Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 3 tháng 3, 2011

Về nơi phát tích vương triều Mạc

(Bài 1 viết cho báo Sài Gòn Doanh Nhân)


Những ngày vãn tết, mặc cho cái rét đầu xuân dù không đến nỗi buốt da cắt thịt nhưng cũng đủ làm ối người ngại bước khỏi nhà, vậy mà con đường về khu tưởng niệm vương triều Mạc xe cộ vẫn như mắc cửi. Lần đầu tiên trong dịp tết nguyên đán, đất cảng Hải Phòng thêm một địa chỉ hấp dẫn khách du xuân.
Đường sá thành phố cảng dạo này đã tốt hơn trước rất nhiều. Tôi phải nói vậy vì chẳng xa xôi gì, hồi năm 2006 con ngựa sắt chở tôi suýt mấy lần sụp hố, đó là chưa kể đường chật xe ô tô cứ như ép mình văng ra ngoài lề. Nay thì thênh thang. Từ nội thành Hải Phòng chạy chừng hai chục cây số tới huyện lỵ Kiến Thụy, hỏi dân thị trấn thơ mộng sơn thủy hữu tình này, ai cũng sẵn lòng chỉ cho khách phương xa lối về đất cũ nhà Mạc. Dường như họ không giấu niềm tự hào về chốn kinh đô xưa trên quê hương mình. Dương Kinh- tên gọi thuở ấy, một dạng kinh đô thứ hai sau Thăng Long, giống như triều Trần có Thiên Trường vậy, nơi để các Thái thượng hoàng nghỉ ngơi và làm việc. Một thời vàng son đã quá vãng. Tự dưng thấy giận Trịnh Tùng sau khi diệt nhà Mạc không chỉ đốt phá thành Thăng Long mà còn xua quân về Dương Kinh san phá sạch lâu đài thành quách thành bình địa. Nền cũ kinh thành nay thuộc thôn Cổ Trai, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy.



Được khánh thành giai đoạn 1 hồi cuối tháng 9.2010, khu di tích giờ đã vỡ vạc vóc dáng tạo điểm nhấn du lịch tâm linh cho vùng lúa ven biển chỉ quen nghề trồng trọt, chài lưới. Trên khu đất hơn 10 ha mà các nhà khảo cổ, nhà sử học kỳ công nghiên cứu, xác định là nền điện Tường Quang nơi đức Thái tổ Mạc Đăng Dung và mấy thế hệ vua kế tiếp từng ngự ngày xưa, tòa chính điện và các công trình phụ trợ in bóng lên trời xanh giữa bao la đồng lúa, xa xa là dòng sông Đa Độ uốn khúc. Kể cũng khâm phục cho sự cố gắng, đồng tâm nhiệt thành của con cháu tộc Mạc đang rải rác cả nước, tất nhiên không thể không ghi nhận công tích của chính quyến các cấp, khi một quần thể khu tưởng niệm hoành tráng đồ sộ hình thành chỉ trong thời gian ngắn hơn 2 năm. Tôi rảo mắt, từ cổng chính vào tuốt bên trong cơ man những phiến đá xanh được chạm khắc tinh xảo, nào bờ tường vây quanh, chân cột, bậc tam cấp đến những con rồng uốn khúc mạnh mẽ mà uyển chuyển trước chính điện. Cô hướng dẫn viên duyên dáng Phạm Thị Hương sôi nổi khoe rằng tất cả nhà cửa sân sướng đều tái hiện kiến trúc và mỹ thuật thời Lê - Mạc, theo quy cách truyền thống nay vẫn còn lưu lại ở nhiều di tích có từ thế kỷ 16 trên đất Hài Phòng cũng như nhiều nơi khác. Đá xanh thì đưa từ núi Nhồi ở Thanh Hóa, còn gỗ tất tật gỗ lim nhập tận Nam Phi, thợ mộc cũng phải tuyển những người giỏi nhất vùng làng nghề mộc nổi tiếng đất Vĩnh Bảo. Cái sự công phu đó quả thật có thể chứng minh ngay trước mắt tôi. Chính điện rộng gần 400m2, 4 mái 7 gian 6 hàng cột, đầu đao dáng rồng vươn cao vút. Nội tòa chính điện sáng bừng bởi những chạm khắc sơn son thiếp vàng, quyện trong hương trầm thoang thoảng tạo cảm giác vừa thiêng liêng vừa bí ẩn. Tượng đức Thái tổ nhà Mạc ngự chính giữa, quây quần bên là các con cháu gồm những đời vua kế tiếp, nét tạc sinh động lạ thường, chả khác gì các ngài hồi nảo hồi nào cùng tụ về Dương Kinh bàn chuyện trị quốc an dân. Và tôi thấy hầu như ai đến đây ngoài niềm thành kính cũng hé ra chút tò mò tìm hỏi xem thanh đại long đao của ngài. Cô Hương dẫn tôi ra phía sau ngai thờ đức Thái tổ Mạc Đăng Dung, trong tủ kính kia là thanh đao quý dù đã bị nám đen, rỉ sét sứt mẻ nhiều chỗ nhưng vẫn toát lên vẻ uy dũng vốn có của thứ binh khí trong tay bậc đại hùng. Tôi đọc vội mấy con số: dài 2,42m, nặng 25,6kg và hình dung ra rằng chủ nhân nó ít nhất cũng phải tầm cỡ vai năm tấc rộng thân mười thước cao. Thì sử chẳng đã ghi rành rành đấy thôi, với đại đao này, chàng dũng sĩ dân chài Mạc Đăng Dung chuyên lặn ngụp thả lưới trên dòng sông Đa Độ chả đoạt chức vô địch trong cuộc thi võ tuyển đô lực sĩ tại kinh đô Thăng Long là gì, đao này cũng từng cùng ngài xông pha chiến trận lập bao công trạng, mà công tích lớn nhất đời ngài là mở ra một triều đại mới khi đế chế cũ đã suy tàn, xã hội đang cực kỳ hỗn loạn. Kính cẩn trước “ông đao”, tôi thầm khấn xin phép đức Thái tổ chủ nhân được chụp tấm ảnh đao quý tuổi dễ gần 500 năm, chả biết ngài đã thuận chưa nhưng về xem lại thấy tất cả cảnh khác thì rõ ràng, riêng ảnh long đao cứ xám đen mờ xịt. Và lạ hơn nữa khi vài người bạn cho biết cũng bị tương tự vậy.



Có lẽ tôi cần phải cám ơn lần nữa cái cô hướng dẫn xinh đẹp tên Hương kia lúc tôi đang săm soi ngắm nghía quả chuông đồ sộ trên giá ngay bên trái chính điện. Đã đành từng nghe giới thiệu quả đại hồng chung này được ban quản lý khu di tích vào tận xứ Huế nổi tiếng về đúc đồng mời cho được nghệ nhân tài hoa Nguyễn Văn Sinh ra trực tiếp chế tác tại chỗ, rồi chỉ riêng tiền chi cho chuông đã hơn 400 triệu đồng… nhưng chi tiết sau đây mới quả thật thú vị. Hương bảo lúc đầu các cụ trong Hội đồng Mạc tộc yêu cầu ông Sinh đúc sao cho chuông nặng đúng 1 tấn rưỡi, vậy mà gọt giũa trau chuốt xong, nghệ nhân siêu hạng đành xin lỗi các cụ vì thành phẩm nặng những 1.527 ký, muốn nhẹ hơn cũng chả còn chỗ nào mà gọt bớt bỏ bớt được nữa. Sự thể đã rồi biết làm sao, nhưng chợt có ai đó phát hiện ra số cân nặng của hồng chung lại trùng với chính năm lên ngôi 1527 của đức ngài, năm mở ra triều Mạc. Tôi ngước nhìn lên, cảm thấy đôi mắt tinh anh của ngài đang nheo nheo cười giễu cái sự lăn tăn nghi ngờ ở kẻ hậu sinh. Vậy ai dám bảo đó chỉ là sự tình cờ nhỉ.

Tiết xuân 2011
NGUYỄN THÔNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét