một thời (45): Nhanh tay lưới chắc tay súng

Nghệ sĩ ưu tú Trần Thụ là cái tên quen thuộc với người yêu nhạc trên sóng phát thanh đài Tiếng nói Việt Nam những năm đánh Mỹ. Giọng ông khỏe, trầm ấm, đầy tình cảm, đặc biệt tròn vành rõ chữ nên chỉ nghe ông hát vài ba lần là có thể nhớ và thuộc bài mà ông thể hiện. Đây cũng chính là đặc điểm của đời sống âm nhạc những năm 60-70. Mặc dù đài TNVN có hẳn chương trình dạy hát mỗi tuần nhưng hầu hết thế hệ chúng tôi thuộc các ca khúc là nhờ ca sĩ. Lời ca và giai điệu cứ nhập tâm một cách tự nhiên, theo mãi theo mãi phần đời còn lại.

Trần Thụ không chỉ nổi tiếng ở cương vị ca sĩ, ông còn được nhiều người biết đến trong vai trò sáng tác, mặc dù chưa bao giờ ông tự nhận là nhạc sĩ. Những năm chiến tranh ông có mặt trên tuyến lửa khu 4 để hát phục vụ bộ đội, TNXP, nhân dân; đồng thời sáng tác những bài ca vừa hào hùng vừa trữ tình tha thiết. Bài hát Nhanh tay lưới chắc tay súng ra đời trong hoàn cảnh như thế. Những lời ca thật đẹp "Nhanh tay lưới, chắc tay súng ta sẵn sàng từng giờ/Không cho chúng mon men tới lên bãi biển thân yêu/Nhanh tay lưới, chắc tay súng vây bắt lùng kẻ thù/Ta chiến đấu không lui bước giữ lấy biển khơi"... mang dấu ấn một giai đoạn lịch sử khó quên.

Lẽ dĩ nhiên Trần Thụ hát bài này mới bộc lộ hết những gì ông gửi gắm. Và đừng quên giọng nữ Kim Oanh tạo cảm giác không có cặp hát nào hợp hơn, đẹp hơn.

Xin cám ơn nhà sưu tầm Quốc Việt- QV75.

12.8.2012
Nguyễn Thông
1
Làng quê tôi bên bờ cát trắng dài
Biển mênh mông sóng vờn hàng dừa xanh
Buồm căng thuyền ta ra khơi tung lưới quăng chài
Vừng đông hé sáng chân trời tia nắng soi màu hồng
Giặc vô đây súng này ta sẵn sàng
Giặc vô đây chớ hòng tìm đường ra
Vì ta là dân quân tay súng tay chài
Cùng chiến đấu với quân thù ta giữ yên biển khơi.

Nhanh tay lưới, chắc tay súng ta sẵn sàng từng giờ
Tay ta kéo, tay giăng lưới, cho cá đầy khoang
Nhanh tay lưới, chắc tay súng ta sẵn sàng từng giờ
Cho thôn xóm bao em bé giữ giấc ngủ yên.

2
Biển quê tôi có nhiều luồng cá bạc
Rặng phi lao mới trồng ngày một cao
Nhìn ra ngoài khơi xa xa bao lớp sóng bạc đầu
Biển hát khúc hát yêu đời ta giữ yên biển đẹp
Đoàn dân quân súng bên mình ta sẵn sàng
Giặc vô đây nhất định phải vùi thây
Bàn chân thanh niên ta in trên khắp bãi bờ
Mài sắc ý chí căm thù ta giữ yên làng quê.

Nhanh tay lưới, chắc tay súng ta sẵn sàng từng giờ
Không cho chúng mon men tới lên bãi biển thân yêu
Nhanh tay lưới, chắc tay súng vây bắt lùng kẻ thù
Ta chiến đấu không lui bước giữ lấy biển khơi.


Thứ Bảy, 11 tháng 8, 2012

Đồng bạc rách


Trong đời mỗi người, ít nhất cũng có một lần phải khó chịu bởi đồng tiền (bạc) rách.

Có thể do vô tình, nhưng cũng có thể ai đó cố ý "nhường", chuyển giao nó cho ta. Xử lý đồng bạc rách quả thật không đơn giản.

Cách khá phổ biến là sau sự bực bội, khó chịu khi biết mình bị rủi ro hoặc bị lừa, số đông đương sự âm thầm tìm biện pháp "nhường tiếp" đồng tiền mình không ưa ấy cho người khác. Mua thứ gì đó, kẹp đồng tiền xui xẻo vào giữa để tránh bị phát giác rồi "vô tư" thực hiện việc chuyển đổi khổ chủ. Xong, thở cái phào. Nếu bị ai đó nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng phát hiện thì làm như vô tình không biết, xin lỗi lí nhí, đổi đồng tiền lành lặn khác, sau đó lại tiếp tục âm mưu mới. Bao giờ công cuộc chuyển đổi (nói đúng hơn là tống khứ) hoàn tất mới thôi. Chỉ một đồng bạc rách nhưng cái vòng quay giả dối, lừa đảo, tha hóa cứ liên tu bất tận, dường như không có điểm dừng. Tờ bạc mỏng manh ấy quật ngã đạo đức biết bao nhiêu con người, thậm chí cả những vị thường răn dạy con cháu phải sống thật thà, trong sạch.

Tuy nhiên, dù người ta cố tình làm điều bất minh ấy, còn tự bào chữa "chuyện chẳng có gì mà ầm ĩ" nhưng bản chất lương thiện vẫn lấp ló đâu đây. Khi giấu tờ bạc rách giữa xếp tiền lành lặn, chỉ mình làm mình biết mà vẫn mắt trước mắt sau. Còn trời ở trên cao kia. Còn sự thiên lương ở mỗi con người. Rồi ngay cả có "lừa" được người khác, tiêu thụ trót lọt đồng tiền khuyết tật, nhưng mấy ai cảm thấy yên ổn trong lòng. Một chút day dứt, một chút ân hận bởi mình đã làm điều gì đó xấu xa, trái đạo nghĩa. Lương tâm con người không cho phép ăn mừng thắng lợi. Nỗi day dứt, dằn vặt khó thể quên đi.

Tôi đã từng như vậy. Một lần thôi, rồi ân hận. Và hôm qua lại gặp đồng bạc rách. Không bị ai lừa cả, bởi đơn giản là con tôi rút tiền ở máy ATM, phải đồng bạc không những đã mất góc lại còn dán băng keo chính giữa. Con tôi không thấy nó, vô tình đem trả tiền mua hàng nhưng bị phát hiện, cháu rất xấu hổ, về đưa cho tôi, bắt đền. Mệnh giá tờ bạc khá to nên cả nhà xúm lại góp cách xử lý. Không bàn ra tán vào, chỉ thống nhất biện pháp duy nhất: đem đến ngân hàng đổi, dù có phải chịu thiệt vài phần trăm theo quy định. Tôi lĩnh sứ mệnh... nhẹ nhàng đó. Chả cần lo lắng, mắt trước mắt sau. Cô nhân viên ngân hàng sau khi xem xét cẩn thận, hỏi han đôi điều đã vui vẻ đổi cho đồng tiền khác. Chẳng trừ phần trăm nào. Cả nhà vui. Không phải vì tìm lại được giá trị đồng tiền mà là giữ được giá trị con người. Cho mình và cho người khác.

Điều quý giá nhất rút ra được: để xử lý đồng tiền rách cần phải có nhân phẩm lành lặn.

12.8.2012
Nguyễn Thông

Có dám làm không hay chỉ dọa non dọa già

1. Báo in Thanh Niên hôm nay đăng trên trang 2 cái tin chính (vedette) như một lời cáo phó cho bộ máy công quyền. Tít rằng: Việt Nam thuộc nhóm nước tham nhũng nghiêm trọng (xem toàn bộ bản tin ở đây). Nội dung tin buồn này không phải do thế lực thù địch, việt tân việt tiếc tung ra nhằm chống phá mà do chính một viện quan trọng thuộc Ủy ban Thường vụ quốc hội công bố, còn sự đánh giá là của Tổ chức Minh bạch quốc tế. Theo tôi, điều ấy không có gì lạ. Giả dụ cái anh minh bạch quốc tế ấy nó bảo xứ mình nằm trong tốp đầu về bộ máy trong sạch thì mới gây sửng sốt, mới là chuyện lạ.

Lại chợt nhớ bữa trước, trong cuộc họp báo ngày 6.8 do Bộ Nội vụ tổ chức, một vị thứ trưởng tên Trần Anh Tuấn hùng hồn khẳng định: sắp tới, lãnh đạo cơ quan đơn vị tổ chức nào để xảy ra tham nhũng ở nơi mình phụ trách sẽ phải chịu trách nhiệm liên đới, chịu kỷ luật khiển trách, cảnh cáo hoặc cách chức. Nói sắp tới bởi những gì ông Tuấn nêu ra mới chỉ nằm trong bản dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định về phòng chống tham nhũng thôi. Ở xứ mình, cách chia động từ thì tương lai rất phổ biến xưa nay, họ chả thích thì hiện tại đâu. Chống tham nhũng phải chống từ từ, còn bàn thảo chán, sửa đổi bổ sung chán.

Dân tình cứ điên lên bởi tham nhũng hoành hành, còn các quan cứ ỡm ờ, dậm dọa này nọ. Làm chả làm ngay đi, đợi đến lúc chỉnh đốn xong đội ngũ, rầm rộ ra quân thì tham nhũng tếch mẹ nó đến nơi an toàn mất rồi. Đó, coi đồng chí Dương Chí Dũng cục trưởng đó, giờ này đang vắt chân chữ ngũ cười mỉm vào sự nghiệp phòng chống tham nhũng quyết liệt của các vị đấy thôi.

2. Chuyện tham nhũng nêu thế đủ rồi, chuyển qua chuyện khác. Tuần qua, thực hiện chỉ đạo của chính phủ, chính quyền Hà Nội lại chỉ đạo phát nữa xuống cấp dưới (sở ban ngành, quận huyện), để cấp dưới lại chỉ đạo xuống cấp dưới nữa... về việc kiểm tra, rà soát lại các sân golf. Tinh thần chung là không cho phép chủ đầu tư sử dụng đất đã cấp cho làm sân golf nhưng lại phân lô bán nền, xây biệt thự. Cấm, cấm tiệt. Thực thà mà nói, muộn quá, chậm quá rồi, thưa các đồng chí cầm quyền thủ đô, và rộng ra là thưa các đồng chí cầm quyền cả nước. Dân xứ này, nhất là nông dân, khổ vì sân golf, uất hận bởi sân golf lắm, họ chỉ chưa xông ra bẻ gậy golf, đào cỏ mượt, chặt nát mấy quả golf ra đó thôi. Tôi đố ông nhà báo nào, paparazzi nào chụp được tấm ảnh quần chúng công nông đang đánh golf đó. Còn ảnh nông dân bị mất đất bờ xôi ruộng mật, kéo nhau đi biểu tình, ngăn cản chủ đầu tư (như bà con Đông Anh, HN) thì nhiều vô thiên lủng. Nếu Hà Nội làm được điều trên, ai chứ nông dân sẽ ủng hộ cả hai tay. Nhưng tôi tin rằng hô vậy thôi, dễ gì làm được. Chả cần thanh tra kiểm tra chi cho mệt, cán bộ tài nguyên môi trường, kế hoạch đầu tư chỉ cần xách xe máy chạy vài ba vòng khu sân golf là lộ tóe loe ra ngay. Gớm, lại chả 100% cắt đất, phân lô, xây biệt thự. Mấy ông chủ đầu tư sân golf, kể cả ông anh hùng lao động, có dám cam đoan trước dân, trước pháp luật là sử dụng đất được giao vào đúng mục đích sân golf không. Em cứ nói thật, không ăn đất, có mà thành đại gia khối. Để bịt miệng thế gian, lâu lâu bỏ tí tiền làm từ thiện, mua mấy tờ báo cho nó bốc thơm, thế là êm. Nhưng đừng tưởng dân không biết nhá. Bà con hãy chống mắt chờ xem chính quyền Hà Nội và trung ương xử lý mấy ông sân golf vi phạm như thế nào. Hay lại nén bạc đâm toạc nghị quyết.

Nói chung, các vị có dám làm thực tâm làm không, hay chỉ dọa non dọa già?

11.8.2012
Nguyễn Thông

Thứ Năm, 9 tháng 8, 2012

Kiến nghị của ông Đào Tiến Thi gửi Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận

ĐÀO TIẾN THI

Kính gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận
Tôi là Đào Tiến Thi, hiện đang công tác tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, địa chỉ 187B Giảng Võ, Hà Nội.
Thưa Bộ trưởng
Như Bộ trưởng biết, trong mấy năm qua nhà cầm quyền Trung Quốc có rất nhiều hành động gây hấn ngang ngược đối với Việt Nam như liên tục ngăn cản, bắt giữ, đánh đập, đâm chìm tàu của ngư dân Việt Nam ra làm ăn trên vùng biển của mình (trong khi đó chính tàu của họ ngang nhiên vào đánh bắt trong vùng biển của ta), và hành động nghiêm trọng nhất là 2 lần cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của ta vào mùa hè năm ngoái, khiến dư luận phẫn nộ. Mùa hè năm nay, nhà cầm quyền Trung Quốc còn đi những bước trắng trợn và ngang ngược hơn. Chỉ trong hơn một tháng qua, chúng đã tiến hành mời thầu quốc tế 9 lô dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, nâng cấp hành chính quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam thành thành phố Tam Sa, đưa 30 tàu cá ra đánh bắt 18 ngày tại vùng biển Trường Sa, và hiện nay đang rầm rộ đưa 23.000 tàu cá ra vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Cả cộng động quốc tế phẫn nộ và lo lắng trước các hàng động trên của Trung Quốc huống chi người Việt Nam. Đối với chủ quyền của chúng ta, đó là những hành động ăn cướp trắng trợn, trực tiếp cướp đi miếng cơm manh áo của ngư dân làm ăn trên biển, và nguy hiểm hơn, những hành động đó tiếp tục leo thang ngày một nhanh, khiến tính mạng của cả dân tộc Việt Nam đang ở thế cực kỳ nguy hiểm. Một phần biển đảo của chúng ta đã bị mất vào các năm 1974, 1988, nay nguy cơ tiếp tục bị mất thêm và có nguy cơ mất nước hoàn toàn. Không những thế, đây là nỗi quốc nhục của cả dân tộc ta, một dân tộc với gần 90 triệu dân, đứng thứ 13 trên tổng số gần 200 dân tộc trên toàn cầu, đủ tư cách là một dân tộc lớn, hơn nữa là một dân tộc anh hùng đã từng chiến thắng những đội quân xâm lược hung dữ nhất thế giới.

Tự phỏng vấn

-Dạo này khỏe không?
-Biết rồi còn hỏi.
-Còn uống tâm sen chứ?
-Cả tạ rồi, mất ngủ vĩnh viễn. Kiểu này có nhẽ phải chong mắt đến khi "cày xong thửa ruộng", mày ạ.
-Đi biểu tình không?
-"Đừng có hỏi, con ơi đừng có hỏi/Để ngày mai cha ra trận cho con". Cụ Chế bảo vậy. Hôm trước tao viết cái bài nho nhỏ về chuyện đó, bị ném đá tơi bời. Người hiểu, người không.
-Mai Trung cộng nó đánh, chạy đâu?
-Nên dùng từ cho chính xác. Chạy là thế nào. Nhớ hồi xưa xem phim Liên Xô "Chỉ có ông già đi chiến đấu" chứ.
-Này đừng ăn giá đỗ mập, trắng nhé. Báo Thanh Niên bảo độc lắm, ung thư đấy. Báo TN hay lắm mày ạ (hihi).
-Ừ, đúng là tao rước giặc vào nhà, mấy khi trước cứ tưởng vào siêu thị mua thì chắc ăn, cứ tiêu chí càng mập càng trắng càng tốt (xem giá đỗ như người, hì hì), gặp cọng dài, đen là gạt ra. Nay thì ủ đủ ung thư rồi, khoạc khoạc...
-Đừng đi qua hầm Thủ Thiêm nữa nhé.
-Ừ, sợ rồi.
-Nhà máy Dung Quất lại hỏng rồi, không có xăng xài...
-Càng mừng, càng đỡ...
-Bọn K17 chúng mày hay nhỉ, có vài mống còn sống mà cứ như thời Đinh Bộ Lĩnh.
-Đứa nào cũng tốt, chỉ phải cái chúng không hiểu nhau. Trung ương còn thế, huống chi K17.
-Không được nhắc đến trung ương nghe, đang phức tạp lắm. Hết hỏi rồi, đi làm đi.
-Mày có hỏi thêm tao cũng chả giả nhời nữa, tao đi đọc tiếp đây. Bye bye.

 Khoảng trống giữa buổi cày
Nguyễn Thông


Bài dành cho K17 văn: Hai đứa viết về hai người

Lời NXB Cào:
Một là của thằng Nguyễn Bá Tân viết về bạn Ninh; một của cái Trần Thị Sánh viết về anh Năng. Riêng bài thằng Tân có tí ti này: dạo kỷ niệm 27.7 Thương binh liệt sĩ, nó gửi Thông cào một bài, trong đó vừa viết về thương liệt, vừa về cái Ninh. Mình thấy không gộp thế được, bèn cắt phần đầu đăng riêng (gần 4.000 lượt người xem, khen thằng Tân quá trời), chưa kịp đăng phần viết về bạn Ninh thì nó gửi lại bài mới trên nền cũ, nói theo phong cách biên tập của các lão gia xuất bản như thị Hà, thị Bé, thị Nga thì có sửa chữa, bổ sung.

Cả đời thương tật
BÁ TÂN

     K17 có bao nhiêu người thì bấy nhiêu cảnh ngộ. Éo le nhất, đáng thương nhất không ai bằng Ninh (Lê Thị Ninh).

    Cuộc đời như biển cả. Giông tố luôn rập rình ập mọi lúc, mọi nơi. Mỗi thành viên K17 khác chi con thuyền lắc lư giữa biển khơi. Mấy thuyền gặp được trời yên biển lặng. Số đông nhiều phen chao đảo. Sóng to gió lớn chờ chực nuốt chửng thuyền. Không bị đánh chìm nhưng tơi tả, một mình lầm lũi ở góc trời xa tít là con thuyền mang tên Ninh.

     Không tham gia binh nghiệp. Chưa một ngày ra chiến trường. Không phân biệt được khói bom đạn với khói rơm rạ. Thế mà, thương xót đến tận cùng, cả đời Ninh phải ôm thương tật. Là cựu sinh viên K17, sau khi ra trường, làm việc được hơn 5 năm, từ đó đến nay Ninh chung sống với thương tật. Thực ra Ninh tồn tại chứ không phải sống. Gặp bạn mà không nhận ra bạn. Ngồi cạnh nhau mà không biết nói gì. Vui cũng như buồn. Ăn rồi cũng như chưa. Xã hội đang như vỡ chợ nhưng Ninh coi đó là con số không. Đã gần 40 năm, căn bệnh tâm thần ôm riết lấy Ninh. Cả một khoảng đời hàng chục năm Ninh thường trú tại bệnh viện tâm thần. Căn bệnh tai ác ấy đã cướp đi cái phần người về mặt tinh thần của Ninh.

Thứ Tư, 8 tháng 8, 2012

Nhà Nguyễn

Tôi vừa có chuyến ra miền Trung, cụ thể là đến Huế - kinh thành kinh đô của nhà Nguyễn. Mắt thấy tai nghe, vỡ vạc nhiều điều. Có những cái không như mình tưởng, mình nghĩ xưa nay. Điều quan trọng là thấy được những gì ghi dấu sự tồn tại của một triều đình phong kiến trong một giai đoạn lịch sử, nghe về công tích những vị vua có không ít đóng góp cho đất nước, dân tộc, nhất là sự mở mang bờ cõi.

Thế hệ chúng tôi ở miền Bắc nay nhiều người đã U60, U70, được dạy dỗ trong nhà trường, đọc báo nghe đài, chỉ biết rằng nhà Nguyễn là triều đại phong kiến cực kỳ phản động, hại dân hại nước. Các vua nhà Nguyễn, kể từ Gia Long đến Bảo Đại về sau này đều là những kẻ thù của nhân dân. Nhà Nguyễn không có lý do chính đáng để tồn tại khách quan trong lịch sử Mác-xít.

Về nhà Nguyễn, theo tôi, cần phải có nhiều công trình nghiên cứu, không chỉ trên phương diện sử học, một cách công phu hơn, định công luận tội rõ ràng, khách quan. Và điều cốt yếu phải xem như một nhà nước chính thống, chính danh tồn tại trong lịch sử dân tộc. Đừng như hồi nảo hồi nào, một mặt ca ngợi bốc tận mây xanh Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ (thực chất cũng chỉ là một thủ lĩnh nông dân, nổi dậy và hình thành một tập đoàn phong kiến, xây dựng nhà nước phong kiến, triều đại phong kiến), còn Gia Long Nguyễn Ánh thì phải gánh vác danh hiệu "cõng rắn cắn gà nhà" khiến hậu sinh hết đời này đến đời khác phỉ nhổ. Như thế không công bằng, không khách quan, không phải lịch sử chân thực.

Nay chúng ta đang đấu tranh với Trung Quốc từng giây từng phút về chủ quyền biển đảo, lãnh thổ. Điều muốn nói là hầu hết tư liệu, chứng cứ lịch sử có liên quan đến chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa lại có xuất xứ thời nhà Nguyễn. Nhà nước và các nhà nghiên cứu đã khai thác, sử dụng triệt để, coi đó như thứ vũ khí cực kỳ lợi hại. Nhưng người chủ của nó thì chưa được nhìn nhận, đánh giá lại nghiêm túc, đàng hoàng. Đây chính là lúc cần chiêu tuyết cho các vị vua Nguyễn, khôi phục vị trí, xem xét công tích với đất nước của họ. Đừng làm theo kiểu ù xọe, cho qua, để thời gian vùi lấp dần là xong như các vụ Cải cách ruộng đất, Nhân văn giai phẩm, Xét lại chống đối... trước kia. Trước hết cần viết lại sách giáo khoa lịch sử cho khách quan, chân thực, bỏ thói quy chụp, chụp mũ, bôi nhọ, yêu khen ghét chê đi. Không dám sửa sai chân thành, nếu đạt được chút lợi lộc nào thì cũng chỉ cỏn con mà thôi, làm sao bền vững được.
 Lăng vua Khải Định, người một thời bị đánh giá là con rồng tre

9.8.2012
Nguyễn Thông

Bài dành cho K17 văn: Nhớ đứa nơi xa

Hôm trước, cái HH từ Vác-sa-va (hay còn gọi là Varsovie, Warsaw) xa tít còm về cho mình, nhắc rằng mày quên tao rồi, sao mày không đưa tên mấy lị số điện thoại của tao vào danh sách lớp, mày cứ suốt ngày lẽo đẽo theo mấy con mụ 8 yến nên quên tao là đúng rồi, v.v... Nghe nó nhắc thế, mình giật thột, thấy có lỗi với nó.

Mà chả phải chỉ riêng mình, bao nhiêu đứa trong lớp nữa, cũng quên nó. Bằng chứng là suốt mấy ngày ở Huế nói nói cười cười, ngả ngớn trêu ghẹo nhau, ăn cơm mới ôn chuyện cũ, có bao nhiêu điều dấu kín trong lòng tố ra bằng hết, vậy mà tịnh không nghe thấy đứa nào nhắc đến nó. Mà nó có phải đứa thường cho cam, ngược lại đằng khác, rất chi là đáng nhớ. Thế mà quên. Mình nghĩ nó chả chấp đâu.

Nó là Hồ Thu Hiền.

Chúng tôi sẵn sàng tha thứ cho quý vị

BÙI CÔNG TỰ

Có thể ví chúng tôi như sỏi đá, chim muông, cây cỏ
Dưới con mắt quý vị chúng tôi chỉ là vô nhân
Nhưng chúng tôi đứng ngồi không yên vì vận nước
Chín chục triệu người chung tên gọi Nhân Dân.

Chúng tôi sẵn sàng tha thứ cho các quý vị
Dù các quý vị đã hủy hoại đất nước này
Cơ bản phá xong rừng, đào cạn kiệt khoáng sản
Xẻ thịt những cánh đồng và đầu độc những dòng sông.

Thứ Ba, 7 tháng 8, 2012

Nói chung là không biểu tình nữa

Đọc xong tờ báo Hà Nội Mới (tên trên măng-sét là Hànộimới) thứ hai 6.8.2012, cơ quan của thành ủy đảng cộng sản Việt Nam thành phố Hà Nội, mình nghĩ thế này:

-Kể từ nay, người dân dù yêu nước chân tình hoặc bị lợi dụng cũng không nên đi biểu tình nữa, dứt khoát không biểu tình yêu nước chống Trung Quốc nữa, đã có đảng và nhà nước lo, ôm chi rơm cho rặm bụng, lại còn mang tiếng xấu.

-Nếu Trung cộng giở mặt (điều này rất dễ xảy ra, sắp xảy ra), nhà nước có huy động đi biểu tình thì tùy quý vị, ai muốn đi thì đi, nhưng mấy đứa trẻ nhà mình thì chúng bảo sẽ không đi, đã có đảng nhà nước lo, lo luôn cả thể. Lúc người ta "yêu" thì không cho "yêu", cứ cấm đoán, xét nét; nay bắt "yêu" thì thất tình rồi, chả "yêu" nữa. Chính sách thiếu nhất quán thế, chúng không thích. Chúng còn phản biện bọn con là công dân chứ có phải con rối đâu để muốn giật thế nào thì giật. Lúc ấy xin nhường chỗ trong đoàn biểu tình cho các anh chị Hoàng Thu Vân, Nguyễn Minh Phong, Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Văn Đua, Nguyễn Thị Quyết Tâm và một số anh chị khác.

-Bác Lê Hiếu Đằng và 41 bác nhân sĩ, trí thức, công dân Sài Gòn nếu vẫn quyết tổ chức biểu tình thì em chẳng dám can. Chỉ xin các bác đi có hàng ngũ (không để người ta vu cho là vi phạm trật tự giao thông), cần khẳng định lại lần nữa là biểu tình phản đối Trung Quốc chứ không vì bất cứ mục đích gì khác, để nếu đứa nào vu cáo, xỏ xiên thì vả vào cái mặt nó. Em không đi với các bác, vì như em đã nói, có đảng và nhà nước lo, lo mãi, sau này có bẩy hoặc rước, em cũng không đi. Trung Quốc có sang thì cha con em cầm súng, vậy thôi.

-Mấy người phỉ báng biểu tình và quần chúng biểu tình, sắp tới khi đảng và nhà nước kêu gọi xuống đường mà không thấy họ đâu cũng chả sao. Đội ngũ nhân dân khuyết vài ba chỗ là chuyện thường tình. Nếu họ có dẻo quẹo cái miệng nói ngược lại thì cũng là chuyện thường tình.

7.8.2012
Nguyễn Thông

Thứ Hai, 6 tháng 8, 2012

Bên bàn trà muộn

1.
-Dạo này kỷ niệm 100 năm hoặc trăm lẻ 5 lẻ 10 của ông A, ông B... nhiều quá, cụ nhẩy.
-Ừ, thì có lệ thành văn rồi, những năm đó gọi là năm chẵn.
-Sao tôi thấy ông nào cũng được thôn xóm ca tụng ngất trời: tư duy sáng suốt, cống hiến trọn đời, đạo cao đức trọng, một lòng một dạ phấn đấu hy sinh, thôn mến dân thương, dấu ấn thời đại, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư..., đại loại tốt toàn tập, không sai thứ gì. Thôn mình theo vô thần mà cúng kiếng lễ lạt còn tốn kém quá xứ công giáo toàn tòng. Tuyền những hình thức, một chiều...
-Xin cụ. Thì ca ngợi nó phải thế, chả nhẽ lại...
-Cụ ạ, chính những ông ấy khi cầm quyền trưởng phó thôn, thôn ta dân ta suốt bao năm lẹt đẹt, đói khổ, tụt hậu, hỏng hết thứ này đến thứ khác, một bước tiến ba bước lùi, rồi lại đổi mới, cải cách, xoay xở tìm đường thoát.
-Phần khổ phần kém là lỗi tại dân; còn phần công, phần mở lối là thuộc về các vĩ nhân, ông hiểu chửa.
-Tôi không hiểu. Vậy cụ có hiểu không?
-Tôi cũng không hiểu, chỉ nghe thằng cháu là cán bộ tuyên truyền nó nói thế.

2.
-Sao mấy hôm không thấy cụ sang chơi.
-Chuyện nhà chuyện cửa mệt quá cụ ạ.
-Tôi nói thật nhá. Cụ cứ bảo cụ là người tốt, sao cụ lắm kẻ thù thế, thù trong thù ngoài, theo cụ nói thì nhìn đâu cũng thấy. Tôi nghễnh ngãng mà cứ nghe cụ la oai oái suốt ngày ngoài vườn.
-Thì cụ đã hỏi, tôi chả dám giấu. Tôi cũng chẳng tốt đẹp gì. Nhưng để giữ được gia phong, tôi phải vu cho đứa khác, cái đứa hiền lành tôi cũng phải gắn mác kẻ thù, thế lực thù địch để dễ trị. Thà giết nhầm còn hơn bỏ sót mà cụ.
-Thế khi xảy chuyện nhà, lấy ai lo?
-Dào, lo cái con bò trắng răng. Lúc ấy chạy cũng chả kịp nữa là lo với liếc.
-Tôi chán cụ quá.

Kết thúc ngày lộc phát phát lộc 6.8
Nguyễn Thông