Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 5 tháng 1, 2012

Về quê Xuân Ba đón giao thừa tết tây

Thằng Tân (tác giả) chụp ảnh này, nhưng Thông Cào bảo rằng nếu đây là nhà thằng Xuân Ba thì đích thị nó địa chủ rồi, nếu có cải cách ruộng đất lần nữa thì toi đời.


Bài và ảnh: BÁ TÂN

Thế là bọn chúng tôi đã thực hiện được cái dự án rất chi là đặc biệt: về quê Xuân Ba đón giao thừa. Cái dự án ấy được phê duyệt từ lâu. Sau nhiều năm bị treo, đến tận bây giờ mới làm được. Thời buổi bây giờ nhiêu khê quá chừng. Đến như việc về chơi nhà bạn dịp đầu năm cũng phải đưa vào dự án. Biết thế để mà thông cảm cho các ngành, các cấp. Làm dự án và chạy dự án đang là căn bệnh tràn lan khắp nơi chẳng khác nào bệnh tay chân miệng.

Buổi sáng cuối năm 2011. Tôi (Bá Tân) cùng Ngọc Tân và Xuân Ba với “chú tài” tên Sơn tốc hành theo đường Hồ Chí Minh về quê Xuân Ba để tối hôm đó đón giao thừa 2012. Đi theo đường Hồ Chí Minh về quê chúa Trịnh đón giao thừa, đây là chuyến đi đặc biệt nhất trong đời làm người của chúng tôi. Cuộc đời làm báo đã đưa đẩy Xuân Ba đến hơn 50 nước, thế nhưng chuyến đi vừa rồi là trên cả đặc biệt. Hành trình từ đường Hồ Chí Minh về quê chúa Trịnh, đón giao thừa tại nhà hậu duệ của Chúa. Với nhiều người, dù có bạc tỷ cũng không dám mơ một chuyến đi trở thành sự kiện của lịch sử.

Hai thằng giặc già Nguyễn Khôi, Nguyễn Bá Tân dám tự nhận là đại diện họ Nguyễn về thăm họ Trịnh

Chúng tôi đón chào 2012 bằng một chuyến đi rất đặc biệt. Điểm dừng của chuyến đi, nơi đón chào năm mới là chốn hội tụ của đường Hồ Chí Minh với con đường chúa Trịnh đã từng đi. Không chỉ nhóm bạn bè chúng tôi mà, ngày nào cũng vậy, người dân vẫn đang đi trên con đường ấy. Không bị kêu gọi, không ai thúc ép. Tự người dân nhận ra con đường, các thế hệ theo nhau cùng đi.

Xuân Ba xưng danh đầy đủ là Trịnh Xuân Ba, hậu duệ của chúa Trịnh. Tôi với Xuân Ba chơi với nhau không chỉ học cùng một lớp mà, điều này còn quan trọng hơn, chúng tôi môn đăng hộ đối với nhau. Xuân Ba là hậu duệ của chúa Trịnh. Tôi là hậu duệ của vua Nguyễn (họ Nguyễn chúng tôi nhiều vua lắm). Đã có những người tìm cách nói xấu chúa Trịnh và vua nhà Nguyễn. Kể cả những lúc gặp phải tai nạn chính trị như thế, các bậc hậu duệ vẫn một lòng son sắt thủy chung tôn kính tiên tổ. Bây giờ không những mặc ấm mà còn là mặc đẹp. Không những ăn no mà còn ăn ngon. Ngay cả những lúc thiếu ăn thiếu mặc, áo bị rách vì nhân tai, tôi và Xuân Ba (cũng như con, cháu chúng tôi) quyết không để lề áo bị bẩn.

Làng quê chúa Trịnh

Người Hà Nội tự hào là dân Tràng An, là hoa nhài ngát hương. Xuân Ba và tôi không có vinh hạnh ấy nhưng cả đời chúng tôi luôn đầy ắp huyết mạch hậu duệ chúa Trịnh, vua Nguyễn. Hoa nhài thời nào cũng thơm. Huyết mạch dòng giống chúa Trịnh, vua Nguyễn chảy từ đời này sang đời khác không bao giờ ngưng nghỉ.

Xuân Ba họ Trịnh, vợ họ Nguyễn. Nhà tôi thì ngược lại, chồng họ Nguyễn, vợ họ Trịnh. Trịnh – Nguyễn trong một gia đình nhưng luôn luôn ấm cúng, thuận hòa, gắn kết bền chặt. Đành rằng có lúc sóng gió, đó là sự va đập của những dòng thác trước khi chảy về một hướng chứ không phải triệt tiêu nhấn chìm lẫn nhau. Triều đại Trịnh – Nguyễn ngày xưa cũng thế thôi. Biết con cháu Trịnh – Nguyễn sống hòa hợp, đoàn tụ, tổ tiên nơi chin suối chắc cũng ấm lòng.

Con cái 2 gia đình chúng tôi (và còn rất nhiều nhà như thế) mang trong nó dòng máu nội là Trịnh, ngoại là Nguyễn và ngược lại. Thế giới đang trong trào lưu hội nhập. Không chỉ kinh tế mà nhiều lĩnh vực vượt qua chính nó cũng nhờ hội nhập. Thế giới gần đây mới có chuyện hội nhập. Các bậc hậu duệ Trịnh – Nguyễn hội nhập lâu lắm rồi, hội nhập từ trong dòng máu. Đó là sự hội nhập đặc biệt nhất, tinh túy nhất.

Tôi là thành viên của họ Nguyễn. Họ Nguyễn như một cây đại thụ trong rừng nguyên sinh. Từ gôc chính (gốc trụ) tạo ra hàng chục, hàng trăm, rễ cành cây con. Nguyễn văn, Nguyễn hữu, Nguyễn đình, Nguyễn sĩ, Nguyễn cảnh, Nguyễn bá, Nguyễn trọng, Nguyễn tài, Nguyễn huy..vv và vv. Phải dùng mấy tờ giấy A4 mới liệt kê hết các loại họ Nguyễn. Khác nhau chữ đệm, tất cả đều là Nguyễn, từ mạch nguồn gốc Nguyễn mà ra. Có những họ, dù chưa gặp nhau, nghe xưng cùng họ là đã giao thoa, đồng cảm. Gốc họ Nguyễn với nhau, gặp nhau vẫn cứ tỉnh bơ. Đâu chỉ có vậy. Gốc họ Nguyễn với nhau mà nhiều khi còn hành hạ lẫn nhau, làm hại nhau. Chơi ác nhau, thậm chí còn dùng mưu ma chước quỷ đánh nhau. Chỉ vì một bộ phận, một số cá nhân hành xử tệ với nhau mà để cho gốc họ Nguyễn mang tiếng xấu. Địa phương chủ nghĩa, thành phần chủ nghĩa là sản phẩm của sự dốt nát, nhiều khi vì thế mà gây ra tai họa. Họ chủ nghĩa cũng rất không nên. Chẵng hay ho gì nếu gốc họ Nguyễn tạo ra họ chủ nghĩa. Gắn kết tình họ hàng là cần phải có, không thể thiếu. Gốc họ Nguyễn nhà ta ơi, thay vì làm hại nhau, hãy tận tâm bảo ban nhau. Kẻ xấu mới bao che cho nhau. Người trong một họ phải biết bảo vệ nhau.

Bá Tân gửi ảnh này, tuy cũ một tí nhưng đủ mặt anh hùng thuyền quyên. Ngồi ngoài sân mà còn phải quạt máy là đủ biết quê thằng Ba ưu việt thế nào rồi, hehe

Lan man một chút về họ Nguyễn, nay lại tiếp tục nâng ly đón giao thừa tại quê chúa Trịnh. Cuộc tiễn đưa năm cũ, đón chào năm mới tổ chức ở quê Xuân Ba thật là ấm cúng. Bạn bè đông lắm, có đủ thành phần. Thực đơn tự chế biến, hợp khẩu vị. Thức uống đủ loại, có cả ta và tây, dĩ nhiên ngôi vua thuộc về rượu nút là chuối. Những cuộc vui như thế, nếu kém tửu lượng là 1 thiệt thòi không thể bù đắp. Phái đoàn Hà Nội gồm 4 người, may mà trong đó có 2 “sao” rượu (chứ không phải sâu rượu) là Xuân Ba và tôi. Về tửu lượng, sau nhiều lần chung kết, chưa phân định ai hơn ai. Riêng khoản “võ mồm” trong cuộc nhâu thì tôi là bác của Xuân Ba.

Cuộc vui đón giao thừa được khởi động từ lúc ông mặt trời mới đi qua đỉnh đầu. Mãi đến lúc hơn 2 giờ sáng ngày đầu năm, cuộc vui mới dừng lại. Đọc thơ, hát, kể chuyện… râm ran cả một góc trời. Vỗ tay, tiếng cười liên hoàn như là pháo đại Bình Đà thuở xưa.

Lửa trại đêm giao thừa. Liệu có đâm trâu như người Bana không nhỉ?

Thời khắc giao thừa, năm cũ năm mới cách nhau một chớp mắt. Cả hội nâng chén và tất cả 100%. Một ly rượu vắt qua 2 năm. Quanh năm thường uống rượu. Uống nhiều hơn ăn. Uống nhiều hơn nói. Rượu là tất cả. Phải đến lúc giao thừa mới có được chén rượu uống từ năm cũ sang đến tận năm mới. Uống cả chum, cả két. Đó chỉ là sức uống. Không biết thưởng thức chén rượu lúc giao thừa là chưa biết uống rượu. Nhấm nhí ly rượu lúc giao thừa là uống cùng trời đất, giọt rượu ấy là bạn chiến đấu của hàng triệu triệu tế bào, nó theo ta đi cùng năm tháng. Đón năm mới 2012, chúng tôi uống ly rượu giao thừa tại quê Xuân Ba.

Thời khắc giao thừa mọi người đều làm việc thiện, chí ít là lời chúc tốt đẹp, xôn xao cõi lòng nhớ tới người thân. Khoảnh khắc ấy, kể cả người tồi tệ nhất, không nỡ lòng nghĩ tới cái xấu chứ đừng nói là làm việc xấu. Giá mà quanh năm suốt tháng ai cũng sống như thế, cái ác, cái xấu sẽ không còn. Giao thừa chỉ diễn ra trong tíc tắc. Lẽ nào cái tốt, cái đẹp chỉ thoáng qua như cái giao thời ngắn ngủi, vụt đến rồi vụt đi. Tôi không tin như vậy.

Ngày cuối năm buốt lạnh. Càng về khuya, ông trời càng rút bớt nhiệt độ. Đón giao thừa trong cái đêm lạnh giá càng thêm mông mơ huyền ảo. Trước sân nhà Xuân Ba, đêm giao thừa lửa trại bùng lên tự chập tối. Bạn bè vây quanh lửa trại, áo ấm trở nên thừa, lần lượt cởi bỏ (riêng quần vẫn giữ nguyên). Lửa trại xua tan cái lạnh của trời đất. Kể cả không có lửa trại, trong mỗi chúng tôi đều ấm nồng ngọn lửa tình yêu, tình bạn. Không có ngọn lửa ấy thì chỉ là con, chứ chưa phải là người.

Phủ Chúa – Cố Đô

Ngày đầu năm 2012

Bá Tân

3 nhận xét:

  1. Phải thừa nhận đây là bài hay nhất của thằng Bá Tân. Trời đã sinh ra Du sao còn sinh ra Lượng, mình tự nhủ thầm thế.
    Các ông các bà K17 nghĩ sao, bầu thằng này làm hội phó, trợ lý cho cái Sánh đi.

    Trả lờiXóa
  2. Bá Tân nói :
    Chất lượng sản phẩm như thế nào, xin để người tiêu dùng đánh giá xếp loại.Tớ chỉ biết đó là tiếng lòng. Nghề viết cần cả tiếng lòng và kĩ thuật. Tiếng lòng tạo ra nhịp đập, hơi thở. Kĩ thuật là bàn tay người thợ, bỏ đi cái thừa, thêm vào cái cần có.
    Tớ đã hơn một lần làm trưởng. Chưa làm phó và sẽ không bao giờ làm phó. Tớ không có năng lực làm phó.Làm phó là đứng sau, nằm dưới. Cấp phó là giúp việc. Làm phó, bất kể cấp nào, vẫn là người giúp việc. Số đông gia đình ở thành phố đều dùng ô sin - người giúp việc. Cấp phó- người giúp việc-ô sin. Đề tài này, tớ đã " đăng kí bản quyền " sẽ khai thác vào dịp khác.
    Thông có nhắc đến Du và Lượng. Cuộc đời sẽ bớt bức xúc, tăng phần khoái lạc khi có cả Du ( D ) và Lượng ( L ). Bạn bè, nhất là chị em, thích cả Thông C và Tân Đ là vì thế

    Trả lờiXóa
  3. Bá Tân ơi!D và L, C và Đ là gì thế? có phaie là thêm vần ÉO vào không HiHi!Mà chúng nó có cho Bá Tân làm phó đâu! Ối giời ơi! thương ban tôi qua! Thôi cứ viết đi! mỗi bài mỗi hay hơn là is OK!

    Trả lờiXóa