Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2010

Nhà giàu



Vừa đọc báo mạng thấy nhắc đến mấy anh nhà giàu Đoàn Nguyên Đức, Đặng Thành Tâm, Trầm Bê, Trần Thị Hường (Tư Hường), Lê Văn Kiểm, Đào Hồng Tuyển, Huỳnh Uy Dũng…
Các vị cứ ngẫm lại mà xem, mấy anh đại gia, giàu nhất nước có anh nào thoát ra khỏi sự mua bán đất đai, rừng – những tài nguyên quan trọng của toàn dân.... Các ông bà ấy giàu lên nhờ được nhà cầm quyền duyệt cho thu hồi đền bù rẻ mạt đất của dân để làm khu công nghiệp, sân golf, khu du lịch; mua thì rẻ, bán thì đắt, sao chẳng giàu. Phá rừng suốt mấy mươi năm, rừng ơi ta đã về đây “cây đổ rộn vang như tiếng pháo” (ông nhạc sĩ Phạm Tuyên từng cổ vũ phá rừng công khai thế đấy), tiền bán gỗ chảy vào túi lâm tặc (có giấy phép), sao chẳng giàu. Lẽ dĩ nhiên chúng không ăn trọn mà phải cống nạp ngược lên thì ông nọ bà kia mới có tiền nhà lầu xe hơi, cho con du học Âu-Mỹ.
Xin các bạn hãy xem kỹ bức ảnh kèm theo, tôi chụp được ở Vĩnh Hy (Ninh Thuận) để thấy con em chúng ta hằn trên vầng trán ngây thơ những suy nghĩ khủng khiếp như thế nào. Hỡi nhà cầm quyền, hỡi các vị giàu trên nỗi cơ cực của dân, hãy đem các cháu trả về dưới mái trường chứ không phải lê la lề đường thế này, hãy trả cho các cháu nụ cười. Tôi cúi đầu xin các vị đấy (dù xưa nay kẻ này chả biết cúi đầu trước ai).

Thứ Năm, 18 tháng 2, 2010

Tiễn xuân


Mới hôm nào xuân, nay tiễn xuân
Dù không hò hẹn vẫn bâng khuâng
Xuân như gió thoảng qua vòm lá
Như bóng chiều hôm nhẹ khuất dần

Phố lại đông vui, người lại chen
Lòng sao nhớ nhớ với quên quên
Giữa dòng xuôi ngược, ờ hay nhỉ
Chẳng đợi mùa xuân cứ đến mình

Thứ Sáu, 12 tháng 2, 2010

Đánh bóng lư đồng

Lại nhớ, lúc sinh thời mỗi lần Tết đến, thày tôi nhắc con cháu dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ gọn gàng để tươm tất đón xuân, đón năm mới. Nhà nghèo 3 gian, tường đất mái rạ, dọn nửa buổi sáng là xong. Mấy anh em tôi phân công nhau, đứa quét mạng nhện, đứa trang trí lại tường nhà, thay dán tranh ảnh họa báo mới, thậm chí rủ anh em Trí Liêm làm hoa giấy, chủ yếu là hoa thược dược dễ làm, có khi cả hoa đào nhưng trông xấu lắm, còn xa mới đẹp bằng đào thật ở vườn trước nhà. Xuân nào cũng vậy, vườn đào trước nhà sáng bừng lên, hình ảnh đọng mãi lòng tôi đến tận bây giờ. Lớn lên đi học xa, mỗi lần về nhà ăn tết tôi vẫn thói quen cũ quét tước dọn dẹp, có cảm giác mình vẫn như ngày nào, chả lớn lên được là bao. Nhưng có một việc, thày chỉ giao cho cu Hoan, con anh Huy, đánh bóng bộ lư đồng. Hình như không ai có thể làm được việc quan trọng ấy, trừ cháu Hoan.

Trong các anh con bác ruột, phải nói là anh Huy hợp tính thày nhất. Hai chú cháu có nhiều điểm tương đồng, đặc biệt thẳng tính, có gì nói ngay. Hai ông con mà ngồi với nhau, cái hồi mình hồi còn đi học trường xã, lúc rỗi việc cứ quẩn quanh hóng hớt, biết được ối điều. Chuyện xa chuyện gần, chuyện nào cũng hay cũng lạ. Hai ông con cả thày cả anh Huy cùng đặt báo hằng ngày, báo Nhân Dân, báo Hải Phòng, truyền nhau xem chả bỏ sót chữ nào. Nói không quá, hết làng Trà Phương, đó là hai vị mọt báo số 1, chứ mấy ông ủy ban sẵn báo tiêu chuẩn đấy nhưng họ chỉ cầm ngó qua cho có vẻ thôi. Thời ấy tờ báo là nguồn thông tin quan trọng nhất để mở mang đầu óc chứ cái loa truyền thanh chủ yếu nghe ca nhạc, đọc truyện đêm khuya và dự báo thời tiết.

Cu Hoan, con trai thứ 3 của anh Huy rất gắn bó với ông. Hồi nhỏ nó có hẳn thời gian dài ở với ông bà mặc dù nhà mình với nhà bác Huy chỉ cách nhau hơn hai trăm mét. Hoan ngoan, nhanh nhẹn, tháo vát, chăm chỉ, lại rất khéo tay. Hằng ngày nó làm liên lạc viên, chuyển báo giữa ông và bố nó. Những việc ông nhờ, nó chỉ nhoắng cái là xong. Và khoảng 27, 28 tháng chạp, năm nào cũng vậy, chả cần ông nhắc, Hoan trịnh trọng bê bộ lư đồng trên bàn thờ xuống, quét sạch hiên nhà, ngồi dạng chân chèo ra hí húi lau chùi. Hình như vật dụng để làm sạch lư cũng chỉ có gói thuộc đánh đồng mà Hoan đã kiếm sẵn ở đâu đó từ trước, và nắm lá chuối khô. Thế mà bóng nhoáng, bộ lư như được làm mới hoàn toàn, thậm chí có thể soi gương được. Cháu ngồi lau chùi, ông ngồi cạnh trò chuyện thủ thỉ, chả biết mùa xuân đang đến nhè nhẹ, thật gần.

Nay thì tất cả đã như gió thoảng. Thày đi năm Tân Mùi (1991), năm sau cháu Hoan đang trên đường đi làm về bị đột tử, sớm theo ông. Gần chục năm sau nữa, anh Huy đang ngồi chẻ lạt bị huyết áp cao, mê man vài ngày rồi đi. Vườn đào cỗi dần, các cháu Thành, Hảo chăm chút lắm nhưng rồi cũng phải trồng thay vào đó bằng cây khác. Hiên nhà khác xưa, nhà mới khang trang hơn nhưng sao mình vẫn nhớ cảnh cũ hoài, nhớ tiếng ríu rít thật thà của cháu, giọng thủ thỉ rù rì nhân hậu của ông. Cháu Thành ý tứ trồng lại một cây đào, chả biết năm nay trời nóng thế có chúm chím nụ chờ được đến ngày xuân rồi mới vào độ mãn khai.

Thứ Năm, 11 tháng 2, 2010

Ta thắng địch thua

3 sĩ quan công an, trong đó có một đại tá, hy sinh khi vây bắt kẻ buôn bán ma túy- đó là sự thật đau buồn, một tổn thất đáng kể của lực lượng công an. Thời bình, đổ máu là điều không ai muốn, nhưng máu vẫn đổ, chúng ta càng thương những chiến sĩ an ninh chân chính biết quên thân mình vì hạnh phúc người dân.

Nhưng trong vụ việc tổn thất này cũng có điều mà những ai biết suy nghĩ đều thấy “lăn tăn”. Cả trung đội công an, chưa kể lực lượng phối hợp, vây bắt một tên mua bán ma túy Vàng A Khua, dù là trùm đi chăng nữa, suốt nửa ngày trời không có cách nào tiếp cận được nó, dù nó chỉ ở trong nhà. Theo giải thích của công an, tên Khua dùng người nhà làm bình phong, vật cản (chứ không phải con tin) nếu ta tấn công ắt hại đến người vô tội. Thế cũng phải thôi. Nhưng tai hại nhất là khi con nó (Vàng A Của) thoát ra, chắc có sự đồng ý của thằng bố, thì xảy ra chuyện. Ông giám đốc công an Hòa Bình lý giải lúc công an ta tiếp cận để đưa thằng con ra khỏi nhà cho an toàn thì thằng bố Khùa chạy vụt ra, bắn búa xua. Bốn người tử thương, ba công an và cả A Của. Lạ ở chỗ, nếu con hắn ra, tốt nhất là cứ để nó thoát tự nhiên, có gì đâu mà phải tìm cách này cách nọ giúp cho an toàn, chẳng lẽ thằng bố bắn theo. Nếu cần bắn con nó, nó bắn từ tám hoánh nào rồi. Bản chất sự việc là công an lợi dụng thời điểm đó để tiếp cận thằng bố, nhưng có lẽ chuyên môn nghiệp vụ non kém quá, bị nó phát hiện, nó cùng đường bắn cả công an lẫn con mình. Tôi tin 99% sự thật như thế. Ba sĩ quan chết, một số khác bị thương, chỉ diệt được nhõn một tên buôn ma túy, rõ ràng thất bại thê thảm. Khổ nỗi xưa nay chúng ta chỉ quen ngợi ca chiến thắng, bộ máy tuyên truyền lúc nào cũng ra rả “ta thắng địch thua”, còn thất bại, dù lớn hay nhỏ, cử ỉm đi cho xong chuyện. Chỉ riêng trận đồi A1 chiến dịch Điện Biên Phủ, một vạn lính nằm lại quả đồi nhỏ này (nếu tính toàn chiến dịch, chắc khiếp lắm), mười hai ngàn anh bộ đội trẻ măng nơi thành cổ Quảng Trị mùa hè 72, hàng chục vạn lính ngã xuống trong chiến dịch Mậu Thân 68…, xưa nay chính sử có bao giờ nhắc tới đâu. Hồi chúng tôi đi học, đố tìm được một dòng trong sách giáo khoa. Hiến pháp ghi rõ “Đảng là người lãnh đạo mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam”, vậy thừa nhận thất bại kể cũng hơi khó, nếu bảo tại Đảng thì không phải vì Đảng chỉ liên quan đến thắng lợi, thành công, còn bảo không tại Đảng thì cũng không phải nốt vì mọi điều trên xứ sở này đều do Đảng chỉ đạo. Bộ máy tuyên truyền bảo rằng, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, chúng ta chỉ có đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Dứt khoát không thua. Nhưng thực tế lại khác, phải có thắng có thua. Thua ư? Cách tốt nhất là cứ ỉm đi, hoặc đổ cho dân, dân có cãi cũng chẳng đến đâu. Theo tôi, trong vụ việc nói trên phải cách chức, kỷ luật phạt nặng mấy vị lãnh đạo công an tỉnh Hòa Bình. Nghiệp vụ cán bộ chiến sĩ quá dở, chỉ giỏi lúc hội thao diễn tập, khi lâm trận thì bộc lộ hết yếu kém, chả trách một tên ma túy mèng cũng đối đầu được suốt chục giờ, gây thiệt hại quá nặng cho đối phương.

Thua thì cứ nói là thua, thế mới là người biết thắng. Mọi sự che giấu, bao biện chỉ thêm kéo dài chuỗi thất bại mà thôi. Thương 3 liệt sĩ rời trần thế trước thềm năm mới, giận những người lãnh đạo các anh năng lực kém cỏi mà cứ khư khư giữ ghế ông nọ bà kia, lại cười cái tên tội phạm Khùa dám lật lại cả một triết thuyết:

Ta thắng địch thua

Tên Vàng A Khua

Dám chứng minh bố láo

Địch thắng ta thua.