Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 29 tháng 9, 2009

Xuân Ba

Trông như gã sumo Nhật ấy nhỉ

Xuân Ba có nhiều “tước hiệu” lắm, hội viên đủ thứ hội, nào nhà văn, nhà báo (trung ương đàng hoàng), nhà thư pháp (chữ Hán, đẹp đến mức ngài Cao Tự Thanh cũng buông lời khen), cả hội viên hội… đồng hương Thanh Hóa nữa, thậm chí còn được bọn đồng nghiệp lếu láo phong là “vua phóng sự đất Bắc” thời hậu Vũ Trọng Phụng. Được cái với bạn bè hắn không bao giờ kẻ cả, tỏ vẻ ta đây. Hắn đã từng ngồi trò chuyện tay đôi với những vị quyền thế nhất nước, nhưng kệ, chúng tôi vẫn gọi hắn là thằng Xuân Ba.


Hai chiến tướng, Xuân Ba và Cao Tự Thanh, đều đá hay mọi nhẽ (chụp 25.10.2006)

CHẢ SỢ AI, CHỈ SỢ VỢ
Nhớ dạo Trường đại học Tổng hợp Hà Nội và khoa Ngữ văn làm lễ kỷ niệm 50 năm thành lập, bọn văn khóa 17 (1972-1976) ăn theo tổ chức buổi họp mặt nhân 30 năm ra trường (1976-2006), Xuân Ba nhà ta được đám con gái cơ cấu chức trưởng ban lo chỗ ở cho đồng môn tứ xứ về, lo luôn hội trường bàn ghế. Mụ Sánh “lớp trưởng tự phong” bảo chúng mày đè chúng tao mãi rồi, giờ mày chỉ mỗi việc cỏn con kêu ca cái đếch gì. Thế mà hắn làm ra trò, đâu ra đấy. Nhà khách báo Tiền Phong mấy hôm như cái chợ vỡ, đến nỗi lúc 2 giờ đêm một cô tiếp tân lên nhờ tôi nhắc mấy anh mấy chú đi nhè nhẹ, nói nhè nhẹ kẻo ảnh hưởng tới khách đang tá túc ở đây. Tôi bảo chị hãy gặp ông Xuân Ba, chỗ người nhà dễ ăn dễ nói hơn, cô ấy lắc đầu chán nản “thế thì còn nói làm gì, em vừa thấy ông ấy hát rống lên, phun khói thuốc lào mù mịt, có mà trời bảo”. Chưa tin, tôi dòm vào, ông Xuân Ba đang ôm, túm chim ông nghè Nguyễn Sĩ Đại (báo Nhân Dân) vật ra giường, lè nhè “mày khai thật đi, hồi đó mày sờ… con nào”. Con nào mà hắn hỏi tức là bọn con gái, các mụ ngoài 50 đang ngồi đây, tất nhiên hồi năm thứ nhất, thứ hai mới mười bảy mười tám xinh mơn mởn. Phởn xong, vê mồi thuốc lào rõ to, hắn rít sòng sọc nhả khói đặc phòng, mắt nhắm nghiền, chõ sang mấy mụ sồn sồn đọc thơ Trần Ngọc Thụ “Trông xa cứ tưởng bác già/ Lại gần mới biết chỉ là chú thôi/ Cầm tay đích thị anh rồi/ Đè nhau xuống chiếu là tôi với mình”. Bọn con gái rú lên chạy ríu ra cửa. Chạy nhưng vẫn thích, vẫn muốn ngồi nghe nó tán phét, nói bậy.
Nhân đây kể thêm chuyện thuốc lào. Cái điếu cày là vật bất ly thân của hắn, ngay cả khi theo chân tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng biết bao lần sang Mỹ, Pháp, Nga, Tàu… hắn vẫn dúi vào túi hành lý khẩu bazôka tre bóng lưỡng và gói thuốc lào Vĩnh Bảo mà vợ hắn chuẩn bị sẵn. Mấy lần gặp nhau, chả biết khen hay chê, hắn cằn nhằn rằng mụ vợ lắm điều nhưng tâm lý ra phết, mỗi chuyến chồng công cán xuất ngoại mụ lo chả thiếu thứ gì, chồng vội ra xe quên bazôka mụ còn te tái chạy theo. Ai chứ “mụ” Khánh vợ hắn thì tôi biết, kể từ dạo mới hết Mỹ ném bom miền Bắc, trường Tổng hợp từ đất sơ tán Yên Phong - Hiệp Hòa (Hà Bắc) ven sông Cầu về lại Mễ Trì. Chỉ cách nhau một con đường, bọn văn khoa bên này đêm đêm leo tường chui rào sang tán bọn con gái ngoại ngữ bên kia, hồi những năm 70 cơ. Nhưng ấn tượng nhất lần tôi ra Hà Nội cuối tháng 10.2002, vào đúng cái hôm xảy ra vụ cháy ITC ở Sài Gòn. Buồn quá, Xuân Ba dẫn tôi lang thang kinh kỳ suốt đêm. Tôi đói thèm phở Bát Đàn, dù biết mười mươi khuya rồi Bát Đàn dọn dẹp từ tám hoánh nhưng hắn vẫn chiều bạn, vẫy chiếc taxi bảo chạy tới đó. Vắng tanh. Phố xá mờ hơi sương lạnh. Lác đác vài đôi tuổi teen ôm hôn nhau dưới gốc cây. Cậu tài xế chắc cũng sốt ruột muốn về sớm, làu bàu đã bảo mà không nghe, bây giờ các bố đi đâu? Thì tao bắt đền, chở đi đâu kệ mày - Xuân Ba bảo. Lang thang mãi, về nhà đã hơn 3 giờ sáng, “mụ” Khánh vẫn sáng đèn chờ cửa, lại còn lấy khăn lạnh lau mặt cho chồng giã rượu. Lão Xuân Ba ngoài đường mồm miệng xoen xoét, thế mà vào nhà cứ im thin thít. Hóa ra cũng biết sợ. Kể từ đấy tôi khiếp ông bạn tôi một thì phục vợ hắn mười.

Máu chữ nho, thơ cổ; mà múa bút lông viết thư pháp Tàu đẹp ra phết

Nó cùng mụ Nguyễn Thị Thu Hà- Phó giám đốc NXB Phụ nữ hái chanh dây ở vườn nhà mình (vợ chồng cháu Thành Thảo trồng giàn chanh hết sảy), ảnh chụp 28.10.2006


CHÚNG NÓ BẢO TAO LÀ VĂN NÔ, MÀY Ạ
Ở báo Tiền Phong, nói gì thì nói, Xuân Ba là một thứ thương hiệu đắt giá. Đăng bài hắn, báo dễ bán, bán chạy. Nhiều người tìm đến tờ báo ấy vì thích, thậm chí mê lối viết phóng sự của hắn. Nổi lên từ dạo viết về ông Tạ Đình Đề, về lao Hỏa Lò những năm 80. Làm mấy vụ điều tra, có đận lên bờ xuống ruộng suýt ra tòa. Thầy Hà Minh Đức kể: mấy ông bạn bộ trưởng than với tôi, công an, thanh tra, cấp trên cũng chẳng sợ, chỉ sợ nhất ông Xuân Ba học trò thầy. Ông ấy mà ngó vào đâu là chúng tôi khiếp đấy.
Một thời cứ mỗi lần có lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước đi nước ngoài là hắn lại có tên trong danh sách ký giả tháp tùng, người ta mời đích danh Xuân Ba chứ không phải báo Tiền Phong cử đi. Hắn viết nhanh, tóm được nhiều cái hay cái lạ. Xuân Ba bảo nhanh thì thằng nào chả nhanh nhưng tao có cách của tao. Chuyên cơ đằng vân sang Âu sang Mỹ mất cả chục tiếng đồng hồ đường trời, lúc các cha (ý nói đồng nghiệp) lim dim hoặc tán láo thì tao tranh thủ dựng sẵn bộ khung bài viết, mày biết đấy, “bố” nào đi đâu thì hoạt động chả na ná nhau. Đến nơi tao chớp chi tiết điền cụ thể vào, trả nợ bài vở cho nhà thật nhanh rồi chuồn, lê la chỗ này chỗ khác, gặp người này người kia, bám theo đoàn có mà ăn cám. Thấy tao viết bút bi vất vả, gõ vi tính công cộng cũng hay gặp trắc trở, lại khó gửi bài, gửi ảnh về nhà, thằng con tao thương bố mua cho cái laptop những hơn hai nghìn đô. Thế mà suýt mất, cái đận năm 2000 theo Thủ tướng Phan Văn Khải thăm Hà Lan, Đức. Lúc rời Hamburg về thế quái nào quên béng ở khách sạn, không hề nhớ mình có cái thứ laptop ấy, nhưng điếu cày thì nhớ bằn bặt cấm có quên, nếu quên thằng Hữu Ước nó cũng nhắc. Lúc máy bay sắp cất cánh chợt hoảng hồn, thôi thế là mất tiêu hơn hai nghìn đô. Cầu cứu chủ hãng tàu bay Nguyễn Xuân Hiển, lão mắng ầm lên, bảo đi với thủ tướng chứ có phải đi chợ đâu mà chờ với đợi, nhưng được cái lão tốt tính chỉ đạo ngay đám nhân viên Vietnam Airlines liên hệ tìm lại được, gửi về sau.


Cùng đồng môn, bác thượng tá CA Nguyễn Doãn Tấn thi "ăn" đặc sản Vĩnh Bảo (26.10.2006)

Nói không quá đáng, dễ chừng hắn đã đi khắp thế giới. Chí ít cũng từng đàng hoàng chĩnh chện bước vào Nhà Trắng (Mỹ), điện Kremlin (Nga), điện Élysée (Pháp), Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh (Trung Quốc), còn những “vùng sâu vùng xa” thế giới thì vô kể. Vậy mà lúc nào cũng bảo “tao chỉ như ếch ngồi đáy giếng”.

Thỉnh thoảng hắn vào Sài Gòn lại réo bạn bè. Nằm gác chân lên nhau, trong gió heo may lành lạnh hiếm hoi ở đất phương nam, hắn kể bao chuyện trên trời dưới bể rồi đột ngột kết: Tây tàu đủ cả nhưng mày ạ, chả đâu bằng xứ mình. Năm ngoái tao có hơn tháng lang thang miệt Cà Mau. Khoái chi mà khoái rứa. Mấy cha đất mũi đãi đặc sản rùa rắn thâu đêm suốt sáng. Chẳng biết bụng dạ mình yếu hay cái món thịt rùa nó hàn, chạy suốt đêm. Về nhà, ông anh họ bảo phải rồi mày ăn đông ăn tây lắm mà còn ngu, dám nốc cả thịt “tứ linh” chết chả oan. Nhưng phải nói con gái xứ sông nước Nam Bộ đẹp thật. Xuồng máy chạy dọc kênh, nhìn lên bờ thấy chúng ngồi giặt đồ xắn quần tận bẹn, trắng khiếp, đứa nào đứa nấy vú như hai trái dừa. Nói vụng con mẹ đĩ nhà tao, thế mới đúng đàn bà, bọn thành thị chân dài chân ngắn môi son má phấn, vứt.
Hồi cuối năm ngoái, đang nửa đêm từ Hà Nội, Xuân Ba gọi tôi “mày làm gì đấy thằng khốn nạn. Hà thành chớm đông rồi con ạ”. Bất chợt nghĩ thằng này có vấn đề rồi. Mùa đông, ừ nhỉ, lại nhớ mấy chục năm trước rét cắt da cắt thịt túm tụm với nhau bên bờ sông Cầu, lạnh chả ngủ được cứ trằn trọc mãi, thoắt cái tóc đã pha sương. Tôi chúc hắn có sếp mới, hắn càu nhàu đứa nào lên thì tao cũng vậy thôi, vẫn chỉ là thằng Xuân Ba quèn chả ham hố gì. Có mấy đứa nó còn bảo tao là văn nô, có lẽ thật thế mày ạ. Giọng hắn chùng hẳn xuống. Tôi biết hắn buồn.

Bác Nguyễn Duy khai trương nhà sách, Xuân Ba kéo cả tớ theo, ngồi nghe nó, anh Duy, ông GS Tương Lai, và ông Tổng biên tập báo văn nghệ Nguyễn Trí Huân (phải) tán chuyện (12.7.2008) biết thêm ối điều. Bác Duy đúng là kho chuyện

N.T


Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2009

CHUYÊN VỀ MỘT LIÊT SĨ 27 TUỔI ĐƯỢC TẶNG GIẢI THƯỞNG HỒ CHÍ MINH

Trong cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước của dân tộc có rất nhiều người thật xứng đáng với danh hiệu anh hùng, nhưng vì lý do nào đó đến nay họ vẫn chưa có tên trong danh sách. Anh Hoàng Kim Giao là một người như thế.

KHÔNG ĐI LIÊN XÔ ĐỂ RA CHIẾN TRƯỜNG
Trước hết cần nói rõ rằng Giải thưởng Hồ Chí Minh mà bài này đề cập đến được Chủ tịch nước tặng cho công trình Phá thủy lôi từ tính và bom từ trường đảm bảo giao thông 1967- 1972 của nhóm kỹ sư trẻ Viện Kỹ thuật quân sự (Bộ Quốc phòng), trong đó anh Hoàng Kim Giao là thành viên có những đóng góp cực kỳ quan trọng.
Sinh tại Hải Phòng năm 1941 trong gia đình cả bố mẹ đều hoạt động cách mạng, những năm kháng chiến chống Pháp anh Giao được gửi sang Trung Quốc học tập tại Trường thiếu nhi Việt Nam tại Quế Lâm (Trung Quốc), nơi từng đào tạo nhiều nhân tài cho sự nghiệp cách mạng sau này. Giao học rất giỏi nên khi về nước anh được quân đội tuyển và gửi thẳng vào Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, theo chuyên ngành vật lý hạt nhân (khóa 1961- 1965). Lúc anh ra trường, cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân của Mỹ đã vô cùng ác liệt. Là kỹ sư trẻ thuộc chuyên ngành “quý hiếm” bấy giờ, lại là sĩ quan quân đội (anh tốt nghiệp trường sĩ quan đồng thời với trường đại học), Hoàng Kim Giao được Nhà nước chọn cử đi nghiên cứu sinh ở Liên Xô nhưng anh xác định tạm gác tất cả để ra chiến trường.
Biết bao giờ người ta mới phong Anh hùng cho anh?

NHỮNG NGẢ ĐƯỜNG KHU 4
Năm 1965, máy bay Mỹ gầm rú ngày đêm quần ngang xẻ dọc bầu trời miền bắc; các bến cảng đầu mối tiếp nhận hàng hóa, vũ khí tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An...bị phong tỏa dày đặc, có cảm giác đến con kiến cũng không thể lọt. Hàng triệu tấn bom, thủy lôi được kẻ thù trút xuống những mạch máu giao thông nhằm ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc đối với miền Nam cũng như của hậu phương XHCN với Việt Nam tuyến đầu chống đế quốc. Bom phá, bom bi, bom từ trường nổ chậm, thủy lôi từ tính... những sản phẩm công nghệ chiến tranh hiện đại nhất đã gây tác hại không nhỏ cho quân dân ta. Hoàng Kim Giao xung phong vào khu 4, nơi mật độ bom đạn dày đặc nhất để nghiên cứu cách dùng điện trường phá bom từ trường. Chỉ sau một thời gian ngắn, riêng anh đã trực tiếp ứng dụng kết quả nghiên cứu, phá hàng trăm quả bom nổ chậm, trong đó có hơn 4 chục quả bom từ trường trên tuyến giao thông huyết mạch suốt dải khu 4 dài hàng trăm cây số. Ròng rã gần 4 năm trời, anh vào Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình rồi ra Hà Nội như con thoi, vừa nghiên cứu, vừa làm người lính công binh phá bom không quản đêm ngày. Năm 1968, nghe anh em lái xe cho biết bọn Mỹ đã đưa ra một loại bom từ trường nổ chậm mới “bất trị” rất khó phá, nhiều xe bị dính nó, Hoàng Kim Giao nôn nóng vào ngay. Tại Hà Tĩnh anh viết thư về cho bố mẹ: “Ngày 29.9 con bắt đầu vào khu 4, cùng đi với con có 5 đồng chí nữa để phá bom nổ chậm. Một tháng qua chúng con đã đi khá nhiều đường đất, vất vả và cả đói nữa, tới những vùng ác liệt nhất của chiến trường khu 4. Có những quãng chỉ 2 km mà phải chịu tới 5.000 quả bom. Cậu mợ ạ, ở đây chuyện sống chết đặt ra không chỉ từng ngày mà từng giờ. Có đồng chí vừa đến thăm con thì nửa tiếng sau đã hy sinh. Những lúc đó như mọi người, con cũng nghĩ tới chuyện sống chết nhưng nếu con hy sinh thì trước mắt sẽ không hoàn thành nhiệm vụ. Tuy vậy không phải lúc nào con cũng cân nhắc được như thế, rồi con lại nghĩ cần phải sống nhưng không thể từ bỏ, trốn tránh những hy sinh cần thiết và thế là con lại thấy vững vàng, tự tin giữa bom đạn. Những lúc đứng giữa cảnh hoang tàn chết chóc, con nghĩ nhiều tới hạnh phúc gia đình, tới ngày sum họp. Con sẽ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ và tin rằng ngày ấy nhất định sẽ có". (thư viết ngày 10.11.1968).

CHUYẾN ĐI CUỐI CÙNG

Nửa cuối năm 1968, máy bay Mỹ đánh phá khu 4 ngày càng dữ dội. Nhận lệnh của cấp trên, ngày 29.9, Viện Kỹ thuật quân sự cử ngay một đoàn 6 người do anh Giao làm đoàn trưởng vào tức thì. Trên đường xe đi, bom nổ chậm dày đặc nhưng các anh vừa đi vừa phá, anh Giao phá được nhiều bom nhất nên anh em rất tin tưởng. Đến Hà Tĩnh gặp địch thả bom chặn đường giao thông, hơn 500 chiếc xe ô tô bị tắc lại, có nguy cơ trở thành mồi ngon cho bọn giặc lái Mỹ. Do địch ném nhiều loại bom mới nên với cương vị đoàn trưởng, lại là người am hiểu kỹ thuật nhất, anh Giao xung phong một mình ra mặt đường để anh em an toàn. Anh em kể lại rằng ngay lúc ấy máy bay Mỹ lại ào tới oanh tạc dữ dội, anh Giao nhảy tránh từ hố bom nọ sang hố bom kia, bị sức ép liên tục nhưng vẫn phá được rất nhiều bom. Lợi dụng trời sáng trăng, anh động viên mọi người cùng tích cực phá bom, đến 3 giờ sáng thì giải phóng được đoàn xe. Các anh lại tiếp tục lên đường vào Nghệ An, Quảng Bình, đến đâu cũng phá bom khiến nhân dân và anh em bộ đội, TNXP rất quý mến. Đúng lúc này Tổng thống Mỹ Johnson ra lệnh ngừng ném bom bắn phá miền Bắc nên đơn vị gọi các anh trở ra. Trên đường về, khi qua xã Nam Hưng (H.Nam Đàn, Nghệ An), bà con cho biết ở đây vẫn còn nhiều quả bom nổ chậm, đặc biệt có một quả bom lớn cắm thẳng xuống đất, hình thù lạ, không biết là loại bom gì. Anh Giao bàn với anh em dừng lại giúp dân. Thương đồng đội mới chỉ được hưởng mấy ngày hòa bình, Giao xin đi một mình. Sau khi phá hết những quả nằm rải rác khắp nơi, chỉ còn “thằng bất trị” kia, anh và người lái xe 3 lần dùng bộc phá cho nổ áp sát nhưng nó vẫn trơ trơ. Đến lần thứ 4, Giao bảo anh em lui ra, chỉ còn mình anh vào lần nữa đào lỗ chôn bộc phá, sau đó kêu đồng đội đem bộc phá vào. Khi anh đang lúi húi chuẩn bị thì bất chợt “thằng bất trị” phát nổ, anh Giao hy sinh ngay tại chỗ, người lái xe bị thương nặng và cũng hy sinh 3 ngày sau. Chính quyền địa phương và bà con thu nhặt được vài phần thi thể anh làm lễ truy điệu và an táng, không ai cầm được nước mắt. Anh ra đi mãi mãi lúc vừa 27 tuổi, cái tuổi chín rộ của sức trẻ, tài năng. Đến trước lúc hy sinh anh đã có 2 bằng kỹ sư, 1 bằng tốt nghiệp trường sĩ quan, thông thạo 3 thứ tiếng Nga- Pháp- Trung, đơn vị đang làm lại thủ tục chuẩn bị cho anh đi nước ngoài nghiên cứu tiếp bởi cuộc chiến đấu còn dài, những người như anh là vốn quý rất cần thiết cho mai sau. Không một ai trong gia đình, kể từ bố mẹ, chị Lan- người vợ mới cưới của anh, các em và những đồng đội lại có thể nghĩ rằng đã vĩnh viễn mất đi một con người như thế. Anh hy sinh khi biết bao nhiêu ước mơ, dự định cao đẹp còn dang dở.

Lễ truy điệu liệt sĩ Hoàng Kim Giao (năm 1968)


Ghi nhận chiến công của liệt sĩ Hoàng Kim Giao, Nhà nước đã truy tặng anh Huân chương Chiến công hạng nhì và thật vinh dự cho anh cùng đồng đội, công trình Phá thủy lôi từ tính và bom từ trường bảo đảm giao thông 1967- 1972 đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh ngay đợt xét đầu (năm 1996). Theo chúng tôi tìm hiểu thì anh Giao là người trẻ nhất nước được nhận giải thưởng vô cùng cao quý này.
Tôi được nghe kể lại đơn vị anh đã từng báo cáo và đề nghị phong thưởng danh hiệu anh hùng cho anh nhưng những năm chiến tranh có biết bao việc cần làm, đến khi hòa bình lại thêm bao việc nữa nên trường hợp của anh Giao dường như rơi vào quên lãng. Một con người nêu tấm gương xả thân vì dân, vì nước cao đẹp như thế, lẽ nào không có tên trong danh sách đội ngũ anh hùng đông đảo của chúng ta?

N.T

Nói thêm: Liệt sĩ Hoàng Kim Giao là anh ruột của một người bạn tôi, chị Hoàng Liên Thái - giáo viên ở TP Hải Phòng. Anh Giao còn có 2 người em gái khác là chị Kết (hiện ở TP.HCM), tôi đã đến chơi nhà, chị cho xem những lá thư rất xúc động của anh Giao, tôi sẽ xin phép chị cho đăng lên trang blog cá nhân này; chị Hợp rất xinh đẹp, học trước tôi một lớp. Hồi năm 1964, cuộc sơ tán lần thứ nhất, mấy mẹ con chị Thái có về sơ tán ở làng Trà Phương quê tôi, hình như tôi có nhìn thấy anh Giao 1 lần tại sân nhà kho HTX, ngay cửa nhà bác Khể.

Thứ Sáu, 18 tháng 9, 2009

Mây buồn

Sao mà nó giống mình thế nhỉ

Chiều nay đi làm, thấy con đường mới - đại lộ Đông Tây vắng vẻ, chưa chạy lần nào, mình lách xe vào thử. Đường rộng, người thưa, ít xe, chỉ có mấy đứa trẻ con kiếm sắt phế liệu bên bờ kênh cãi nhau chí chóe. Tự dưng có cảm giác bồng bềnh, con đường dài miên man, bầu trời thì cao, chỉ có một đám mây chập chờn phía trước. Đám mây buồn, lẻ loi, hình như nó muốn nói điều gì. Trong chốc lát, mình không phải đang ở trên đường nữa mà cứ bay mãi, bay mãi về phía bạn mây ấy.

Thứ Năm, 17 tháng 9, 2009

Một "hạt bụi Việt" xứ tuyết

Chả hiểu sao tôi cứ đinh ninh rằng ở đất Hà Tĩnh kiếm nhà thơ còn dễ hơn tìm một lão nông dân. Không ít lần tôi mắt thấy tai nghe mấy cha Hà Tĩnh ngồi với nhau chỉ câu trước câu sau đã phun thơ phèo phèo. Sao mà họ lắm thơ thế không biết. Nhưng không chỉ có thơ…

Trông cũng dễ thương đấy chứ

THA HƯƠNG VẠN DẶM
Từ nước Nga tuyết trắng, lạnh độ âm, Hoàng “đen” (tên thân mật thời sinh viên) nhắn, rằng tao mới ra cuốn nữa, nhà xuất bản Văn học, anh Hậu ở Hà Nội sẽ gửi vào cho mày. Đúng một tuần sau, tôi cầm tập thơ ấy trên tay, tít giản dị Vẫn còn có bao điều tốt đẹp.
Mỗi lần đọc thơ y, mà lần nào cũng vậy, dường như cứ loáng thoáng đâu đây nỗi niềm tâm sự mà cụ Nguyễn Trãi cách nay những hơn 600 năm thổ lộ: “Bui một tấc lòng ưu ái cũ/ Đêm ngày cuồn cuộn nước triều dâng”. Chợt thắc mắc, liệu Ức Trai tiên sinh linh thiêng biết chăng trong đám thi nhân con đàn cháu đống bây giờ có một thằng con trai đất Can Lộc, Hà Tĩnh, suốt gần ba chục niên lưu lạc đất khách quê người cũng chất chứa nỗi niềm ấy.
Trong lứa chúng tôi, độ tuổi “hậu Điện Biên” mà cái sự học hành thời sinh viên vắt từ chiến tranh sang hòa bình, có thể nói Nguyễn Huy Hoàng là người thành đạt, vinh quang vào hạng nhất nhì (có đứa làm quan đến bí thư tỉnh ủy) nhưng cũng là kẻ chịu số phận bi đát nhất. Tốt nghiệp, chúng tôi tứ tán trong Nam ngoài Bắc, còn y được giữ lại khoa (Văn, Tổng hợp Hà Nội) làm thầy, được đứng chung đội ngũ với các cây đa cây đề mới hôm nào còn gõ đầu mình như Hà Minh Đức, Phan Cự Đệ, Đỗ Hồng Chung…, rồi đi Liên Xô (ngày ấy người ta bô bô hãnh diện hoặc thèm khát: sướng như đi Liên Xô) lấy bằng tiến sĩ, kể ra cũng vẻ vang lắm. Nào ngờ đạo trời biến hóa khôn lường, cuộc nhân sinh biết đâu họa phúc, các cụ dạy cấm sai bao giờ. Tháng 8.1993, vợ chồng con cái y đi nghỉ mát, tắm biển ở Sochi, cháu Quỳnh Nga (sinh năm 1981) bị bắt cóc, tìm hết xó xỉnh nước Nga, rồi sang cả mấy thành viên SNG như Ukraine, Belorusia… vẫn bặt tăm. Thương lo cho con, chỉ sau một đêm tóc Hoàng bạc trắng. Xưa nghe chuyện Tưởng Giới Thạch bị tướng Trương Học Lương bắt giam ở Tây An, một đêm nghĩ ngợi mà trắng phớ cả đầu, cứ hồ nghi người ta nói quá, nhưng rồi được tận mắt nhìn mái tóc rễ tre trắng như rễ cỏ gà sau mưa xuân của y thì tôi tin là thật. Đi xem bói, một bà lão Dzigan quả quyết sẽ tìm được con bé sau 5 năm, thế là dù đã bảo vệ xong luận án phó tiến sĩ, đương sự vẫn phải nấn ná chờ con, lê la khắp xứ tuyết bao la, làm đủ mọi việc, thức hết mọi đêm dài. Rồi hy vọng mong manh ấy cũng lụi tàn khi năm 1998 chậm rãi trôi qua, đến tận lúc tiếng chuông điện Kremli gõ báo hiệu giao thừa 1999, đối với người ta thì đó là tín hiệu hạnh phúc, nhưng với vợ chồng y chả khác nào tiếng chuông nguyện hồn, vẫn không hé một tín hiệu gì về đứa con gái lúc ấy đã 17 tuổi chả biết sống chết thế nào. Thôi thì lỡ chuyến về lại trường cũ nước cũ, tạm lấy nước Nga làm chốn mưu sinh, rồi tự nhiên gắn bó với nó, gắn mà lòng vẫn khắc khoải nơi quê nhà. Bọn tôi bảo nhau “đi Liên Xô” như thế thì khốn nạn quá, thậm chí có đứa còn lấy “tấm gương u ám” của y để an ủi cho kiếp sống nhạt nhẽo đời mình.


Hai thầy trò, hai thế hệ, tóc trò Huy Hoàng trắng thắng tóc thầy Hà Minh Đức (tháng 10.2006)


HẠT BỤI NHỚ QUÊ
Nhắc đến Nguyễn Huy Hoàng, không mấy ai trong cộng đồng người Việt ở Nga, nhất là giới văn nghệ, lại không biết. Y dạy ở Đại học tổng hợp Lomonosov (Moscow) nhưng kế hoạch B cũng khiếp: làm “sĩ quan” hoặc cố vấn cho các soái công ty, trung tâm buôn bán; tham gia vào các hội đoàn của Việt kiều; tổ chức các chương trình xã hội, từ thiện, văn hóa văn nghệ, dĩ nhiên là cùng với nhiều người chứ không phải một mình y. Nhiều vị đại sứ, tổng lãnh sự nhà ta bên ấy coi y như người thân vì Hoàng luôn cởi mở, nhiệt tình, giúp được nhiều việc chung. Nhưng trong gã trai xứ Nghệ, nhất là kẻ lại nảy nòi từ đất làng Trường Lưu (Can Lộc) thì giải mã ADN đã thấy sẵn chất văn chương rồi. Ở nước Việt mình cũng lạ, làng nào chẳng là làng, nhưng nếu khai báo lý lịch mà ghi quê ở các làng Hành Thiện (Nam Định), Quỳnh Đôi (Nghệ An), Mộ Trạch (Hải Dương), Tả Thanh Oai (Hà Tây cũ) thì quá bằng đeo tấm huy chương hãnh diện. Làng Trường Lưu của y cũng cỡ như thế. Y còn là lứa cháu chắt chút chít dòng họ Nguyễn Huy nổi tiếng (ở làng này) với những tên tuổi làm vẻ vang nền văn chương cổ điển nước nhà như Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Hổ, Nguyễn Huy Quýnh… Hoàng viết khỏe lắm, có lúc y tự ví mình như con trâu, cày đủ cả: chuyên luận, nghiên cứu văn học, truyện, ký, tản văn, nhưng rốt lại thơ vẫn sung nhất. Trước tập thơ mà tôi vừa nói ở trên, chỉ riêng thơ, y từng có Ngoảnh lại (1995), Dư âm (1996), Phía bên kia trời (1998), Miền yêu thương (2002), Đa mang (2005). Thơ y, không chỉ bạn bè văn nghệ mà cả đám cửu vạn, ôsin người Việt ở Nga thuộc làu làu, bởi y nói hộ cho họ nỗi niềm, tâm sự của kẻ tha hương, luôn cồn cào nỗi nhớ quê xa, nhớ nước mình. Y bảo nhiều lúc nhớ đến mức ôm mặt khóc hu hu. Chúng tôi đùa nhau, ngồi với y phải cảnh giác, nhất là khi nghe đương sự đọc thơ, mủi lòng dễ mất bản lĩnh đàn ông như chơi.
Hồi còn trong nước, y chịu khó đi lắm, cứ rảnh là lên đường, nay đây mai đó. Sau này ở Nga rồi, mỗi lần có dịp về nước y vẫn nghiện xê dịch, bảo để nạp năng lượng quê nhà, làm món hành trang đem qua xứ người cho nguôi nhớ. Đọc thơ y, nhiều lúc tôi xấu hổ, thấy mình đang sống trên đất nước mình mà vẫn không có cái độ tha thiết, cụ thể, mặn nồng trong tình yêu nước yêu quê bằng y, đang chìm nổi nơi đất khách. Tặc lưỡi, mà phải thôi, bì sao được với Việt kiều… Nga.
Khi người Việt ở Nga làm ăn còn dễ dàng, ngoài thời gian thỉnh giảng cho ĐH quốc gia Moscow, ông bạn tôi được mấy soái Việt mời tham gia Ban giám đốc Trung tâm thương mại Bến Thành, hồi những năm 90 và đầu thế kỷ 21 được coi vào loại tầm cỡ tại xứ này. Suốt nhiều năm, hắn giao cho tôi và Tôn Hiền (VTV) nhiệm vụ cứ đúng ngày 27.7 là đem tiền lên biếu 6 bà mẹ VN anh hùng ở xã An Nhơn Tây, H.Củ Chi. Các mẹ cảm động lắm, lần nào cũng nhắc cái chú đó sao chưa già mà tóc bạc trắng, giọng nói trọ trẹ khó nghe nhưng nhìn mặt biết ngay là người tốt. Rồi chả chống chọi được quy luật, các mẹ ngót dần, sau mấy năm còn 4, còn 3, và điều mà cả Hoàng lẫn chúng tôi áy náy nhất là kinh doanh bên Nga ngày càng khó, chính quyền Nga gây khó dễ, Bến Thành bị khủng hoảng, trung tâm tan tác, không còn tiền gửi về, lời hứa tặng tiền cho mẹ liệt sĩ đến cuối đời bị ngắt đột ngột.
Đầu năm 2008, qua những người bạn ở Nga, tôi biết Hoàng lận đận chuyển qua chuyển lại làm “quân sư” cho khá nhiều doanh nghiệp, trung tâm buôn bán của người Việt, đi về VN xoành xoạch mở quan hệ làm ăn. Lần ấy, trước giờ lên tàu bay khứ hồi Nga, y cho gọi tôi. Ngồi cùng nhau trong sảnh nhỏ ấm cúng khách sạn Miền Đông gần sân bay, y vẫn thế, thủ thỉ về cái dự án dạy tiếng Việt cho đám trẻ con Việt ở xứ tuyết, với nỗi lo“mất tiếng mẹ đẻ thì rồi sẽ mất hết, mày ạ”. Mấy tháng sau, nhiều báo, đài trong nước đồng loạt thông tin ngay giữa thủ đô Moscow có hẳn một trường THPT công số 282 đưa việc dạy tiếng Việt vào chương trình chính khóa, sách giáo khoa từ trong nước chuyển sang, giáo viên là các nghiên cứu sinh VN. Bà hiệu trưởng Irina Egorova xinh đẹp cứ tấm tắc cảm ơn về sự trợ giúp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân VN đối với nhà trường, đặc biệt là tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng. Tôi mừng cho gã Việt kiều Nga, kẻ lưu lạc xứ người vẫn nặng lòng với hồn cốt quê nhà, mừng cho mơ ước của y đã thành sự thực. Chẳng hiểu sao tôi bất giác lẩm bẩm “Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê”. Ừ nhỉ, có lẽ Hoàng “đen” cũng là một hạt bụi, bụi quý, như lão tướng Sơn Nam viết trong bài thơ duy nhất của ông lúc sinh thời.

Từ trái sang: Nguyễn Đình Hạnh (có 2 thằng con học giỏi cực kỳ), mụ Minh Huệ (điệu ra phết), mụ Trần Thị Sánh (vua biết mặt, chúa không biết tên), mụ Lê Thanh Nga (hồi nhỏ ăn nhiều tương Bần nên ít khi nào dưới 60 ký). Giữa là Hoàng "đen". Chụp ngày 26.10.2006

Thông tin thêm
*Tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng sinh năm Giáp Ngọ 1954.
*Hiện là giảng viên thỉnh giảng ĐH Tổng hợp Lomonosov (Nga).
*Viết văn, làm thơ: Đã xuất bản: Thơ (như trong bài); Văn: Matxcơva thời mở cửa, Mưu sinh, Chuyện nhặt dọc đường; Chuyên luận: Lịch sử văn học Nga thế kỷ 19, Thi pháp truyện ngắn Gogol.

NGUYỄN THÔNG

Thứ Tư, 16 tháng 9, 2009

Coca trúng tuyển

Hồi Coca học lớp lá, dữ ra phết


Thế là không còn phải chờ đợi, phấp phỏng như... phải bỏng nữa. Tí gái Coca nhà tớ đã có tên trong danh sách đăng khoa của ĐH Huflit rồi. Ura, bravo, hoan hô, uan suay... Lại nhớ chuyện Khổng Ất Kỷ của Lỗ Tấn tiên sinh, sau bao lần thi trượt, bỗng một ngày Khổng thí sinh đầu tóc rũ rượi, xiêu vẹo trên đường, miệng không ngớt lảm nhảm: A, tớ đỗ rồi. Thế mới biết sức ép của thi cử ghê thật.

Bây giờ phải đối mặt với quả bom học phí đây, ối ông Nguyễn Thiện Nhân ôi. Chỉ có 10 triệu tệ VN một năm, tôi dè sẻn nhu cầu hằng ngày, ký cóp cho con thì ráng được, chứ con mấy anh chị tôi ở quê mà thi đậu, các bác ấy chỉ còn có nước bán nhà cho con học. Hu hu.
Ba dì cháu hè năm 2008 tại nhà của ông bà, quê làng Trà Phương

Ngài Cao Tự Thanh


Một ngày 24 tiếng, hắn cởi trần khoảng 17 tiếng rưỡi, vậy mà hôm nay lại mặc áo cho mình chớp hình, kể cũng lạ.

Trong số 13 sinh viên theo học hệ cử nhân Hán Nôm chính quy đầu tiên được mở năm 1972, hầu hết đã cân đai mũ mão tiến sĩ, ông nọ bà kia, riêng chỉ có y vẫn hàn nho. Nhưng lạ là các ông bà nghè Hán Nôm ấy luôn nhắc đến y với sự kính nể ra mặt.

KẺ MÊ SÁCH
Nhớ cái đận cùng mấy bạn đồng môn ngoài Hà thành vào, rủ nhau tìm thăm Cao Tự Thanh. Nói là “tìm” bởi lão này chuyển chỗ ở xoành xoạch, mới hồi nào quận Nhất, chuyển, chưa ấm chỗ Bình Thạnh đã nghe về Gò Vấp. Hỏi dò loanh quanh mãi, bà bán thuốc lá đầu hẻm một khu phố văn hóa dốc cầu Đỏ đi xuống chắc như đinh đóng cột “đúng ông giáo sư ôm ốm tóc dài. Ông ấy hay mua thuốc Con mèo, cứ vào hẻm đằng kia mà hỏi”.

Lại đi, lại hỏi, bác thợ mộc rậm râu thủng thẳng “cái nhà có chó sủa ấy”. Chưa kịp gõ vào cánh cửa sắt thì con chó đen to trùi trũi (ông bạn tôi gọi là thằng gấu) sủa váng nhào tới. Nghe Cao tiên sinh gằn giọng, gấu len lét cúp đuôi lùi. Phượng, cô trợ thủ đắc lực của hàn nho, khá thông thạo chữ Hán và giỏi vi tính đon đả mời khách. Ôi giời, ngày nóng cũng như lạnh, ông bạn tôi chỉ cởi trần. Lão bảo chúng mày ngồi chơi, để tao ký xác nhận mấy cái biên bản nghiệm thu công trình khoa học cho thằng Trung (anh cán bộ Viện KHXH vùng Nam bộ) đem về viện cái đã. Kể cũng lạ, chẳng giáo sư tiến sĩ học hàm học vị gì, vậy mà tham gia vào mấy cái hội đồng khoa học cấp thành phố, hình như cả cấp trung ương, còn tiếng tăm trong giới nghiên cứu Hán Nôm thì khỏi bàn. Nghe đâu sinh thời giáo sư Nguyễn Đình Thảng - một chuyên gia Hán Nôm cự phách, thầy dạy của nhiều thế hệ tiến sĩ Hán Nôm - cách đây mấy năm có tìm được tấm phướn cổ ghi hơn chục chữ Hán to cỡ nửa gang tay viết lối chữ triện, lạ lắm, có mấy chữ không mấy ai đọc được, nói gì hiểu. Thầy Thảng bảo “thôi, gửi thằng Thanh”, tin cậy đến thế là cùng. 

Tranh thủ lúc quởn tôi tha thẩn lục lọi, chỉ thấy tinh những sách. Mà cha này hình như cũng chẳng có tài sản gì đáng giá (không kể đám máy vi tính) ngoài cái đầu chứa chữ và sách, chả thế nhà báo Xuân Ba và ông giáo (nói theo cách của Nam Cao) Trần Quang Tửu vài lần ghé thăm đàm đạo, lúc về các lão cứ trợn mắt gật gù “gớm cái thằng hàn nho”, chả hiểu gớm cái gì. 

Thôi thì đủ cả sách cũ sách mới, chữ nho lẫn chữ quốc ngữ. Phần sách do chính Cao tiên sinh viết hoặc dịch để một dãy riêng, tôi đồ rằng nếu mỗi đầu sách chọn một quyển xếp thẳng đứng có nhẽ gần cao bằng đầu tác giả chứ chẳng chơi. Nói đến sách, lại lẩn thẩn nhớ chuyến cùng hàn nho tháp tùng đưa cuốn đại thư độc nhất vô nhị Việt Nam bách gia thi ra Hà Nội. Chả là nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập khoa Ngữ văn Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (cái tên gọi giờ chỉ còn chút dư âm, gợi nhiều tiếc nuối) hồi tháng 10.2006, Cao tiên sinh xin bà Đỗ Thị Phấn - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn - cho rước sách quý “một lần tới thủ đô”. Bà Phấn phân vân, đành rằng ông Thanh là người tuyển chọn thơ của trăm nhà, có công lớn nhất nhưng con yêu con quý của bà là độc ấn bản, lỡ có bề gì, nhưng rồi cũng đành tặc lưỡi “anh ráng giữ cẩn thận” mà mặt không giấu nổi vẻ buồn buồn lo lo. Đại thư (chúng tôi kính cẩn gọi là ông sách) dài rộng cỡ 1,5 x 0,8m, nặng hơn tạ, lại kèm cả giá đỡ sắt vài chục ký, Thanh và mấy đệ tử phải thuê ô tô (không dám xích lô, nhỡ mưa thì khốn) chở ra ga Hòa Hưng đóng thùng gửi tàu hỏa, chỉ riêng cước phí đã mất hơn triệu bạc. 

Hôm sách quý ra mắt tại Viện Hán Nôm cũng như tại hội khoa, quả là sự kiện hoành tráng. Tôi thấy cô Phượng xỏ găng tay trắng cung kính đứng bên “ông sách”, người nào muốn xem phải do chính cô cẩn thận lật giở, cấm cho ai mó tay vào. Nghe các thầy, rồi cả mấy ông viện trưởng viện phó Viện Hán Nôm tấm tắc, gã hàn nho tuổi Ất Mùi (1955) sướng ra mặt.

Dũng (tên thật của Cao Tự Thanh) có lần khai báo với bạn bè “chữ Tự Thanh tôi lấy từ 2 câu thơ viết về một dòng suối: Điềm đạm vô nhân kiến, Niên niên trường tự thanh (lặng lẽ không người thấy, năm này qua năm khác cứ mãi tự trong trẻo)”. Quả thật suốt bao năm y đã sống trung thành với nguyên tắc đặt tên ấy, Tự Thanh, trong trẻo cùng tháng năm. Và sự nghiệp đã rất Cao. Nói thêm, nếu chưa tường tận về hàn nho, chắc không mấy ai biết y là con trai của một nhân vật nổi tiếng Nam Bộ thời chống Mỹ và nhất là thời “trước đổi mới”: ông Nguyễn Văn Chính, tức Chín Cần. Dân gian có câu: “Bắc khoán hộ Kim Ngọc/ Nam một giá Chín Cần”. Nhân vật này chúng tôi sẽ xin hầu chuyện vào dịp khác.
Hàn nho Cao Tự Thanh và tiến sĩ Nguyễn Công Việt - Phó viện trưởng Viện Hán Nôm bên độc ấn bản Việt Nam bách gia thi

BẤT NGỜ “GẶP CỤ PHẠM QUỲNH”

Cũng là kẻ mê sách nhưng lâu nay ít đọc, phần bận cuộc mưu sinh, phần nhiễm phải cái thói cứ động một tí là lụy vi tính, internet nên đã lâu tôi chẳng mấy khi cầm cuốn sách nào được đến mươi phút. Đang tâm thái ấy, trong lúc ký giả Xuân Ba và Cao tiên sinh đang say sưa đàm đạo, bất chợt nhìn lên giá sách tôi rút một cuốn cũ kỹ khổ bằng bàn tay, giấy ố vàng, bốn góc bìa nát nham nhở. Lật vài trang thấy toàn chữ Hán viết đủ kiểu chân, triện, lệ, hành, thảo kèm theo những bức tranh vẽ theo phong cách thủy mặc cực đẹp. Chủ nhà đang say với bạn tri kỷ, thấy tôi cầm cuốn sách quý của mình dáng điệu bất cẩn liền hắng giọng “mày có biết đang cầm cái gì trên tay không?”. Biết hỏi kẻ sở học nông cạn như tôi kể bằng thừa, hàn nho giảng giải: xét tuổi, hai cuốn này (thì ra còn một cuốn nữa tôi không để ý) dễ đã hơn trăm năm, còn chủ nhân đích thực của nó, là ai biết không, Phạm Quỳnh đ.â.ấ.y (y dài giọng)! 

Tôi lật giở, ừ nhỉ, trên mỗi trang bìa sau bằng loại giấy na ná giấy xi măng vẫn nguyên chữ ký chân phương giản dị của cụ Thượng Chi, màu mực tím, đậm và rõ. Nét chữ mềm mại, kiểu chữ đặc trưng thế hệ Tây học những năm trước cách mạng không lẫn vào đâu được. Nhẩm tính chỉ từ hồi cụ chủ bút báo Nam Phong ký xác nhận quyền sở hữu của mình vào cuốn sách đến nay chí ít phải bảy tám chục năm, vậy sao thứ mực tím tôi chắc là mực Parker kia phóng qua ngòi bút sắt cứ như vừa mới thấm khô, dễ làm ta tưởng tượng người ký dòng chữ ấy vừa nhấc ngọn bút khỏi trang giấy bản rồi khoan thai bước đâu đó nhẩm mấy câu thơ mà khen cái sự tuyệt hảo của người xưa. 

Lại nhớ lứa chúng tôi sinh ra sau hòa bình lập lại hồi học cấp 3 được các thầy giảng về cuộc tranh luận quanh truyện Kiều, cũng chỉ được học duy nhất bài Luận về chánh học cùng tà thuyết của cụ Ngô Đức Kế tranh luận với cụ Phạm Quỳnh chứ có thấy trước tác của cụ Phạm đầu đuôi nó thế nào, nghe thì tạm hiểu rằng “chánh học” đương nhiên thuộc về cụ nghè Ngô - nhà nho yêu nước, còn “tà thuyết” ắt phải là Phạm Quỳnh - người làm quan đến chức Thượng thư bộ Học, rồi sau đó bộ Lại của triều đình tay sai phản động. Sau này khi cuộc sống đã cởi mở, tìm hiểu những khúc nhôi chưa tỏ về con người này ta biết ông có kết thúc số phận cá nhân thật bi đát và lịch sử kể từ sau cách mạng chưa công bằng với ông.

Mấy lần lão nhà văn Thái Vũ ghé tòa soạn Thanh Niên chơi, tôi lân la hỏi được ông lão kể lại, dù làm quan chức trọng quyền cao tột bậc nhưng sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9.3.1945) cụ Phạm về ở ẩn tại biệt thự Hoa Đường bên sông đào Phủ Cam (Huế) và trong cơn sục sôi cách mạng đánh Pháp đuổi Nhật hạ bệ Nam triều, ngày 23.8.1945 cựu Lại bộ thượng thư Phạm Quỳnh bị một nhóm thanh niên Việt Minh đến nhà “mời” đi, cùng lúc là cả cha con ông Ngô Đình Khôi (Tổng đốc Quảng Nam, anh ruột ông Ngô Đình Diệm), kể từ đó họ mãi mãi không trở về.

Lại nói về bộ sách quý. Biết tôi mù chữ Hán, ông bạn họ Cao giảng giải bộ này gồm 6 cuốn (Cao tiên sinh mới có 4 cuốn, còn vì sao thiếu 2 cuốn tôi sẽ nói sau) tên gọi Thi họa phảng (Thuyền thi họa), thứ tự các cuốn từ 1 đến 6 theo chủ đề là: Sơn thủy, Nhân vật, Hoa điểu, Thảo tùng, Mai lan trúc cúc, Phiến phổ. Khổ sách nhỏ, 17 x 10cm, giống loại sách thiếu nhi khá phổ biến của NXB Kim Đồng, giấy bản mịn, do một NXB nào đó của Trung Quốc ấn hành không thấy đề tên nhưng ghi rõ năm xuất bản Quang Tự Mậu Tý, nếu cứ chiếu theo đời vua Quang Tự nhà Thanh thì vào năm 1888. Tính đến Mậu Tý 2008 vậy bộ sách này đã thọ ngoại bách tuế, chính xác là 120 tuổi. 

Tôi săm soi lật kỹ thấy phía dưới chữ ký mềm mại của cụ Thượng Chi còn có con dấu tròn son đỏ, ghi rõ: phía trên Quốc gia Việt Nam, phía dưới Trung Phần trong vòng tròn bao bọc, chính giữa là hai chữ đậm hơn: Văn Hóa. Tôi thắc mắc, Cao tiên sinh giải thích chỉ có dưới trào Ngô Đình Diệm mới dùng danh từ Trung Phần để chỉ miền trung Việt Nam. Đây có lẽ là con dấu của một cơ quan lưu trữ hoặc thư viện nào đó hồi Ngô Đình Cẩn thay mặt chính quyền họ Ngô cai trị xứ Huế. Phải chăng sau cơn gia biến tang thương ngày 23.8 ở biệt thự Hoa Đường, gia đình cụ Phạm thượng thư phút chốc nát tan mỗi người mỗi ngả, đến thân mạng còn không giữ được nói chi sách vở.

Nhà văn Thái Vũ kể sau này có hỏi ông Phan Hàm (khi ấy là thanh niên tiền tuyến của Việt Minh, về sau lên đến cấp tướng QĐND VN) người trực tiếp chỉ huy việc bắt Phạm Quỳnh, ông Hàm cho biết đã khám xét khá kỹ căn biệt thự, kể cả những tủ sách. Vậy thì những cuốn sách mà chủ nhân từng vẩy bút đặt lên chữ ký mực tím Parker tươi rói bắt đầu chặng đường lưu lạc từ đây chăng? Khi Ngô Đình Cẩn làm lãnh chúa Trung phần, ông ta từng cho sưu tầm thu gom nhiều di sản văn hóa cổ, trong đó có các tác phẩm Hán Nôm quý hiếm để nhà nước quản lý, lưu trữ, vì thế mới có con dấu tròn Văn Hóa ấy.

Trang bìa cuốn 2 Thi họa phảng có chữ ký của cụ Phạm Quỳnh


Nhưng tại sao sách quý lại lưu lạc đến nhà bạn tôi? Hàn nho Cao Tự Thanh thuật lại rằng giữa năm 1975 y đang học năm thứ ba ngành Hán Nôm khoa Văn trường ĐH Tổng hợp Hà Nội thì miền Nam giải phóng, nôn nóng quá bèn bỏ dở chừng vào ngay Sài Gòn (chuyện này tôi biết bởi tôi cùng khóa với y, chỉ khác ngành học). Một trưa cuối năm trong túi chỉ có 300 đồng tiền chế độ cũ đủ để ăn sáng vài bữa, đang lang thang thì gặp bà cụ quẩy gánh ve chai đi về chợ sách cũ Đặng Thị Nhu (Q.1) gần chợ Bến Thành. Thấy trong đống lộn xộn sách cũ sách mới hai quyển bìa đã cũ nát, lật giở biết là quý thư bèn quyết mua bằng được. Bà cụ đòi 300 đồng, chàng sinh viên nghèo năn nỉ, rốt cục dứt giá hai trăm. Đem về đọc kỹ mới tá hỏa tam tinh vì bộ sách những 6 cuốn, đóng thành 3 tập, nhớn nha nhớn nhác thế nào chỉ thấy hai, mất toi một tập gồm 2 cuốn Sơn thủy và Nhân vật. Tiếc đứt ruột nhưng bà cụ ve chai ấy biết tìm nơi đâu. Ra chợ Đặng Thị Nhu bao lần dò la nhưng cả người lẫn sách vẫn bặt âm vô tín. Thôi thì cái duyên nhiều khi nó cứ dở dang vậy, ngay cả mối duyên với sách. Bù lại, phát hiện ra chủ nhân của 2 tập sách gần trăm tuổi kia (tính đến thời điểm đó) chính là Thượng Chi Phạm Quỳnh. 

Tôi thắc mắc sao biết đó chữ ký của cụ Phạm, ông chủ sách đương thời trợn mắt “tao từng nghiên cứu bao nhiêu sách Hán Nôm cái xứ này, có cả sách của Phạm Quỳnh, chữ ký ấy lẫn đi đâu được”. Nói đến đây, Cao tiên sinh với tay lên đầu ghế lấy chiếc áo sơ mi mặc vào nghiêm chỉnh, tôi thấy lạ thắc mắc sao không cởi trần cho mát, y trừng mắt “đọc sách phải đàng hoàng”, sau đó giở cuốn Thảo tùng ra, chỉ vào trang trái vẽ hai cây trúc quân tử cứng cáp phong sương, trang phải kèm hai câu viết theo lối chữ triện, đọc sang sảng “kiên phối tùng bách/ kính lăng sương tuyết” (bền ngang tùng bách/ cứng khinh tuyết sương) rồi cười khà khà: thấy chưa, người đọc những cuốn sách ấy chẳng phải tầm thường đâu.

Đời sách, tôi nghĩ, cũng như con người có khi phải trải qua bao dâu bể, số phận thăng trầm. Lại lẩn thẩn rằng nếu ông nhạc sĩ Phạm Tuyên, thứ nam của cụ Thượng Chi biết được ở đâu đó trên cõi đời này có người đang nâng niu trân trọng những cuốn sách một thời ghi dấu thân phụ mình, chắc ông ấy cảm động lắm.


Hai trang trong cuốn Mai lan trúc cúc
Sài Gòn 2008
NGUYỄN THÔNG

Thứ Hai, 14 tháng 9, 2009

Bậc cha chú dạy con cháu

Hôm nay 14.9, đọc báo Lao Động thấy có một cái tin đăng trên trang nhất mà tức anh ách. Sao các quan chức nhà ta lại cứ để quan Tàu nó dạy bảo, ngoan ngoãn lắng nghe như vậy nhỉ. Nó công khai truyền cho kinh nghiệm đàn áp dân nó, kệ cha nó chứ, lắng nghe làm gì.
Dưới đây là bản tin của báo Lao Động

Không cho phép thành lập cái gọi là "Ban đại diện của tập thể lao động"
Lao Động số 206 Ngày 14/09/2009 Cập nhật: 8:10 AM, 14/09/2009

(LĐ) - Đó là ý kiến của Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, Phó Uỷ viên trưởng Uỷ ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc, Chủ tịch Tổng Công hội Trung Quốc Vương Triệu Quốc.
Trong bài phát biểu chào mừng Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng tại buổi tiếp đoàn đại biểu Tổng LĐLĐVN tại Đại lễ đường nhân dân Trung Quốc ở thủ đô Bắc Kinh ngày 10.9 (ảnh), đồng chí Vương Triệu Quốc - Uỷ viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, Phó Uỷ viên trưởng Uỷ ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc, Chủ tịch Tổng Công hội Trung Quốc đã nhấn mạnh: "Công đoàn Trung Quốc là cơ sở xã hội của Đảng Cộng sản Trung Quốc, là cầu nối giữa Đảng với đông đảo công nhân và nhân dân lao động, là trụ cột của chính quyền nhân dân, là người đại diện bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động". Đồng chí Vương Triệu Quốc cho biết Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn đánh giá cao vai trò của Công đoàn (CĐ) Trung Quốc vì hơn ai hết CĐ là tổ chức của giai cấp công nhân và đông đảo NLĐ, sâu sát, gần gũi với công nhân và nhân dân lao động, phản ánh kịp thời tình hình và tư tưởng của quần chúng nhân dân để Đảng và Nhà nước có thể đưa ra những quyết sách đúng đắn, đảm bảo lợi ích của nhân dân, đồng thời phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trước những âm mưu "diễn biến hoà bình" và chống phá của các thế lực thù địch muốn đa nguyên CĐ, đồng chí nhấn mạnh Đảng Cộng sản Trung Quốc không bao giờ cho phép thành lập cái gọi là "CĐ độc lập" hay tinh vi hơn là "ban đại diện của tập thể lao động" nhằm chia rẽ Tổng Công hội Trung Quốc, chia rẽ giai cấp công nhân và NLĐ, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân. Một khi giai cấp công nhân và những NLĐ bị chia rẽ, tức là cơ sở xã hội của Đảng bị phá vỡ sẽ làm phương hại đến vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Đồng chí Vương Triệu Quốc đánh giá cao chuyến thăm của đoàn đại biểu Tổng LĐLĐVN do Chủ tịch Đặng Ngọc Tùng dẫn đầu và đề nghị CĐ hai nước VN - Trung Quốc tăng cường giao lưu hợp tác hơn nữa theo chiều sâu với nhiều cấp độ, nhiều hình thức đa dạng và phong phú, góp phần quan trọng vào việc tăng cường tình hữu nghị giữa hai Đảng, hai Nhà nước, tổ chức CĐ và nhân dân hai nước VN - Trung Quốc.

Thứ Tư, 9 tháng 9, 2009

Sửa xe

Trông nghệt ra như thằng ngố


Đã có băng rôn rồi, khỏi cần chú thích, chỉ có điều bác nào trông cũng béo mũm mĩm


Chuyện này chả có gì ghê gớm, nhưng hôm nay sửa được cái xe máy. Nhẹ cả người.

Ghi chú bổ sung: Ảnh đoàn nhà báo thăm đảo Bạch Long Vĩ là của ông bạn đồng hương, nhiếp ảnh gia LQP. Còn ảnh mình, thằng Đào Ngọc Thạch chụp trộm lúc mình chờ con gái tan thi đại học, trông chán chết.



Thứ Hai, 7 tháng 9, 2009

Lãng phí

(Thấy các VIP họp hành liên miên, lãng phí tiền bạc của dân quá trời, xin đăng lại bài này, tuy cũ nhưng vẫn còn nhiều tính thời sự, chả biết người ta có thủng lỗ tai?)

CHỐNG LÃNG PHÍ TỪ ĐÂU ?

Cách đây không lâu, phóng viên báo Thanh Niên tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long gửi về tòa soạn một tin khoảng trăm chữ, đọc lướt qua thì thấy cũng bình thường như bao bản tin thời sự khác nhưng nếu chỉ để ý chút thôi sẽ phải giật mình. Nội dung tin đại loại rằng vào ngày 29.6 tại TP Long Xuyên (tỉnh An Giang), Ban Khoa giáo T.Ư tổ chức hội nghị giao ban công tác cho lãnh đạo khoa giáo 32 tỉnh thành khu vực... phía Bắc. Trước đó không lâu, tại một tỉnh xa xôi phía Bắc, ban này cũng tổ chức hội nghị tương tự cho 32 tỉnh thành... phía Nam. Lẽ dĩ nhiên cả hai hội nghị đều thành công tốt đẹp. Chả biết những nhà tổ chức có ý định kết hợp hội nghị với việc tham quan, giao lưu học hỏi kinh nghiệm gì không nhưng ít nhất những vị đại biểu khoa giáo của 64 tỉnh thành cũng được một chuyến du lịch nội địa bằng... ngân sách nhà nước.
Ai cũng biết tham nhũng và lãng phí là hai quốc nạn hàng đầu mà toàn Đảng, toàn dân ta đang chiến đấu một cách quyết liệt để xóa bỏ. Trước tình trạng tham nhũng, lãng phí ngày càng tràn lan, ngày 30.12.2004, Ban Bí thư T.Ư đã ban hành Chỉ thị số 47 CT/TW về việc triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, được nhân dân hết sức đồng tình, ủng hộ. Từ bấy đến nay, hiệu quả của chỉ thị trên đã thấy rõ khi ý thức tiết kiệm trong toàn thể cán bộ, nhân dân ngày càng được nâng cao, nhiều vụ lãng phí bị phanh phui, xử lý nghiêm khắc. Trong lúc hàng triệu người lao động đổ mồ hôi, công sức, chất xám ra làm tăng thêm của cải, vật chất cho xã hội thì sự lãng phí, xa hoa nên được coi là hành vi phá hoại, vô đạo đức. Càng thực hành tiết kiệm, ta lại càng thấm thía sâu sắc lời dạy của Bác Hồ: Sản xuất mà không tiết kiệm thì như gió vào nhà trống!
Người xưa có câu “Tại trên ngồi chẳng chính ngôi, Để cho kẻ dưới chúng tôi lăng loàn”, thiết nghĩ mỗi đơn vị, cá nhân cấp càng cao, quyền càng lớn thì càng cần phải gương mẫu thực hành tiết kiệm, dù việc to việc nhỏ, có như thế mới làm gương sáng để mọi người noi theo.
N.T

Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2009

Người trồng táo vỉa hè




Cứ mỗi lần nhắc đến nhà thơ thương binh Hoàng Cát trong tôi lại dậy lên những cảm xúc, kỷ niệm khó quên.
Hoàng Cát sinh năm Nhâm Ngọ 1942 hơn thế hệ tuổi tôi đúng một giáp. Khi anh cầm súng diệt Mỹ trên các chiến trường Trị - Thiên, Quảng - Đà thì chúng tôi vẫn suốt ngày đánh độc chiếc quần đùi lặn ngụp cánh đồng quê mò cua bắt ốc. Bị thương nặng, năm 1971 về hậu phương, anh viết văn làm thơ mau chóng nổi danh làng văn nghệ. Đến nay sau hơn 34 năm tôi còn nhớ như in cái tâm trạng bâng khuâng buồn buồn khi đọc truyện ngắn Cây táo ông Lành của anh đăng trên tuần báo Văn Nghệ năm 1974, in phía trên, trang giữa dành riêng cho thiếu nhi nhân ngày 1.6. Truyện chỉ gần nửa trang, nội dung đại loại về cây táo, mớ táo rụng và lũ học trò nhỏ tinh nghịch, đọc nhẹ nhàng xúc động, đầy tình người. Ấy, đọc xong nghĩ thế thôi, tặc lưỡi đánh tách “gớm, cái ông Hoàng Cát viết thích nhỉ” nào ai ngờ được chỉ ít ngày sau um xùm lên “vụ án Cây táo ông Lành”. Ông bạn tôi, thầy giáo Nguyễn Văn Vy (nay đã ra người thiên cổ), một “fan” của Hoàng Cát, hồi còn dạy ở trường Dự bị đại học TP.HCM có lần bảo “văn chương xứ mình nhiều chuyện kỳ cục, có những vụ án văn nghệ, chẳng hạn vụ Cây táo ông Lành không ai biết xuất phát từ đâu, không nguyên cáo, không xét xử, mọi thứ rất mơ hồ, chỉ có bị cáo là thật bỗng dưng lăn ra chết như giặc”. Còn gì nữa, người ta xúm vào đánh hội đồng, chả biết nhà văn thương binh tuổi ngựa từng phải bỏ lại một cẳng chân trên chiến trường đất Quảng bị vùi hất lên bờ xuống ruộng thế nào, chỉ thấy mãi hơn mười mấy năm sau tôi mới được đọc lại anh qua đôi bài thơ đăng báo này báo khác. Tự hỏi chừng ấy thời gian nào có ngắn, một phần quan trọng của đời người chứ ít đâu, anh làm gì, sống ra sao, có còn là Hoàng Cát như ấn tượng ban đầu? Qua bạn bè sinh sống ở thủ đô, tôi cũng được biết ít nhiều rằng anh có viết lại, được “xóa án” tự nhiên, có thêm mấy tập thơ (Tháng giêng dai dẳng, Ngôi sao biếc, Thì hãy sống, Thanh thản...), thậm chí còn in truyện ngắn (lại truyện ngắn, hóa ra đám văn nghệ sĩ chết cái nết không chừa), nhưng sống khổ hơn cả hồi chiến tranh, làm đủ mọi nghề lương thiện kiếm kế sinh nhai, vậy mà chân thật thẳng thắn thủy chung ít ai bằng. Sơ sơ thế đã thấy quý trọng anh, đến một ngày lò dò ra hiệu sách Quỳnh Mai trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3) bất chợt thoáng cái tên tác giả Hoàng Cát, tên bìa chất chứa nỗi niềm Cám ơn vỉa hè, thầm nghĩ lại thêm cuộc vật lộn với đời để làm người chăng?
Cuộc sống quanh ta có biết bao thứ cần phải cám ơn, ông này mới lạ, sao lại cám ơn vỉa hè? Nhớ hồi bắt đầu triển khai nghị định 36/CP mười mấy năm trước, vỉa hè đô thị khắp nước như trải qua cơn bão. “Bão” cuốn đến đâu, vỉa hè sạch bong đến đó, chẳng còn quang gánh thúng mủng của mấy cô bán rong, bàn ghế bà hàng nước, đồ nghề mấy ông bơm vá xe, cả cảnh xe đạp xe máy tràn xuống lòng đường... Sạch tuốt, đường thông hè thoáng. Tôi có anh bạn cử nhân văn chương đàng hoàng, tên Trần Quang Thuật, cũng tập tọng thi phú, chả biết đường công danh, gia đình lận đận thế nào đến nỗi phải dạt ra vỉa hè vá xe, che tấm bạt nhỏ dưới chân cột điện ráng kiếm ngày vài đồng nuôi vợ nuôi con. Tưởng yên thân, gặp 36/CP cả nhà treo niêu đứt bữa. Mấy lần gặp nhau ngoài đường nhìn dáng gầy gò liêu xiêu tha thẩn xách hòm đạn đại liên đồ nghề, nách cắp chiếc bơm đi như vô định thấy thương lắm. Mất chỗ sinh nhai, đành sắm cái xe xích lô chạy lòng vòng chở khách, kể cả làm mối đưa đón gái đứng đường. Hóa ra trong cuộc đời này có những thứ không là cái đinh gì với ta nhưng lại vô cùng can hệ đến số phận người khác. Cái vỉa hè là một minh chứng. Hãy nghe Hoàng Cát tâm sự: Ta cám ơn cái vỉa hè bụi bặm/Đã nuôi ta những năm tháng cơ hàn/Ta cám ơn những tháng ngày mưa nắng/Cho ta hiểu Đời trong đục buồn thương... Ôi ta cám ơn cái vỉa hè yêu dấu!/Nếu không có Mi, ta chết đói lâu rồi!/Hoặc có thể trở thành thằng ăn cắp,/Rồi vào tù đến mọt xác - vỉa hè ơi... (Cám ơn vỉa hè). Ừ thì gắn với vỉa hè, như ông bạn vá xe của tôi hay hàng vạn người tha phương cầu thực buôn thúng bán bưng đã đành một nhẽ chứ sao lại ứng vào nhà thơ Hoàng Cát? Có lẽ cũng cần nhắc lại sự vô lý, bất công này. Một chiến sĩ từng bao năm xông xáo lăn lộn trên chiến trường ác liệt bậc nhất thời đánh Mỹ, thương binh thực thụ- cứ nhìn cái chân cụt thì biết, có tài văn thơ được nhà thơ nổi tiếng Xuân Diệu thương mến nhận làm em kết nghĩa, người luôn khao khát làm điều gì đó có ích cho đời, cho mọi người, vậy mà tai bay vạ gió kể từ “cây táo ông Lành”. Bị ném ra ngoài biên chế, cắt hết mọi tiêu chuẩn kể cả phụ cấp thương tật, đằng đẵng hơn cả chục năm viết văn làm thơ chẳng ai đăng (vì sợ liên lụy), sao tránh khỏi buồn “là thi sĩ ta chẳng lừa ai được/ chỉ buồn thương cho cuộc thế trò chơi”. May còn có cái vỉa hè, nó đã cứu anh, níu giữ anh lại với đời. Trên vỉa hè tình nghĩa ấy anh lại có đất để trồng, để ươm những quả táo nhân văn, lần này không phải chỉ cho trẻ con mà cả người lớn nữa. Mà thôi, đấy là công nuôi dưỡng tái tạo của vỉa hè vô tri đối với số phận một con người; nhưng còn cả cái xã hội mà anh đã bỏ máu xương ra để bảo vệ có lẽ nào cứ tiếp tục dửng dưng? Nhà thơ thương binh không lên tiếng đòi về cho mình và chính vì thế chúng ta cứ mãi mắc nợ anh. Nghĩ đến Hoàng Cát, tôi thầm hỏi sao đến nay không có ai (vốn thường tự xưng đầy tinh thần trách nhiệm) đứng ra, nếu không xin lỗi người thương binh ngay thẳng ấy thì cũng phải làm cái việc hợp đạo lý là phục hồi tức khắc quyền lợi máu xương của anh chứ. Hoàng Cát có lần “nói chuyện với cây khế”: Ta đã trải nhiều chua, lắm đắng/Liệu cuối đời, khế cho trái chi đây? Câu trả lời vẫn bỏ ngỏ nhưng còn ngỏ thêm ngày nào thì chúng ta còn mắc nợ thêm anh, à không, ông thương binh Hoàng Cát, càng kéo dài nợ càng lớn càng đau. Được biết không ít bạn bè khuyên nhà thơ thương binh gõ cửa này cửa nọ nhưng anh chẳng màng. Cứ ngẩng đầu mà sống, hai tay vày lỗ miệng, chẳng cần xin xỏ, khiếu nại ai. Thì đấy là chuyện của anh, một tâm hồn cao thượng không thèm chấp nê thói đời. Nay lão thi sĩ vỉa hè Hoàng Cát đã vượt quá ba-rem lục tuần, tuổi 66, cuộc chiến đi qua đã hơn 33 năm, dù có giải quyết chế độ cho anh cũng là muộn lắm rồi. Tôi trộm nghĩ giá có ai báo cáo trường hợp này cho Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Thị Kim Ngân, người phụ nữ duy nhất trong nội các (phụ nữ thường nhạy cảm), biết đâu chính bà bộ trưởng sẽ ra tay hái cho anh trái khế ngọt cuối đời?
Hồi gần cuối năm ngoái ra Hà Nội tôi nhủ lòng phải bằng được đến thăm, nói lời cảm phục nhà thơ- kẻ sĩ- thương binh. Biết chỗ anh cư ngụ ở khu nhà 10A Trương Định, Hà Nội- nơi xưa kia có cây táo dại nhưng thật không may, anh đi đâu đó xa chưa về. Thôi hẹn dịp khác. Đi trên lề đường thủ đô rợp bóng cây tôi cứ thoáng nghĩ nơi nào đó mình vừa bước qua còn in một dấu chân, chân bên phải, của người thương binh đã hơn 3 thập niên lăn lóc chốn vỉa hè để làm người.


N.T

Ảnh: -Nhà thơ Hoàng Cát – photo: ĐOÀN TỬ HUYẾN -Nhà thơ Hoàng Cát trong buổi giới thiệu tập thơ mới nhất Thanh thản, tháng 6.2008- photo: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN

Thứ Sáu, 4 tháng 9, 2009

Blogger gặp bão

Meo meo meo rửa mặt như mèo


Mấy hôm nay, thấy liên tiếp các tác giả nhật ký cá nhân điện tử, thiên hạ gọi là blogger, được phú-lít hỏi thăm, khiếp quá. Đánh đâu không đánh, đánh bọn trí thức cục phân ấy làm gì, chả lẽ để dằn mặt... Trung Quốc. Vậy có thơ rằng: Thương thay thân phận con rùa/ Trên đình đội hạc, dưới chùa đội bia.

Thứ Năm, 3 tháng 9, 2009

Hôm qua, nhân ngày Quốc khánh 2.9, thấy mấy sếp của Huỳnh Ngọc Sỹ "lập thành tích" bằng cách khánh thành non đại lộ Đông Tây, mặc dù trông nó còn rất nhôm nhoam, tớ đành post lại bài này lên cho đỡ tức.

Tầm nhìn
Cách đây chưa lâu, nhà thơ Thanh Thảo có bài thật xúc động về cầu Rạch Miễu - công trình cực kỳ quan trọng đối với ốc đảo Bến Tre, trong đó ông không ngần ngại khi khẳng định cây cầu sẽ tạo cú hích, giúp Bến Tre một lần nữa đồng khởi tiến lên no ấm. Trong niềm vui chung, nỗi lòng của nhà thơ cũng là tâm trạng của nhiều người, cả tôi nữa, nhưng… sao cứ thấy lấn cấn điều gì chưa thể nói ra. Rồi chẳng phải chờ đợi lâu, chỉ sau thời gian ngắn cầu “thế kỷ” (bà con xứ dừa đặt tên nó như thế) được đưa vào khai thác, điều lấn cấn đã bộc lộ ra: ùn tắc giao thông. Cây cầu quả thật hoành tráng bởi chỉ riêng phần vượt qua sông Tiền đã dài gần 3 cây số, rất cao với tĩnh không lên tới 37,5m, nhưng than ôi, mặt cầu quá nhỏ, 12m rộng chỉ đủ 2 làn xe (còn hẹp hơn cả con đường Cống Quỳnh khiêm tốn trước tòa soạn báo Thanh Niên), chịu không nổi lượng xe lưu thông quá lớn bấy lâu nay như bị ức chế, dồn nén, giờ đây được dịp tuôn trào. Nếu ùn tắc hai bên sông do chờ phà lại đi một nhẽ vì phà có chuyến có giờ, ngày thường đã căng, dịp tết nhất thôi đành chịu vậy. Hình như đã bao năm người dân xứ dừa mặc nhiên chấp nhận tình trạng ấy, phận cù lao sông nước biết làm sao. Suốt mấy chục năm ngóng những cây cầu giúp mình phá thế độc cư. Và mừng. Và không ít thất vọng. Khi khánh thành cầu (bị chậm gần 2 năm so với kế hoạch) người ta hơi ồn ào về thành tích “công trình đầu tiên do Việt Nam tự thiết kế, thi công” mà đâu biết rằng cái dở đã mai phục sẵn ngay trong điều hay đó. Ông giám đốc Sở Giao thông vận tải Bến Tre giải thích cầu được thiết kế từ năm 97 - 98, lúc ấy do ít vốn, ít xe nên mặt cầu rộng chừng ấy (12m) là vừa. Trời ạ, từ khi manh nha xây dựng đến nay mới hơn chục năm, từ lúc sử dụng cầu đến lúc phát hiện ra tình trạng kẹt xe chỉ vẻn vẹn vài ngày, vậy công tác thiết kế, quy hoạch dứt khoát có vấn đề rồi. Trên thế giới, ngay nước Trung Quốc láng giềng chứ đâu xa, người ta quy hoạch, thiết kế đường sá, cầu cống, đô thị với tầm nhìn cho cả trăm năm, chả thế nhiều người đi tham quan du lịch về cứ trầm trồ, thán phục họ bao nhiêu thì lại thấy lòng nặng trĩu về cơ sở hạ tầng xứ mình bấy nhiêu. Nếu công trình không khỏe, không thọ được bách niên như của họ thì chí ít ra cũng phải vài chục niên, ai đời lại đo bằng năm, bằng tháng, bằng ngày như thế bao giờ. Ngày đầu xuân, tôi phóng xe máy về chiêm ngưỡng cầu Rạch Miễu. Thấy tôi đứng tần ngần dưới chân cầu, nhìn lên đỉnh cầu cao vòi vọi, vừa dốc vừa dài xa tít tắp, hai dòng xe xuôi ngược nối đuôi, một ông cụ phía bờ Tiền Giang lại gần bảo: chú ạ, chỉ cần một chiếc mất thắng hoặc chết máy ở lưng cầu, đỉnh cầu thì không biết những gì sẽ xảy ra. Làm gì còn chỗ né. Nghe cụ nói, tôi quả thật đồng cảm với sự ái ngại ấy.
Mà đâu chỉ cầu Rạch Miễu. Ở TP.HCM, chả biết các nhà thiết kế đeo kính cận kính viễn thế nào mà cầu Nguyễn Tri Phương vắt ngang qua đại lộ Đông Tây chỉ có tĩnh không 2 mét rưỡi, xe buýt chui qua không lọt, nói gì xe siêu trường siêu trọng. Chả nhẽ đại lộ (công trình đang ngốn biết bao tiền của) chỉ dành cho taxi, xe máy lưu thông? Người ta chữa cháy bằng phương án đẩy đường ra sát mép kênh để thêm một chút nữa chiều cao gầm cầu nhưng tôi dám đoan chắc rằng cũng không được bao nhiêu, chưa kể đường thấp hơn mức nước lúc triều cường, gặp khi trời mưa nước không có lối thoát sẽ biến đoạn đường thành cái hồ chứa cho người xe tha hồ bì bõm. Rồi nữa, người dân nhiều khu đô thị mới ở TP.HCM ca thán về tình trạng nước ngập. Nhà thiết kế, quy hoạch các dự án đâu có ngán ngại gì tình trạng biến đổi khí hậu nên tính cốt nền thấp, dẫn tới vài năm trở lại đây triều cường là mối đe dọa đối với hàng vạn hộ dân cư. Nâng đường, Nhà nước tốn ngân sách; nâng nền nhà, người dân tốn kém cực khổ trăm bề. Trên đất nước mình, có ai đếm được biết bao công trình “thiển cận” như thế.
Nhớ hồi đi học, trong chương trình trung học có truyện ngắn Tầm nhìn xa của nhà văn Nguyễn Khải. Mặc dù sau này chính tác giả nhìn nhận lại một vài ấu trĩ nhưng có lẽ suy nghĩ của anh Biền chủ nhiệm HTX, đại để rằng người cán bộ làm việc cho dân luôn phải có tầm nhìn xa, phải tỉnh táo nhìn về tương lai, đừng để những mối lợi vặt vãnh, trước mắt ràng buộc mình, suy nghĩ ấy qua hơn nửa thế kỷ vẫn còn nóng hổi.
Thiếu tầm nhìn xa, kết quả nhỡn tiền là tự mình hại mình. Hình như chẳng phải chỉ trong chuyện xây cầu cống, quy hoạch đô thị…
N.T