Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2012

Những bài hát của một thời (31): Lá thư hậu phương

Xin tặng bài này cho các chị, những người vợ bộ đội ở miền Bắc hồi chiến tranh chống Mỹ. Tặng bạn tôi Lê Minh Độ (K17), người đã hát nhiều bài hát "của một thời" thời sinh viên chất chứa kỷ niệm.

Những năm 60 thật khó quên. Khắp miền Bắc, nơi đâu cũng thấy những khẩu hiệu hết sức ngắn gọn, quyết liệt, như: "Tất cả vì miền Nam ruột thịt", "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng", "Hậu phương thi đua với tiền phương", "Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược"... Tôi còn nhớ như in trên bức tường đất căn nhà 3 gian của thầy bu tôi, phía phải là câu "Toàn dân thực hiện 3 không", phía trái là "Tất cả cho tiền tuyến", kẻ bằng vôi thật rắn rỏi, rõ ràng. Hình như những năm ấy, bất kể già trẻ gái trai, tất tần tật đều hướng ra chiến trường, với niềm tin thắng lợi.

Trông mong nhất, chờ đợi nhất người lính trở về chính là các chị. Cày bừa cấy hái, chăm sóc bố mẹ ông bà, nuôi dạy con cái, các chị gánh vác hết phần mà người ra đi để lại. Hàng triệu "thiếu phụ Nam Xương" thời ấy đáng được tạc tượng ngọc, chí ít cũng bằng đá hoa cương cho muôn đời sau biết ơn, ca ngợi.

Bài hát Lá thư hậu phương của nhạc sĩ Phạm Tuyên đã phần nào ghi lại những chiều sâu khuất của tâm hồn người phụ nữ nông dân trẻ miền Bắc thời chống Mỹ, qua vẻ đẹp giản dị mà khó quên. Một vài lời trong ca từ có thể không hợp với người nghe thời nay, nhưng không sao, đó là dấu ấn một chặng đường lịch sử. Ca sĩ thể hiện là NSƯT Kim Oanh và tốp ca nữ đài Tiếng nói Việt Nam.

Xin cám ơn nhà sưu tầm Zanhanoi.

29.4.2012
Nguyễn Thông



Chỉ đạo ở Văn Giang


Các đồng chí
Đã đến lúc không cần che giấu nữa
Những sơn son thếp vàng
Những lụa là phấn sáp
Những bài diễn văn, khẩu hiệu, lời có cánh mị lừa
Vứt tất cả vào sọt rác
Bởi giờ đây chỉ cần hung tàn là đủ
Để đám dân đen kia phải khiếp sợ, lặng câm

Này các đồng chí tuyên giáo
Tránh ra cho công an thi hành nhiệm vụ
Thời của các đồng chí đã qua
Đám dân kia
Phải trị cho xuống ruộng lên bờ
Cho nát đám cỏ gà
Cho nếm biết thế nào là chuyên chính
Chả cần nữa khẩu hiệu “của, vì, do”
Lừa thế đủ rồi
Nay là lúc AK lên tiếng

(Những khẩu AK trước kia băng đạn “vàng như lúa đồng”
Nay nổ đoành đoành trên đồng lúa thơm xanh)

Đừng mềm lòng
Các đồng chí nhé
Dân nó khôn, được voi đòi tiên
Chớ nghe nó kể lể hồi nào nó bao bọc nuôi nấng chở che mình
Xưa lắm rồi
Quên đi
Để hoàn thành nhiệm vụ

Ám sát xong cánh đồng này
Còn nhiều cánh đồng khác đợi chờ ta phía trước
Nhiệm vụ vinh quang, vinh quang, vinh quang
Là giúp dân, kéo họ ra khỏi ruộng đồng
Đến bến bờ hạnh phúc
He he.

28.4.2012
Nguyễn Thông

Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2012

Những bài hát của một thời (30): Trăng tàn trên hè phố

Để hòa hợp được hàng chục triệu người sau mấy chục năm chiến tranh đối nghịch, lại tiếp nữa mấy chục năm ly tán bất hòa, quả không dễ. Nhớ lời cụ Sáu Dân-Võ Văn Kiệt: "Chiến thắng của chúng ta là vĩ đại, nhưng chúng ta cũng đã phải trả giá cho chiến thắng đó bằng cả nỗi đau và sự mất mát. Lịch sử đã đặt gia đình nhiều người dân miền Nam rơi vào hoàn cảnh có người thân vừa ở phía bên này vừa ở phía bên kia. Vì thế, một sự kiện liên quan đến chiến tranh, khi nhắc lại có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là một vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu" (Những câu chuyện về anh Sáu Dân- NXB Thông tấn, 2008). Tôi muốn nghe lại bài hát này như góp phần vào sự hòa hợp mong mỏi ấy.

Thứ Năm, 26 tháng 4, 2012

Thắc mắc biết hỏi ai

Sau khi nghe các cơ quan chức năng của chính phủ công bố kết luận về nguyên nhân cháy xe tại cuộc họp báo công bố ngày 26.4, một số chuyên gia đã thắc mắc:

"Tôi không tin những số liệu mà nhóm nghiên cứu đã đưa ra. Xăng dầu là mặt hàng nhạy cảm, doanh nghiệp nhà nước chiếm thị phần cao và có thể động chạm đến nhiều người nên khi tôi dự hội thảo về chất lượng xăng dầu do Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật tổ chức ngày 25.4 vừa qua, có người khuyên đừng nói nhiều đến nguyên nhân cháy nổ do xăng dầu. Có vẻ như người ta muốn giấu giếm một điều gì đó" (Tiến sĩ Đinh Ngọc Ân- Trưởng khoa cơ khí động lực, Đại học sư phạm Hưng yên).

"Nghe kết luận mà thấy buồn. Dường như họ đang "lãnh cảm" với nhân dân quá" (PGS-TS Hoàng Mạnh Hùng- Giám đốc trung tâm giám định dân sự).

(theo báo Thanh Niên ngày 27.4.2012, trang 5)

Các bác ơi, các bác còn băn khoăn thế thì dân đen chúng em còn cháy xe. Thắc mắc biết hỏi ai bây giờ? Chả nhẽ hỏi cố bác sĩ Trần Bồng Sơn?

27.4.2012
Nguyễn Thông
 Ảnh của Huỳnh Thúc Giáp

Quá phấn khởi

"Sáng 26/4, Bộ Chính trị đã họp, cho ý kiến về một số vấn đề về tình hình kinh tế - xã hội bốn tháng đầu năm, mục tiêu nhiệm vụ và giải pháp những tháng còn lại của năm 2012. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp.

Thừa ủy quyền của Ban cán sự Đảng Chính phủ, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh đã báo cáo tình hình kinh tế - xã hội bốn tháng đầu năm, dự báo tình hình và các giải pháp điều hành kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2012.

Theo đó, bốn tháng đầu năm 2012, tình hình kinh tế - xã hội có bước chuyển biến, đạt những kết quả tích cực bước đầu, đúng hướng. Các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục phát huy hiệu quả.

Chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp, CPI tháng Tư chỉ tăng 0,05% so với tháng trước và tăng 2,6% so với cuối năm 2011. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng, sản xuất kinh doanh trong điều kiện khó khăn vẫn duy trì tăng trưởng, kim ngạch xuất khẩu ước tăng 22,1% so với cùng kỳ, hoạt động du lịch khá sôi động. An sinh xã hội và phúc lợi xã hội được bảo đảm, các vấn đề bức xúc xã hội được quan tâm giải quyết. Quốc phòng an ninh được tăng cường, chính trị xã hội ổn định".

...

(trích nguyên văn đoạn đầu bản tin của Thông tấn xã Việt Nam ngày 26.4, phần in đậm là tớ nhấn mạnh để mừng)

27.4.2012
Nguyễn Thông

Bài học cho làng báo

BÁ TÂN


Dư luận báo chí những ngày qua ồn ào vụ việc bà Đặng Thị Hoàng Yến, đại biểu quốc hội tỉnh Long An. Chuyện như thế mà đứng ngoài cuộc thì còn gì là báo chí. Bây giờ nói chuyện bà Yến là hơi bị dễ, vẫn hấp dẫn, rút ra được nhiều bài học.

Cách đây hơn 1 năm, vụ việc ấy đã "lưu hành" trong thực tế, nhưng cả làng báo dường như im re. Nói cái đang diễn ra, phản ánh đúng sự thật. Nguyên lý làm báo là vậy. Sự đời với giảng đường có khi cách nhau vời vợi, thậm chí ngược chiều nhau. Vụ việc bà Đặng Thị Hoàng Yến là một trong những dẫn chứng điển hình cho cái nhận định ấy. Giá như, cách đây hơn 1 năm, báo chí đồng thanh phanh phui vụ bà Yến, nếu vậy tôi đâu có dám đưa ra cái nhận định trên đây.

Bây giờ báo chí đang "đồng ca" vụ bà Yến. Trước đó, cách đây hơn 1 năm, cả làng báo chỉ có một giọng "đơn ca" vụ việc này. Đó là báo Cựu chiến binh Việt Nam. Sự thật tồn tại trong thực tế, đại bộ phận im lặng, duy chỉ có tờ báo của những người cựu chiến binh lên tiếng. Thời điểm đó, báo Cựu chiến binh trở thành thiểu số, thậm chí là cá biệt. Thực tế cuộc sống tự nó đưa ra câu trả lời: kể cả thời điểm bị coi là thiểu số, báo Cựu chiến binh hoàn toàn đúng. Khác với kiểu lúc nào cũng cắm cúi chạy theo đám đông, suốt đời chỉ biết a dua với bầy đàn. Lập thân và hành nghề kiểu đó không những tầm thường mà còn đáng chê trách.

Trên chiến trường, cái chết luôn rập rình bên cạnh, người lính vẫn hiên ngang bất chấp hiểm nguy. Địch nhiều, ta ít vẫn không nao núng. Chẳng may đồng đội ngã xuống, dù chỉ còn một mình, anh bộ đội Cụ Hồ vẫn quyết chiến đến cùng. Bản chất người lính là vậy, kể cả trong thời bình. Báo Cựu chiến binh tỏ rõ đúng bản chất người lính. Biết là thiểu số, chấp nhận đứng ra một bên dưới lá cờ quyết chiến, nêu vụ việc mà số đông vào thời điểm đó... làm ngơ. Truyền thống quyết chiến của người lính trở thành dòng chảy đối lưu hai chiều, từ chiến trường đến với tờ báo Cựu chiến binh và từ báo Cựu chiến binh đến với người lính.

Báo Cựu chiến binh không có ý định nêu gương cho làng báo. Người lính tha thiết với sự sống, họ đâu lựa chọn cái chết làm lẽ sống. Người lính sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc, giành sự sống cho đồng đội và đồng bào. Báo Cựu chiến binh chấp nhận làm thiểu số để "chiến đấu" và họ đã chiến thắng. Việc làm bình dị của báo Cựu chiến binh là bài học lớn cho cả làng báo.

Bá Tân

Lại viết về nhân dân

Lời mở:
Nhà thơ Lê Hoài Nguyên (tác giả bài thơ này) tức nhà văn Thái Kế Toại, vốn dòng dõi Mạc tộc, hậu duệ vua Mạc Đăng Dung. Hồi tôi vào học năm thứ nhất khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội thì anh đang năm thứ ba, do công an cử đi học, nổi tiếng lắm, có nhiều thơ văn đăng trên báo văn nghệ trung ương và những báo khác. Sau này ra trường anh về lại công an, chuyên về an ninh văn hóa văn nghệ, lên tới chức đại tá. Anh rất nổi tiếng với công trình nghiên cứu và tư liệu về Nhân văn giai phẩm. Bài thơ Lại viết về nhân dân thể hiện rất đúng về con người và suy nghĩ của anh, như tôi vốn biết.

Lại viết về nhân dân
LÊ HOÀI NGUYÊN


Tôi đi tìm anh
Nhà thơ
Đã gần nửa thế kỷ véo von
Véo von ca về nhân dân anh hùng
Véo von ca về khẩu AK, về màu máu đỏ
Đỏ hào quang cho những trang thơ.

Biết anh
Đẻ ra từ ổ rơm
Ăn khoai lang, ngô, sắn
Nhưng hôm nay nhà cao cửa rộng
Làm thơ trong buồng máy lạnh.
Đi thực tế ngủ trong khách sạn.

Bây giờ các anh ở đâu
Những nhà thơ từng tự nhận mình là con đẻ của nhân dân?

*****

Vẫn những câu thơ véo von
Véo von về ngực nở con gái dậy thì
Véo von về hơi thở cánh đồng
Véo von về cánh ong bay
Véo von về con đường hạnh phúc...

Thứ Tư, 25 tháng 4, 2012

Danh hão


Cuối cùng thì người ta, những kẻ xài tiền thuế do dân đóng góp, vẫn nhất quyết tổ chức cái gọi là lễ đón nhận danh hiệu cho vịnh Hạ Long. Đất nước còn nghèo, dân còn đói khổ, vật giá lên cao, bữa cơm người lao động ngày càng teo tóp còm cõi…, ôi dào chẳng hề gì, bởi với họ, có phải móc tiền túi đâu mà lo; bởi với họ, cái danh hão mới là quan trọng. Đó là chưa nói, với không ít kẻ, có đứng ra tổ chức, làm cái này cái kia thì mới dễ tạo cơ kiếm chác, phết phảy, chấm mút triệu này tỉ nọ.

Trong lịch sử nước nam ta, chưa bao giờ kẻ có quyền háo danh như thời này. Vụ vịnh Hạ Long chứng tỏ sự háo danh đã lên mức đỉnh điểm, bất luận ngu si, không cần đoái hoài đến sự phê phán, góp ý của đông đảo nhân dân. Đáng thương và đáng giận. Thật bi kịch khi những kẻ ấy lại được dung túng từ những cấp cao hơn, cao hơn…, mặc sức tác oai tác quái. Lễ đón danh hão sẽ được tổ chức thật hoành tráng vào ngày 27.4 tại Hà Nội và 1.5 tại Quảng Ninh. Tiền tỉ tiếp tục trôi ra biển, đau xót biết chừng nào. Sao họ không nhớ lời cụ Hồ dạy "lãng phí là một tội ác", chả hiểu họ học tập và làm theo tấm gương của cụ kiểu gì nữa.

Không có từ nào chính xác hơn từ “danh hão” để chỉ cho vụ Hạ Long này. Hạ Long đã từng được tổ chức Văn hóa-Giáo dục-Khoa học Liên Hiệp Quốc (UNESCO) 2 lần công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, danh thật, chất lượng cao tưởng như thế là hết mức rồi. Nhưng người ta vẫn tham, vẫn chạy theo của giời ơi. Bỏ mặc ngoài tai khuyến cáo của UNESCO về tư cách của nhóm cá nhân New Open World, chính quyền VN mấy năm nay cố tình dung dưỡng cho thói háo danh, tốn vào đó biết bao tiền của. Một nhóm tư nhân mở trang web vẫn có thể lừa dễ dàng một nhà nước, thật không thể hiểu nổi. Nếu vài chục cá nhân khác nó cũng mở web, cũng ngoa ngôn tổ chức bình chọn nọ kia để kiếm tiền, liệu các ông bà có theo nổi không. Làm ra chiếc huy chương mo cau mà thu tiền tươi thóc thật, lừa được từ trung ương xuống địa phương, phải công nhận nhóm của tay bác sĩ Bernard Weber quả thật cao thủ. Nhưng xin nói ngay, nó chỉ giở trò được ở những xứ mông muội thôi, qua các nước văn minh phương Tây chẳng hạn là biết nhau ngay.

Danh hão đâu chỉ ở khía cạnh tấm mo cau mà còn ở trò tự mình lừa mình. Tổ chức quảng bá rùm beng, bình chọn bằng tin nhắn, thu được 24 triệu lượt nhắn tin. Xin hỏi những người có trách nhiệm ở bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch, trong số 24 triệu tin nhắn đó, có bao nhiêu tin của người nước ngoài, bao nhiêu tin của người bản xứ? Các ông chả dại gì công bố ra điều này, phải không. Các ông đang mắc bệnh tự sướng. Thực tế cho thấy hầu hết tin nhắn bình chọn là do ta vận động ta bấm bấm chọn chọn. Rất nhiều người chưa hề biết Hạ Long thế nào, mặt mũi nó ra sao, cũng bầu cũng nhắn. Tiên sinh AQ con cụ Lỗ Tấn nếu sống lại cũng phải chắp tay vái dài tôn các ngài làm đại ca, thánh thượng.

Đừng lý sự cùn bảo rằng bất cần biết New7Wonders là đứa nào, miễn có dịp quảng bá Hạ Long ra thế giới là được, là thành công. Thái độ bất chấp ấy chỉ có ở những kẻ vô học. Tiêu đồng tiền cũng phải biết cách tiêu cho xứng đáng. Trước kia chính nhà nước này từng chi tiền cho BBC hoặc những tờ báo lớn, đài lớn ở Mỹ quảng bá cho VN, du lịch VN, đều nhận được sự đồng tình của dân chúng, dư luận. Vấn đề là chúng ta đang cần quảng bá ta ra thế giới, mà thế giới nghe đến BBC, CNN hoặc Fox News thì người ta biết ngay, còn New7Wonders họ chẳng thèm quan tâm. Thế mà vẫn cố đấm ăn xôi.

Tôi nói thật, dân chúng ham vui, các ông tổ chức vui chơi lễ này lễ nọ thì họ đến thôi chứ cũng chả phải do vui mừng phấn khởi gì đâu. Nhưng trong hai buổi lễ sắp tới, tôi thành thật khuyên các ông to bà nhớn đừng có nghe chúng nó nỉ non mà tham dự làm long trọng viên, ngồi ngây ra đó xem chúng diễn kịch. Một vở hài kịch bậc nhất xứ này suốt bao năm nay. Xấu hổ lắm.

Còn các ông bà vẫn cứ tham dự thì tôi cũng chả can nữa. Tôi chỉ bảo rằng: dại lắm, dại ơi là dại!

25.4.2012
Nguyễn Thông

Dậy mà đi

Hôm 19.4, mình nghe tin bà Vũ Thị Thanh, vợ nhà thơ Tố Hữu qua đời. Sự ra đi của bà làm nhớ lại một vài điều. Một ông bạn mình, nhà báo X.B từng khá vất vả khi viết bài có liên quan đến căn nhà gia đình nhà thơ cư ngụ tại thủ đô Hà Nội (thực ra chuyện như thế xứ Sài Gòn đầy, còn ghê hơn nhiều, chỉ sợ ông X.B không đủ sức viết thôi). Hồi mình vào nghề dạy học, thầy Lê Doãn Hoàn tổ trưởng phân công mình dạy lớp dự bị khóa 3 (1977) chuẩn bị vào đại học, giáo án đầu tiên mình dạy là 2 bài Từ ấyDậy mà đi của Tố Hữu, mấy anh bộ đội, cán bộ đi học khen lắm (nào các vị ấy có biết thầy giáo trẻ đã mất 2 đêm thức trắng soạn bài, tập tành lên lớp mấy lần). Năm 1978, mình dự cuộc thi về thơ Tố Hữu và Hồ Chí Minh tại nhà văn hóa Thanh niên Sài Gòn được giải nhất, thưởng quá trời là sách, ôm về nặng tay. Theo mình, thơ Tố Hữu hay nhất là thời kỳ trước cách mạng 1945, còn về sau không thích. Bài Dậy mà đi là bài trong thời kỳ ấy.

DẬY MÀ ĐI
Tố Hữu


Dậy mà đi! Dậy mà đi!
Đừng tiếc nữa, can chi mà tiếc mãi?
Ai chiến thắng mà không hề chiến bại
Ai nên khôn mà chẳng dại đôi  lần?

Huống đường đi còn lắm bước gian truân
Đây chưa phải trận sau cùng chiến đấu!
Thì đứng dậy, xoa tay và tự bảo:
Chỉ còn đây sức lực hãy còn đây!
Lòng không nghèo tin tưởng ở tương lai
Chân có ngã thì đứng lên, lại bước.
Thua ván này, ta đem bầy ván khác,
Có can chi, miễn được cuộc sau cùng

Dậy mà đi, hy vọng sẽ thành công
Rút kinh nghiệm ở bao lần thất bại:
Một lần ngã là một lần bớt dại
Để thêm khôn một chút nữa trong người.

Dậy mà đi, hỡi bạn dân nghèo ơi!

Tháng 5.1941

Lửa đã cháy cho niềm tin không tắt

VĂN ĐỨC

Cái uất nghẹn
cứ dâng trào
khi đọc những dòng tin đầu về việc "Chính quyền cưỡng chế Dân lấy đất";
Muốn viết khúc bi ca
nhưng không thể nào viết được
mà chắc cũng không cần.

Khi biết chính quyền ra „quyết định“
và đọc tin  "súng AK đã nổ lúc bình minh",
Tôi tự biết số phận những người nông dân nghèo chân đất
đã thua rồi, trong cuộc đấu tử sinh.
(Họ không sợ mà bắn vu vơ đâu
đó là lời của bạo quyền: Tao đây là sức mạnh!)

Vâng,
Lửa đã được đốt trên mặt đất
giữa lúc bình minh.
Lửa của Dân oan đã cháy lên như niềm hy vọng cuối cùng gửi cho mai hậu:
Con người chết sống với Quê hương.

(Lửa được đốt lên không phải để cản ngăn
những kẻ trong tim chỉ có hơi đồng lạnh ngắt.)

Hãy ghi nhận ánh lửa này
Hãy giữ ngọn lửa này
của Niềm tin:
Lẽ phải không bao giờ phục khuất!
-Lửa đã cháy cho Niềm tin không tắt!

Chiều 24.4.2012
Văn Đức 

Bác Nghị lại lên tiếng

Trung Quốc phải hủy bỏ ngay “Quy hoạch bảo vệ hải đảo toàn quốc”

6:03 PM, 24/04/2012
(Chinhphu.vn) - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị nêu rõ, Trung Quốc phải hủy bỏ ngay bản “Quy hoạch bảo vệ hải đảo toàn quốc”, nghiêm túc tuân thủ DOC, không có thêm hành động làm phức tạp tình hình ở Biển Đông.


Ngày 19/4/2012, Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc đã công bố “Quy hoạch bảo vệ hải đảo toàn quốc” giai đoạn 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, trong đó phân chia Biển Đông thành 7 khu vực biển, bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Ngày 24/4/2012, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị nêu rõ, Việt Nam khẳng định chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Người phát ngôn nói: “Việc Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc công bố thực thi bản “Quy hoạch bảo vệ hải đảo toàn quốc” là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này, vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). 
(theo Cổng thông tin điện tử chính phủ)

Thứ Ba, 24 tháng 4, 2012

Gửi những người cầm quyền hiện nay

Thưa các ông bà cầm quyền

Tất cả những gì chế độ hiện nay có được là do dân. Khi xưa, cái gì cũng dựa vào dân, từ giọt mồ hôi đến giọt máu. Không có dân, không có chế độ. Cụ Hồ dạy "việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm, việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh" (báo Cứu quốc ngày 17.10.1945). Nay khắp nơi trong nước chỗ nào cũng thấy dân tình ta thán, lòng dân sục sôi oán trách, những chuyện cướp đất của dân, oan sai với dân diễn ra hằng ngày. Không biết các vị làm gì, chỉ đạo gì, chỉ thấy cán bộ thừa hành cấp dưới lo đè nén, trấn áp, cưỡng bức, cưỡng chế dân. Ấy là mối nguy cho nước nhà, cho chế độ.

Hãy nhớ: "Phúc chu thủy tín dân do thủy" (lật thuyền mới biết sức dân mạnh như nước), "Tải chu, phúc chu giả, dân dã" (chở thuyền, hoặc lật thuyền, đều là sức dân vậy) cụ Nguyễn Trãi đã dạy thế. Mấy trăm năm nay không hề đơn sai.

Nông dân đang khốn khó, bất bình ngay trên ruộng đất của mình mà dường như các ông bà vẫn dửng dưng. Các ông bà có còn là người nữa không?

25.4.2012
Nguyễn Thông
(Ảnh của TS Nguyễn Xuân Diện, xin được sử dụng để làm rõ thêm đề nghị của tôi)

Thứ Hai, 23 tháng 4, 2012

Những bài hát của một thời (29): Tình ca đất nước


Cứ đến tháng tư, nói như ông Sáu Dân-Võ Văn Kiệt, lại không ít người vui kẻ buồn. Ở một nước trải mấy chục năm chiến tranh, Nam Bắc phân chia, lòng người ly tán, điều ấy không có gì lạ, dù 37 năm đã trôi qua.

Tháng tư năm ấy với mình, tình thực mà nói, rất vui. Đất nước thống nhất, chiến tranh chấm dứt, người còn sống đoàn tụ, người chết cũng dần được tìm về quê để vong hồn khỏi lang thang vất vưởng. Thế là mừng lắm. Trong cái vui chung của số đông người miền Bắc khi ấy, nhà mình cũng có vui riêng, anh Uy mình tương đối lành lặn trở về sau mấy tháng nằm trại thương binh Vĩnh Bảo. Cuộc chiến tranh như một quá khứ rùng rợn dần lui vào dĩ vãng.

Đó chính là tội ác

Mình đang viết một bài về cái thời "tivi loạn cào cào", được gần trang, nhưng rồi đọc bác họa sĩ Đỗ Đức xong thì đành chấp nhận hy sinh những gì đã lao công. Dưới đây là bài của bác Đỗ Đức, một con người hiểu biết rộng và thẳng thắn.

ĐÔNG NGÀN ĐỖ ĐỨC

Bây giờ hàng loạt thứ VTV suốt ngày cạp đôi hoàn hảo với bước nhảy hoàn vũ, rồi thi của các loại sao, siêu sao, ban giám khảo nam thì tóc đầu đinh dưng ngược, nữ thì áo phải hở khe ngực, rồi đấu trường rồi triệu phú rồi phim về nhóm trẻ chín mười X con nhà giàu đú đởn. Xét về mặt tuyên truyền, mở ti vi bất kì kênh nào cũng thấy chế độ ta có thừa XHCN.

Còn các vụ việc cướp đất ở Hưng Yên, ở Hà Tây xâm phạm cuộc sống cả ngàn con người thì bặt tin. Họ biểu tình đòi đất đòi đền bồi đúng chính sách thì may lắm có tờ báo gọi là tụ tập đông người... chỗ tiếp dân thì như bà cụ Lê Hiền Đức đã mô tả, chưa ra trường đã thành lũ mất dạy hạ mục vô nhân.

Hẳn nào mà tội ác tăng trưởng hơn lạm phát. Cái gì cũng có gốc rễ cả. Thói ích kỉ bây giờ cao ngất trời , cao từ ông to trở xuống. Có một thằng Luyện giết mấy mạng người, nhưng có nhiều thằng Luyện không cầm dao nhưng cầm quyền lực giết dần giết mòn cả triệu người mà không thằng nào phải ra tòa, trừ thằng được chọn hy sinh.

Bởi vậy xem các chương trình vui chơi của các VTV thi thố tôi thấy tởm lợm, Nhìn mặt ban giám khảo toe toét như bọn dầu cù là thấy như họ ở hành tinh khác.
 
Tất cả đó là tội ác với dân tộc. Là tội ác vì nó quay lưng với nghèo khó của cả triệu người.

(Bài lấy từ trang Facebook của họa sĩ Đỗ Đức, tít do chủ blog đặt)

Thứ Bảy, 21 tháng 4, 2012

Ngượng


Không thể dùng từ nào khác ngoài từ nói trên. Đúng là ngượng, rất ngượng, xấu hổ. Với người nào đó thì họ có thể bỏ qua, tặc lưỡi ai chả có lúc sai sót, nhầm lẫn, lơ đễnh, thế này thế nọ; nhưng với người trong nghề thì phải xem đây là bài học nhớ đời.

Chả là hầu hết báo in, báo mạng bữa ni đều hồ hởi trước thông tin 21 ngư dân và tàu cá Việt Nam đã được bọn Trung Quốc bố láo thả về. Nhiều báo, kể cả những tờ báo “to” hình như hồ hởi phấn khởi quá nên đã mắc cái sai lầm chết người, rút tít chình ình “21 ngư dân và tàu cá bị Trung Quốc giữ đang trên đường về nước”. Trời đất thiên địa ơi, thông tin định hướng kiểu này có ngày mất nước như chơi. Nghe người đọc phản ứng hà rầm, các vị lãnh đạo báo chí mới giật mình chỉ đạo chỉnh sửa thành “về nhà”. Nhưng chỉ sửa được trên báo mạng hoặc trang mạng điện tử thôi, còn báo in chữ nghĩa rành rành vậy rồi, đành bó tay. Chỉ bọn Tàu là khoái. Chắc chúng đang tiếp tục bổ sung những tờ báo đăng cái tin đó vào rương tư liệu của chúng để sau này trưng ra làm bằng chứng.

Tôi có hỏi vài người “sao lại thế?”, nhận được câu giả nhời “thông tấn xã phát thế nào thì lấy vậy thôi”. Chết, chết thật, thế thì các vị bù nhìn giữ dưa à. Đành rằng trong hệ thống báo chí chính thống tồn tại một luật bất thành văn là có những thông tin về việc này việc nọ, sự nọ sự kia… phải lấy của thông tấn xã. Để đảm bảo an toàn. Nhưng không có nghĩa thông tấn xã phát ra cái gì thì cái đó đều chuẩn mực, miễn góp ý. Là người nhiều năm từng làm công việc biên tập tin lấy từ thông tấn xã, tôi biết tổng hành dinh tin tức này vẫn sai sót như thường. Đã rất nhiều lần dù đêm hôm khuya khoắt tôi phải gọi điện cho những người phụ trách biên tập tin (trong nước hoặc quốc tế) của TTXVN ở Hà Nội đề nghị chỉnh sửa và luôn nhận được lời cám ơn chân thành. Sau này không làm công việc ấy nữa, tôi không biết những người khác có hành xử như tôi không. Nhắm mắt nhắm mũi lấy lấy lấy, đăng đăng đăng, cái sai sờ sờ ra ai cũng thấy, chỉ mình không thấy, quả là không hiểu nổi.

Rồi các tòa soạn nữa, bao nhiêu khâu, bao nhiêu tầng nấc kiểm tra kiểm duyệt, tưởng con kiến len lén chui qua cũng bị phát hiện, ấy thế mà voi vẫn hùng dũng băng qua. Chăm chú vào mấy cái tin cướp giết hiếp, để sai phạm về cái tin chủ quyền lãnh thổ, cũng không thể hiểu nổi luôn.

Tôi đang làm công việc liên quan đến quy trình trên nên tôi nói ra điều ấy sẽ có những người này người nọ ghét. Và cũng chả khác gì tự khoác lên đầu mình cái vòng kim cô, hôm nay chê người ta như thế, lỡ mai mình sai sót thì sao. Nhưng đây là chuyện đại sự, biết thì phải nói ra, không thể cứ ngậm miệng ăn tiền được.

21.4.2012
Nguyễn Thông

Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2012

Cử tri bị oan

BÁ TÂN

Số phận của đại biểu quốc hội Đặng Thị Hoàng Yến sẽ đi đến hồi kết như thế nào, việc đó còn phải chờ “chiếu chỉ” của quốc hội. Dù vậy, qua một số quy trình vừa thực hiện ở địa phương và kể cả trung ương, có thể dự đoán vị đại biểu này rất có thể “đứt gánh giữa đường”.

Nếu không còn là nghị viên, trước hết đó là nỗi buồn của bà Hoàng Yến. Nhưng cử tri nói chung và nhất là người dân Long An tự dưng có thêm nỗi buồn, trong khi cuộc sống đang rất cần có thêm niềm vui và lòng tin. Kể cả quốc hội khóa 13 cũng chẳng hay ho gì khi đưa ra thảo luận và đi đến quyết định còn hay mất tư cách của một vị đại biểu.

Với cử tri, ngoài nỗi buồn, họ còn bị oan. Vâng, trong vụ việc này, gánh nặng nỗi oan tự dưng vô cớ ập đến với người bỏ phiếu, trước hết là cử tri tỉnh Long An.

Về mặt pháp lý, cử tri quyết định người trúng cử đại biểu quốc hội (cũng như đại biểu hội đồng nhân dân các cấp). Bầu ai, gạch tên ai, dó là quyền và công việc của người dân khi đi bầu cử. Thế hệ chúng tôi đã từng làm nghĩa vụ công dân từ thời Việt Nam dân chủ cộng hòa. Bà Yến cũng như bất cứ người nào, sẽ không trở thành đại biểu quốc hội nếu không đủ số phiếu do cử tri bầu. Về mặt này mà nói, đại biểu quốc hội đúng là của dân, do dân. Của dân bầu, do dân bầu.

Không biết đến lúc đó họ sẽ ra sao nhỉ?

Mấy bữa ni ngột ngạt nhiều chuyện nhưng không muốn viết. Thiên hạ nhì nhằng về bà Hoàng Yến gian dối để chui vào nghị trường nhưng tôi chả muốn tham gia bởi tôi không muốn đánh một người đàn bà. Bồi thêm một đòn đâu có hay ho gì.

Nhưng điều này thì không thể dừng. Đó là tay bá vơ nào đó tự xưng đại tá Nguyễn Biên Cương viết thư chửi ông cụ thiếu tướng Nguyễn Trong Vĩnh. Hãy dẹp qua một bên sự kính lão đắc thọ bởi với loại người ấy đâu cần kính ai, tôi chỉ phát bực về cái kiểu lên giọng dạy dỗ, xưa như tuyên giáo vài chục năm nay, của anh ta. Mà dù có là đại tá thực đi chăng nữa cũng phải lôi ra quất cho mấy chục roi vào đít mà mắng rằng, mi thì biên cương hải đảo cái gì, chỉ chăm chăm lựa thời bán nước thôi.

Sẽ có ai đó bảo “lúc đó” là lúc nào, khiến bàn dân thiên hạ phải quát lên: lúc bọn giặc Tàu cộng nó há mõm nhe nanh nhai xé đất này dân này chứ lúc nào nữa. Cứ nghe tay Nguyễn Biên Cương thì có mà ngồi đó chịu trói, cúi đầu ngoảnh về phương bắc, lại chả lũ lượt theo tiền nhân Trần Ích Tắc, Trần Kiện, Lê Chiêu Thống bệ chầu ư.

Xếnh xáng Cương chửi cụ Vĩnh; Cương dọa dẫm, Cương lên giọng dạy dỗ những người mà y kết cho cái tội ngu dốt, bị lợi dụng, lôi kéo vào phong trào yêu nước giả hiệu. Tự cho mình là tỉnh táo, quán triệt quan điểm đường lối của đảng, quan điểm ngoại giao khéo léo mềm mỏng của nhà nước, đóng vai tên lính xung kích bảo vệ chế độ, Cương không cần giấu diếm rằng những ai không cùng chung suy nghĩ với y đều là phản động, cơ hội, ngu si. Này đương sự Cương, yêu nước không có sự độc quyền nhé, ngay cả yêu chế độ cũng thế, không được độc quyền. Tôi có cách yêu nước của tôi, không cần phải giống anh. Tôi có cách yêu chế độ của tôi, anh yêu bằng cách nịnh khen, tôi yêu bằng cách phê phán, xây dựng nó, đừng có mà lên mặt. Nói cho mà biết, người như cụ Vĩnh chả cần cái thứ nhà anh dạy dỗ đâu, tài sản yêu nước yêu dân của cụ cho loại như anh cả vài triêu người xài vài năm không hết. Đừng làm phách nhé.

Anh đại tá (chờ thư từ Trung Quốc) à, anh mắng mỏ các ông Nguyễn Huệ Chi, Phạm Toàn, Nguyễn Xuân Diện, Phạm Đình Trọng… là chuyện của anh, nhưng anh kết án các ông ấy hơi sớm đó. Rồi lịch sử sẽ hạ hồi phân giải, nhân dân sẽ trả lời ai đúng ai sai, ai lòng trong trắng có tâm hồng với đất nước, ai đen bạc lựa thời để sống vinh thân phì gia. Thật lạ đời, cái thời gì mà những người dấn thân với đất nước lại bị chửi mắng, quăng quật hành hạ. Thế thì thời mạt chăng.

Lâu nay tôi, một kẻ dân hèn, thỉnh thoảng được lắng nghe những ý kiến của cụ Nguyễn Trọng Vĩnh. Tuổi gần bách tuế nhưng nỗi niềm ưu ái thế sự, thời cuộc, dân nước của cụ vẫn xanh như thuở chàng trai lên đường gia nhập Vệ quốc đoàn. Cụ là số ít ỏi những người còn sống bây giờ hiểu chân tơ kẽ tóc, tim đen của bọn cộng sản Trung Quốc, và là số ít hơn trong số ít ấy dám nói lên để thức tỉnh dân mình. Anh Cương ơi, anh phê cụ Vĩnh lối này là anh chọc vào tổ kiến lửa rồi, dân không tha anh đâu. Để chứng minh cho anh thấy những điều mà cụ thiếu tướng lo lắng là sự thực, tôi xin dẫn cho anh đọc đoạn này, và nhớ rằng đừng dại dột phê phán gì nhé, đây là nhận định của đảng, sau vài chục năm đau đớn mới rút ra được: “Trên thế giới chưa có những người lãnh đạo một nước nào về mặt chiến lược đã lật ngược chính sách liên minh, đổi bạn thành thù, đổi thù thành bạn nhanh chóng và toàn diện như những người lãnh đạo Trung Quốc… Để làm suy yếu và nắm lấy Việt Nam, họ ra sức phá sự đoàn kết giữa ba nước ở bán đảo Đông Dương, chia rẽ ba nước với nhau, đặc biệt là chia rẽ Lào và Campuchia với Việt Nam. Đồng thời họ cố lôi kéo các nước khác ở Đông nam châu Á đối lập với Việt Nam, vu khống, bôi xấu, hòng cô lập Việt Nam với các nước trên thế giới.
Những người cầm quyền Bắc Kinh rêu rao cái gọi là “chủ quyền” của họ đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đầu năm 1974, với sự đồng tình của Mỹ, họ đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa, bộ phận lãnh thổ của Việt Nam để từng bước kiểm soát biển Đông, khống chế Việt Nam và toàn bộ Đông nam châu Á, đồng thời khai thác tài nguyên phong phú ở vùng biển Đông
” (trích: Sự thật về quan hệ Việt Nam- Trung Quốc trong 30 năm qua”- NXB Sự Thật, 1979).

Anh không nghe cụ Vĩnh, mặc anh. Chúng tôi phải nghe cụ bởi chúng tôi phải chuẩn bị sẵn tinh thần để lúc giặc Tàu tràn qua thì dù già trẻ thế nào, sức lực thế nào chúng tôi cũng cầm súng bảo vệ đất nước. Nó mang bản chất bành trướng, nó không chờ lâu đâu, có cơ hội, thậm chí không có cơ hội, nó cũng đánh thôi. Tôi tin rằng lúc ấy trong đội ngũ chiến đấu bảo vệ đất nước chắc chắn có các ông Huệ Chi, Xuân Diện, Phạm Toàn, Phạm Đình Trọng, thậm chí cả ông Cù Huy Hà Vũ nữa nếu đã ra tù. Còn đương sự Nguyễn Biên Cương, chỉ sợ lúc ấy biến đâu mất, hay trong tay đang phấp phới lá cờ 5 sao.

20.4.2012
Nguyễn Thông

Thứ Tư, 18 tháng 4, 2012

Những bài hát của một thời (28): Những cô gái quan họ

Mình chẳng biết bài hát Những cô gái quan họ có phải tác phẩm đầu tay của nhạc sĩ Phó Đức Phương không bởi chưa bao giờ nghe ông đề cập đến điều này nhưng có thể khẳng định mà chả sợ sai rằng nó là tấm thông hành cho ông bước vào làng nhạc. Sự thành công và nổi tiếng đến ngay từ sáng tác ban đầu, có lẽ ở nước ta trường hợp như Phó Đức Phương hơi hiếm.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương sinh năm 1944, người Hà Nội nhưng với bài Những cô gái quan họ đã rất nhiều người lầm tưởng ông quê Bắc Ninh. Tuy nhiên người kinh Bắc có quyền tự hào về nhạc sĩ đã viết ra bài hát hay nhất ca ngợi quê hương mình. Ông là tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng khác nữa, như Tình ca trên những công trình mới, Nha Trang thu, Về quê, Hồ trên núi,  Huyền thoại hồ núi Cốc, Một thoáng Tây Hồ, Trên đỉnh Phù Vân, Chảy đi sông ơi...

Những cô gái quan họ ra đời năm 1967, có thể coi là thời kỳ ác liệt nhất của miền Bắc trong bom đạn máy bay Mỹ. Lời ca trong trẻo, giản dị cùng giai điệu thiết tha của dân ca đồng bằng Bắc bộ đã vang lên khắp chốn cùng quê. Nhiều người ngơ ngác không biết Phó Đức Phương là đứa nào mà cho ra tác phẩm nuột nà đến thế. Trên làn sóng đài Tiếng nói Việt Nam, bài hát qua sự thể hiện của tốp nữ nổi tiếng, Kim Oanh lĩnh xướng, càng làm mọi người thêm yêu quê hương quan họ và những cô gái hậu duệ thái hậu Ỷ Lan.

Bắc Ninh với mình cũng có vô số kỷ niệm dù thời gian lưu cư chẳng bao lâu. Trường đại học Tổng hợp Hà Nội sơ tán đợt 2 tỏa về khắp nơi. Khoa văn về Hà Bắc và Hưng Yên (đợt 1 về Đại Từ, Thái Nguyên), lần này bọn từ năm thứ 2 trở lên đi Văn Giang (Hưng Yên) còn năm thứ nhất về Yên Phong và Hiệp Hòa (Bắc Ninh, Hà Bắc). Sau tết Quý Sửu 1973 cả bầu đoàn "sư tử" thầy trò lại lục tục chuyển về Hà Nội. Bắc Ninh chỉ thoáng có mấy tháng mà nặng nghĩa nặng tình, nhất là sự đùm bọc của người nông dân với bọn sinh viên nghèo. Khi mình đã chuyển về ở nhà D2 khu đại học Ngoại ngữ gần đường tàu điện ga Thanh Xuân tháng 4.1973, anh Thuận chủ nhà còn lặn lội từ Yên Phong lên thăm mình và thằng Nguyễn Sĩ Đại (cùng ở chung nhà anh), gặp gỡ thật cảm động. Mấy chục năm qua, chính xác là hơn 40 năm, mình cũng chưa có dịp về thăm lại Yên Phong bên bờ sông Cầu, qua cái phà Đông Xuyên (nghe nói đã bắc cầu), ghé chợ Chờ, đi trên con đường đê rợp bóng tre, thăm lại những người ơn nghĩa thời khó khăn vất vả. Chả biết anh chị Thuận có khỏe, có còn không? Mình tự dặn lòng thế nào cũng phải làm một chuyến về nơi xưa cũ cho trọn nghĩa vẹn tình.

Xin cám ơn nhà sưu tầm Zanhanoi.


18.4.2012
Nguyễn Thông

Thứ Ba, 17 tháng 4, 2012

Vị trí trung tâm

Đừng cho là mình bới bèo ra bọ nhưng chuyện này mình cứ thấy nó làm sao ấy.

Chả là Đà Nẵng hằng năm tổ chức thi bắn pháo hoa quốc tế, trên sông Hàn, nhân dịp kỷ niệm 30.4-1.5. Đã thành lệ, thành tập tục văn hóa, được khen ngợi. Đó cũng là cách để Đà Nẵng PR, marketing với cả nước và thế giới. Nên ủng hộ.


Tuy nhiên, tôi muốn chân thành nhắc các vị Đà Nẵng điều này: Bắn pháo hoa thì cũng tốt thôi, nhưng tại sao khi quảng cáo lại phải sắp xếp đưa cờ Trung Quốc vào giữa. Nếu theo thứ tự năm các đội vô địch thì TQ phải ở vị trí thứ 2, nếu đúng tinh thần nước chủ nhà thì VN phải ở giữa. Nay cho nó trung tâm là sao? Tôi thấy chả có tí ti lý do nào để xếp vị trí như vậy. Hay là tôi dốt quá, xin nhờ các vị giải thích giùm.

Còn sửa kịp nếu thực tâm muốn sửa.

17.4.2012
Nguyễn Thông

Chủ Nhật, 15 tháng 4, 2012

Một thời lãng mạn: Vì đàn em thân yêu

Ngày này đúng 35 năm trước, mình có mặt ở Sài Gòn, lúc 12 giờ kém một chút. Và ở từ đó cho đến nay.
Nói rõ hơn để tránh sự hiểu lầm, mình không được theo những binh đoàn vào thành phố, chỉ đơn giản là gần 2 năm sau ngày 30.4, chính xác là ngày 15.4.1977 mình mới đặt bước chân đầu tiên lên mảnh đất này, sau 48 tiếng đồng hồ lênh đênh trên con tàu khách Thống Nhất.

Nhận tờ quyết định phân công công tác từ vụ Tổ chức, bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (hình như lúc ấy ở đường Trần Xuân Soạn) mình bắt xe quày quả về lại Hải Phòng để kịp lên đường. Dự định về công tác tại báo Hải Phòng thôi đành dở dang. Ra đi trĩu nặng nỗi buồn. Nhà có 4 chị em nhưng chị lấy chồng xa, em gái đang đi học sư phạm, anh trai cũng nơi xa tít, giờ mình lại đi nốt, chỉ còn thày mẹ ở nhà. Nhiều kỷ niệm vui buồn xen lẫn. Bước đi một bước giây giây lại dừng.

Ghé vào Ngân hàng nhà nước ở Hải Phòng, lối gần bến Bính, đổi 100 đồng tiền miền Bắc được 90 đồng tiền Nam. Một chiếc va li nho nhỏ (nay vẫn còn giữ, bà xã không hiểu mấy lần cứ bảo bỏ đi cho khỏi chật nhà). Tất cả chỉ có thế cho chặng đường mới chưa biết sẽ như thế nào. Còn nhớ mãi lúc xuống tàu, rồi bờ bãi xa dần, khuất dần... Thiếu một người. Lúc ấy mới hiểu thế nào là chia ly.
Cặp bến nhà Rồng, mình được mấy anh công an vũ trang, anh Vuôn, anh Trùng ra đón đưa về đồn (sau này anh Vuôn về lại HP, anh Trùng lên đại tá chỉ huy trưởng bộ đội biên phòng cảng SG). Ăn chơi một ngày cho khuây khỏa, anh Vuôn lấy xe đạp đưa mình về nhiệm sở mới.
Trường Dự bị đại học TP.HCM (bấy giờ có tên là Tiền Giang) trên đường Nguyễn Chí Thanh, Q.5 gắn bó với mình 16 năm trời, sau đó dù không dạy nữa nhưng mình vẫn lưu luyến nó. Bao lứa học trò, biết bao kỷ niệm, bao tình yêu thương. Xin cám ơn tất cả những học trò đã giúp tôi nên người. Quãng đời dạy học này, xin hẹn dịp khác sẽ viết rõ hơn.

Kỷ niệm ngày này 15.4 của 35 năm trước, mình lại nhớ đến một quãng đời đã đi qua và giờ gửi gắm vào bài hát của ca sĩ- nhạc sĩ Trần Thụ. Đây là giọng ca mình rất yêu thích, từ hồi còn đi học cấp 3, sau này vào đời lại càng quý mến anh hơn. Hình như thế hệ mình, chả mấy ai không biết bài hát này.

Xin cám ơn nhà sưu tầm Zanhanoi.

Kỷ niệm tròn 35 năm lưu cư trên đất Sài Gòn
Nguyễn Thông

Thứ Bảy, 14 tháng 4, 2012

Nếu tôi là ông Vươn


BÁ TÂN
            Nhân dân nước mình hầu như không mấy ai không biết danh tiếng ông Đoàn Văn Vươn. Hiện thời ông đang bị tạm giam nhưng số đông người dân tỏ rõ sự tri công (không phải tri ân) đối với người hùng chân đất này.
            Ông là nạn nhân của vụ cưỡng chế theo kiểu làm liều, bất chấp pháp luật. Cách hành xử sai trái của bộ máy công quyền chưa dừng lại ở đó. Hiện thời, khi khổ chủ đang bị tạm giam, một số tổ chức và cá nhân lại đang rắp tâm vu oan đổ tội lên đầu ông Vươn.
            Cái kết luận thanh tra của hiện Tiên Lãng bộc lộ trong đó nhiều ẩn ý nhằm bôi trét gán tội cho ông Vươn. Gia đình ông đã có văn bản khiếu nại về cái kết luận của huyện Tiên Lãng. Đọc cái kết luận ấy không thể không lo ngại (thậm chí là hốt hoảng) về sự hiểu biết pháp luật của giới quan huyện thời nay. Bằng cấp có thừa, quá mức cần thiết nhưng năng lực hiểu biết quả là non nớt.
            Không những thanh tra cấp huyện, mà ngay cả bộ trưởng cũng nói vu vơ. Người đứng đầu bộ tài nguyên môi trường, chuyên trách công tác đất đai mà lại nói sai về luật đất đai thì không và không thể chấp nhận. Nếu tôi là ông Vươn, tôi sẽ khởi kiện bộ trưởng bộ tài nguyên môi trường về chuyện đó.

Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012

Nước đôi

Ngày 13.4, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên phóng vệ tinh Quang Minh Tinh 3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị nêu rõ: “Việt Nam luôn mong muốn một  bán đảo Triều Tiên hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Chúng tôi bày tỏ sự quan ngại về diễn biến tình hình liên quan đến việc Triều Tiên phóng vệ tinh vừa qua. Chúng tôi một lần nữa nhấn mạnh tính cần thiết của việc tuân thủ nghiêm túc các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, đặc biệt là Nghị quyết 1874 vì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới. Chúng tôi tiếp tục quan tâm, theo dõi sát diễn biến tình hình trên bán đảo Triều Tiên”.

Mà sao đợi đến giờ này mới nói. Ai thèm nghe. 

Thú thực, mình vò đầu bứt tai, vật mình vật mẩy mãi mà cũng không hiểu bác này định nói cái gì, khen hay chê, phản đối hay không, đồng tình hay không đồng tình... Thưa bố trẻ, kiểu nói nước đôi đã hết thời rồi, tỉnh lại đi.

13.4.2012
Nguyễn Thông

Những bài hát của một thời (27): Quảng Bình quê ta ơi

Chả biết có thái quá không, chứ theo tôi, Quảng Bình quê ta ơi của nhạc sĩ Hoàng Vân phải được xếp vào vị trí số 1, đệ nhất ca khúc trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước. Còn ở phương diện "tỉnh ca" thì nó cũng "treo giải nhất chi nhường cho ai". Nếu bạn nào đó thắc mắc tại sao đặt nó vào vị trí hàng đầu như thế mà giờ này mới giới thiệu thì nhà cháu xin tỏ rằng đồ quý không cần phải bày ra mặt tiền, hương xạ thơm lúc nào chả thơm.

Trong số nhiều ca sĩ, tốp ca thể hiện bài Quảng Bình quê ta ơi suốt mấy chục năm nay, có lẽ sự lựa chọn của tôi sẽ được nhiều người chấp nhận. Bản do NSND Thu Hiền hát hơi điệu đà nên không toát ra được chất trữ tình - hào hùng vốn có, còn bản do ca sĩ Trọng Tấn hát được nhiều người khen bởi anh hát có hồn, ấm áp, tình cảm nhưng rất tiếc cứ thấy thiêu thiếu bóng dáng lịch sử. Bản mà tôi giới thiệu đây là bản thu âm của đài Tiếng nói Việt Nam năm 1966, ngay sau khi nhạc sĩ Hoàng Vân từ tuyến lửa trở về, do tốp ca nam nữ trình bày, với giọng lĩnh xướng tuyệt vời của nữ ca sĩ, NSƯT Kim Oanh. Bạn cứ nghe đi, như chúng tôi từng nghe cách đây gần 46 năm. Khi ấy tôi mới hơn 10 tuổi nhưng đã thuộc lòng giai điệu và lời của bài hát này, mặc dù nó rất dài. Và nghĩ rằng sau này mình lớn lên, mình sẽ yêu và lấy chị Kim Oanh. Bây giờ mỗi lần nghe lại giọng chị Oanh, lòng vẫn rạo rực nỗi niềm tươi trẻ ấy.

Thứ Năm, 12 tháng 4, 2012

Tòa án công minh

Cổ nhân có câu "vô phúc đáo tụng đình". Chả ai muốn ra tòa. Tòa như thế này thì thần công lý cũng phải chạy mất dép. Cái đoạn sau đây không phải mình nói đâu nhé, mà là nhà báo, đại tá an ninh, tổng biên tập báo Năng lượng mới - PetroTimes Nguyễn Như Phong nói cơ, rất đáng tin cậy. Ông Phong bảo rằng:
"Không ít vụ án, các cấp tòa cho xử “điểm”, xử để “làm gương”, để “răn đe”; thậm chí cả cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cùng tham gia bàn bạc và “quyết” mức án cho bị cáo trước khi tòa khai mạc. Trong phiên tòa, bị cáo khai gì, mặc kệ. Luật sư cãi gì, quý Viện Kiểm sát ngồi ngủ gật và cuối cùng buông câu gọn lỏn: “Viện giữ nguyên quan điểm trong cáo trạng”. Và cuối cùng, thẩm phán tuyên mức án cho “đúng chỉ đạo”.
(trích nguyên xi từ bài Những bí mật của Hồ Việt Sử trong vụ án Năm Cam, trên báo PetroTimes ngày 12.4.2012, đường dẫn: http://www.petrotimes.vn/phong-su-dieu-tra/2012/04/nhung-bi-mat-cua-ho-viet-su-trong-vu-an-nam-cam).

12.4.2012
Nguyễn Thông

Thị trưởng không lương

BÁ TÂN

Ở ta, có ai làm thị trưởng mà không nhận lương. Kể cả nhà văn viễn tưởng cũng không dám đưa ra giấc mơ ấy. Chưa và sẽ không bao giờ có chuyện đó trên đất nước Việt Nam.
           
Ở Mỹ thì có. Không phải trong lịch sử, mà là thời hiện tại. Đương kim thị trưởng thành phố New York, ông Bloomberg hiện chỉ nhận tiền công mỗi năm 1 USD. Quy ra tiền Việt theo tỷ giá hiện thời, mỗi năm ông thị trưởng này chỉ nhận khoản tiền công xấp xỉ 20.000đ (hai mươi ngàn đồng).
           
Mỗi năm ông thị trưởng thành phố New York chỉ nhận tiền công 1 USD. Đây mà mức tiền công mang tính tượng trưng, do ông tự nguyện ấn định. Thành phố New York thuộc hạng đứng đầu nước Mỹ, kể cả vị thế chính trị - xã hội cũng như tiềm lực kinh tế. Theo cách cơ cấu của Việt Nam, người đứng đầu một thành phố như thế thì phải là Ủy viên Bộ Chính trị. Đứng đầu thành phố New York, vậy mà ông thị trưởng tự nguyện nhận tiền công mỗi năm với khoản tiền chỉ mua được 3 mớ rau muống theo giá cả ở Việt Nam.

Thứ Tư, 11 tháng 4, 2012

Tuyên bố chủ quyền: Bao giờ mới hết ăn theo, nói theo đây?

Nghe tin cơ quan chức năng nhà nước sắp tới xiết chặt hơn việc sử dụng internet, đặc biệt sẽ quản lý chặt chẽ các mạng xã hội, những trang blog và blogger, mình nghĩ rằng uy quyền ở trong tay thì các vị làm gì chẳng được. Thậm chí có thể bắt chước Iran xóa sổ luôn internet cũng chả thằng dân quèn nào dám cãi. Cấm cãi. Cãi bỏ tù.

Nhưng trước khi cấm hoặc xóa, các vị thử tĩnh trí lại xem, có phải internet độc hại đến mức cần còng tay nó, siết cổ nó không. Chỉ riêng chuyện bảo vệ chủ quyền biển đảo, Hoàng Sa- Trường Sa, mình lại nhớ đến lời khuyên của bác Trần Công Trục- nguyên Trưởng ban Biên giới chính phủ. Bác Trục bảo rằng trong việc thông tin tuyên truyền, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, ngoài các kênh thông tin chính thống của nhà nước, cần huy động, tận dụng tối đa những trang mạng xã hội, các blog, báo điện tử bởi sự thông tin nhanh nhạy, rộng khắp của chúng. Hình như các cơ quan an ninh đã hơi nhầm khi cứ soi mói các blog mà không thấy rằng, những blog ấy dù nói gì thì nói, nhưng khi đề cập đến chủ quyền biển đảo, Hoàng Sa-Trường Sa gần như trăm phần trăm đều lên án Trung Quốc, bênh vực chủ quyền lãnh thổ VN, thể hiện lòng yêu nước nhiệt thành của công dân. Các bác ạ, cấm thì dễ ợt, còn sử dụng được mới khó cơ. Hầu hết bloggers là người yêu nước đấy, không phải thế lực thù địch như các bác đề phòng đâu.

Thứ Hai, 9 tháng 4, 2012

Bộ trưởng Tài nguyên-môi trường Nguyễn Minh Quang ăn nói linh tinh, không xứng đáng làm bộ trưởng

Nghe ông Nguyễn Minh Quang (59 tuổi, quê Hà Tĩnh) bộ trưởng Bộ Tài nguyên-môi trường "chiểu theo lệnh" của đảng bộ cũng như chính quyền huyện Tiên Lãng và thành phố Hải Phòng khi nói về vụ phá đầm nhà Vươn mà mình vừa giận vừa chán ông ấy quá. Ông Quang quả thật không có tí chút tư cách của một bộ trưởng chủ xị về đất đai, chỉ riêng việc ông ấy cho rằng các cấp công quyền xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng và thành phố Hải Phòng giao đất cho Vươn 14 năm là đúng theo quy định của địa phương, rồi khẳng định rằng sắp tới Vươn chỉ được thuê đất chứ không được giao đất... đủ thấy ông bộ trưởng chả hiểu gì về luật Đất đai, kiến thức không bằng đứa nhân viên địa chính quèn cấp xã.

Nhưng thôi, mình không bàn nữa, kẻo ông ấy nghĩ rằng mình có thù tức cá nhân gì đó, nên đành dẫn ra đây bài trên báo Đại đoàn kết ngày 9.4.2012, báo in đăng trang 10, để mọi người hiểu thêm về ông Quang. Theo mình, tốt nhất là ông ấy nên từ chức, còn thứ nữa là Thủ tướng nên đề nghị Quốc hội bãi chức ông ta.





Vụ cưỡng chế sai tại Tiên Lãng, Hải Phòng: Bộ trưởng TN&MT chưa khách quan

Ngay sau khi Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang trả lời các cơ quan báo chí về vụ việc của ông Đoàn Văn Vươn. Ngày 7-4, Liên Chi hội Nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng đã gửi công văn đến các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường thể hiện quan điểm không đồng tình với trả lời của Bộ trưởng và cho rằng, những ý kiến đó không khách quan.

Một người tốt đã ra đi


Hôm thứ bảy 7.4, vừa vào đến cơ quan, cầm tờ báo nhà lên đọc lướt, tôi giật mình trước khung đen nhỏ chia buồn. Người nằm yên lành trong khung giấy giản dị ấy là bác Ngoạn, đại tá Lê Quang Ngoạn. Tôi vội nhắn tin hỏi người đồng nghiệp đồng thời là con rể của bác, anh Trần Xuân Hòa- trưởng văn phòng Nha Trang, anh Hòa bùi ngùi xác nhận bác Ngoạn đã ra đi. Mấy bữa rồi tôi về quê Nam bộ, máy móc không, lại bận bịu nên nay mới có mấy nhời tưởng nhớ bác.

Bác Ngoạn đi sau 93 năm tại thế, kể như vậy cũng thọ lắm. Bác nguyên là Cục trưởng Cục cảnh sát bảo vệ, nhưng với tôi và gia đình tôi, bác là người thân thiết. Cũng có nhiều mối gắn bó. Chị dâu tôi là cháu bác. Anh Hòa đồng nghiệp của tôi là con rể bác. Đám hỏi và đám cưới anh Uy tôi ở Hải Phòng, bác đều thay mặt gia đình, đánh xe về dự. Những năm 80 khốn khó, mỗi lần ra bắc vào nam, tôi đều ăn dầm nằm dề nhà bác; được bác coi như con cháu trong nhà. Vào nam công tác, bác mấy lần đến thăm vợ chồng tôi và cho quà. Kỷ niệm về bác không nhiều nhưng sâu nặng, tôi chẳng thể nào quên.

Bác Ngoạn làm chức to nhưng thật giản dị, nhân hậu. Thày tôi sinh thời rất quý bác, hễ chúng tôi ở miền Nam về thăm quê thì y rằng hôm trước hôm sau thày nhắc các con nhớ lên sớm Hà Nội thăm bác Ngoạn. Bác ít tuổi hơn thày nhưng thày thường gọi một cách kính trọng là cụ Ngoạn hoặc ông Ngoạn. Hai cụ trò chuyện hợp nhau lắm, dù thày tôi chỉ là nông dân còn bác sĩ quan cao cấp. Bác nói nhỏ nhẹ, ân tình, dạy bảo con cháu bằng những điều rất giản dị. Ba người con trai của bác, anh Cương, anh Bình, anh Ý đều theo ngành công an, rất giỏi giang, giữ chức vụ cao nhưng anh nào cũng hiền lành, nhân hậu như bố. Một điều hiếm thấy.

Năm 1982, trên đường vào lại Sài Gòn, vé xe lửa quá khó khăn, mặc dù anh Bình anh Ý đã hết cách giúp đỡ, tôi vẫn phải tá túc nhà bác để chờ tàu. Dù làm cấp cao nhưng bác cũng chỉ được ở tầng trên của một căn biệt thự gần hồ bơi Tăng Bạt Hổ, mấy phòng cộng lại cũng chỉ vài chục mét vuông. Thậm chí hai anh con trai thứ còn độc thân phải ở trên cái gác lửng bé xíu chỉ để ngủ chứ không thể xoay qua trở lại. Hai bác tận dụng diện tích đất nho nhỏ dưới vườn làm cái chuồng nuôi vài con lợn nên bác gái bận bịu suốt ngày. Bác trai có tiêu chuẩn đưa rước bằng ô tô nhưng nhất quyết đi bộ, chỉ khi nào cần lắm mới sử dụng xe. Bác bảo cuộc sống còn khó khăn, còn nghèo, bớt được chút nào để lo cho dân tốt chút ấy. Thấy tôi khổ sở vì không mua được vé tàu, bác dặn Bình, Ý ráng lo sơm sớm để tôi yên tâm, nhìn tôi gầy vêu vao bác bảo chị Loan con dâu bác mua thêm thức ăn ngon hơn về “đãi khách”. Tôi không ngờ gia đình một sĩ quan cao cấp (lúc ấy bác đương chức cục phó Cục cảnh vệ) mà sống giản dị, thậm chí nghèo khó đến thế. Vậy nhưng bác rất vui, luôn động viên mọi người, nhường nhịn cho mọi người.
Lại nhớ năm đó, hai bác cháu đọc báo Nhân Dân thấy có cái tin công đoàn Đoàn Kết bên Ba Lan đấu tranh đòi quyền dân chủ, bị đàn áp cấm hoạt động, công nhân bị bắn chết, bác Ngoạn cầm tờ báo trầm ngâm mãi. Bác bảo dù công đoàn Đoàn Kết có sai gì chăng nữa thì việc bắn chết công nhân đòi quyền dân sinh dân chủ cũng rất không nên. Tình hình Ba Lan như vậy sẽ ngày càng nguy ngập. Tôi trẻ người non dạ chả hiểu bao nhiêu nhưng về sau nghiệm thấy điều bác Ngoạn nói đúng cả.

Năm 83 bác đi công tác trong Nam. Vào Sài Gòn bác tới ký túc xá vợ chồng tôi ở, leo tận tầng 5, lại còn xách theo túi xoài to. Bác bảo khi làm việc ở Cam Ranh, thấy xoài ngon nhớ ngay đến cháu, mua vào làm quà cho cháu. Vợ chồng tôi cảm động ứa nước mắt. Biết chúng tôi giáo viên nghèo đang ăn độn bo bo, tiền nong eo hẹp, thức ăn chả có gì, bác nhất quyết từ chối không ở lại ăn cơm vì không muốn các cháu phải chạy vạy, lại còn lệnh bằng được buổi tối chúng tôi phải đến dùng cơm nhà khách với bác. Quả thật chỉ những con người tràn đầy tình yêu thương mới hiểu sâu sắc và thông cảm đến thế.

Tôi có nghe anh chị tôi kể rằng các con bác dù theo nghiệp bố nhưng đều phải tự lực, tuyệt đối không được ỷ lại cậy nhờ chức vụ của bố mình. Bác bảo để các anh tự đi bằng hai chân, có thế mới nên người. Cái câu “một người làm quan, cả họ được nhờ” có thể đúng chỗ này chỗ khác nhưng với gia đình bác Ngoạn nó chẳng có giá trị gì. Càng về sau này, khi hình ảnh cao đẹp của người công an cứ mờ dần đi thì tôi lại nhớ đến bác Lê Quang Ngoạn và những người con của bác. Nếu không có những con người đậm chất người như thế, sẽ buồn biết chừng nào.

7.4.2012
Nguyễn Thông

Thứ Sáu, 6 tháng 4, 2012

Bọ Lập than "nước đổ đầu vịt"

Mình đang viết một bài về chuyện bọn New7Wonders đến Hà Nội trao chứng chỉ Hạ Long, chưa xong thì đụng ngay bài của bọ Lập. Ông bọ đã có nhời là hết nhẽ rồi, mình còn tung tẩy gì nữa, có nói thêm cũng chỉ ú ớ mà thôi, đành võng điều khênh bài của bọ về nhà cho đỡ trống vắng chiều nay vậy.

Nước đổ đầu vịt
NGUYỄN QUANG LẬP


Hôm nay ( 3/4/2012), báo Tiền Phong đưa tin: ông Hà Quang Long , Giám đốc Sở TT-VH-DL Quảng Ninh cho biết : “Sau khi Tổ chức New7Wonder trao giấy chứng nhận, ngày 27-4, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch sẽ tổ chức đón bằng công nhận kỳ quan thế giới Hạ Long với quy mô lớn tại sân vận động Mỹ Đình.” Thế là bao nhiêu nổ lực của giới truyền thông cảnh báo về sự thật của cái gọi là “kết quả bình chọn 7 kỳ quan thế giới” đều như nước đổ đầu vịt.

Không thể tin nổi khi Vịnh Hạ Long được công nhận một trong 7 kỳ quan thế giới nhờ vào 24 triệu tin nhắn của chính những công dân Việt Nam bình chọn, một sự công nhận kiểu “ mèo khen mèo dài đuôi”, lại có thể làm “nức lòng” một số quan chức Bộ TT-VH-DL và Sở TT-VH-DL tỉnh Quảng Ninh. Cũng không thể tin nổi người ta có thể vinh dự tự hào khi cái giấy chứng nhận kỳ quan thế giới Hạ Long chỉ là của  New7Wonders, một công ty tư nhân do nhà leo núi người Thụy Sĩ Bernard Weber điều hành, không hề liên quan gì đến UNESCO- Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc.

New7Wonders không hề có uy tín nào trong việc định giá các di sản văn hóa của thế giới, tầm ảnh hưởng của nó còn bé hơn cả một số trang web nổi tiếng ở Việt Nam. Tìm hiểu thông tin về N7W qua Alexa, một trang mạng cho hay: “new7wonders.com xếp hạng 22,607 trên thế giới và hạng 31,656 tại Mỹ. Trong khi đó, cùng thời điểm, trang vnexpress được xếp hạng 386 trên thế giới và hạng 1,167 tại Mỹ.” Chỉ chừng đó thôi cũng đủ biết uy tín của New7Wonders!

Ông Nguyễn Xuân Thắng – Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, người đại diện cho UNESCO , ngay từ  2007 đã nhiều lần cảnh báo về cái gọi bình chọn 7 kì quan của New7Wonder, rằng “Với một cuộc chơi dễ dãi kiểu NOWC, nguy cơ một thói quen tranh giành, ganh đua dễ dãi để được tôn vinh sẽ hình thành trong tiềm thức của thế hệ trẻ”, rằng “Đó là một “phần thưởng” không bao hàm các giá trị công pháp quốc tế, không mang tính ràng buộc, trách nhiệm và nghĩa vụ.”

Ngay chính UNESCO cũng đã tuyên bố:Mặc dù nhiều lần được mời ủng hộ N7W, nhưng UNESCO quyết định không hợp tác với ông Weber… Cần xác định các tiêu chuẩn khoa học, xác định giá trị của các ứng viên.” Theo đó Unesco đã khẳng định kết quả bầu chọn của N7W là không chính xác và không có khoa học. Chẳng cần đến  tuyên bố của UNESCO người ta cũng thừa hiểu việc bình chọn không cần bất kì một tiêu chí nào, chỉ căn cứ vào số lượng tin nhắn không hạn chế cho mỗi mobile là cuộc bình chọn dành cho những kẻ thích tự sướng, một kiểu thủ dâm văn hóa rất nguy hiểm. Nói như nhà báo Al-Sayed người Ai Cập, “cuộc chơi” do NOWC chủ trì không những “đã tấn công vào các nền văn minh” mà còn thúc đẩy một cuộc chạy đua khích lệ ý thức dân tộc hẹp hòi trong một bộ phận công chúng ở các quốc gia.”

Đến đây đủ biết tấm bằng của New7Wonders chẳng những vô giá trị mà còn phản văn hóa, không thể nói khác hơn. Điều này Bộ TT-VH-DL không thể không biết.  Vậy thì hà cớ gì lại tổ chức đón nó rầm rộ với “qui mô lớn”?  Rõ là hài hước.

Than ôi văn hóa nước nhà suy đồi đến thế này chăng!
N.Q.L
(Theo blog quechoa)

Thứ Tư, 4 tháng 4, 2012

Đề nghị đuổi thơ Bùi Chát ra khỏi nước CHXHCN Việt Nam

Mình mở Google, tìm chút tư liệu về Bùi Công Trừng, mới gõ đến chữ Bùi C thì ra chữ Bùi Chát, không nén nổi tò mò (xưa nay tò mò là căn bệnh mạn tính của loài người) bèn thập thò hé xem. Đọc xong bài thơ này của thi sĩ Bùi Chát, mình quyết định lúc nào rảnh sẽ làm lá đơn gửi bác Hữu Thỉnh (vừa được xét phong tặng giải thưởng Hồ Chí Minh trị giá 200 triệu đồng) đề nghị đuổi thơ Bùi Chát ra khỏi nước CHXHCN Việt Nam. Thơ với thẩn thế này, quá cả Bản án chế độ thực dân Pháp của Nguyễn Ái Quốc.

Có thể ai đó sẽ cho là mình hung hăng, bắng nhắng, làm điều ác, oan cho Bùi Chát, vậy thì mình phải chép lại nguyên xi ra đây để chứng minh là mình không hung hăng, mà trái lại, rất có lý. Bữa nào nhận được đơn, nhớ giải quyết sớm, nghe bác Thỉnh.

THÓI
- Các ông cho chúng tôi được biết sự thật nhé!
- Các ông cho chúng tôi được ngủ với vợ/chồng chúng tôi nhé!
- Các ông cho chúng tôi được thở nhé!
- Các ông cho chúng tôi được bình đẳng trước pháp luật nhé!
- Các ông cho chúng tôi được suy nghĩ khác với các ông nhé!
- Các ông cho chúng tôi được chống tham nhũng nhé!
- Các ông cho chúng tôi được tự do ngôn luận nhé!
- Các ông cho chúng tôi được lập hội vỉa hè nhé!
- Các ông cho chúng tôi được viết bài thơ này nhé!
- Các ông cho chúng tôi được ghét các ông chống đối các ông nhé!
- Các ông cho chúng tôi được tự do biểu tình nhé!
- Các ông cho chúng tôi được bầu cử tự do nhé!
- Các ông cho chúng tôi được bảo vệ tổ quốc nhé!
- Các ông cho chúng tôi được học ngoại ngữ nhé!
- Các ông cho chúng tôi được phản đối Trung Quốc chiếm Hoàng Sa – Trường Sa
nhé!
- Các ông cho chúng tôi được giỏi hơn các ông nhé!
- Các ông cho chúng tôi được đi chùa đi nhà thờ nhé!
- Các ông cho chúng tôi được đọc bản Tuyên ngôn nhân quyền nhé!
- Các ông cho chúng tôi được sở hữu mảnh đất tổ tiên chúng tôi để lại nhé!
- Các ông cho chúng tôi được tố cáo các ông nhé!
- Các ông cho chúng tôi được là người Việt Nam nhé!
- Các ông cho chúng tôi được giữ gìn truyền thống nhé!
- Các ông cho chúng tôi được yêu thêm gia đình bạn bè ngoài các ông nhé!
- Các ông cho chúng tôi được xây dựng đất nước nhé!
- Các ông cho chúng tôi được biết diện tích mặt đất và biển đảo của chúng tôi nhé!
- Các ông cho chúng tôi được biết tên của đất nước chúng tôi 20 năm nữa nhé!
- Các ông cho chúng tôi được không theo các ông nhé!
- Các ông cho chúng tôi được sống riêng tư không bị dòm ngó nhé!
- Các ông cho chúng tôi được đá đít các ông nhé!
- Các ông cho chúng tôi được yêu nước nhé!
- Các ông cho chúng tôi được đi bằng đôi chân của chúng tôi nhé!
- Các ông cho chúng tôi được xuất bản bài thơ này sau khi viết xong nhé!
- Các ông cho chúng tôi được chờ các ông đến bắt nhé!
- Các ông cho chúng tôi được từ chối các ông nhé!
- Các ông cho chúng tôi được ước gì chúng tôi chẳng ước điều gì nhé!
- Các ông cho chúng tôi được mưu cầu hạnh phúc và mưu cầu không hạnh phúc nhé!
…………………………...
Xin các ông/bà
Các ông/bà đừng xin chúng tôi nữa!
BÙI CHÁT

Tâm sự của một trí thức Việt kiều

ĐOÀN PHÚ HÒA 

Trước đây, khi xẩy ra vụ án Tiên Lãng thì tôi đã dự đoán rằng vụ này sẽ được xử theo luật "rừng" hoàn toàn có lợi cho các cấp chính quyền. Mấy con tốt đen sẽ được mang ra nướng để nhằm xoa dịu dư luận xã hội nhưng kết cục là gia đình anh em Vươn - Quý sẽ không thoát khỏi vòng lao lý và sẽ bị chính quyền cụp lên đầu những tội nặng nhất. Tôi không tin vào một kết cục công minh vì chính quyền này không thể cho phép các "cuộc nổi dậy" tiếp theo của những người dân đã bị cướp đất trên cả nước. Họ phải dùng sự việc này như là một bài học nhằm dằn mặt tất cả những ai muốn đòi quyền lợi chính đáng. Họ thừa biết là họ sai nhưng vì quyền lợi cá nhân nên họ sẵn sàng ngồi xổm lên pháp luật để đàn áp những ai muốn chống ý muốn của họ.

Tôi vẫn tin tưởng vào chế độ XHCN nhưng tôi hoàn toàn mất lòng tin vào chính quyền đang hiện hành. Tôi đã từng viết lên suy nghĩ của mình là chế độ và chính quyền là hai khái niệm hoàn toàn độc lập với nhau và những gì mà chính quyền ở VN đang thực hiện hoàn toàn ngược hẳn với cương lĩnh của XHCN mặc dù họ luôn tự vỗ ngực coi mình là những đảng viên chân chính, đang đưa đất nước đi theo con đường của CNXH.  Phải thừa nhận rằng CNTB có những điểm mạnh của nó nhưng không phải tất cả những gì của CNTB đều tốt đẹp. Tôi thích và mong  rằng VN sẽ đi theo con đường phát triển như Thụy Điển, Na Uy là những nước mà quyền sống của con người được đảm bảo với mức cao nhất và những xung khắc giữa nhà nước với người dân ở mức thấp nhất.
Đ.P.H

Thứ Ba, 3 tháng 4, 2012

Những bài hát của một thời (26): Người châu Yên em bắn máy bay

Trong số những bài hát cách mạng thời chống Mỹ, theo mình, bài này đáng được xếp hạng nhí nhảnh, vui tươi, sôi nổi, lạc quan nhất.

Tác giả bài hát là nhạc sĩ Trọng Loan (tên đầy đủ Nguyễn Trọng Loan) sinh năm 1923, mất năm 2010, đại tá quân đội nhân dân VN, được tặng Giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật ... Ông là anh ruột của nhạc sĩ Trọng Bằng. Nhạc sĩ Trọng Loan có nhiều bài hát được phổ biến, yêu mến thời chống Mỹ như Gửi Cồn Cỏ anh hùng, Quân reo quê mẹ Quảng Trị anh hùng, Người châu Yên em bắn máy bay, Lời ca dâng Bác, Từ mùa xuân nay ta hát chung bài ca...

Hồi còn nhỏ, mình hay nghe người nhớn nhắc đến châu Yên và châu Mộc tỉnh Sơn La. Đó là vùng cao nguyên, cỏ xanh bát ngát, có những nông trường nuôi bò sữa rộng mênh mông, có những thiếu nữ Thái tinh tế trong điệu múa xòe, hấp dẫn khi tắm suối. Sau này hai nơi ấy đổi thành huyện Yên Châu và Mộc Châu. Theo mình, để những nơi ấy là châu thì hay hơn, cứ đem "Kinh hóa" tuốt tuồn tuột, kết quả chả còn cái gì bản sắc.

Bản clip dưới đây do tốp ca nữ nổi tiếng của đài Tiếng nói Việt Nam thể hiện.

Xin cám ơn nhà sưu tầm Zanhanoi.

Em biết tin vào bác nào đây?

Hôm vừa rồi 30.3, tại hội nghị cán bộ báo chí toàn quốc tổ chức ở vùng than Quảng Ninh (cả nước kéo nhau về chắc tốn bộn tiền vé tàu xe), bác thứ trưởng Thông tin-Truyền thông Đỗ Quý Doãn khi trình bày một bản báo cáo dài ơi là dài đã nhấn mạnh rằng có những bài báo, tờ báo thông tin sai sự thật, thiếu kiểm chứng, không khách quan, mang tính một chiều. “Đơn cử, liên quan vụ cưỡng chế, thu hồi đất ở Tiên Lãng (Hải Phòng) mặc dù đã được Ban Tuyên giáo trung ương và Bộ Thông tin - Truyền thông 4 lần nhắc nhở, định hướng nhưng có một số tờ báo vẫn thông tin dồn dập, quá liều lượng cần thiết, mất cân đối với những điều quan trọng khác của đất nước”(trích nguyên xi).

Nhà cháu không dám bình gì về ý kiến của bác thứ trưởng bởi khi bác đã tổng kết như thế trước bá quan báo chí cả nước tức là bác đã suy nghĩ kỹ lắm rồi, sao mà sai được. Bác là thủ trưởng của các thủ trưởng, trong đó có thủ trưởng mình, cứ phải nghe, phải gật đầu thôi. Lại nhớ hồi xửa hồi xưa, khi lần đầu tiên nghe ca khúc Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm nhạc sĩ Trần Hoàn phổ thơ bác Doãn, mình cứ tấm tắc cái nhà ông này tình cảm ra phết. Nay thì lý cũng ra phết. Cả tình lẫn lý cái nào cũng hay.

Nhưng giật mình. Sực nhớ dạo tháng gần giữa tháng 2 tây, chính xác là ngày 10.2.2012 Văn phòng chính phủ có thông báo về kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đối với vụ động trời Tiên Lãng. Thủ tướng, chắc sau nhiều đêm bạc tóc (muốn đen, nhuộm lại mấy hồi), đã kết luận dứt khoát nhiều vấn đề, riêng phần liên quan đến báo chí thì mình thấy báo đăng như thế này: “Thủ tướng hoan nghênh các cơ quan thông tin đại chúng đã góp phần tích cực để các cơ quan chức năng làm sáng tỏ và có sự chỉ đạo phù hợp  đối với vụ việc này” (trích nguyên xi). Thật là nhận định sáng suốt, đánh giá rất chính xác, khách quan, công bằng những đóng góp của báo chí, truyền thông. Lời thủ tướng có khác. Thì vưỡn. Thủ tướng tức là thủ trưởng của thủ trưởng của các thủ trưởng, khen thì có mà khen suốt ngày.

Chỉ khổ những người như mình, “bâng khuâng đứng giữa hai làn nước”. Thấy ai cũng đúng. Bác nào cũng có lý. Em cứ tin tất. Thôi thì chỉ mỗn mình sai, đầu óc cạn hẹp nên chả hiểu được cái gì. Mong các bác đừng chấp bọn dân ngu chúng em.

3.4.2012
Nguyễn Thông

Chủ Nhật, 1 tháng 4, 2012

Bác Khánh nói gì nhỉ? À, nhớ ra rồi

Ngồi đợi tạnh mưa, tự dưng nhớ lời bác đạo diễn NSND Đào Trọng Khánh hôm được hầu chuyện. Bác bảo chúng nó cứ nhầm, tớ theo cách mạng tức là theo cái lý tưởng của nó chứ đâu có tin có theo mấy thằng rao giảng lý tưởng; cũng như người ta theo đạo Phật thì tin theo giáo lý phật tổ chứ theo đếch gì mấy lão nhà sư.

Chí lý quá.

1.4.2012
Nguyễn Thông

Chữ nho

Đọc bài Hành đạo ở Trường Sa của hai phóng viên Trần Đăng, Ngọc Minh trên báo Thanh Niên, tôi rất xúc động. Nhưng thích nhất chi tiết này khi tác giả viết về những ngôi chùa trên đảo: "tất cả hoành phi, câu đối đều viết bằng chữ Việt".
  
Tôi không phải là người ghét chữ Hán đến mức buột mồm như cụ Tú Xương "nào có ra gì cái chữ nho", mà cụ tú cũng giận lẫy thế thôi bởi thời cụ chữ nho vẫn còn thịnh lắm. Suốt bao thế kỷ, chữ nho độc tôn, là ngôn ngữ viết chính của nền văn hóa, và sau này khi đã có chữ quốc ngữ la tinh rồi chữ nho vẫn có vị trí đáng kể trong đời sống người Việt. Nói thế để thấy đừng nên cực đoan, đừng như vài ba vị cứ gặp nho gặp Hán là dè bỉu, bài bác. Nói cho công bằng, trong suốt hàng chục thế kỷ, không thể thiếu chữ nho để xây đắp nền văn hóa Việt. Chẳng phải vô tình khi nhiều bộ sử nước nhà đã chép công lao của Sĩ Nhiếp (thế kỷ thứ 2 sau công nguyên), thậm chí tôn ông là Sĩ vương, mà một trong những công tích lớn nhất của ông là "phổ cập" chữ Hán cho hàng ngũ quan lại, trí thức đương thời. Biết bao di sản mà ông cha chúng ta bao đời truyền lại để lại gắn với chữ nho, nhất là kho tàng Hán-Nôm, chúng ta đến giờ vẫn chưa khai thác hết. Tôi có những người bạn cả đời chỉ nghiên cứu Hán-Nôm, sống chết với chữ nho, và tôi luôn tôn trọng, kính phục họ.
  
Lịch sử Việt Nam hàng ngàn năm gắn với sự cai trị của nước ngoài nên việc chữ Hán, chữ Pháp có những giai đoạn, thời kỳ dài ngắn khác nhau thống trị ngôn ngữ, phổ biến trong đời sống xã hội, văn hóa là không tránh khỏi. Nhiều công trình kiến trúc, đặc biệt là đình chùa, miếu mạo, lăng tẩm; các trang trí nội thất như hoành phi, câu đối; rồi những văn bia, mộ chí... đều ghi dấu tiền nhân bằng chữ Hán, có ai thắc mắc gì đâu. Thời như thế thì phải thế.
  
Điều đáng nói đáng bàn là giờ đây thời thế đã khác nhiều, khác căn bản nhưng vẫn còn rơi rớt những thói quen, cách nghĩ, cách làm quá xưa quá cũ. Một trong những tàn tích ấy là thói sính chữ Hán. Có ai đó bảo do tâm lý nô lệ, nhược tiểu, tôi cho rằng quy như thế hơi quá. Nhiều khi chỉ là thói đua đòi, hợm hĩnh, ra vẻ ta đây; cũng có khi là nông cạn, ngu dốt mà thôi.
  
Chả có lý gì khi xây ngôi chùa mới, chùa Bái Đính chẳng hạn, lại cứ phải rải chữ nho từ ngoài cổng vào đến tận bàn thờ phật. Không dùng thứ chữ tượng hình ấy sẽ kém tôn nghiêm, kém đẹp, kém uy chăng? Hay là chùa cứ phải chữ nho, còn dùng chữ quốc ngữ hiện thời sẽ không hợp? Xin nhớ cho, đây là chùa Việt chứ không phải chùa Trung Quốc, của người Việt chứ không phải người Trung Quốc, dù đặt nó ở bất cứ đâu trên đất nước này. Cũng đừng lý sự chùa ngoài đảo mới cần thuần Việt, còn đất liền áp cho nó chữ nào chả được. Không đâu, dùng chữ này hay chữ kia là sự thể hiện ý thức văn hóa đấy.
  
Lại nhớ có nhiều vị ưa treo chữ trong nhà, mà phải chữ Hán, viết kiểu thư pháp, chữ tâm, chữ đức, chữ nhẫn v.v.. Trừ một số ít hiểu sâu sắc nghĩa của chữ đã treo, còn đa số chả hiểu gì, bởi thấy người ta chơi thì mình cũng chơi thôi. Tôi không ủng hộ việc đem chữ quốc ngữ ra viết loằng ngoằng gán cho nó mỹ từ thư pháp nhưng cũng chả ưa mấy ông bà chữ nhất bẻ đôi không biết vẫn dán chữ Tàu khắp trong nhà ngoài ngõ. Nực cười nhất là không ít ông to bà nhớn, lãnh đạo này nọ cũng mê cũng thích kiểu trưng diện này.

Sẽ có người cho tôi lắm chuyện, nặng tâm lý bài Hoa nên mới giở giói vậy. Không, hoàn toàn không. Các vị cứ hình dung xem những ngôi chùa của nước Việt Nam độc lập tự chủ mà nhan nhản chữ Hán thì hay ho nỗi gì.

3.2012
Nguyễn Thông